“Hoa tiên” về phủ ông hoàng

23/01/2022 - 16:10

PNO - Xứ Huế xưa đẹp, một vẻ đẹp đài các, thâm nghiêm của chốn kinh kỳ nhưng lại bình dị, hiền hòa, hữu tình với cảnh quan thiên nhiên rợp màu xanh tốt. Phủ đệ của ông hoàng thi ca Miên Thẩm - Tùng Thiện Vương (con trai thứ 10 vua Minh Mạng) bên dòng sông An Cựu phủ màu rêu phong của thời gian, ẩn chứa câu chuyện đẹp về loài “hoa tiên” chỉ nở lúc chiều tà rồi héo tàn khi bình minh ló dạng.

Loài hoa chiều nở sáng tàn 

Một góc phủ ông hoàng thi ca Miên Thẩm - Tùng Thiện Vương bên dòng sông An Cựu
Một góc phủ ông hoàng thi ca Miên Thẩm - Tùng Thiện Vương bên dòng sông An Cựu

Tôi biết đến loài “hoa tiên” trong một lần được ông Bửu Tộ (72 tuổi, cháu đời thứ tư của Tùng Thiện Vương - Miên Thẩm, hiện là trưởng ban quản trị phủ thờ) mời đến thăm vườn phủ ông hoàng thi ca nhân dịp gia tộc tổ chức lễ kỷ niệm 200 năm ngày sinh danh nhân văn hóa - nhà thơ Tùng Thiện Vương - Miên Thẩm (1819 - 2019).

Ấn tượng về chuyến đi đó, ngoài những áng thơ văn quý báu đang được hậu bối cất giữ tại vương phủ còn có hình ảnh một vườn hoa phấn mà tôi vẫn thích gọi tên “hoa tiên”, bởi từ lúc cố đô Huế được chọn làm kinh đô của nhà Nguyễn (1802 - 1945), nơi đây hội tụ bao kỳ hoa dị thảo, trăm hoa đua nở khắp chốn. Thời gian qua đi, những loài hoa có xuất xứ từ chốn cung cấm giờ đã mất dần theo thời gian. 

Bên vườn hoa phấn xanh mướt được điểm tô bởi sắc hồng của những cánh hoa, ông Bửu Tộ say sưa kể về loài hoa mà ông tâm đắc bao năm. Ông nói: “Thường người ta hay gọi chúng là hoa phấn nụ, hoa cung nữ. Phủ Tùng Thiện Vương là nơi duy nhất còn loài hoa này. Trước đây, “hoa tiên” hay được trồng trong các vườn thượng uyển ở kinh thành Huế hoặc các phủ đệ ở Kim Long, Vỹ Dạ; nhiều nhất ở khu vườn hậu cung. Bẵng đi một thời gian dài, người ta không còn thấy nữa”.

Nâng nhẹ cánh hoa phấn hồng trên tay giữa chiều đông xứ Huế, ông Bửu Tộ dẫn dắt tôi vào câu chuyện tình lãng mạn, huyền bí. Chuyện kể rằng ngày xưa có đôi trai gái yêu nhau nhưng bị gia đình cấm cản vì không môn đăng hộ đối. Cô gái vốn là một tiểu thư đài các, chàng trai chỉ là anh tiều phu. Trước sự ngăn cản quyết liệt từ gia đình cô gái, hai người nguyện chết cùng nhau. Bông hoa phấn có màu hồng nhạt, cánh hoa nhỏ, mỏng là hiện thân của cô gái còn loại quả màu đen có bề ngoài như hạt tiêu là hóa thân của chàng trai. Dù bão quật, mưa rơi, họ vẫn luôn bên nhau.

“Hoa tiên” còn có tên gọi dân gian là hoa phấn nụ hay hoa cung nữ
“Hoa tiên” còn có tên gọi dân gian là hoa phấn nụ hay hoa cung nữ

Theo lời ông Bửu Tộ, cuộc gặp gỡ giữa ông và loài hoa ấy chẳng khác nào “duyên hạnh ngộ”. Từ khi còn là sinh viên Trường đại học Nông Lâm, ông luôn say mê tìm hiểu về các loài hoa từng được dùng làm dược liệu cung đình, nhất là các loài hoa dùng làm đẹp cho hoàng hậu, phi tần, cung nữ triều Nguyễn. Hơn 20 năm trước, trong một lần ghé thăm Quốc tự Diệu Đế - một vườn ngự uyển tuyệt đẹp của hoàng gia triều Nguyễn ở làng Du Ninh, nơi hoàng tử Miên Tông (vua Thiệu Trị) ra đời, ông Bửu Tộ bất ngờ nhìn thấy loài hoa phấn được trồng trong vườn chùa. Lúc đó, ông cứ men theo hương hoa rồi lặng lẽ bước vào khu vườn lạ.

Nghe kể rằng các sư trụ trì ngôi cổ tự đều rất thích loài hoa này nên thường ra ngồi thiền định hoặc luyện võ nghệ trong vườn hoa. Cánh hoa mỏng dính phất phơ trong gió hút hồn ông, khiến ông say mê. Tâm trí của kẻ “si hoa” chợt bật ra ý nghĩ: “Tại sao mình không đưa giống hoa này về phủ ông hoàng để trồng thử?”.

Sau đó, ông mới hay đây là loài hoa thường dùng làm mỹ phẩm cho các giai nhân triều Nguyễn. “Tôi hỏi sư trụ trì thì được biết loài hoa này được trồng ở chùa từ rất nhiều đời. Lúc đó, tôi đã xin thầy trụ trì mấy hạt giống về trồng ở phủ Tùng Thiện Vương, không ngờ chúng phát triển rất tốt” - ông Bửu Tộ kể.

Theo ông Bửu Tộ, chỉ cần chà cánh hoa lên mặt, màu da sẽ chuyển sang hồng tựa đôi má thiếu nữ e ấp, thẹn thùng. “Hoa tiên” nở vào khoảng 4 giờ chiều. Sáng hôm sau, khi mặt trời lên, hoa héo tàn. Sau khi hoa tàn, đài hoa phát triển thành trái to bằng hạt đậu, giống hạt hồ tiêu khô, bên trong chứa loại tinh bột có tác dụng làm đẹp, mát, mịn da.

“Bảo bối” hoàng gia

Bà Công Tôn Nữ Trí Huệ đang kể về loài “hoa tiên”
Bà Công Tôn Nữ Trí Huệ đang kể về loài “hoa tiên”

Muốn tìm hiểu thêm về loài hoa này, tôi rong ruổi xe máy về phía làng Hương Cần (xã Hương Toàn, thị xã Hương Trà) để gặp bà Công Tôn Nữ Trí Huệ - người cung nữ hiếm hoi biết may gối trái dựa hoàng cung hiện còn sống.

Xuất thân trong gia đình có nguồn gốc hoàng tộc, bà Công Tôn Nữ Trí Huệ là cháu nội Hoài Đức Quận công Nguyễn Phúc Miên Lâm (con trai thứ 57 của vua Minh Mạng). 17 tuổi, bà vào cung học may vá, thêu thùa. Từ đây, bà được tiếp xúc với gối trái dựa - loại gối có nhiều nếp gấp; có thể gập mở tùy ý để gối đầu, dựa lưng, tì cánh tay trong lúc ngồi đọc sách, ngâm thơ, uống rượu…

Dù sắp bước qua tuổi 100 nhưng khi kể về loài hoa phấn từng làm đẹp cho cung nữ, bà Huệ vẫn nhớ như in: “Ngày xưa, cung nữ luôn cố gắng giữ gìn làn da của mình được trẻ trung tươi đẹp bởi gương mặt, làn da, dáng dấp, tính nết có ảnh hưởng đặc biệt quan trọng đến cuộc đời họ. Khi biết hoa phấn có thể dùng để trang điểm và giúp da mịn màng, cứ mỗi buổi sáng sớm, các cung nữ thường đến khu vườn phía hậu cung ngắt hoa đem về phòng dùng”.

Nhờ chăm làm đẹp bằng hoa phấn, không lâu sau, từ một cung nữ bình thường, bà Huệ có làn da sáng mịn, mượt mà. 

Mẹ vua Bảo Đại là đức Từ Cung sống thọ đến 90 tuổi. Có giai thoại kể bà thường ra lệnh cho các bậc danh y nghiên cứu những bài thuốc làm đẹp da từ hoa phấn. Đến khi bà lâm chung, người ta vẫn nhìn thấy ở bà một gương mặt hồng hào, làn da mềm mại như thiếu nữ.

Ngày 5/8/2001, vợ chồng đại sứ Nhật Bản Ryu Yamayaki đã ghé thăm phủ ông hoàng thi ca Tùng Thiện Vương. Ngoài lý do quan tâm di tích phủ thờ của ông hoàng thơ nổi tiếng, vợ chồng ngài đại sứ còn đặc biệt quan tâm đến loài hoa vốn được các cung nữ ngày xưa dùng làm đẹp.

“Ngài đại sứ khuyên chúng tôi nên bảo tồn loài “hoa tiên” để khi có điều kiện thì khôi phục công nghệ làm phấn nụ nổi tiếng trong cung” - ông Bửu Tộ kể.

Ông Bửu Tộ bên án thờ ông hoàng thi ca Miên Thẩm - Tùng Thiện Vương
Ông Bửu Tộ bên án thờ ông hoàng thi ca Miên Thẩm - Tùng Thiện Vương

Trải qua biến thiên lịch sử, phủ Tùng Thiện Vương đã có nhiều thay đổi về hiện trạng; ngôi phủ đệ chỉ còn lại một số công trình chính như: bến phủ (phía sông An Cựu), cổng tam quan, điện thờ vua Minh Mạng, phủ thờ Tùng Thiện Vương… Dù chưa được công nhận là di tích nhưng ngôi phủ được con cháu của gia tộc gìn giữ và bảo quản khá tốt, trở thành một trong những phủ đệ đặc trưng mang nhiều giá trị kiến trúc và văn hóa.

Ngày xuân, nếu có dịp ghé thăm phủ ông hoàng thi ca, du khách sẽ thấy một không gian vườn tược luôn xanh tươi, yên bình. Nơi đây đang lưu giữ hơn 1.000 văn bản thơ văn Hán Nôm. Ngoài ra, vương phủ còn tồn tại một cây mai hơn 130 năm tuổi do chính tay Miên Thẩm - Tùng Thiện Vương trồng trước lúc ông qua đời. Riêng loài “hoa tiên” bao năm qua vẫn trầm mặc bên phủ ông hoàng. 

Nắng xuân về cũng là thời khắc loài hoa đẹp bên phủ ông hoàng hé nở những cánh đầu tiên. Loài hoa ấy luôn dịu dàng khoe sắc tỏa hương, đem đến sự lạc quan, tươi mới cho không gian quanh đó. Đây cũng là ước nguyện từ tâm can ông Bửu Tộ: “Mong sao ai đó quan tâm nghiên cứu, biết đâu có thể tạo ra một loại mỹ phẩm nổi tiếng của kinh thành Huế từ loại hoa mà tôi luôn yêu thương, chăm sóc”. 

Bài và ảnh: Hồ Ngọc Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI