edf40wrjww2tblPage:Content
Với hội viên (HV) Hội PN, học tập và làm theo lời Bác đơn giản là tiết kiệm điện, giúp trẻ em nghèo, người neo đơn một bữa cơm ngon, hỗ trợ những người lầm lỡ làm lại cuộc đời... Những việc ấy tuy “nhỏ thôi” nhưng đã trở thành động lực sống, là chỗ dựa tinh thần của biết bao người. Ngày 11/4, Hội LHPN TP đã tôn vinh những điển hình xuất sắc, không ngừng vượt khó tìm cách làm hay để đem hạnh phúc đến với mọi người, mọi nhà.
Tặng bằng khen cho những điển hình tiên tiến học và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh
Thầm lặng
Mỗi ca trực, chị Nguyễn Thị Hà Phương - công tác tại trại tạm giam Bố Lá (thuộc Công an TP.HCM), ủy viên ban chấp hành Hội PN Phòng PC81C đều tranh thủ đến thật sớm để thăm khám sức khỏe các can phạm. Một số can phạm mang bệnh HIV/AIDS. Không hề có sự phân biệt, với ai, chị cũng tận tình chăm sóc, hướng dẫn họ uống thuốc đúng giờ, động viên họ.
“Khi nghe tôi giới thiệu mình đang làm việc tại trại tạm giam Bố Lá, nhiều người bất ngờ, và họ càng ngạc nhiên hơn khi biết tôi thường tiếp xúc với những người bị nhiễm HIV/AIDS để khám bệnh, chăm sóc” - chị Hà Phương mở đầu câu chuyện. Không nói nhiều về bản thân, bởi với chị Hà Phương, việc chăm sóc trên là công sức cả tập thể chứ không riêng mình chị. Năm 2011, Hội PN đề xuất với lãnh đạo trại, phối hợp với Đội Hậu cần, Đội Phân trại và Đội Quản giáo cùng thực hiện công trình “Chăm sóc, điều trị người bị tạm giam, phạm nhân bị lây nhiễm HIV/AIDS”. Từ đó, can phạm được chăm sóc tốt hơn, họ nhận thức được bệnh, không còn mặc cảm tự ti mà hợp tác với cán bộ điều trị... Hội viên trong trại được truyền thông, giáo dục sức khỏe, nâng cao kiến thức phòng chống HIV/AIDS.
Công việc nguy hiểm, độ phơi nhiễm cao, có lúc nào chị muốn bỏ nghề? Không chút đắn đo, nữ cán bộ Hội trẻ ở trại tạm giam Bố Lá khẳng định: “Rất nhiều can phạm khi được tái hòa nhập cộng đồng đã viết thư gửi chúng tôi khoe rằng mình đã có gia đình, có công việc... Đó là những động lực níu giữ chúng tôi tiếp tục công việc”.
Một ngày mới của chị Lê Thị Thanh Huệ - Chi hội trưởng ấp Tân Điền, xã Lý Nhơn, H.Cần Giờ, TP.HCM bắt đầu bằng việc kêu gọi những gia đình lân cận cùng nhau tổng vệ sinh trước nhà. Người gom rác, người tưới cây… Nhiều câu chuyện về gia đình, làng xóm được tháo gỡ, gắn kết nhờ các buổi sáng cùng lao động như thế. Dù chuyện to hay nhỏ, chị Huệ cũng đều lắng nghe bà con tâm sự. Thời gian đầu nhận công tác Hội, chị Huệ gặp không ít khó khăn trong vận động HV. Đi nhiều lần, gặp nhiều người, vậy mà mời ai tham gia Hội cũng đều bị từ chối. Tìm hiểu nguyên nhân, chị ngộ ra “không phải mình dở, mình không nhiệt tình mà do chị em bận mưu sinh, lo con nhỏ”.
Chị chân tình: “Lý Nhơn là xã đảo cách xa trung tâm thành phố, đời sống người dân quanh năm chỉ gắn với ruộng muối nên còn nhiều khó khăn. Hết vụ muối, đa số đều lang bạt khắp nơi làm thuê làm mướn. PN ấp đảo rất muốn có việc làm mới, thêm thu nhập cho gia đình. Biết được điều này, có dịp lên họp ở huyện, xã, tôi lân la tìm hiểu, nắm bắt những nghề phù hợp với PN trong ấp”. Hàng loạt việc làm tại nhà phù hợp với PN nội trợ mở ra, từ bắt bông kem, may gia công, nấu ăn, làm bánh… Rồi cũng chính chị Huệ là người đi tìm mối đặt hàng, tìm đầu ra cho sản phẩm. Những chị khó khăn về vốn, chị Huệ đứng ra bảo lãnh, đề xuất với Hội cho vay từ nguồn quỹ tín dụng tiết kiệm được hai triệu đồng/người/lần. Bây giờ, đa số PN lớn tuổi, chị em chưa có việc làm đều tìm được nghề ưng ý, có thu nhập từ 2 - 2,5 triệu đồng/tháng. Tạo điều kiện cho bà con có nơi mua hàng ổn định, chị Huệ dùng nhà mình mở cửa hàng bình ổn Hội PN với nhiều mặt hàng chất lượng, giá cả phải chăng. Đặc biệt, chị còn đồng ý “bán hàng trước, trả tiền sau” với những gia đình khó khăn.
Vận động, tuyên truyền HV thực hành tiết kiệm trong chi tiêu hằng ngày, trong tiệc cưới, đám tang; tặng gạo, nấu và tặng suất ăn dinh dưỡng cho người già… công việc khá bận bịu nhưng chị Huệ không tỏ vẻ gì mệt mỏi: “Nếu tôi không làm thì cũng sẽ có người khác làm. Việc đem lại niềm vui cho nhiều người khiến tôi rất hạnh phúc”.
Tặng suất ăn ngon, tặng quà cho trẻ em khó khăn là những "việc nhỏ" của HV PN
“Việc nhỏ”
Phát động phong trào học và làm theo gương Bác, hàng trăm việc làm thiết thực như tích cực rèn luyện sức khỏe, tham gia lao động sản xuất, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, chung tay xây dựng nông thôn mới… được triển khai tại 24 quận huyện đều rất gần gũi, gắn bó với cuộc sống thường ngày của người dân. Thành công ấy có được nhờ công sức không nhỏ của tập thể, cá nhân HV PN.
Vận động hơn 200 PN tái định cư tham gia tổ chức Hội, ra mắt tổ “Phụ nữ 5 không, 3 sạch”, “rủ rê” được 21 hộ gia đình tham gia vườn rau dinh dưỡng gia đình, có mặt “trên từng cây số” trong các hoạt động từ thiện, trợ cấp PN khó khăn… với chị Phạm Thị Nhiệm - Chi hội trưởng Chi hội PN KP.4, P.Tân Hưng Thuận, Q.12, đó chỉ là “việc nhỏ thôi”. Cách làm của chị không có quy trình, bài vở nhưng cực kỳ hiệu quả: Chọn thời điểm trưa và tối, lúc mọi người rảnh rỗi, chị Nhiệm bắt đầu tỉ tê “chuyện chúng mình” như rủ tham gia nấu ăn, nghe tư vấn sức khỏe, nuôi dạy con, bí quyết giữ lửa hạnh phúc… Từ chỗ còn ngại ngùng, dần dà, chị em tin tưởng, có chuyện gì cũng tìm chị chia sẻ, tâm sự.
Chị trải lòng: “Tâm lý chung của hầu hết chị em thường rất ngại khi kể chuyện gia đình, nhất là những chị em có hoàn cảnh khó khăn bởi họ mặc cảm, tự ti. Muốn chị em chia sẻ, trước hết, mình phải thật sự chân thành với họ, đặt mình vào hoàn cảnh của họ. Đặc biệt là phải làm cho chị em tin tưởng. Để được như vậy, mình phải khẳng định bằng những việc làm cụ thể như giúp cho các gia đình vươn lên thoát nghèo, giúp hòa giải những cặp vợ chồng lục đục trở thành hòa thuận, yêu thương nhau...”.
Nhiều năm gắn bó với phong trào quần chúng, ngọn lửa nhiệt tình với Hội của chị Nhiệm luôn nồng ấm. Chị chịu khó học hỏi, tìm hiểu sách báo để có thêm nhiều cách làm sáng tạo, được chị em quý mến. “Đừng nghĩ phải làm những điều to tát mới là làm theo lời Bác dạy. Học theo tấm gương đạo đức của Bác là chuyện đơn giản chứ không xa vời. Chỉ cần quyết tâm là làm được” - chị Nhiệm bày tỏ.
Tặng suất ăn ngon, tặng quà cho trẻ em khó khăn là những "việc nhỏ" của HV PN
Đoàn kết, đồng lòng
“Tập thể mạnh là tập thể biết đoàn kết” - điều này rất đúng với Hội LHPN Q.10, TP.HCM. Bản kế hoạch của Hội LHPN Q.10 luôn đặt ra chỉ tiêu cao, nhưng phần việc nào cũng hoàn thành tốt từ phường Hội đến từng chi, tổ Hội. Trong đó, việc thực hành tiết kiệm luôn được đặt lên hàng đầu. Rất nhiều hình thức tiết kiệm được triển khai như thi đua tiết kiệm điện qua ba năm đạt hơn 9,4 tỷ đồng; tiết kiệm từ việc nuôi 78.302 heo đất được hơn 10 tỷ đồng, số tiền này dùng để chăm lo học bổng Nguyễn Thị Minh Khai, tặng góc học tập, chăm lo thẻ BHYT, trợ cấp khó khăn… Bà Huỳnh Thị Hồng Nga - Chủ tịch Hội LHPN Q.10 chia sẻ bí quyết: “Điều đặc biệt là trước khi bắt tay vào việc nào, cán bộ, HV Q.10 đều bàn bạc kỹ. Từng vấn đề, nhiệm vụ được chúng tôi mổ xẻ, thẳng thắn nhận xét, góp ý. Vì thế, từ HV đến cán bộ chi, tổ Hội, phường, quận… đều đồng lòng thực hiện. Phong trào mạnh là nhờ những cuộc họp “lắng nghe và trao đổi” như thế”.
Nhằm giúp cán bộ Hội cơ sở tập trung cho phong trào, Quận Hội có chủ trương giảm tải sổ sách, rút ngắn thời gian hội họp, tuyên truyền Hội bằng các tờ rơi, tờ bướm. Bên cạnh đó, Hội tăng cường hướng dẫn, kiểm tra ở các chi hội làm tốt, phát hiện cách làm hay để nhân rộng, khắc phục những mặt yếu để rút kinh nghiệm; tuyên dương, khen thưởng kịp thời những tổ hội, cá nhân làm tốt nhằm động viên, khích lệ tinh thần.
Bà Đinh Thị Bạch Mai - Chủ tịch Hội LHPN TP.HCM cho biết: “Những cách làm hay, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc trong việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác của những điển hình tiên tiến đã tạo nên những chuyển biến mạnh, làm thay đổi nhận thức và hành động của mỗi cán bộ Hội và nhân dân, góp phần làm cho việc làm theo lời Bác thực sự mang lại những ý nghĩa thiết thực và giá trị về tinh thần để cán bộ, HV PN toàn TP gắn bó, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo; xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, gia đình ấm no, hạnh phúc”.
Lê Uyên Phương