PNO - Không theo lối sáng tác thông thường, họa sĩ Tú Na (Nguyễn Anh Tú) đã rẽ lối đi riêng trong loạt tranh Hanoipunk với các tác phẩm được gợi cảm hứng từ các nhân vật trong văn hóa Việt Nam.
Chỉ với 2 nhân vật Thanh Quan và Xuan Huong, họa sĩ Tú Na với trí tưởng tượng phong phú, thủ pháp hiện đại, mang phong cách steampunk (viễn tưởng) đã tạo nên một câu chuyện phiêu lưu kỳ thú của 2 cô bé với sự gợi tả giữa một Hà Nội thực và Hà Nội viễn tưởng.
Hanoipunk kể câu chuyện của nhân vật Thanh Quan. Cô rất thích vẽ và có một cây bút ma thuật kỳ diệu. Khi cô vẽ, mọi thứ trên giấy sẽ trở thành hiện thực. Vì điều đó có thể gây nguy hiểm, phiền phức nên cô đã khống chế sức mạnh ấy bằng cách không vẽ mắt các nhân vật của mình.
Hãy xem từng chi tiết nhỏ thể hiện các biểu tượng văn hóa: những mái nhà liêu xiêu, bờ tường vàng, ông cụ hàng nước có chiếc điếu cày, bà cụ bán trầu không dưới gốc cây ven đường, một quán phở rặt Hà Nội với cô khách không ăn hành, một cuộc rồng rắn lên mây khi 2 cô gái chơi các trò chơi dân gian Trung thu, một con rồng robot bay trên mây, một con trâu robot kềnh càng trên các thửa ruộng bậc thang hay khung cảnh một miền quê Bắc bộ, một căn phòng thời bao cấp, một “bà đồ” ngồi vẽ rồng, một đám cưới chuột trong tranh dân gian Đông Hồ, một Hà Nội với sự tích Kim Quy robot có thể cưỡi dạo chơi, một Ô Quan Chưởng thân quen và những con ngõ nhỏ với các biển hiệu quảng cáo, các cửa hàng trên phố cổ... Các nhân vật được đặt trong nhiều tình huống khác nhau: đang vi phạm luật giao thông, là những người lái tàu đi qua các quán cà phê đường tàu nổi tiếng của Hà Nội… đủ cho thấy tác giả có nhiều “chất sống” thấm đẫm một Hà Nội thân thương. Qua sáng tạo của Tú Na, rất nhiều yếu tố văn hóa dân gian trở nên sống động, hiện thực hơn bao giờ hết, thậm chí lớp trẻ có thể biết thêm một số nét văn hóa đang dần bị quên lãng
Thanh Quan đã tạo ra một robot từ cây bút thần kỳ và cưỡi con robot đó đi dạo khắp 36 phố cổ Hà Nội.Chuyến phiêu lưu vui nhộn nhưng hết sức náo động của Thanh Quan và người bạn Xuan Huong đã tạo nên một câu chuyện cuốn hút, hấp dẫn. Trong loạt tranh Hanoipunk, một Hà Nội xưa hiện lên rất gần gũi nhưng cái gia vị quyết định sự lạ, ấy là mang đậm yếu tố viễn tưởng. Mỗi bức tranh là một câu chuyện sáng tạo pha trộn giữa văn hóa Việt Nam và steampunk, giữa cái cũ và cái mới, giữa lạ và quen, giữa thực và hư, giữa thuận và nghịch. Tất cả được hợp nhất bởi sự thông minh dạng “quái” của Tú Na. Hà Nội trong sáng tạo của một người trẻ tuổi nhưng thấm đẫm vị Hà Nội xưa như những người từng trải.
Tú Na cũng là một trong những họa sĩ đầu tiên của Việt Nam tham gia triển lãm tranh trên sàn Binance NFT. Tác phẩm của anh đã bán được với giá 5.000 USD, khá cao vào thời điểm đó. Gần nhất, trong năm 2022, tác phẩm trong loạt Saigonpunk đã bán được trên sàn NFT với giá 3.000 USD. Hỏi Tú Na về thị trường NFT với các họa sĩ, người sáng tạo trẻ, anh cho biết anh bán được kha khá tác phẩm trên sàn NFT nhưng gần đây, do thấy “nhạt” nên thôi.
Tính cách đặc biệt, dù sống “ẩn”, họa sĩ Tú Na là một trường hợp khá thu hút giới trẻ theo dõi. Việc họ “ngóng” từng tác phẩm của Tú Na là có thật. Còn anh, có lẽ chưa hết “chán” nên rất hiếm khi chia sẻ, hầu như rất tiết chế hình ảnh và ít khi lộ diện trên thế giới mạng.
Hanoipunk kể câu chuyện phiêu lưu kỳ thú của hai cô bé với sự gợi tả giữa một Hà Nội thực và Hà Nội viễn tưởng
Ngoài ra, anh còn là một người ham đọc sách, nhất là sách triết. Có lẽ việc đọc sâu như vậy khiến các tác phẩm của Tú Na giống như một bộ phim hay, không thể bỏ qua dễ dàng hoặc xem hời hợt, bởi chúng luôn đậm đặc các tầng văn hóa. Điều đó được thể hiện trong những chi tiết tuy nhỏ nhưng rất đắt giá khiến người xem phải suy ngẫm, bởi ý tưởng tinh tế sâu sắc mà người họa sĩ đã thể hiện. Tú Na cho biết, anh không “quảng cáo về văn hóa” mà đây phần lớn là những gì anh cảm nhận được và thể hiện chúng thành tác phẩm.
Không có gì bất chợt
Phóng viên: Từ khi nào anh biết mình “bỗng dưng thích vẽ”?
Hoạ sĩ Tú Na: Thật khó để xác định khoảng thời gian đó. Tôi chỉ có thể nói rằng những tranh ảnh, hình vẽ đã cuốn hút tôi từ nhỏ, thông qua sở thích sưu tầm tem. Chuyên ngành học của tôi ở Trường đại học Mỹ thuật Công nghiệp là Thiết kế đồ họa.
Tú Na đã thể hiện trong các tác phẩm của mình đủ các yếu tố như phim hành động, tâm lý, tình cảm trong một không gian siêu thực
* Vì sao anh quyết định thực hiện dự án nghệ thuật Hanoipunk? Sự đặc biệt của Hanoipunk là gì?
- Chỉ đơn giản là đến một thời điểm, với tư cách một họa sĩ, bạn cảm thấy bản thân cần vẽ một thứ gì đó quy mô hơn mà nếu chỉ một bức tranh sẽ khó lột tả hết được. Nói về sự khác biệt của bộ tranh, tôi không có nhu cầu tạo ra điều đó. Những gì tôi muốn dẫn dắt người xem, đơn giản là ấn tượng thị giác. Đó là hình ảnh một bối cảnh gần gũi được lồng ghép với những con robot lạ lẫm, phi lý dưới lối đặc tả mà để hiệu quả, phong cách phải gần với tả thực.
* Việc đi tìm ý tưởng đối với anh “vật vã” hay dễ dàng?
- Những ý tưởng không đến với tôi một cách bất chợt. Chúng được hệ thống dựa trên những hiểu biết, kinh nghiệm, triết lý của tôi về con người, xã hội và cuộc sống. Cách Hanoipunk được xây dựng cũng mang một ý đồ rõ ràng với sự khác biệt của những con robot thông qua mỗi bức hình, nó giống như một bài toán có các mệnh đề.
* Loạt Hanoipunk làm nhiều người ngỡ ngàng và thích thú với góc nhìn hiện đại, cá tính, nhất là với 2 nhân vật Xuan Huong và Thanh Quan. Điều gì khiến anh chọn 2 cái tên đó, 2 hình mẫu đó?
- Đó là 2 nhà thơ tôi rất ấn tượng. Tôi đã có sự cảm nhận và liên tưởng lớn về chân dung 2 nhân vật này, rồi từ đó tận dụng một số đặc điểm để đặt vào câu chuyện của mình. Ở đó, Thanh Quan đại diện cho sự ham học hỏi, hiểu biết còn Xuan Huong đại diện cho sự mải chơi và ham ăn. Có thể nói, 2 phần tính cách này là sự kết hợp cần thiết cho 1 đứa trẻ.
* Việc gợi tới những nhân vật thuộc lịch sử thường có giới hạn. Phải rất cẩn trọng khi xây dựng hình tượng các nhân vật như một phiên bản mới, kẻo có gì đó “quá lố” thì có thể đổ bể cả dự án. Anh có nghĩ tới điều đó không?
- Tôi không nghĩ nhiều bởi tôi hiểu chính xác mình đang làm gì. Nếu mình muốn quá lố, nó sẽ quá lố. Nếu mình không muốn, nó sẽ không.
* Với mỗi nhân vật, anh xây dựng tính cách như thế nào, có phải nghiên cứu về văn hóa Việt nhiều không - ví dụ chi tiết mang tính biểu tượng như bánh trôi nước, bông sen, áo yếm, guốc mộc, ruộng bậc thang, ngày tết, các sinh hoạt gia đình, các phong tục…?
- Tôi cảm nhiều hơn là nghiên cứu. Những bức tranh của tôi được vẽ theo cách khá bản năng, dựa vào trí nhớ và cảm nhận là phần nhiều. Mục đích của tôi là truyền tải những suy nghĩ bản thân chứ không quảng cáo chi tiết cho những thứ thuộc về văn hóa.
* Còn yếu tố viễn tưởng rất hài hước mà lại thú vị anh thường gài cho nhân vật của mình bỗng chốc trở nên vừa thân thuộc lại vừa thuộc thì tương lai, đó phải chăng là một thế giới mà anh mơ tưởng đến?
- Có phần đúng. Thế mạnh trong lối tư duy của tôi là “world building” (xây dựng thế giới). Nó rất kích thích, vì bạn sẽ phải hình dung một cách tổng thể về việc mọi thứ sẽ ra sao nếu một sự kiện xảy ra. Xã hội, con người, tôn giáo, chính trị… liệu mọi thứ sẽ thay đổi thế nào? Phần còn lại chỉ là ta sẽ thể hiện nó dưới góc độ gì.
Lạc lõng là một gia vị hiện sinh
* Anh có bao giờ cảm thấy lạc lõng trong thế giới hiện tại, thực tại mình đang sống?
- Chắc chắn rồi. Lạc lõng là một gia vị hiện sinh mà ai cũng từng trải qua. Tuy nhiên, học cách thỏa hiệp được với nó là một hành trình ngoạn mục.
* Một bộ tranh mới có tên gọi Saigonpunk với câu chuyện Mi Chau - Trong Thuy… đã ra đời. Có thể thấy anh mượn nội dung cốt truyện xưa để phát triển một phiên bản khá hấp dẫn của năm 2053. Anh có thể nói thêm đôi chút về nội dung và nghệ thuật của loạt tranh này?
- Saigonpunk lấy bối cảnh cyberpunk - một xã hội giả tưởng mang màu sắc high tech-low life (hiểu nôm na là trong khi công nghệ phát triển vượt bậc thì đời sống con người xuống cấp trầm trọng). Giống với câu chuyện gốc, về cơ bản, đây vẫn là câu chuyện nói về tình yêu giữa 2 nhân vật Mi Chau - Trong Thuy nhưng được tôi lồng ghép nhiều yếu tố của công nghệ tương lai, với 2 người cha là chủ tịch của 2 tập đoàn sở hữu những công nghệ thay đổi cả xã hội.
* Rất nhiều độc giả cảm thấy nghẹt thở, hốt hoảng với ý tưởng của một số bức tranh anh tung ra, cho thấy một Tú Na sử dụng nghệ thuật “gài cắm” chi tiết, khiến người xem phải suy ngẫm và “đau” cùng nhân vật như bức “Don’t lie to me”. Anh nghĩ sao về điều này?
- Tôi là người hâm mộ của thể loại tranh kể chuyện. Quá trình vẽ một bức tranh như vậy rất thú vị bởi bạn sẽ phải tư duy để lồng ghép sao cho đủ những thông tin vào bên trong một bức tranh, từ sự vật, hiện tượng, cảm xúc hay hành động nhân vật. Quan trọng hơn cả, nó không thể diễn tả tuyệt đối được nội dung. Vậy nên, tôi luôn thích cách mỗi người xem tự kể một câu chuyện họ cảm thấy qua mỗi bức tranh của mình.
* Chỉ mới 2 bộ tranh mà đã thấy một Tú Na khá nhiều… tính cách. Trong đời thường, dường như anh cũng thích đọc và viết những điều suy ngẫm khá triết lý?
- Thực ra, việc đọc cũng là một trong những thói quen rèn luyện tư duy để phục vụ cho công việc sáng tạo. Việc lồng ghép những thông thiệp, triết lý của bản thân vào nghệ thuật là điều rất quan trọng.
Thế mạnh trong lối tư duy của họa sĩ Tú Na là xây dựng thế giới
* Người ta thường nói những người làm nghề sáng tạo thường đi trước thời đại. Vấn đề ở hiện tại không thể làm thỏa mãn họ nên họ thường tìm tới một thế giới siêu thực. Anh thì sao?
- Tôi cho rằng ai cũng tự khắc họa trong đầu mình một thế giới không tưởng dựa trên thế giới quan của họ. Khác biệt là các nghệ sĩ có phương tiện để thể hiện nó một cách cụ thể hơn.
* Anh thích đọc sách thể loại nào: tiểu thuyết, sách triết hay truyện tranh?
- Tôi đọc cả 3. Tiểu thuyết đem lại sức tưởng tượng hình ảnh khá tốt. Triết đem lại tư duy có chiều sâu, cần trong sáng tạo. Truyện tranh/phim ảnh/game là những loại hình nghệ thuật giúp người xem có nhận thức về hình ảnh một cách rõ ràng hơn.
* Trong giới sáng tạo vẽ kỹ thuật số như mình, anh có thích hay thần tượng ai không?
- Tôi không hay xem tranh nên không có hiểu biết nhiều về giới họa sĩ. Tuy nhiên, nếu hỏi họa sĩ nào có ảnh hưởng tới tôi, câu trả lời có lẽ là họa sĩ một công ty game, tên George Kamitani.
* Phương châm sống của anh?
- Kẻ khôn ngoan thì đánh giá vấn đề, kẻ ngu dốt thì đánh giá con người.
* Anh sẽ in những câu chuyện của mình thành sách chứ?
- Chắc chắn rồi, tôi có sở thích đặc biệt với những sản phẩm physical (vật chất).
* Cảm ơn anh đã chia sẻ.
Nếu Hanoipunk dễ thương, hóm hỉnh đủ chất viễn tưởng bao nhiêu thì dự án Saigonpunk lại là một chuỗi tác phẩm mang phong cách hoàn toàn mới. Saigonpunk là một thành phố tương lai theo phong cách cyberpunk. Cyberpunk là một đề tài mới mẻ, được khai thác nhiều trong các sản phẩm của ngành công nghiệp giải trí như phim ảnh, truyện tranh và trò chơi điện tử. Đây được coi là một luồng gió mới và đang dần trở thành xu thế cho các sản phẩm giải trí mang đậm yếu tố khoa học viễn tưởng.
Lại một lần nữa, Tú Na xây dựng các nhân vật bắt nguồn từ cảm hứng các nhân vật đã tồn tại trong văn hóa Việt Nam như Thúy Kiều, Thúy Vân, Mị Châu, Trọng Thủy, Thục Phán, Trương Ba nhưng không phải anh bê nguyên xi nguyên mẫu mà đó chỉ là những cái tên gợi mở tình huống, vấn đề hoặc tính cách. Tú Na đã thể hiện trong các tác phẩm của mình đủ những yếu tố như phim hành động, tâm lý, tình cảm trong một không gian siêu thực: một Mị Châu đi lạc vào sự kiện của một trong những thần tượng ảo nổi tiếng nhất không gian mạng, khiến Mị Châu kinh ngạc trước những giai điệu kỳ diệu như vậy. Thế nhưng, cô không quên nhiệm vụ của mình là đi tìm bằng được kẻ trộm tri thức.
Lúc này, Saigonpunk 2057 là một thành phố kỳ lạ. Nơi đây, những người đã khuất tiếp tục sống nhờ ký ức trong không gian ảo, “phụ nữ không làm tình với đàn ông để sinh con, họ làm tình với những kỷ niệm…”. Loạt tranh trong Saigonpunk vẫn đang tiếp tục được sáng tác. Để công chúng đón chờ tác phẩm tiếp theo là điều Tú Na thường làm.
Nhiều tọa đàm/hội thảo về tác giả - tác phẩm được tổ chức tại TPHCM và Hà Nội dành cho những tên tuổi lớn: Anh Đức, Nguyễn Quang Sáng, Nguyễn Đình Thi…