Họa sĩ Việt có thể đang bị “móc túi” mà không biết

30/06/2020 - 23:35

PNO - Nghệ sĩ, giám tuyển Nguyễn Như Huy cho biết, họa sĩ Việt có thể đang bị “móc túi” ít nhất 1,2 triệu đồng, nhiều nhất 4,5 triệu đồng mỗi khi bán tranh giá khoảng 30 triệu đồng mà không biết. Giá trị tác phẩm càng cao, số tiền bị “móc” càng lớn.

Quyền “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”

Theo ông Nguyễn Như Huy, ở nhiều nước, có một quyền gọi là quyền hưởng giao dịch thứ cấp của nghệ sĩ (Artist’s resale rights, viết tắt: ARR), chỉ quyền hưởng phần trăm khi tác phẩm của nghệ sĩ được mua đi bán lại sau khi đã rời xưởng (thậm chí sau khi nghệ sĩ đã chết). Sự mua bán đến sau này có thể là từ gallery, nhà đấu giá, hay từ nhà môi giới nghệ thuật độc lập. Nói chung, khi có giao dịch thứ cấp bất kỳ nào diễn ra, thì nghệ sĩ, dù đã bán xong tranh, vẫn có tiền.

Quyền này được sinh ra từ vụ việc có liên quan đến gia đình họa sĩ hiện thực Pháp Jean François Millet (1814-1875) - tác giả của bức tranh Angelus, mà vào năm 1858 nó đã được bán với giá 553.000 quan Pháp (khoảng 2,5 tỷ đồng), sau đó năm 1889, được bán tiếp với giá 750.000 quan Pháp (khoảng 3 tỉ đồng). Bất chấp giá tranh tăng phi mã sau khi ông qua đời mà gia đình ông vẫn sống trong cảnh bần hàn, tới năm 1920, lần đầu tiên tại Pháp, có luật thuế cho quyền ARR của nghệ sĩ. 

Tác phẩm Angelus của Millet - nguồn cơn tạo ra quyền ARR cho nghệ sĩ sau này
Tác phẩm Angelus của Millet - nguồn cơn tạo ra quyền ARR cho nghệ sĩ sau này

Quyền này không tính vào lần đầu tiên tác phẩm được giao dịch, song nó sẽ được bắt buộc áp dụng trong các giao dịch tiếp đó với giá tác phẩm vượt 1.000 bảng Anh (khoảng 29,3 triệu đồng). Hiện, ARR của nghệ sĩ được áp dụng trên 70 quốc gia. 

“Nhiều tổ chức bán tranh qua mạng, qua gallery, hay đặc biệt qua mô hình đấu giá, kể cả đấu giá từ thiện thì đó vẫn là một giao dịch, đã có nghệ sĩ nào thu được tiền từ luật “ăn quả nhớ kẻ trồng cây” này chưa? Trên thế giới, hiện có rất nhiều giao dịch tranh của các nghệ sĩ Việt Nam tại các nhà đấu giá. Đã có nghệ sĩ nào thu được xu nào từ quyền này chưa?” - Ông Huy khuyến khích: “Nếu chưa, thì sao không bắt đầu đòi đi?”.

Không dễ ở Việt Nam

Có một nghịch lý: không ít điều dễ dàng được thực hiện ở các nước thì lại “khó nhằn” ở Việt Nam. 

Giám tuyển Nguyễn Như Huy bày tỏ: “Ở ta, gần đây, mọi người quan tâm tới vấn đề bản quyền. Song, đó chỉ là một nửa khía cạnh của thị trường nghệ thuật: không gian bảo vệ cho người mua. Còn không gian pháp lý bảo vệ nghệ sĩ thì sao?”. 

Mang ARR hỏi họa sĩ ở ta, đa số lắc đầu. Họa sĩ Đặng Tiến và Bùi Trọng Dư nói, họ chỉ biết quyền lợi đó trong xuất bản; còn trong hội họa thì chưa. 

Lý do nằm ở việc các nhà sưu tập mang tranh đi đấu giá ở các sàn nước ngoài, chỉ thỏa thuận với bên nhà đấu giá, chi trả 30% là xong. Quốc tế biết Việt Nam chưa có thị trường giao dịch tranh đúng nghĩa; vì thế, có thể biết luật nhưng họ vẫn lờ đi… Họa sĩ ở ta thì ít người biết quyền này; người biết thì ngại phiền hà, mất thời gian.
Họa sĩ Bùi Thanh Tâm - người từng có các giao dịch tranh quốc tế cho biết, ông biết đến ARR từ năm 2012, khi dự một vài phiên đấu giá ở Hồng Kông. Tuy nhiên, thực tế, ông cũng chưa được hưởng lần nào.

“Ở nước ngoài, mỗi họa sĩ đều có một luật sư riêng, chuyên tư vấn trong các vấn đề liên quan. Ở Việt Nam, hầu như không có chuyện đó, để thực hiện ARR thì hơi khó. Phần lớn phải dựa vào sự tự nguyện của gallery, nhà đấu giá, hay từ nhà môi giới nghệ thuật độc lập”, họa sĩ Bùi Thanh Tâm bày tỏ.

Việt Nam chưa có một thị trường nghệ thuật đúng nghĩa, luật thì lỏng lẻo. Việc mua bán tranh ở Việt Nam nhìn chung vẫn dừng lại ở mức tự nguyện dân sự, thuận mua vừa bán, chưa có nhiều dấu ấn pháp lý, chưa có các chế tài ràng buộc, vì thế, quyền hưởng giao dịch thứ cấp của nghệ sĩ cũng mới là ước mơ mà thôi. Nhưng sớm muộn, thị trường đó cũng phải chuyên nghiệp dần lên thì mới có thể “lớn”. Muốn vậy, trước hết, Luật Bản quyền phải hoàn chỉnh. 

 Đậu Dung

Nhà báo Lý Đợi: “Chế tài còn ấu trĩ, quyền hưởng giao dịch thứ cấp sẽ chỉ là ước mơ”

Phóng viên: Từng tham gia nhiều hoạt động giao dịch tranh, xin hỏi ông, ARR ở Việt Nam ra sao? 

Nhà báo Lý Đợi: ARR nếu được áp dụng thì quá hay, vì nó thể hiện hai điều khá nhân văn. Thứ nhất, thêm một phần lợi tức cho nghệ sĩ và gia đình của họ. Thứ hai, giúp xác thực và bảo vệ một phần tính chân bản của tác phẩm. Tuy nhiên, với Việt Nam, dù rất cần, nhưng có lẽ còn lâu mới áp dụng được, vì nó liên đới tới nhiều hệ thống chế tài, pháp lý và cả quan niệm, định nghĩa về tài sản nghệ thuật. Mà điều này thì ở ta còn thiếu, còn yếu, hoặc nếu có, vẫn chưa được coi trọng, chưa được áp dụng vào thực tế. 

* Khi hỏi, nhiều họa sĩ bảo họ không biết quyền này. Theo ông vì sao?

-Họa sĩ Việt nhìn chung còn khá lơ là, hoặc ít quan tâm về pháp lý. Trong thực tế, nhiều họa sĩ sẵn sàng bán một bức tặng hai bức, sẵn sàng giảm đến 60-70% cho các đại lý, các phòng tranh… để đủ sống qua ngày. Họ cũng không biết đóng thuế ở đâu, hoặc lờ thuế. Khi đã trốn thuế, muốn đi đòi 0,25% đến 4% ở các giao dịch thứ cấp, liệu có dễ?

Ở đây cần một sự đồng bộ. Trước, Việt Nam khá vô tư trong việc xâm phạm bản quyền sách và sách dịch, hoặc âm nhạc, bây giờ đã bắt đầu tôn trọng, do hệ thống pháp lý, tài chính và thuế đã hoạt động tương đối đồng bộ.

* Đây là một trong những nội dung thúc đẩy tính chuyên nghiệp của thị trường mỹ thuật. Ở ta, tính khả thi của nó ra sao?

- Nếu hệ thống chế tài và pháp lý kiện toàn, đồng bộ, tính khả thi rất cao. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, chế tài và pháp lý không giống nhau ở nhiều nước, không phải cái gì hay của người ta cũng có cơ hội du nhập vào nước mình, và ngược lại. Mỹ thuật hiện đại Việt Nam đã đi cả thế kỷ, có nhiều thành tựu và thách thức, nhưng cũng còn điều mới manh nha, đôi chỗ còn ấu trĩ, trong đó các khung chế tài và pháp lý là ví dụ điển hình. 

Du Nguyên (thực hiện)

 

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI