Họa sĩ Vincent Monluc: Một tấm lòng yêu Việt Nam tha thiết

25/01/2022 - 06:39

PNO - Ở tuổi 70, họa sĩ Vincent Monluc có triển lãm tranh “Giấc mơ”, gồm 95 tác phẩm, chủ yếu bằng chất liệu màu nước.

Trước sự nghiệp cầm cọ, ông đã có 35 năm hoạt động trong lĩnh vực phim hoạt hình tại Pháp. 

Vincent Monluc sinh tại TP.HCM, theo gia đình sang định cư ở Pháp năm 12 tuổi, từng học chuyên ngành phim tại Đại học École Nationale Supérieur Des Arts Décoratifs (Paris). Năm 1983, ông thực hiện bộ phim hoạt hình Parfum De Nuit (Mùi hương của đêm), đạt giải thưởng lớn tại liên hoan phim hoạt hình Pháp, giải Grand Prix du Public tại liên hoan phim ngắn Belfort. Từ đây, sự nghiệp phim ảnh của ông phát triển rực rỡ, trong lĩnh vực hoạt hình, kéo dài 35 năm.

Trưởng thành, xây dựng sự nghiệp tại Pháp, nhưng trong ông, tình yêu Việt Nam vẫn luôn cháy bỏng. 
Phóng viên: Ở tuổi này, nhiều người chọn hưởng thụ cuộc sống an nhàn. Ông lại bắt đầu sự nghiệp họa sĩ…

Họa sĩ Vincent Monluc: Tôi mê vẽ từ bé. Bốn, năm tuổi tôi đã tập vẽ rồi. Mỗi lần mẹ dẫn đi xem phim, tôi đều vẽ lại các cảnh trong phim. Lớn chút nữa, tôi vẽ phong cảnh. 20 tuổi, tôi bắt đầu vẽ trực họa phong cảnh nước Pháp bằng màu nước bán cho khách du lịch để trang trải chi phí học đại học. 
Công việc làm phim cộng với những gánh nặng trách nhiệm cuốn tôi đi mải miết. Thỉnh thoảng có thời gian, tôi mới vẽ. Thế nhưng, tôi luôn ý thức rõ ước mơ được vẽ luôn cháy bỏng trong mình. Khi có cơ hội, tôi bắt tay làm ngay. Tôi nghĩ không có gì là muộn khi chúng ta đam mê thực sự.

* Điều gì thôi thúc ông trở về, sau mấy mươi năm xa quê hương?

- 30 năm kể từ khi rời Việt Nam, tôi đã trở về vào năm 1994 với niềm hạnh phúc vô bờ. Những kỷ niệm thơ ấu ùa về. Đồng nghiệp nước ngoài chỉ dùng bữa trong khách sạn, còn tôi lao ra vỉa hè để ăn bánh cuốn… Tôi thấy đó mới là cuộc sống của mình.

Tôi nhìn phố phường, nơi đâu cũng đẹp, giàu cảm xúc. Tôi muốn đưa tất cả vào tranh. Khi nghỉ hưu, tôi về Việt Nam và bắt đầu những chuyến đi để vẽ. Đến năm 2019, tôi quyết định về sinh sống tại đây. Có một sự thôi thúc trong lòng khó diễn tả, nhưng tôi biết Việt Nam là nơi tôi thuộc về.

Tác phẩm Tết về trên bến đò Trần Xuân Soạn của họa sĩ Vincent Monluc
Tác phẩm Tết về trên bến đò Trần Xuân Soạn của họa sĩ Vincent Monluc

* Trong tranh của ông gần như luôn có sự xuất hiện của con người, đặc biệt người lao động bình dân. Điều gì ở họ đã quyến rũ ông?

- Tôi đi từ Nam ra Bắc, khám phá Việt Nam qua lăng kính hội họa. Tôi đặc biệt chú ý nhịp sống trên đường phố, và rất thích vẽ những người lao động tôi gặp trên đường, bản làng, vùng quê… Đối với tôi, Việt Nam vừa gần gũi lại vừa mới mẻ. Gần gũi vì đó là quê hương xứ sở. Mới mẻ bởi tôi đã sống ở nước ngoài quá lâu, đến khi trở về thấy điều gì cũng lạ lẫm, thú vị. Tôi hay nói đùa, tôi vẽ Việt Nam với đôi mắt của đứa trẻ mới sinh ra lần nữa (cười).

*Có lẽ, để nhìn thấy được vẻ đẹp của họ trong nhiều trường hợp cũng không hề dễ dàng…

- Môi trường sống, công việc tác động rất nhiều đến tính cách, hành xử của con người. Khi hiểu được tính chất của từng công việc, tôi sẽ có cách ứng xử hợp lý hơn với những người mẫu đặc biệt của mình, và việc phác họa lại hình ảnh của họ cũng dễ dàng hơn. 

Việc tiếp xúc với nhiều mẫu người cho tôi sự linh hoạt, mềm mỏng trong cách ứng xử. Ở đời, chuyện học để sống chưa bao giờ là đủ. May mắn là trong những chuyến đi, tôi đều gặp rất nhiều người dễ thương. Tôi cũng từng đi, vẽ ở nhiều nơi, nhưng thật lòng khi ở Việt Nam, tôi thấy hạnh phúc, thoải mái nhất. Tôi chỉ mong luôn có điều gì đó thú vị xuất hiện trước mắt mình để vẽ vào tranh.

Có lẽ, xúc động nhất là khoảnh khắc nhìn những đứa trẻ lang thang mưu sinh trên đường phố. Tôi luôn mong chúng sẽ được đến trường, có tương lai tươi sáng hơn. Nhưng cuộc sống thực tế đôi khi khắc nghiệt và chúng ta buộc phải chấp nhận. 

* Vùng đất nào đã đi qua để lại ấn tượng sâu đậm nhất trong lòng ông?

- Có thể là Côn Đảo. Nơi đây không chỉ có cảnh đẹp, mà còn lưu giữ những giá trị về lịch sử. Tôi nhớ cảm giác bước vào nhà tù Côn Đảo, nhìn những bức tượng tái hiện lại cảnh xưa, lòng tôi cứ rưng rưng khó tả. Trong chuyến đi này, tôi vẽ rất nhiều tranh. Bức tôi ấn tượng nhất có lẽ là bức tranh tái hiện không gian nhà tù, có một luồng sáng len qua cửa sổ, và một chú chim đang nhảy nhót.

Tôi tưởng tượng về khao khát tự do của những người đã hy sinh cho hòa bình. Chiến tranh đã qua, và những gì lịch sử còn lưu giữ chắc chắn sẽ luôn nhắc nhớ chúng ta về giá trị của cuộc sống bình yên hiện tại. 
 

Tranh vẽ phố cổ Hà Nội
Tranh vẽ phố cổ Hà Nội

* Để một họa sĩ tự nhận định về tranh của mình, theo ông có dễ…

- Tôi kỹ và khó tính với chính bản thân mình. Tôi vẽ nhiều, nhưng trong 10 bức thì chỉ đạt khoảng ba bức. Trong số đó, chỉ có một số rất ít đạt điểm bảy, còn lại tôi tự đánh giá tầm năm, sáu điểm. Những tranh nào thấy dưới trung bình, tôi sẽ hủy luôn. Tôi nghĩ việc khó khăn với bản thân cũng là cách để chúng ta tốt lên mỗi ngày. 

Hoạ  sĩ Vincent Monluc từng tổ chức triển lãm Home (Quê nhà) vào cuối năm 2019 tại Việt Nam và ba triển lãm ở nước ngoài: LuxExpo (Luxembourg - 2019), L’Infante Gallery Saint Jean de Luz (Pháp - 2019), Long Boat Key Rectory Gallery Long Boat Key (Mỹ - 2015). Ông cũng tham gia nhiều triển lãm trong, ngoài nước và đạt nhiều giải thưởng.

 

* Ở tuổi này, ông đặt nhiều tham vọng với con đường hội họa không?

- Hiện, tôi có cuộc sống kinh tế ổn định. Vì thế, con đường hội họa của tôi khá thong dong. Tôi không áp lực phải kiếm tiền, nên tự do, thoải mái quyết định mọi thứ. Đôi khi thấy tôi vẽ những nội dung có khả năng không bán được, bạn bè cũng khuyên nên hạn chế. Nhưng tôi đã thích gì thì không ai cản được. Ngày trước, tôi làm phim hoạt hình, cũng là công việc sáng tạo, nhưng cũng phụ thuộc nhiều thứ. Con đường hội họa cho tôi sự tự do hoàn toàn.

Tôi dành phần lớn số tiền bán tranh để làm thiện nguyện cùng các đồng nghiệp. Tôi vẫn luôn tiếp cận với các bạn trẻ để học hỏi, lắng nghe góp ý từ họ để hoàn thiện mình. Cuộc đời tôi giờ đây chỉ gói gọn trong vẽ và Việt Nam.

* Xin cảm ơn ông! 

Trung Sơn

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI