PNO - PN - Không ít cặp vợ chồng “rổ rá cạp lại” phải chịu đựng hoàn cảnh “con anh, con em đánh con chúng mình”. Việc giáo dục, nuôi nấng cả ba dòng con trong một gia đình làm sao cho công bằng, hiệu quả thật là khó khăn, phức tạp....
edf40wrjww2tblPage:Content
“Yêu nhau mấy núi cũng trèo…”
Cách đây nửa thế kỷ, ở xã Tân Cương, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên có đám cưới đơn sơ của anh giáo viên cấp II Nguyễn Quang Hướng 38 tuổi và chị nông dân Dương Thị Do 30 tuổi. Người dân trong xã không ngạc nhiên vì đám cưới “đời sống mới” chỉ đơn giản nước chè, kẹo lạc, mà ở hoàn cảnh của đôi vợ chồng “rổ rá cạp lại”. đằng sau cô dâu chú rể là bảy đứa con lít nhít. Chú rể hai lần góa vợ, một mình gà trống nuôi năm “gà con” ba trai, hai gái. Cô dâu cũng góa chồng ba năm, một nách hai con trai nhỏ.
Hồi ấy, dũng cảm lắm bà mới đồng ý lấy ông, vì dư luận rằng ông có tướng “sát vợ”, sợ rồi bà cũng theo “dớp” cũ. Nhưng bà đã quyết ghé vai san sẻ gánh nặng gia đình cùng ông. Dọn về ở chung nhà, hai người góp lại đàn con bảy đứa đang tuổi ăn, tuổi lớn. Vui duyên mới nhưng cũng nặng lòng lo không biết lấy gì nuôi từng ấy đứa con.
Thời bao cấp, lương giáo viên không thể nuôi con, anh giáo Hướng trông cậy vào đôi bàn tay đảm đang của cô vợ nông dân cấy lúa, trồng chè. Ác mộng thường trực của họ là đêm nằm lo ngày mai lấy gì cho “đoàn tàu há mồm” ăn, Tết đến làm sao cho mỗi đứa con được tấm áo, manh quần.
Tới bây giờ, ông giáo Hướng vẫn nhắc lại công lao của người vợ thứ ba với cha con ông. “Bà ấy đến với tôi, không chỉ là tình yêu, mà còn là sự cứu rỗi”. Sau đó, họ còn sinh thêm hai cô con gái. Ở cảnh ấy, câu tục ngữ “trời sinh voi, trời sinh cỏ” là niềm an ủi động viên hai vợ chồng nghèo. Bà Do tâm sự: “Hồi ấy thương ông thì về với nhau, chứ tôi biết hoàn cảnh của hai người đều khó khăn cả. Tôi còn có ruộng nương, sức lao động, nuôi hai con dễ dàng, chứ ông ấy một nách năm đứa con, lương ba cọc ba đồng. Ông ấy chỉ biết dạy học, làm thơ, đánh đàn, cứ như công tử nhà giàu ấy, chứ biết làm lụng gì đâu. Lúc đầu tôi cũng sợ lắm, nhưng thương nhau rồi cũng vượt qua”.
Vợ chồng cụ Nguyễn Quang Hướng - Dương Thị Do viên mãn lúc tuổi già
Vượt qua ghềnh thác
Trong ký ức của chín người con, cái đói lúc nào cũng thường trực. Bữa ăn hàng ngày toàn cơm độn hai phần sắn một phần gạo. Cơm độn sắn lại ăn với canh sắn lõng bõng nấu với hến, cua rang, vậy mà vẫn ngon. Với bọn trẻ, hôm nào tới kỳ mua gạo bằng tem phiếu của bố, được mẹ nấu cho bữa cơm trắng coi như được ăn cỗ. Bà Do phân công các anh lớn vào rừng kiếm củi, hái rau. Mấy anh chị nhỏ hơn thì giúp mẹ rau bèo nuôi lợn, chăm em, mỗi người một việc.
Bà xác định dù cuộc sống khó khăn, nhưng phải nuôi các con ăn học đến nơi đến chốn. Anh Nguyễn Quang Minh, con trai thứ ba của ông Hướng kể lại, những năm 10-15 tuổi, buổi sáng đi học, buổi chiều anh phải vào rừng chặt cây, kiếm củi. Bụng đói, vác được cây củi về tới nhà, mệt muốn xỉu. Nhiều khi anh muốn bỏ học nhưng bố mẹ không cho. Bà Do luôn động viên các con học, khác với chồng là “thương cho roi cho vọt”, anh nào có ý định bỏ học là roi quất vào mông ngay. Hai người con riêng của bà Do cũng chịu thương chịu khó mò cua, bắt ốc, theo mẹ lên nương hái chè, xới cỏ.
Ông Hướng dạy trường cấp II Tân Cương, tối mới về nhà, việc chăm sóc, dạy dỗ đàn con nhỏ gần như giao hết cho vợ. Bà Do không biết tại sao mình lại làm được nhiều việc như vậy, y như người có “ba đầu sáu tay”. Riêng việc dậy từ mờ đất nấu cám lợn, giặt giũ quần áo, luộc cho các con nồi sắn ăn sáng, cho lợn gà ăn… đã làm bà mệt phờ.
Sau đó là lên nương cào cuốc, hay xuống ruộng cày bừa, rồi kèm cặp các con việc nhà. Những đứa học chiều thì buổi sáng giúp mẹ, học sáng thì chiều lo việc nhà, bế em. Như một đội quân tí hon có tổ chức, đàn con trở thành tay chân đắc lực cho bà mẹ đảm đang. Những người hàng xóm cảm phục vợ chồng ông Hướng, bà Do, không hiểu sao họ có thể nuôi chín người con ăn học nên người.
Các con cháu về thăm ngày cuối tuần
Quả ngọt
Nhà văn Nguyễn Khắc Trường, tác giả cuốn sách Mảnh đất lắm người nhiều ma vốn là một học trò cưng của thầy giáo dạy văn Nguyễn Quang Hướng, đã có nhận xét: “Thầy Hướng là một nhà giáo giỏi việc trồng người. Cứ nhìn chín người con của thầy tự vươn lên từ nghèo khó thì biết vợ chồng thầy giỏi nuôi dạy con như thế nào”.
Những người con của ông bà, trừ người con trai thứ năm bị bệnh mất sớm, còn lại đều đã trưởng thành và có địa vị trong xã hội. Anh con cả Nguyễn Văn Đạo lúc nhỏ là người kiếm củi giỏi nhất nhà, sau này là cán bộ giảng dạy ở trường ĐH Thái Nguyên, nay về hưu và sống ở Hà Nội. Anh Nguyễn Quang Nghĩa, con thứ hai học xong đại học, nay là chủ một doanh nghiệp. Anh Nguyễn Quang Minh, giáo viên Trường CĐ nghề Tổng công ty Giấy Việt Nam. Chị Nguyễn Thanh Mai, theo nghề của cha làm giáo viên, cô út Nguyễn Kim Hạnh là cán bộ trường sĩ quan Lục quân 1…
Những người con riêng và chung của hai người vừa góp công sức, tiền của xây một ngôi nhà chung khang trang cho cha mẹ an dưỡng tuổi già. Ngoài lương hưu của ông, hàng tháng hai ông bà đều có “lương” riêng do các con phụng dưỡng. Ông Hướng an nhàn với việc làm thơ, viết văn, lên “phây-búc” giao lưu với bạn bè.
Bà quen làm lụng, vẫn cuốc đất quanh khuôn viên trồng rau sạch chờ các con về dùng. Mấy người con ở gần đó như anh Nguyên, chị Bình làm nông dân như mẹ, hay chị Mai ngoài thành phố hàng ngày tranh thủ chạy qua, chạy lại theo dõi sức khỏe cha mẹ. Các cháu nội, ngoại giờ cũng đã có vợ, có chồng. Ngày cuối tuần, ngày lễ tết, các con cháu, chắt về thăm, quây quần đông đủ là những ngày hạnh phúc, vui vẻ nhất của hai ông bà.
“Trên thương trường có mệt mỏi gì thì tìm về thiên nhiên, gia đình sẽ được chữa lành hết”, anh Nguyễn Văn Mết, Tổng giám đốc Công ty Met Foods nói.