Họa sĩ Trang Phượng: “Tôi vẽ thay những đồng đội đã ngã xuống”

22/12/2023 - 15:18

PNO - Nhiều lần trong cuộc chuyện trò, họa sĩ Trang Phượng nói ông nhớ những đồng đội năm xưa. Ngày ấy ở chiến trường, các họa sĩ khát khao được vẽ, nhưng mấy người kịp làm điều đó, bởi họ chẳng thể trở về.

Tại một góc triển lãm chào mừng ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12) diễn ra ở Hội Mỹ thuật TPHCM, họa sĩ Trang Phượng (tên thật Trương Bá Phạn) đứng trầm ngâm. Ông chăm chú xem tranh của đồng nghiệp và chờ xem ai đó có muốn hỏi về các bức vẽ của mình thì giải đáp.

Ông là một trong những họa sĩ hiếm hoi theo đuổi một chủ đề trong suốt quá trình sáng tạo. Hơn 60 năm qua, dù cuộc sống cá nhân và thời cuộc có nhiều đổi thay, ông vẫn chỉ vẽ về đề tài kháng chiến, về tình đồng chí, đồng đội năm xưa. “Năm 1959, tôi tốt nghiệp thủ khoa Trường trung cấp Mỹ Nghệ thực hành Bình Dương. Sau 2 lần đạt giải cao tại cuộc thi vẽ, tôi được sắp xếp để sang Nhật học tập, nhưng tôi không đi mà quyết định tham gia kháng chiến. Từ mặt trận Đồng Xoài, Bình Phước đến Củ Chi, Mậu Thân..., tôi vừa cầm súng, vừa mang theo bút vẽ, ký họa lại khung cảnh thực tế” - họa sĩ Trang Phượng chia sẻ.

Họa sĩ Trang Phượng bên cạnh bức Truy kích đang trưng bày tại Hội Mỹ thuật TPHCM
Họa sĩ Trang Phượng bên cạnh bức Truy kích đang trưng bày tại Hội Mỹ thuật TPHCM

Đối với người làm sáng tạo, việc duy trì một chủ đề qua nhiều năm vừa dễ mà vừa khó. Dễ là bởi không cần phải trăn trở mình sẽ vẽ gì. Còn khó ở chỗ mình sẽ vẽ ra sao khi đề tài cứ lặp đi, lặp lại. Họa sĩ Trang Phượng nói, đôi lúc quá khó để có cảm xúc, ông lấy những bản ký họa năm xưa ra xem, hồi tưởng lại khoảng thời gian tham gia chiến trận. “Nhiều đồng đội cũng là họa sĩ ký họa như tôi đã nằm lại nơi chiến trường. Tôi quyết định chỉ vẽ về đề tài kháng chiến, như để làm thay công việc của họ. Tôi thấy mình như một chứng nhân lịch sử nên cố gắng vẽ nhiều nhất có thể, mong con cháu xem tranh như nguồn tư liệu tham khảo” - họa sĩ Trang Phượng nói thêm.

Nhiều năm sau khi chiến tranh đã lùi xa, họa sĩ Trang Phượng nói ông vẫn còn giữ kỹ những bức ký họa thời chiến như báu vật. Hiện bức vẽ mang tên Sài Gòn nổi dậy, vẽ trên vỏ chiếc xe của địch ngay trong trận Mậu Thân 1968, đang được trưng bày ở Bảo tàng TPHCM (65 Lý Tự Trọng, quận 1, TPHCM). Nhiều bức như Sài Gòn tết Mậu Thân, Quân giải phóng về làng, Củ Chi đất thép, Truy kích, Thanh niên xung phong chống Mỹ... giúp người xem hiểu hơn về những năm tháng chiến đấu oanh liệt của dân tộc.

Họa sĩ Trang Phượng miệt mài sáng tác từ khi về hưu. Ông xem hội họa như người bạn để rèn khả năng tập trung, sáng tạo. Trước đó, ông đảm nhận nhiều vị trí như Viện trưởng Viện Mỹ thuật Việt Nam, Phó trưởng ban Tư tưởng Văn hóa Thành ủy TPHCM, Phó chủ tịch Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật TPHCM...

Tháng 7/2023, khi vừa thực hiện cuộc phẫu thuật dạ dày, sức khỏe còn yếu, ông được gia đình hỗ trợ mở triển lãm cá nhân mang tên Khi người chiến sĩ là họa sĩ. Cuộc trưng bày thu hút sự quan tâm của công chúng, nhận về nhiều lời khen ngợi, động viên cho thái độ sống tích cực, say mê sáng tạo của người họa sĩ, chiến sĩ đa tài. 

Diễm Mi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI