Nhận lời mời làm người dẫn chuyện cho bộ phim tài liệu Văn nghệ sĩ trong Mậu Thân 1968 (còn có tên Sử thi 1968, do Ngô Xuân Phước làm đạo diễn, Hãng phim Giải phóng sản xuất); tôi không khỏi băn khoăn, ngần ngại. Bởi theo kịch bản, mình phải có cuộc trò chuyện với những bậc cao niên đầy cá tính… Nhưng rồi tôi tự an ủi, động viên mình: “Đây là những báu vật nhân văn sống một thời. Không gặp được những chứng nhân lịch sử này thì bao giờ có thể gặp được nữa”. Và tôi được đền bù khi một buổi sáng đầu thu được đến thăm “biệt phủ” của tiến sĩ, họa sĩ Trang Phượng, ngay trên đường Vườn Chuối (quận 3, TPHCM).
Ngôi nhà của tiến sĩ, họa sĩ Trang Phượng ngay trong lòng thành phố; lại tĩnh lặng, chìm khuất giữa không khí xô bồ, náo nhiệt chốn phồn hoa. Tôi dùng từ “biệt phủ” vì sự sang trọng đặc biệt của ngôi nhà - một ngôi nhà không rộng nhưng như một phòng trưng bày tranh mở, không có những đồ vật đắt tiền nhưng tràn ngập dấu ấn nghệ thuật. Đó là sự hiện diện của những bức tranh gắn với phần đời máu thịt của ông trong cuộc chiến khốc liệt; cả những trăn trở, day dứt thời bình. Nơi đây có những bức tranh không bán.
Biệt phủ ấy chứa đựng một phần lịch sử chiến tranh cách mạng. Ông nói đó là những thứ quý giá nhất cuộc đời mình… Trong khoảnh khắc ấy, tôi cảm ơn đạo diễn Ngô Xuân Phước đã kéo tôi ra khỏi căn phòng bé nhỏ, chất đầy sách để tiếp cận với những nhân vật trong kịch bản phim tài liệu Sử thi 1968. Tôi hứng khởi với bộ phim tài liệu này một phần vì mình cũng là 1 nhân vật trong phim. Sử thi 1968 của biên kịch Mộng Long viết về lực lượng văn nghệ sĩ tham gia sự kiện lịch sử bi tráng này, cả những cảm nhận bằng tác phẩm văn học nghệ thuật của thế hệ lớn lên sau chiến tranh.
Sài Gòn tết Mậu Thân (sơn dầu trên bao cát) vẽ năm 1968. Đây là bức tranh ông không bán mà giữ làm kỷ niệm
Chỉ cần khép lại cánh cổng, tôi đã được sống trong một không gian yên bình, tĩnh lặng. Quanh tôi là một không gian bàng bạc chất sử thi, cho những sắc màu, đường nét, âm thanh hòa quyện, thăng hoa. Trong buổi sáng thanh bình này, họa sĩ Trang Phượng trải lòng. Ký ức được khơi dậy, như nước sông tuôn trào không dứt. Ông nói với tôi về ký ức chiến tranh, những ngày Mậu Thân 1968 khốc liệt, nhiều lần ông thoát chết trong gang tấc… Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, 61 họa sĩ đã ngã xuống, nhiều người không tìm được xác. Khi nghĩ về những người nằm xuống, ông muốn mình được sống lâu, được khỏe mạnh để làm thay phần việc cho những người không trở về…
Hộp màu, giấy vẽ cũng là vũ khí chiến đấu
Phóng viên: Thưa anh Trương Bá Phạn (Trang Phượng), từng tốt nghiệp thủ khoa Trường trung cấp Mỹ nghệ thực hành Bình Dương, thi vào Trường cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn; nhiều năm liền được giải thưởng hội họa; cơ duyên nào anh vào rừng, trở thành họa sĩ chiến trường?
Tiến sĩ, họa sĩ Trang Phượng: Nếu đất nước không bị chia cắt, đau thương thì chàng sinh viên xuất thân từ Phú An, Bến Cát, Thủ Dầu Một thi đậu thủ khoa trường mỹ thuật, được cấp học bổng đi Nhật du học đã hân hoan lên đường. Tôi bắt đầu cầm cọ năm 15 tuổi, với niềm đam mê và mong ước dùng đường nét, sắc màu, bố cục - nghệ thuật hội họa - ghi lại và lưu giữ những hình ảnh, sự kiện đẹp đẽ và có ý nghĩa của con người, đất nước mình cho thế hệ sau. Nhưng rồi Đồng khởi, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời. Tầng tầng lớp lớp thanh niên được kêu gọi, tập họp chiến đấu dưới ngọn cờ mặt trận, trong đó có trí thức và văn nghệ sĩ trẻ. Sinh viên mỹ thuật Sài Gòn cũng không ngoại lệ. Vậy là tôi dứt áo ra đi…
Củ Chi đất thép
* Bỏ Sài Gòn vào chiến khu, anh mang theo gì?
- Được cầm súng chiến đấu cho hòa bình, thống nhất đất nước là hoài bão lớn nhất của chúng tôi lúc đó. Không phải riêng tôi mà rất nhiều họa sĩ lần lượt tìm đường ra chiến khu, tham gia kháng chiến, như Cổ Tấn Long Châu, Nguyễn Văn Sự từng được đào tạo hội họa trong kháng chiến chống Pháp được phân công ra vùng Củ Chi, công tác tại Ban Tuyên huấn khu Sài Gòn - Gia Định, cùng với Đào Hữu Phước, Nguyễn Thanh Bình. Tôi được phân công ra chiến khu Bình Dương. Nguyễn Đức Lưu được phân công ra chiến trường Long An, Châu Hồ (Nguyễn Văn Niên) ra bưng biền Mỹ Tho; một số họa sĩ ra chiến khu Tây Ninh, Hóc Môn. Một số anh gia nhập quân giải phóng. Chúng tôi cầm súng chiến đấu, trên đường hành quân còn mang theo những hộp màu để vẽ. Với chúng tôi lúc đó, hộp màu, giấy vẽ cũng là vũ khí chiến đấu. Đối với họa sĩ, hộp màu và tập tranh là sinh mạng, là những gì quý giá nhất, không thể tách rời với bản thân.
* Giữa những trận chiến khốc liệt, sinh tử, hội họa giúp ích được gì cho chuyển biến chiến trường?
- Hồi đó máy ảnh rất hiếm. Họa sĩ vẽ tranh rất cực. Vì lẽ đó, ký họa góp phần đắc lực ghi lại những hình ảnh, hoạt động kháng chiến. Chúng tôi có mặt trong những trận đánh lớn, ác liệt như trận Đồng Xoài. Anh em chiến sĩ thấy vào trận có cả họa sĩ đã nâng tinh thần chiến đấu lên cao. Họ tin những gì mình làm sẽ được ghi lại, được nhiều người biết. Những người lính thấy mình chiến đấu không đơn độc. Có chất văn nghệ, dù là hội họa, anh em chiến sĩ trở nên lạc quan, giảm bớt nhiều căng thẳng…
Cuối năm 1961, Trung ương Cục chuyển căn cứ từ Mã Đà về Bắc Tây Ninh. Được lệnh điều động của Trung ương Cục, chúng tôi tìm đường về R. Đường đi gian khổ, ác liệt; chúng tôi chứng kiến bao tấm gương chiến đấu anh dũng, những hy sinh, tổn thất… Về được R, tôi vô cùng vui mừng gặp lại Cổ Tấn Long Châu, Phạm Minh Sáu. Rồi chú Trần Bạch Đằng ký thành lập Phòng Hội họa giải phóng, giao anh Cổ Tấn Long Châu làm trưởng phòng, tôi làm phó phòng. Lãnh đạo rất có tầm chiến lược để tập họp, phát huy sức mạnh “văn nghệ sĩ cũng là chiến sĩ”…
Trạm giao liên
* Anh còn giữ rất nhiều ký họa sống động và ấn tượng trong chiến tranh, trong số đó có cả những tác phẩm chưa hoàn chỉnh. Vì sao anh quý những ký họa mộc mạc, nguyên sơ đến vậy?
- Ký họa là xương máu, là tâm tư, tình cảm của người họa sĩ trong cuộc kháng chiến. Nó còn là bằng chứng sống động và vô cùng thuyết phục phản ánh cuộc chiến tranh hào hùng, giải phóng đất nước, là khát vọng hòa bình… Hành quân mang theo súng đạn để chiến đấu, chúng tôi cũng mang theo tập tranh của mình. Những tác phẩm của chúng tôi cũng là vũ khí. Tập tranh quý hơn cả máu!
Tôi quý những bức tranh này hơn vàng!
* Chiến tranh, bom đạn ác liệt; làm cách nào anh giữ được những tác phẩm của mình?
- Mỗi khi vào trận, tôi hay lân la làm quen với anh em chiến sĩ cùng chiến đấu, căn dặn anh em giúp tôi chuyển toàn bộ tài liệu ký họa về hòm thư có sẵn trong cặp nếu tôi hy sinh. Nếu người nào tôi gửi gắm hôm trước hy sinh, tôi lại làm quen người mới, nói rõ nguyện vọng tha thiết của mình. Anh em chiến sĩ hiểu được tâm tình của tôi, rất nhiệt tình nhận lời. Tôi cũng tìm cách gửi hàng trăm bức ký họa của mình ra miền Bắc, qua đường giao liên, với hy vọng nếu tôi hy sinh, tác phẩm của mình cũng được lưu giữ lại, để thế hệ sau hiểu thêm cuộc chiến đấu vĩ đại của cha anh. Tuy nhiên, nhiều bức tranh bị thất lạc trên đường vận chuyển. Một lần trên đường Trường Sơn, tôi nhìn thấy một số bức ký họa của mình treo trong một trạm giao liên ở các sự kiện lớn mang tính phong trào. Một số tranh được Bộ Ngoại giao làm quà tặng khi tôi công tác ở Algérie…
Chiến trường ác liệt, tôi không nghĩ mình được sống sót nên khi gửi ký họa ra miền Bắc, tôi đều viết thư nói anh em có thể sử dụng các tư liệu này. Tôi sợ mình sẽ không còn nhìn thấy những đứa con tinh thần của mình. Bây giờ, tôi chỉ còn được hơn 100 bức ký họa. Có những bức đã ố vàng, loang lổ nhưng tôi quý hơn vàng.
Họa sĩ Trang Phượng năm 29 tuổi, vượt đồng nước mênh mông, đầy muỗi ở Phú Định (khu đô thị Phú Mỹ Hưng ngày nay) ngày 27/2/1968
* Nhưng làm nên tên tuổi của một họa sĩ đâu chỉ là những bức ký họa mà còn phải là những tác phẩm hoàn chỉnh, với phong cách riêng về màu sắc, đường nét, bố cục, ý tưởng, đề tài…
- Trong chiến tranh, thời kỳ tôi vẽ được nhiều, có những tác phẩm ghi dấu ấn chính là dấu mốc lịch sử Mậu Thân 1968. Mỗi lần nghe nhắc đến 2 tiếng Mậu Thân, tim tôi thắt lại. Bao ký ức bi hùng sống lại trong tôi, cùng với hình ảnh đồng đội, đồng chí. Tôi không thể quên được buổi chiều ngày tiến vào Sài Gòn. Đoàn chúng tôi hành quân qua cánh đồng Tân Bửu, dưới ánh mặt trời lặn dần sau rặng dừa nước. Đoàn quân giải phóng rầm rập tiến vào Sài Gòn. 2 bên bờ, các má đứng ngóng trông, mong tìm thấy con mình. Không gặp được con, gặp ai, các má cũng hỏi: “Con có biết thằng A, thằng B… con của má không? Nó có về không?”. Tôi không biết trả lời sao vì bộ đội trùng trùng, tôi không biết con má là ai. Nhìn những đôi mắt già nua, mòn mỏi của những bà má ngóng trông con, tôi chạnh lòng tự hỏi: “Phải chăng ở cánh quân nào đó, má tôi cũng đang ngóng chờ tôi?”. Tôi lùi lại chờ Hoàng Anh để nói cho anh nghe suy nghĩ của mình…
* Hoàng Anh cũng là họa sĩ trong đoàn quân tiến về Sài Gòn cùng anh? Chắc hẳn anh giữ nhiều kỷ niệm máu thịt về đồng đội trong Mậu Thân 1968?
- Phải. Trước khi nói về những tác phẩm của mình, tôi muốn kể những kỷ niệm về đồng đội. Lúc đó, nghe những lời bộc bạch của tôi, Hoàng Anh không ngăn được nước mắt. Anh chia sẻ đã 20 năm rồi anh chưa được gặp má. Rồi anh lau nước mắt nói: “Nhất định ngày vào Sài Gòn, tiếp quản trường mỹ thuật, mày phải giúp tao trực ở đó để tao chạy về thăm má. Nhà tao ở ngã năm Bình Hòa, cách trường không xa”. Tôi hứa: “Nhất định rồi. Nhà tao ở Bình Dương. Mày thăm má xong quay lại trực để đến lượt tao về thăm má tao”.
Đêm đó, chúng tôi vào ấp chiến lược Tân Bửu. Sáng ra, tàu Mỹ tập kích. Chúng tôi phải chạy xuống con rạch dừa nước ẩn nấp. Một quả đạn M79 từ trực thăng bắn xuống nước dội lên trúng miệng Hoàng Anh. Vết thương quá nặng, làm đứt lưỡi và bể quai hàm, máu tuôn xối xả. Tôi mang anh đi, động viên anh cố gắng chịu đựng, đợi giặc bớt phản kích sẽ đưa anh về tuyến sau điều trị. Nhất định anh sẽ gặp lại má khi Sài Gòn giải phóng. Nhưng ngày ấy không bao giờ đến vì Hoàng Anh vĩnh viễn ra đi lúc 3g chiều hôm ấy, đôi mắt vẫn mở bởi ước mơ ngày gặp má không bao giờ thực hiện được.
Đã mấy chục năm trôi qua nhưng mỗi lần nhớ đến đôi mắt không khép lại được của Hoàng Anh, lòng tôi lại quặn đau. Ký ức vẫn cứ như còn nguyên vẹn. Những người con mãi mãi không trở về và những người mẹ cứ mãi ngóng trông…
Họa sĩ Trang Phượng trong chuyến đi thực tế sáng tác vẽ tranh sau ngày hòa bình
Có những cuộc chia tay là mãi mãi
* Trong kháng chiến chống Mỹ, không ít họa sĩ cùng vào trận và ngã xuống…
- Phải. Nếu trong kháng chiến chống Pháp, họa sĩ Tô Ngọc Vân ngã xuống ở chiến trường Điện Biên Phủ, hiếm hoi vài họa sĩ hy sinh thì trong kháng chiến chống Mỹ, có hơn 61 họa sĩ ngã xuống. Riêng Phòng Hội họa Giải phóng đã có hơn phân nửa người hy sinh.
Năm 1968 với tôi là những hồi ức buồn vì có quá nhiều đồng đội, bạn bè của tôi ngã xuống. Có những gương mặt, ánh mắt, nụ cười tôi không thể nào quên. Họ ra đi khi tuổi đời còn quá trẻ. Có những đồng chí, nghệ sĩ, nhà thơ sa vào tay địch, bị tra tấn dã man, để lại di chứng nặng nề, tuổi thanh xuân bị hủy hoại. Có những cuộc chia tay là mãi mãi. Tôi làm sao quên được hình ảnh nhà văn Lê Văn Thảo khi gặp lại anh sau những ngày Mậu Thân ác liệt, dạt qua đất Ba Thu (Campuchia). Trông thấy Lê Văn Thảo từ dưới ghe bước lên và mang 2 khẩu súng thì tôi biết Lê Anh Xuân không còn nữa.
Buổi chiều hôm ấy, Lê Văn Thảo cho tôi xem cuốn nhật ký của Lê Anh Xuân, trong đó có ghi rằng gặp Trang Phượng ngày 18/5/1968 và trang cuối cùng là ngày 21/5/1968… Ngay chính tôi cũng không nghĩ mình còn được sống.
Tôi đã từng suýt chết khát khi bám trụ ở vũng sình lầy đầy muỗi mòng ở Phú Định rồi đề nghị rút quân, bởi chậm 1 ngày không đủ người khiêng thương, bệnh binh. Băng đồng suốt đêm đến được Đa Phước thoát hiểm, tôi mới nhận ra mình đã chiến đấu liên tục trong 23 ngày đêm, đánh nhau 28 trận, bị thất lạc đồng đội, đánh đến đâu bị giặc truy kích đến đó. Có lúc nghĩ mình không thể sống, tôi tặng hộp màu cho 1 đồng đội. Anh ấy giữ cho đến ngày giải phóng, trao lại cho tôi. Còn khi Hoàng Anh hy sinh, tôi giữ lại hộp màu của anh ấy…
* Hòa bình, anh có điều kiện vẽ nhiều tranh nhưng những tác phẩm sáng tác ở chiến trường đã làm nên một họa sĩ - chiến sĩ Trang Phượng ghi đậm dấu ấn vào nền hội họa đất nước?
- Những bức tranh vẽ ở chiến trường là những cảm xúc thăng hoa, xuất thần; giành giật với bom đạn, cái chết. Với những trải nghiệm ở chiến trường Sài Gòn, tôi đã sáng tác các tác phẩm: Vùng ven trong tổng tấn công 1968, Sài Gòn nổi dậy, Tết Mậu Thân, Mũi tiến công phía Nam Sài Gòn (được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM) và Trung tuyến (được lưu giữ tại Bảo tàng TPHCM).
Trong đợt tiến vào Sài Gòn, khi thấy đồng bào tự mang bàn ghế trong nhà ra chất đống làm chướng ngại vật, tôi dự định lấy giấy ra vẽ ký họa. Chợt thấy có chiếc xe jeep của địch bị bắn hỏng bỏ lại, tôi lấy dao găm rạch mui xe và dùng hộp sơn dầu của Hoàng Anh để lại vẽ bức tranh Sài Gòn nổi dậy. Vẽ rồi, bảo vệ tranh là điều không dễ dàng. Chất liệu sơn dầu lâu khô, tôi đánh liều đem bỏ các bức tranh đã vẽ trong nhà dân và tiếp tục chiến đấu. Mấy ngày tiếp theo, tôi vẽ thêm 2 bức tranh sơn dầu nữa trên bao cát Mỹ rồi trở lại tìm những bức tranh đã bỏ lại ở nhà dân. Nhờ vẽ trực tiếp không dùng sơn lót nên tranh mau khô. Khi trận chiến ngày càng ác liệt, việc bảo vệ những bức tranh còn khó hơn mạng sống của mình…
* Anh đã cố gắng giữ để trao lại cho thế hệ sau di sản hội họa quý báu thời chiến tranh ác liệt. Nhưng sao sau ngày hòa bình, anh vẫn vẽ nhiều tranh về ký ức hào hùng của cuộc kháng chiến?
- Được sống trong hòa bình mới có điều kiện sáng tác. Sống dậy trong tôi bao kỷ niệm đẹp đẽ và khốc liệt thời vượt Trường Sơn. Tôi vẽ những cô gái thanh niên xung phong tắm suối buộc phải khỏa thân vì chỉ có 1 bộ quần áo. Và trong chiến tranh, đâu chỉ có bom đạn mà còn cái đẹp thiên nhiên, đất nước, con người hiển lộ và tồn tại. Tôi luôn mang món nợ với đồng đội. Mấy chục năm đã trôi qua nhưng tôi vẫn nhớ quay quắt những ngày máu lửa khi tiến vào Sài Gòn. Nhiều lúc trong giấc mơ, tôi gặp lại bao đồng chí, đồng đội đã hy sinh.
Tôi nhớ đôi mắt không nhắm của họa sĩ Hoàng Anh, nhớ nụ cười hiền rạng rỡ của nhà thơ Lê Anh Xuân, nhớ nụ cười giòn tan của nhà phê bình văn học Hồng Tân… Nhớ và nhớ. Tôi luôn tâm niệm sáng tác thật nhiều và sáng tác suốt đời về đề tài chiến tranh cách mạng. Còn được thở là tôi còn vẽ. Tôi muốn được làm thay những việc mà các anh còn bỏ dở… Một trong những điều khiến tôi thấy vui là góp một ít tiền bán tranh xây dựng bia tưởng niệm Phòng Hội họa giải phóng tại Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM.
Để chuẩn bị kế hoạch hậu chiến, tôi và Phạm Khắc được cử dẫn đoàn văn nghệ sĩ trẻ trưởng thành từ miền Nam ra miền Bắc học tập. Vậy là vượt Trường Sơn gian khổ, hiểm nguy; thi tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật, được đi triển lãm tranh ở Algérie rồi được cử sang Bulgari làm nghiên cứu sinh. Ngày tôi bảo vệ luận án tiến sĩ cũng là ngày Trung Quốc tấn công biên giới phía Bắc nước ta. Tôi về nước, được phân công về Hà Nội, đảm nhận chức vụ Phó Viện trưởng Viện Mỹ thuật Việt Nam rồi Viện trưởng (1981). Tôi lấy vợ năm 37 tuổi, lại xa nhau biền biệt mấy năm, chồng Bắc vợ Nam… Rồi tôi được đưa về làm Phó ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM. Tôi có nhiều gợi ý để làm chính trị nhưng tôi vẫn muốn được làm họa sĩ để được sáng tác và làm thay nhiều điều đồng đội ngã xuống còn dang dở…
Bộ phim tài liệu Page One: Inside the New York Times phản ánh câu chuyện của báo chí đương đại với những thách thức trong kỷ nguyên mạng xã hội lên ngôi.