Hoại tử xương hàm, xương sọ có đúng do di chứng hậu COVID-19?

14/07/2022 - 12:28

PNO - Trước tình trạng người bệnh hoại tử xương hàm trên, kéo dài đến xương sọ tăng đột biến và đa số bệnh nhân là "cựu F0", nhiều người lo lắng đây là di chứng của hậu COVID-19.

 

Bệnh nhân nữ bị hoại tử xương hàm đã được phẫu thuật điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy
Bệnh nhân nữ bị hoại tử xương hàm đã được phẫu thuật điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy

Thời gian qua, nhiều người lo lắng trước thông tin các trường hợp bị hoại tử xương hàm trên tăng nhanh. Đặc biệt, đa số người bệnh cho rằng khi trở thành “cựu F0”  thì bị đau răng, mặt sưng to, điều trị dài ngày nhưng không khỏi bệnh. Người lại nói rằng sau khi hết bệnh COVID-19, thì được phát hiện viêm xoang nặng, phải phẫu thuật. Thậm chí, nhiều người khác gặp tình trạng nghiêm trọng hơn là hoại tử xương hàm trên, hoại tử lan rộng, mưng mủ tạo thành các ổ áp-xe lớn.

Theo Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương (TPHCM), 5 tháng đầu năm nay đã có đến 16 ca nhập viện chưa xác định được nguyên nhân. Còn ở Bệnh viện Chợ Rẫy, đã có 2 bệnh nhân tử vong trong 11 ca bệnh được điều trị tại đây. Để tìm hiểu thêm thông tin, chúng tôi đã có buổi trao đổi với các bác sĩ của hai bệnh viện về vấn đề này.

Phóng viên: Người dân đang rất lo lắng trước thông tin bệnh nhân bị biến chứng nghiêm trọng là hoại tử xương hàm do di chứng hậu COVID -19, thông tin trên có chính xác không thưa bác sĩ?

Bác sĩ Nguyễn Văn TuấnTrưởng khoa Phẫu thuật hàm mặt, Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương (TPHCM): Số lượng bệnh nhân bị hoại tử xương hàm trên đúng là có hiện tượng gia tăng. Nếu trước đây, vài tháng chúng tôi gặp 1 ca hoại tử xương hàm trên, chủ yếu ở bệnh nhân tiểu đường, thì trong 5 tháng qua có đến 16 người nhập viện vì bệnh này nhưng chưa xác định được nguyên nhân. 

Điều này rất đáng lo ngại bởi xương hàm rất khó hoại tử. Vậy mà thời gian qua, số lượng người bệnh tăng đột biến. Trong đó, 3 trường hợp hoại tử nặng lan đến sàn sọ, chúng tôi phải chuyển sang Bệnh viện Chợ Rẫy để tiếp tục điều trị.

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Ngọc Khang - Phó khoa Ngoại thần kinh, Bệnh viện Chợ Rẫy: Chúng tôi cũng khá lúng túng khi liên tiếp nhiều bệnh nhân bị hoại tử xương hàm trên đến nhập viện. Tính đến nay, đã có 11 bệnh nhân (bao gồm cả 3 ca Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương chuyển đến) mắc hoại tử khá nặng, trong đó 2 bệnh nhân đã tử vong.

Phóng viên: Bác sĩ có thể cho biết dấu hiệu và tình hình điều trị hoại tử xương hàm trên ở các bệnh nhân?

Bác sĩ Nguyễn Văn Tuấn: Các bệnh nhân có chung triệu chứng là đau răng, đau hàm, sưng mặt. Những trường hợp được phát hiện sớm, hoại tử chưa lan rộng đã được phẫu thuật xử lý với phương pháp đục bỏ phần lớn xương hàm trên, lấy hết khối xương chết, dùng kháng sinh trong 3 đến 6 tuần. Sau khi lành vết thương, bệnh nhân sẽ được lên phương án phục hồi hình dạng hàm. 

Ngoài 3 bệnh nhân nặng được chuyển viện, sức khỏe 13 bệnh nhân còn lại đang ổn định và hồi phục, kiểm soát được hoại tử.

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Khang: Sau khi hội chẩn, phối hợp nhiều chuyên khoa, ê-kíp đã phẫu thuật, xử lý tối đa phần xương hoại tử và các ổ viêm nhiễm cho các bệnh nhân, sau đó dùng kháng sinh, kháng nấm tiếp tục điều trị. Hiện tại 3 người nặng nhất đều đang phục hồi tốt. 2 bệnh nhân còn lại do phần xương chết lan rộng, lại có rất nhiều dịch mủ bám vào, lan rộng nên tử vong rất nhanh. Đây cũng là lần đầu chúng tôi gặp phải nhiều bệnh nhân bị hoại tử xương hàm nặng đến vậy.

Phóng viên: Do đa phần bệnh nhân mắc COVID-19 trước đó, nên có nhiều ý kiến cho rằng các bệnh nhân bị hoại tử xương hàm trên là do di chứng của hậu COVID-19?

Bác sĩ Nguyễn Văn Tuấn: Thực tế, các bệnh nhân bị hoại tử xương hàm, sọ tại bệnh viện đúng là đã từng mắc COVID-19, nhưng có phải do di chứng hậu COVID-19 hay không, cần thêm thời gian và các dữ liệu liên quan. Trên thế giới cũng đã ghi nhận các trường hợp tương tự, y văn thế giới cũng chỉ ra 4 yếu tố nguy cơ được nghi ngờ dẫn đến viêm hoại tử xương hàm mặt, xương sọ sau COVID-19. 

Trong đó, có thể do virus SARS-CoV-2 bám vào thụ thể ACE-2, tập trung nhiều ở niêm mạc mũi, miệng làm tắc vi mạch máu nuôi xương hàm trên, gây nên tình trạng tăng đông, tắc mạch máu nuôi dưỡng xương. Cũng có giả thuyết cho rằng do việc sử dụng thuốc kháng viêm (corticoid), hoặc tình trạng nhiễm khuẩn, nhiễm nấm. Cuối cùng là người bệnh bị tiểu đường gây biến chứng mạch máu, giảm sức đề kháng nên cơ thể dễ bị bội nhiễm. 

Chúng tôi cũng đang lo ngại có thể còn nhiều ca bệnh tương tự nhưng chưa được báo cáo bởi cũng đã từng có tình huống bệnh nhân có triệu chứng sưng đau vùng má, đau buốt răng, chảy mủ như viêm xoang, làm cho một số bác sĩ chẩn đoán nhầm, vô tình làm bệnh hoại tử xương hàm bùng phát nặng hơn, gây ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe người bệnh.

Vì vậy, nếu một người có các biểu hiện tương tự, hoặc “cựu F0” bị đau mặt, đau hàm nên đến các cơ sở y tế sớm để được thăm khám, phát hiện kịp thời. Từ đó, bác sĩ có các hướng điều trị hiệu quả, an toàn hơn, tránh để lâu, nguy cơ bệnh sẽ nặng nề.

Phạm An

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI