Hoa tết: mua đi, chờ chi!

09/02/2021 - 10:44

PNO - Hoa tết, đối với người nông dân mà nói, là công việc, là cuộc sống, là tất cả ước mơ gói trọn...

Tôi mãi không quên người đàn ông buồn bã quẹt tay ngang mắt, ở bến Bình Đông, một ngày cuối tháng Chạp. Mấy chậu mai của anh, được nâng niu chăm bón cả thời gian dài, rong ruổi tận miền Tây lên đây, đã nở quá sớm, vàng một màu xót xa. Các dự tính tốt lành cho tết, và cả cho năm sau, hẳn đành hoãn lại. Bộ quần áo mới cho trẻ con, nồi thịt kho trứng, bánh kẹo, lì xì… những điều đẹp đẽ bình thường ấy, bỗng trở nên quá tầm với, cùng với sự lả tả của những cánh hoa bung nở vội vàng…

Đấy chẳng phải là hình ảnh buồn duy nhất của những mùa hoa tết. Từng có nhiều người lên tiếng về sự vô tâm, vô cảm của cái sự ham rẻ, đợi đến tận những giây phút cuối cùng của năm, mới đi vơ vét hoa ế. Kéo theo đó là cảnh những chiếc xe rác nghiền nát vô số chậu hoa còn rất tươm tất, chỉ để tránh cảnh “hôi hoa” tương tự vào năm sau. Cảm xúc khi phải chứng kiến điều ấy thật lẫn lộn. Vừa thương, vừa trách, vừa đau đáu…

Một người trồng hoa bên thành quả của mình
Một người trồng hoa bên thành quả của mình

Đấy là của những mùa cuối năm đã cũ, khi cuộc sống vẫn đang là bình thường cũ. Còn Xuân này… mấy hôm liền, ở nhiều khu vực của thành phố, mưa đã đổ xuống từng trận tầm tã kéo dài. Đường phố vốn đã vắng vẻ vì dịch bệnh rình rập, nay càng thưa thớt. Thương nhất là các hàng bán bông, và cả những phận người mưu sinh nhỏ lẻ đây đó ven đường. Trời thiệt không chiều lòng người rồi.

Hoa tết, đối với người nông dân mà nói, là công việc, là cuộc sống, là tất cả ước mơ gói trọn, là tiền cây giống - tiền chậu - tiền đất - tiền phân bón, rồi công chăm sóc. Dù thời tiết có thuận lợi hay khắc nghiệt, thì họ vẫn trồng hoa, chăm trái, đợi ngày gả bán những thành quả tươi tắn, ngon ngọt ấy. Để khi đối mặt với người tiêu dùng kỹ tính, khe khắt, hay những đắn đo cơ hội, rồi giãn cách này nọ, họ bỗng chưng hửng nhận ra, cuộc sống lắm khi quá khắc nghiệt.

Một góc nào đấy, chính là giá hoa tết chưa thật hợp lý. Thị trường có quy luật cung cầu, đôi khi cũng đành chấp nhận. Ai đấy kêu lên, giá như người ta có thể tự gia giảm lợi ích của mỗi cá nhân, để dung hòa với sự phát triển của toàn xã hội, của cộng đồng, thì hay biết mấy!

Khách lựa mua hoa trên đường Thành Thái - Quận 10
Khách lựa mua hoa trên đường Thành Thái - quận 10

Hàng hóa dịp tết giống như tài sản tích cóp cho cả năm. Cái tết có được ấm no hay không đều trông đợi vào đấy. Hoa ế, trái cây ế, bánh kẹo thực phẩm ế, bến tàu bến xe, du lịch, hàng quán ế ẩm, sẽ kéo theo biết bao gia đình nông dân, công nhân cơ cực.

Có chút buồn cười không, khi bỗng muốn rủ bạn bè, người quen, thân thuộc của mình là, xài tiền đi nào! Giờ là lúc bạn cần mua sắm, sử dụng dịch vụ, tiêu pha chút đỉnh sau cả năm quá ít ỏi niềm vui rồi. Bởi nếu cả xã hội chịu tiêu tiền, thì nhiều ngành nghề, nhiều người và cả chúng ta mới có cơ hội để sống tốt hơn.

Tâm lý khư khư “giữ của” sẽ khiến cho đồng tiền không thể lưu thông, mọi thứ đình trệ, như kiểu nói vui: “Xài hoài một món đồ thì thiên hạ đóng cửa tiệm hết à”! Mà cảnh phá sản ấy thật không xa xôi gì đâu, bạn ra ngoài làm ăn, buôn bán, dù lớn hay nhỏ lẻ, hẳn là đều thấu hiểu…

Không hề “xúi” bạn phung phí, quên hai chữ "tiết kiệm" phòng thân, nhưng chúng ta sẽ cùng chi tiền để đón tết vui vầy sung túc, bạn nhỉ?

Tết này, bạn đã kịp xài tiền chưa? Nhớ mua hoa, sắm tết sớm một chút, bớt kỳ kèo trả giá, mở rộng tấm lòng san sẻ, để người làm vườn, anh bán bông, chị hàng trái cây… đỡ mong đợi. Mình chung tay thì tất cả đều có tết, trong sự sẻ chia, ấm áp của tình người.

Hoàng My

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI