Họa sĩ Trịnh Thị An: 83 tuổi với hơn 1.000 bức tranh

08/12/2024 - 07:04

PNO - Trước khi chuyển sang hội họa, họa sĩ Trịnh Thị An là một pianist của dàn nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam. Gần 40 năm chính thức quay về với hội họa, bà đã vẽ được hơn 1.000 bức tranh với 8 triển lãm trong và ngoài nước.

Hiện tại, ở tuổi 83, bà đang tất bật chuẩn bị cho triển lãm sắp tới của mình với hơn 100 tác phẩm mới sáng tác. Sức lao động và tình yêu nghệ thuật bền bỉ, mãnh liệt của bà là nguồn cảm hứng cho mọi người.

Ở Hà Nội, những năm đầu thế kỷ XX, có một lớp người được coi là tinh hoa của Hà Nội hào hoa, thanh lịch. Họ được tiếp cận tri thức và nghệ thuật mới, là lớp người giao thoa giữa cái mới của văn hóa phương Tây và nét cổ điển của văn hóa phương Đông. Bà Trịnh Thị An sinh ra trong một gia đình trí thức danh tiếng của Hà Nội như thế. Cha bà là họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc - một họa sĩ nổi tiếng khóa 7 của Trường Mỹ thuật Đông Dương khóa IX (1933-1938). Mẹ bà là họa sĩ Nguyễn Thị Khang (có nhiều tác phẩm được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam). Suốt thời tuổi thơ, 12 chị em bà đều được sống trong bầu không khí nghệ thuật với sự dạy dỗ rất hiện đại mà vẫn giữ được những nét truyền thống từ cha mẹ mình. Các chị em gái bà đều được cha mẹ cho học đàn piano, học vẽ, học võ và các bộ môn nghệ thuật khác cùng nữ công gia chánh. Bà An là một trong số những nữ nghệ sĩ piano hiếm hoi của thủ đô Hà Nội sau những năm tháng tiếp quản. Bà cũng là học trò cưng của Nghệ sĩ nhân dân Thái Thị Liên (mẹ của Nghệ sĩ nhân dân Đặng Thái Sơn).

Sau 25 năm cống hiến cho trường múa và dàn nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam, bà Trịnh Thị An đã quay về với niềm đam mê từ thuở nhỏ của mình - hội họa. Được kế thừa tinh hoa của cha mẹ và hưởng sự giáo dục luôn chú trọng phát triển mọi mặt làm nổi trội tài năng riêng của mỗi người, gia đình họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc (người được mệnh danh là di sản đặc biệt của mỹ thuật Đông Dương) đã tạo ra những người con đều có tài năng riêng. Dòng chảy nghệ thuật mạnh mẽ ấy hiện vẫn tiếp tục chảy mãnh liệt tới thế hệ cháu chắt của các cụ.


Học cả vẽ lẫn võ

Phóng viên: Là con gái của một gia đình trí thức Hà Nội, cha mẹ đều là họa sĩ thế hệ mỹ thuật Đông Dương, bà và các anh chị em đã thừa hưởng được những gì từ “gen” nghệ thuật ấy?

Bà Trịnh Thị An: Hồi nhỏ, có thể chúng tôi không cảm nhận được rõ rệt nhưng khi trưởng thành, chúng tôi thấy mình rất may mắn khi nhận được sự giáo dưỡng của cha mẹ. Ông bà luôn dành cho con cái sự giáo dục tốt nhất, văn minh và hiện đại. Chúng tôi không chỉ được học đàn, học vẽ mà còn phải học nhiều thứ để phát triển bản thân.

* Những ký ức nào về sự giáo dục của cha mẹ mà bà luôn nhớ?

- Cha tôi có nhiều người bạn rất giỏi, vì vậy ông thường nhờ bạn bè dạy cho con mình. Bởi thế, chúng tôi không chỉ học từ cha mẹ mà còn được cha mẹ cho học từ những người tài xung quanh. Hồi đó, gia đình tôi ở số 19 phố Rue Jean Soler (nay là 78 Hàng Bông Thợ Nhuộm), chị em tôi thường rồng rắn dắt nhau đi bộ từ nhà xuống gần Nhà thương Mắt (nay là Bệnh viện Mắt Trung ương), tới nhà ông Võ Đức Thu - một nghệ nhân rất giỏi về nặn đất. Ông dạy chúng tôi cách trộn, nhào đất, nặn các con vật xinh xinh như ếch, cua, ốc…

Ngoài ra, chị em chúng tôi còn được cha cho học võ. Tôi thậm chí đã có đai “lơ” môn Judo, chỉ cố nốt đai đen nữa là hoàn thành môn võ. Ở nhà, cha tôi còn làm một cái đệm mùn cưa để các con tập tành lăn lê thoải mái, không sợ ngã đau. Tôi còn được cha dạy chụp ảnh, tráng phim. Còn về nữ công gia chánh, chị em tôi được học từ mẹ.

Tác phẩm Quả ổi
Tác phẩm Quả ổi

* Gia đình bà rất chú trọng cho con học đàn piano từ nhỏ. Ngày xưa, để học được piano cũng phải có điều kiện, đúng không thưa bà?

- Cha tôi thường mời các giáo sư, thầy cô người Pháp, người Hồng Kông (Trung Quốc) tới dạy đàn cho các con. Các chị em gái của tôi ai cũng đàn rất giỏi. Dù sau này cuộc sống đôi khi hướng mỗi người vào một công việc khác nhưng dường như cái duyên với âm nhạc và hội họa vẫn chảy rất mạnh trong chúng tôi.

12 chị em tôi ai cũng có công việc hoặc sở thích liên quan tới nghệ thuật. Xưa kia, cha tôi không chỉ là họa sĩ mà còn minh họa sách Hoa Xuân, Báo Tri Tân, rồi có xưởng nội thất MÉMO Ébénisterie nên ngoài vẽ, ông còn làm rất nhiều việc liên quan tới nội thất và trang trí. Những năm 1960, ông còn làm nội thất cho phòng khánh tiết và Văn phòng Thị trưởng tại Ủy ban Hành chính Thành phố Hà Nội. Ngoài ra, ông còn hoàn thành bộ sơn khắc Tiếp quản Thủ đô treo ở phòng khánh tiết của ủy ban. Những năm tháng tiếp quản tại Hà Nội, gia sản và nhà cửa của gia đình tôi đều cống hiến hết cho Nhà nước.

Trong những năm tháng nhọc nhằn ấy, dù có khó khăn thế nào, cha mẹ tôi vẫn cố gắng chắt chiu cho chúng tôi học hành, vừa tiếp thu kiến thức vừa trau dồi về các môn văn hóa nghệ thuật để chúng tôi có sự hiểu biết rộng mở.

Không chỉ là nghệ thuật hội họa,  họa sĩ Trịnh Thị An còn học được từ cha  nhiều bài học tinh thần vô giá. Trong ảnh:  Cuốn sách đặc biệt về họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc  do chính con trai ông - họa sĩ Trịnh Lữ - thực hiện
Không chỉ là nghệ thuật hội họa, họa sĩ Trịnh Thị An còn học được từ cha nhiều bài học tinh thần vô giá. Trong ảnh: Cuốn sách đặc biệt về họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc do chính con trai ông - họa sĩ Trịnh Lữ - thực hiện

Học hết lớp Mười, tôi muốn thi vào đại học sư phạm thì có giấy báo về nhà thông báo tôi không được thi đại học vì lý lịch không tốt, chỉ được vào khoa D (khoa học), học xong sẽ lên miền núi dạy. Thật may mắn vì cha mẹ đã cho chúng tôi học rất nhiều môn nghệ thuật. Lúc đó, tôi đang học đàn piano của bà Thái Thị Liên. Bà thấy thương quá, bảo tôi thi vào trường nhạc, để bà xem thế nào. Thời ấy, không nhiều người học đàn piano nên trường nhạc cũng rất cần. Khóa của tôi năm đó chỉ có mình tôi, sau đó có một cậu người Trung Quốc, một thời gian nữa có cô Tuyết Minh, vài năm sau có thêm mấy người nữa là học sinh miền Nam ra học đàn. Cuộc đời tôi mải mê gắn bó với trường nhạc được một thời gian, sau đó là dàn nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam 25 năm, cho đến lúc về hưu.

Trong cuốn Trịnh Hữu Ngọc - di sản đặc biệt của mỹ thuật Đông Dương do dịch giả Trịnh Lữ - em trai tôi - biên soạn, có viết lại lời cha tôi căn dặn: “Các con lớn cả rồi, biết phải sống với nhau như thế nào rồi. Mà cha cũng chẳng có gì để lại cho các con, ngoài ý thức sống tự lập và khả năng biết vẽ, biết đàn, biết học, biết làm tử tế mọi việc cần làm”. Chúng tôi đã học được sự tự lập, tự chủ và cả tĩnh tâm ung dung tự tại từ cha mình, để đến bây giờ, khi nhìn nhận lại, ai cũng đều biết ơn công lao dưỡng dục của ông bà. Chúng tôi đều hiểu rằng dù cuộc đời có bão giông thế nào nhưng âm nhạc và hội họa sẽ xoa dịu tâm hồn, tình thân từ gia đình sẽ đem lại sự bình yên.

Tác phẩm Mèo con
Tác phẩm Mèo con

* Cầm kỳ thi họa đều được học từ nhỏ, sau đó lại trở thành nghệ sĩ piano nhưng khi nào bà thực sự chuyên tâm vào hội họa?

- Vào thời tiếp quản, gia đình tôi nhường khu xưởng MÉMO ở 78 Hàng Bông Nhuộm cho Sở Công nghiệp Hà Nội sử dụng, đổi lấy nhà số 108 Quán Thánh. Về đây, cha mẹ tôi mở lớp dạy vẽ ở 108 Quán Thánh, chúng tôi cũng được học theo. Hình ảnh mẹ ngồi vẽ và cha thường ở xưởng vẽ, làm nội thất luôn trong tâm trí tôi.

Nhà tôi có thư viện gia đình với nhiều bộ bách khoa toàn thư, nhiều tạp chí Âu Mỹ về nghệ thuật, kiến trúc, khoa học phổ thông, nội thất… Sách báo nước ngoài xếp hàng chồng, như tờ The Wasington Post hay tờ Paris Match… Tôi đọc và xem suốt ngày, có lẽ vì thế thấm dần các cách thức trình bày mới mẻ, hiện đại, màu sắc chuẩn xác của báo chí phương Tây.

Cha tôi dạy con rất ít nhưng dạy câu nào là nhớ đời câu ấy. Chẳng hạn: “Con hãy quan sát thiên nhiên. Con hãy đi tìm chiếc lá bàng, con xem màu chủ đạo của chiếc lá mùa đông là gì, mùa thu là gì, mùa xuân là gì, mùa hè là gì, từ đó con sẽ vẽ được chuẩn xác nhất màu của những chiếc lá. Đó là những sắc màu trong thiên nhiên mà khi quan sát, qua góc nhìn của con và thực tế chiếc lá, sẽ ra được một chiếc lá bàng có những vẻ đẹp của màu sắc”.

Từ những năm 80-90, mẹ tôi bảo: “Con phải học vẽ lụa đi, mẹ bắt đầu mệt rồi…”. Và đó là những ngày tháng mẹ dạy tôi vẽ lụa một cách tập trung nhất, chứ trước kia, tôi còn mải bận bịu với nhạc. Mẹ chính là người thầy vĩ đại của tôi. Hiện giờ trong nhà vẫn còn bức tranh Cô gái ngồi tết tóc của mẹ mà mỗi lần ngắm nó, tôi cảm thấy mẹ vẫn luôn hiện diện dõi theo từng bước đường của tôi. Sau này, căn nhà 108 Quán Thánh bị sập vì bom, cha tôi dựng một ngôi nhà nhỏ ở Quảng Bá, Hồ Tây mà bạn bè của ông thường gọi là “lều vịt”. Ở đó, ông sống như một thiền sư - tĩnh lặng để thực hiện những sáng tạo.

Tôi học vẽ từ cha mẹ mình nhưng chỉ là học “chơi”, còn nghề chính của tôi là piano. Tuy vậy, từ những năm 1980, mẹ đã bảo tôi phải học “thật kỹ” và phải đến lúc về hưu, tôi mới có thời gian tập trung vào hội họa một cách quyết liệt.

Học vẽ lụa theo lối cổ

* Bà đã học được cách vẽ lụa từ mẹ mình như thế nào?

- Mẹ tôi là một trong số ít phụ nữ đầu thế kỷ theo học Trường Mỹ thuật Đông Dương, thế nên những gì bà học được đều theo các thầy ở trường Đông Dương dạy. Khi đã nhiều tuổi, mẹ gọi tôi lại và bảo: “Con phải học vẽ tập trung hơn nữa đi”. Tôi đã vâng lời, chú tâm học vẽ từ mẹ. Cũng giống lối vẽ của cụ Nguyễn Phan Chánh, mẹ tôi dạy tôi cách vẽ lụa theo lối cổ đó, thường là màu được phủ lên hình họa rồi để khô, sau đó rửa nhẹ cho hết lớp gợn của bột màu, để khô rồi lại quét lên lớp màu nữa, để khô lần nữa, lại rửa đi. Cứ như thế, màu chồng màu nhiều lớp, vẽ một bức tranh có khi hàng tháng, kiên trì vẽ cho đến khi lớp màu thấm sâu và bức tranh giữ được màu bền bỉ.

Cách đây hơn chục năm, cô tôi - họa sĩ Nguyễn Minh Mỹ - lúc ấy đã 90 tuổi lên chơi, ngắm tranh tôi vẽ xong ngỏ lời muốn dạy tôi thêm về vẽ lụa. Bà muốn truyền lại những bí quyết về vẽ lụa cho tôi. Bà bảo: “Cô chỉ chuyên vẽ chân dung thôi, còn về tĩnh vật, có khi phải học con đấy”. Tôi thật may mắn vì có mẹ và cô truyền cho những bí quyết để vẽ lụa.

Tác phẩm Quả lựu
Tác phẩm Quả lựu

* Có thể nhận thấy trong tác phẩm của bà toàn những thứ quanh cuộc sống đời thường, những con gà, những con chó, những chiếc lá hay chân dung các cháu gái của bà. Mọi thứ thật xinh xắn phải không, thưa bà?

- Tôi chỉ vẽ những gì xung quanh cuộc sống đời thường của mình. Tôi ít khi ra ngoài ngồi vẽ thực tế trực họa vì có ai nhìn hay đông người là tôi ngại lắm. Bây giờ giả dụ vẽ hoa sen, ngồi vẽ thì lâu mà hoa thì nhanh héo, thời gian trên bông hoa và hình ảnh bông hoa trong tranh mà mình nắm bắt được đã khác nhau trong tích tắc rồi. Đâu phải vẽ gì là vèo cái đã xong. Thế nên tôi hiểu được cha tôi vì sao khi vẽ lại thiền và đúng là thiền khi vẽ. Tôi không thích cái gì đao to búa lớn, tôi chỉ yêu thiên nhiên, yêu những vẻ đẹp tinh tế ấy.

* Bút pháp của bà có thay đổi theo tháng ngày?

- Chắc là có. Tôi ngắm lại những bức vẽ xưa và thường tự hỏi tại sao thời điểm đó tôi lại vẽ “bay” được như thế. Giờ đây, tôi vẽ chậm hơn rồi. Hồi nhà tôi ốm, tôi hầu như không vẽ. Dù tôi không phải vất vả trông nom nhưng thân tâm đều thấy bất an, lo lắng nên không cầm cọ nổi. Dần dà, tôi cũng cầm cọ trở lại, vẽ chậm, từ từ theo sức của mình.

Tác phẩm Chân dung bé gái
Tác phẩm Chân dung bé gái

* Chồng bà - nhạc sĩ Phó Đức Vạn - có thường góp ý các bức tranh của bà?

- Nhà tôi vẫn theo dõi tranh tôi vẽ và góp ý, bình luận. Ông luôn vui, hóm hỉnh nên những lời góp ý không bao giờ làm tôi phật lòng. Tôi có vẽ chân dung ông nhưng chưa ưng ý lắm. Mà cũng nhiều người vẽ ông rồi, còn tôi chỉ mải vẽ trẻ con thôi. Ông mất nhưng tôi không có cảm giác ấy, tôi như vẫn thấy ông quanh đây với mình.

* Nhiều người nhận xét rằng khi xem tranh của bà, người ta có thể cảm nhận trái tim của một nghệ sĩ dương cầm và bàn tay của một họa sĩ, bà nghĩ sao?

- Có lẽ cuộc sống của tôi cứ quanh quẩn với nhà cửa vườn tược và thích gì làm nấy. Đời sống được gọi là yên bình. Tôi cảm nhận cái đẹp quanh mình, từ thiên nhiên, cây cỏ, tới con vật và cả đồ vật. Thanh âm của tiếng nhạc hay tiếng rì rào của cỏ cây hoa lá cũng làm tôi xúc động và muốn truyền tải vào trong tranh.

* Hiện giờ, ở tuổi 83, bà có còn ước muốn gì nữa không?

- Cũng có nhưng là về các cháu của tôi, còn thật may mắn vì tôi đã có hội họa. Bây giờ, vẽ là lúc tôi thư giãn, thoải mái đầu óc. Có lẽ vẽ cũng rèn luyện tâm trí cho đỡ bị bệnh lãng quên hoặc như các cụ nói là nhàn cư vi bất thiện. Tôi cũng không muốn đi đâu, không vẽ là tôi thêu thùa, dạy cháu nếu cháu về chơi, làm việc lặt vặt. Mẹ tôi nấu ăn rất ngon, nhất là món cá hoặc mắm tép. Tôi cũng học được từ bà nhiều món. Tôi làm mắm tép khá ổn, ai ăn rồi khó mà quên được.

* Cảm ơn bà đã chia sẻ.

Codet Hanoi (thực hiện) - Ảnh do nhân vật cung cấp

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI