PNO - PN - Trở về một mình trong giấc ngủ khuya, Hoài Linh nói anh luôn cảm thấy cô đơn.
edf40wrjww2tblPage:Content
“Nhân hậu tiên sinh”
Hoài Linh là đồng hương Quảng Nam nhưng khác huyện với tôi, anh huyện Đại Lộc, còn tôi quê Thăng Bình. Tôi biết gia đình anh từ khi hai gia đình tình cờ cùng lưu lạc đến xã Cam Đức (nay là thị trấn), huyện Cam Ranh (Khánh Hòa) những năm cuối thập niên 1960 do chiến tranh. Mẹ anh hồi ấy nổi tiếng khắp vùng vì bà làm nghề hộ sinh và có hẳn một nhà bảo sanh tư lấy tên cô con gái đầu, chị Hai của Hoài Linh, là Phương Trâm. Mẹ tôi khi lâm bồn em gái út tôi cũng đến nhờ đôi tay giỏi khéo của bà đỡ đẻ. Hoài Linh sinh ra và có những năm tháng tuổi thơ tươi đẹp tại đây. Anh chỉ cơ cực khi gia đình chạy vào Long Khánh những năm đầu sau giải phóng.
Gia đình anh sau đó lại trở về sống tại Cam Đức một thời gian trước khi sang Mỹ định cư năm 1993. Từ khi về sinh sống ở TP.HCM, mỗi lần có dịp đi diễn miền Trung, Hoài Linh bao giờ cũng ghé thăm mộ bà nội ở Cam Đức. Ngôi nhà mẹ tôi ở gần nghĩa trang, khi nào đi ngang anh cũng tạt vào chào và biếu mẹ tôi chút quà. Mỗi lần tôi về, mẹ hay khoe: “Thằng con bà Phương Trâm trên ti vi có ghé đây thăm má”.
Xuất thân trong một gia đình có học, đạo đức, nền nếp, bản thân từng nếm trải những nhọc nhằn, lại đến với nghề bằng nỗi hoài nghi ẩn chứa sự khiêm nhường… có lẽ chừng ấy thứ kết lại đã làm nên một Hoài Linh mà những gì anh đem lại cũng dễ tạo ra những “hoài nghi” nơi công chúng. Cách sống giản dị của anh gần như không ăn nhập gì tới vẻ hào nhoáng của thế giới giải trí. Anh không bao giờ đòi hỏi giá cát-sê, người ta trả bao nhiêu lấy bấy nhiêu. Cả khi người ta đem đến cho anh tiền tỷ trả công cho sự có mặt trong một bộ phim chiếu Tết hoặc một gameshow, Hoài Linh vẫn hành xử như cách anh vẫn quen sống.
Xem xe cộ chỉ là phương tiện di chuyển nên đi “con” gì cũng được, miễn đừng giở chứng hỏng hóc dọc đường làm lỡ việc. Ăn là để sống nên có gì ăn nấy, càng gọn nhẹ càng tốt, nếu được “hít hà” với các loại mắm ưa thích thì không gì bằng. Chuyện mặc cũng vậy, trừ trang phục dành cho những dịp xuất hiện long trọng, còn quần áo hằng ngày, anh đi ngang phố, thấy cửa hàng treo cái nào vừa mắt thì ghé vào mua, không quan tâm đến nhãn hiệu. Sức khỏe vốn không được tốt, anh thường bị hạ đường huyết nên đi đâu cũng mang theo máy đo và thuốc huyết áp.
Trong mắt đồng nghiệp, Hoài Linh là người sống có tình, ai hoạn nạn là giúp, hòa đồng, không phân biệt sang hèn, nhưng lại rất kỹ tính trước những điều thuộc về lễ giáo truyền thống, đòi hỏi mình và những “đệ tử” phải biết hiếu thảo, kính trên nhường dưới. Cuối tháng 11/2014 vừa qua, anh bỏ hết các sô để qua Mỹ cùng anh chị em trong nhà tổ chức kỷ niệm 50 năm ngày cưới của cha mẹ. Tết âm lịch năm nào anh cũng đưa hai cụ về Việt Nam ăn Tết.
Đạo diễn Trần Ngọc Giàu đến nay vẫn còn nguyên sự xúc động, khi nhớ lại buổi lễ bái sư rất trang trọng Hoài Linh dành cho ông sau khi được ông hướng dẫn đóng thành công những vai kịch dài, được giới chuyên môn công nhận. Hôm ấy, Hoài Linh đã khóc khi ôm và gọi ông bằng thầy. Cũng không mấy ai biết, khi nhận giải Cù nèo vàng (Tuổi Trẻ Cười) cho vai ông già trong vở Ông bà vú 5 năm trước, Hoài Linh đã “mừng run”, mặc dù tiền thưởng không đáng là bao, chỉ hai triệu đồng, nhưng giải thưởng về tinh thần với anh lại rất lớn, mười mấy năm làm kịch hài chưa bao giờ được giải. Anh “quyết” không bao giờ xài, đem số tiền thưởng ép sau tấm giấy khen để giữ làm kỷ niệm.
Nghệ sĩ Hữu Lộc lúc sinh thời vẫn thường nhắc tới tấm lòng của Hoài Linh dành cho đàn em trong sân khấu Nụ Cười Mới, mà nếu không có tấm lòng đó, chắc sân khấu này sẽ không tồn tại được cho đến hôm nay. Một bữa, danh hài Hoài Linh có việc đi ngang rạp Công Nhân (30 Trần Hưng Đạo, Q.1, TP.HCM), thấy các diễn viên trong nhóm Nụ Cười Mới đang lui cui làm vệ sinh trước tiền sảnh, biết nhóm đang ăn nhờ ở đậu Nhà hát Kịch TP và muốn tìm chỗ đứng nhưng không có điểm tựa, anh hỏi: “Các em có dám chơi, làm một sân khấu mới không?”. Hữu Lộc nói: “Nếu có anh chơi chung, tụi em sẽ dám”. Hoài Linh cười, bật nói: “Tụi em dám chơi, việc gì anh không dám!”.
Chỉ một câu vậy thôi là sân khấu Nụ Cười Mới với con “át chủ bài” Hoài Linh ra đời. Sân khấu này bao năm, do số ghế không nhiều nên doanh thu không phải lúc nào cũng như ý, tiền cát-sê đưa bao nhiêu Hoài Linh nhận bấy nhiêu, không đòi hỏi gì, thậm chí có đêm vắng khách, trước khi ra về, anh còn cầm tiền vừa lãnh chia hết cho anh em hậu đài. “Nếu Hoài Linh là người tính toán, kiêu căng thì Nụ Cười Mới không bao giờ mời được”, anh em trong nghề đều nghĩ như vậy. Họ còn gọi anh là “nhân hậu tiên sinh”, ai tới khóc lóc, ỉ ôi là giúp, mặc dù có khi anh biết người ta lợi dụng mình.
Việc nhận con nuôi “ồ ạt” của “nhân hậu tiên sinh” cũng khiến dư luận hoài nghi. Thật ra, ngoài những người con ruột đang sống ở Mỹ và không theo nghề cha, nghệ sĩ Hoài Linh chính thức có bốn người con nuôi, gồm Hoài Lâm, bé trai Nguyễn Hoàng Quân (bé Ben, 10 tuổi), bé gái Kim Cương (hai tuổi, con của nghệ sĩ Hồng Tơ) và Thái Trân, thí sinh trong cuộc thi Tôi là người chiến thắng. Anh tâm sự rằng, chuyện nhận con nuôi là cái duyên bất ngờ, không hề định trước và hoàn toàn mang ý nghĩa “bảo trợ tinh thần”, giúp đỡ về mặt nghề nghiệp là chính.
Trường hợp nhận con nuôi làm bất ngờ ngay cả chính anh là “đứa con” thứ tư Thái Trân. Với tư cách là MC, tiếp xúc với thí sinh sau hậu trường, ban đầu anh gọi Thái Trân là em vì cách nhau có 10 tuổi. Khi biết cô phải dốc hết sức lực cho cuộc thi giữa lúc đang mang nhiều bệnh nặng, lại đã lâu thiếu vắng tình cha, thấy anh vỗ về an ủi, cô quá xúc động ôm chầm lấy và buột miệng gọi anh là bố, Hoài Linh thực sự thấy thương cảm. Anh tin rằng ít nhất anh cũng là chỗ dựa tinh thần cho cô trong những lúc cô phải chống chọi với bệnh tật, giúp cô có thêm niềm tin ở những ngày khó khăn phía trước.
“Nhắm tôi có làm được không?”
Người ta gọi năm 2014 là năm của Hoài Linh, bởi bên cạnh việc vẫn giữ vững ngôi vị quán quân trong trái tim khán giả qua các cuộc bình chọn như Mai vàng (lần thứ 9), HTV Award… tần suất xuất hiện dày đặc ở ghế giám khảo của anh trong các chương trình gameshow có chỉ số rating cao ngất ngưởng được xem là một hiện tượng hơi… bất thường. “Fan” của anh thuộc đủ mọi giới, đủ mọi tầng lớp và ngày một tăng theo tỷ lệ thuận với chương trình anh góp mặt.
Điều gì đã biến Hoài Linh từ một chàng diễn viên chỉ biết “làm hề” trong các clip hài trở thành một gương mặt nghệ sĩ có tầm ảnh hưởng rộng như hôm nay? Và từ một kẻ vào nghề tay ngang, anh lấy “vốn liếng” từ đâu để có thể cầm cân nảy mực, làm thỏa mãn được người thi lẫn người không thi trên hàng ghế nóng? Khi đặt cho Hoài Linh những câu hỏi này, anh có phần lúng túng, vì hơn ai hết, anh hiểu rõ mình hoàn toàn “bị động” trong việc phát hiện ra những khả năng của mình.
Anh luôn sống trong trạng thái hoài nghi, khi bị đẩy vào tình thế phải đào bới những năng lực tiềm ẩn nơi chính con người mình. Hoài Linh luôn trả lời cho những gợi ý về vai diễn hay những lời mời tham gia các chương trình bằng một câu hỏi: “Nhắm tôi có làm được không?”.
Hỏi người ta nhưng chính anh mới là người trả lời. Lần hỏi đầu tiên là năm 21 tuổi, khi Hoài Linh ra thành phố Nha Trang học tiếng Anh để chuẩn bị theo gia đình đi định cư ở Mỹ. Trong lúc rảnh rỗi chắc sinh “nông nổi” nên anh tham gia cuộc thi Tiếng hát hay của TP. Nha Trang, bất ngờ đoạt giải nhì và được rủ về đoàn Ca múa nhạc Ponagar (Khánh Hòa) làm diễn viên hát, múa.
Một hôm, vở kịch thiếu mất một vai vì diễn viên vắng đột ngột, ông trưởng đoàn nhìn quanh chẳng thấy ai… dư trừ Hoài Linh nên kêu anh diễn thế. Từ chối mãi không được, cậu diễn viên trẻ mới vào đoàn lâu nay chỉ lo tập tò hát múa bí quá đành phải nhận, sau khi liếc xéo ông trưởng đoàn một cái như ngầm “cảnh báo”: “Tui mà làm hư bột hư đường là ông chịu đó nghe”.
Đó là vai một anh chàng bị té xe trong vở Ngọc hoàng xử án, xuất hiện có chút xíu và không nói lời nào. Ra sân khấu, tay chân thừa thãi, chẳng biết diễn cái gì, quơ quơ vài cái rồi đi vào. Diễn xong, Hoài Linh cũng buồn cười vì cái lóng ngóng lơ ngơ của mình, tự nhủ thôi từ nay không diễn nữa. Nhưng lạ là mọi người cứ xúi, anh diễn riết, thành quen, trở thành diễn viên tấu hài cho đoàn lúc nào không hay.
Lần hỏi thứ hai, Hoài Linh dành cho nghệ sĩ Vân Sơn. Thời gian đầu sang Mỹ, vì không kham nổi công việc của một công nhân hãng thịt đông lạnh, Hoài Linh chuyển sang làm MC đám cưới và tài hoạt náo trong những lúc sân khấu bị trống của anh đã lọt vào mắt của ông chủ Trung tâm sản xuất băng nhạc Vân Sơn. Khi được nghệ sĩ Vân Sơn ngỏ lời mời về hợp tác, Hoài Linh tuy rất mừng song không dám tin mình có thể làm được vì môi trường nghệ thuật ở đây đòi hỏi tính chuyên nghiệp cao. “Nhắm tôi có làm được không?”. Vân Sơn vỗ vai động viên: “Được mà, tôi chắc luôn”. Vậy là chẳng bao lâu sau, tên tuổi Hoài Linh nổi như cồn.
Người bị hỏi thứ ba là đạo diễn Trần Ngọc Giàu khi ông thuyết phục Hoài Linh đóng vai Trạng Quỳnh trong vở kịch dài Trạng chết, chúa băng hà trên sân khấu Nhà hát Kịch TP. Khi ấy, tuy trở về Việt Nam làm nghề với vị thế của một danh hài song Hoài Linh vẫn mang mặc cảm mình là diễn viên tấu hài, chưa phải là kịch sĩ chuyên nghiệp. Tấu hài chỉ có hai người nói qua nói lại trong khoảng 15, 20 phút. Còn vở kịch lần này dài hơn hai giờ đồng hồ, lại gặp một vai diễn “nặng ký”, giao đãi với nhiều nhân vật cùng những tâm trạng buồn vui khác nhau, khiến anh rất lo.
Những đêm diễn đầu, anh thấy sao vở lâu quá, cứ trông cho nó hết, đến suất thứ tư, mới được ông thầy khen là đã tự tin hơn. Từ đó, Hoài Linh bắt đầu thích diễn kịch dài vì thấy “có vị thế khác”, và anh đã làm mọi người ngạc nhiên bởi một cú “song phi” ngoạn mục là đoạt được chiếc huy chương vàng toàn quốc ngay lần thử sức ở hai vở kịch dài sau đó, vở Ra Giêng anh cưới em và Người nhà quê (sân khấu Nụ Cười Mới). “Nhắm tôi có làm được không?” là câu anh hay hỏi người khác, nhưng đêm về, anh lại dùng để tự hỏi mình như một lời thách thức trước áp lực phải đáp đền sao cho tương xứng với sự tin yêu và chờ đợi của công chúng dành cho mình.
Những nghệ sĩ giỏi từng làm việc với Hoài Linh đều có chung nhận xét, anh có một tố chất rất lạ, tuy không được học hành bài bản về diễn xuất nhưng chỉ cần gợi ý là làm được ngay và làm tốt hơn điều người ta mong muốn. Thật ra, tuy luôn tự nhận mình là “con ngựa chứng” thích thì làm, không thích thì thôi, nhưng Hoài Linh là người có ý thức về nghề, rất chịu học hỏi, sẵn sàng lắng nghe lời góp ý của người khác. Biết mình thiếu nên anh tự mày mò học đủ thứ từ cải lương đến hát bội; nghe có đội chèo, hát xẩm nào ngoài Bắc vào là anh đến xin thọ giáo, tập cho đến khi thuần thục mới thôi.
“Ông đồng” trả ơn tổ nghiệp
Hoài Linh sống theo tâm linh. Cha mẹ anh sau khi sinh hai người con gái đầu, đã cầu xin một đứa con trai và khi anh ra đời, được đặt tên là Hoài Linh, nghĩa là nhớ hoài sự linh nghiệm. Người em trai kế anh có tên là Duy Linh - tức sự linh nghiệm được duy trì, và người em trai út Tuấn Linh (ca sĩ Dương Triệu Vũ) là sự linh nghiệm luôn được tốt tươi (tuấn tú).
Bên cạnh chuyện giữ đạo theo truyền thống gia đình, Hoài Linh còn xem việc thể hiện sự tôn kính các bậc tiên tổ, anh hùng của dân tộc là một bổn phận. Năm 1997, khi lần đầu trở về Việt Nam làm nghề, nơi anh đến thắp hương trước tiên là đền thờ Tả quân Lê Văn Duyệt ở Lăng ông Bà Chiểu. Đi diễn ở tỉnh, thành nào, anh đều đến vái lạy nơi thờ tự các danh nhân nơi ấy. Trong nhà mình, anh dành cho Đức thánh Trần một chỗ thờ trang trọng.
Nhiều năm nay, Hoài Linh đầu tư một chiếc thuyền du lịch trên sông Hương, lợi nhuận dành góp vào chuyện cúng kiến, tu sửa các đền, điện ở Huế. Để trả cái ơn lớn của tổ nghề, hiện anh đang xây dựng một nhà tổ sân khấu ở thành phố mới của tỉnh Bình Dương, trong khuôn viên rộng trên 7.000m2, với vốn đầu tư khoảng 20 tỷ đồng theo lối kiến trúc cổ, dự định sẽ khánh thành vào dịp giỗ tổ sân khấu năm 2015.
***
Được đông đảo công chúng tin yêu, Hoài Linh ngày ngày chạy hết sô này đến sô kia, không còn tìm đâu thời gian thư thả để ngồi câu cá như sở thích trước đây. Nhưng bù lại, anh xem chuyện “được làm” và “làm được” nhiều việc là niềm hạnh phúc vô bờ. Dẫu vậy, trở về một mình trong giấc ngủ khuya, anh nói mình luôn cảm thấy cô đơn. Và chỉ có một người phụ nữ duy nhất trong đời không bao giờ hoài nghi anh và anh không hề hoài nghi điều gì, có thể sẻ chia hết những tâm tư giấu kín, đó là mẹ, người nữ hộ sinh mát tay (và mát cả tấm lòng), đã từng đỡ không biết bao nhiêu đứa trẻ vào đời, trong đó có người em gái út của tôi.