Nhắc đến khói, lửa, chất nổ, chất dẫn cháy… người ta dễ liên tưởng đến sự hủy diệt. Vậy mà, khi gán những thứ ấy trong một vai trò khác - làm chất liệu vẽ nên những bức tranh chẳng hạn - thì sự hủy diệt lại trở thành một cuộc hồi sinh.
Giấy thì không thể gói được lửa...
...Nhưng lửa lại có thể nằm ngoan trên giấy. Nghịch lý này có lẽ chỉ những gã trai có chút ngông cuồng cộng tí nổi loạn, thêm một ít khác người mới chịu khó nghĩ tới.
Cuộc rong chơi của những gã họa sĩ khác người, được tính bằng thời gian anh ta ngồi trước giá vẽ. Trong hành trình đó không thể thiếu khung toan, màu nước, màu bột, màu sáp... Về cơ bản là vậy. Không có màu thì làm sao có tranh? Nhưng cái gã họa sĩ ngồi trước mặt tôi cách đây 4 năm thì khác. Gã là Trung Nghĩa. Gã không vẽ tranh bằng màu.
Trong tay gã chỉ có chất dẫn cháy, thuốc nổ, một ít đất đỏ cao nguyên nơi gã sinh ra và lớn lên. Từng đó thứ đủ gây ra một "vụ nổ" nho nhỏ trên bề mặt một tờ giấy trắng. Có cả lửa, khói và hơi cay, nó ám lên giấy thành những vệt đỏ rực hay những muội than đen ngòm. Chính là “màu” đấy! Tranh gã sử dụng loại “màu” chẳng tay họa sĩ chính chuyên nào có khả năng pha ra được, nếu áp dụng theo bảng màu cơ bản của loại hình nghệ thuật này.
|
Bức Lễ hội tế voi |
Rồi sau "vụ nổ", gã bắt đầu sắp đặt tàn tích của nó trên giấy, nương theo hình thù mà các mảng khói, lửa tạo ra. Những hình thù có dáng vẻ hoang dã của thiên nhiên, của mãnh thú, của chim muông, của núi rừng... Rồi thứ sách vở trường lớp đã học của gã sẽ làm nhiệm vụ quét dọn cho gọn gàng để bức vẽ nên hình nên dạng.
Điều kỳ diệu là một đám cháy có thể phá sập núi, một ngọn lửa có thể cháy trụi rừng, một vụ nổ mang tính sát thương cao, có thể bung bét trên giấy để lại bao nhiêu tàn tích của sự hủy diệt... Nhưng từ bàn tay của gã, giữa đống đổ nát ám khói lại là khởi nguồn của một cuộc hồi sinh. Gã phục dựng tất cả bằng tay, những nét vẽ dứt khoát về một phần Tây Nguyên hoang dại, từng bị chính những nguyên liệu độc đáo mà gã đang sử dụng làm cho tàn phế.
Chẳng thế mà những bức vẽ được tạo ra từ khói lửa và chất dẫn cháy của gã, bức nào cũng toát lên một tinh thần cuồng nộ dữ dội. Gã nói chỉ có lửa khói mới làm ra được sự cuồng nộ ấy trên giấy trắng vô tư. Như chính cái khát khao mãnh liệt, ngấm ngầm chảy bên trong vẻ ngoài hiền lành của một gã trai miền núi.
|
Hoạ sĩ Trung Nghĩa trong quá trình sáng tác |
Gã kể, thật ra tôi không phải là người đi tiên phong trong việc sử dụng những chất liệu vẽ kì lạ này… Từ thời đồ đá, con người đã biết cách vẽ lên hang động những bức tranh bằng cách đốt lửa và sử dụng những vệt khói, bùn đất để tạo nên hình thù mà họ muốn. Bây giờ tôi chỉ làm lại những điều đó trên giấy mà thôi. Mỗi bức tranh của tôi gần như không bao giờ trùng lặp. Trước khi cho “nổ”, tôi vẫn chưa biết mình sẽ vẽ những gì, cho đến khi nhìn thấy tàn tích của khói và lửa để lại trên giấy. Bản thân tôi cũng không thể “chép” lại tranh của chính mình kia mà. Nhưng như vậy mới thật là tranh. Làm nên tranh. Nên cái tự nhiên mà tôi yêu mến.
Người họa sĩ cũng như bác nông dân cày ruộng
Bằng một thắc mắc rất đàn bà, tôi tỏ ý lo ngại cho sức khỏe của Trung Nghĩa khi phải liên tục tiếp xúc với những hợp chất độc hại từ khói và chất nổ trong một thời gian dài, gã thản nhiên trả lời: “Tôi biết có nhiều người chọn con đường nghiên cứu hóa chất độc hại và tất nhiên là họ hiểu rõ mức độ nguy hại của chúng đến sức khỏe của chính mình. Tôi nghĩ thời nào cũng vậy và ai cũng có thể hy sinh vì một lý tưởng nào đó mình cho là đúng”.
Và sự hy sinh của gã đã mang lại khá nhiều thành quả ngọt ngào: một gia tài gồm mấy chục bức tranh vẽ bằng lửa khói, một cuộc triển lãm cá nhân nho nhỏ mang tên “giấc mơ cao nguyên” ủng hộ phong trào “Nói không với sừng tê giác” của Hội Bảo vệ động vật và thiên nhiên hoang dã WWF...
|
Bức tranh được vẽ từ khói, lửa và đất |
Nhưng tất cả những gì tôi vừa kể với bạn, lại là chuyện của 4 năm về trước. Trong những tháng ngày xưa cũ đó, tôi cứ ngỡ gã đã tạm hài lòng với những gì mình có trong tay - những bức vẽ độc đáo, lập dị, mà thời điểm ấy chưa ai dám thử nghiệm, ngoài gã. Nhưng hóa ra không phải! Sau cuộc triển lãm gây ít nhiều tò mò, gã biến mất như chưa từng có một sự xuất hiện ồn ào dẫu rất ngắn ngủi. Không ai biết gã đi đâu, làm gì. Chỉ biết rằng gã sống khá khép kín, tự cảm thấy mình quá nhỏ bé và cũng chẳng có gì đáng để truyền thông quan tâm, bằng những kể lể nâng cao quan điểm về thứ nghệ thuật lạ lùng.
Gã nói, người họa sĩ hay một bác nông dân thì có khác gì nhau. Mỗi người đều phải làm phần việc của mình, cày bừa trên những mảnh ruộng của mình. Tôi đồ rằng sự mất tích của gã cũng không nằm ngoài mong muốn được làm việc một cách bình thường, hoặc có thể là gã lại tìm được một lối đi nào đó mà ở đó gã tìm được bản ngã của chính gã.
Vào một dịp tình cờ, tôi gặp lại gã, sau 4 năm biệt tích, gã năn nỉ tôi đừng hoài niệm quá khứ làm gì, như một cuộc tình đã qua sẽ khiến người ta ngại ngần nhắc lại, khi mà hiện tại và tương lai của gã đang tươi đẹp quá thể. Hãy quên những bức vẽ ám màu khói lửa ấy đi. Gã nói. Bốn năm qua gã đi nhiều, tìm tòi nhiều chất liệu khác, vẫn vẽ như điên dại và sống ẩn dật giữa rừng thẳm để ấp ủ một dự án hứa hẹn cả tỉ chuyện hay ho.
Hồng Hạnh