Hoạ sĩ Trần Thanh Thục: Tôi nương mình vào sắc vải

17/12/2021 - 12:37

PNO - 60 tuổi, nữ họa sĩ Trần Thanh Thục, từng được giới họa sĩ đánh giá cao trong tranh sơn dầu, đã trở thành nữ họa sĩ sáng tác tranh ghép vải duy nhất của Việt Nam.

Dưới bàn tay như có phép biến hóa của chị, các chi tiết trên vải đã được cắt ghép công phu, cẩn trọng luôn hòa quyện vào nhau, tạo nên các tác phẩm nghệ thuật đầy cảm xúc. Tới thăm chị sau những ngày Hà Nội giãn cách, tôi thật bất ngờ với không gian của người đàn bà đắm chìm trong sắc vải.

Tằn tiện chỉ để mua vải

Phóng viên: Thời xưa, thi đậu vào trường mỹ thuật cũng không phải “dạng vừa đâu”. Vì sao chị học mỹ thuật đến mười năm?

Họa sĩ Trần Thanh Thục: Có lẽ do… đường chỉ tay học hành của tôi dài chăng? Thuở đó, học năm năm hệ trung cấp xong tôi lại theo học tiếp năm năm hệ đại học. Sau khi kinh qua khổ luyện với các chất liệu như sơn dầu, sơn mài, lụa, ai ngờ đời tôi lại gắn với vải - thứ chưa được học bao giờ. Kể ra thế cũng là kỳ duyên.

Tranh vải luôn là niềm đam mê và cuộc chơi lớn đối với họa sĩ Trần Thanh Thục
Tranh vải luôn là niềm đam mê và cuộc chơi lớn đối với họa sĩ Trần Thanh Thục

* Người ta bảo chị có bàn tay phù thủy. Làm thế nào để chị biến chúng thành những tác phẩm đáng giá ngàn USD trở lên? 

- Tôi đã đi qua tất cả các chất liệu, để rồi chỉ dừng lại với vải. Những năm 1980, tôi phải tằn tiện, dành dụm tiền để đi mua vài mảnh vải có chi tiết khiến tôi mê. Lúc ấy, vải rất hiếm và là thứ xa xỉ đối với nhà nghèo. Chỉ cần bán một mảnh vải, người ta có thể lo được một vài bữa ăn. Vậy mà hồi ấy tôi mua hàng đống vải về, chỉ cắt lấy một vài chi tiết cần thiết để sử dụng, còn lại thì bỏ đi. 40 năm tôi được đắm mình trong vải, ăn vải, ngủ vải, chơi với vải…

Có lúc, tôi ngồi lì trong phòng 14, 15 tiếng. Có lúc “tắc”, tôi không làm việc nữa mà ra ngoài đi dạo, làm công việc khác. Thế nên bạn đừng hỏi tôi mất bao lâu cho một bức tranh. Việc này vô cùng khó đong đếm. Có thể là một vài tháng, có thể là một vài năm.

Trần Thanh Thục - nữ họa sĩ sáng tác tranh ghép vải duy nhất của Việt Nam
Trần Thanh Thục - nữ họa sĩ sáng tác tranh ghép vải duy nhất của Việt Nam
 

* Vậy nên các bức tranh ấy đều là độc nhất? Chị có thể hé lộ đôi chút về kỹ thuật tranh ghép vải mà chị dường như đang là người duy nhất ở Việt Nam nắm bắt?

- Khi đối diện với vải là đối diện với tác phẩm của một nhà thiết kế mẫu. Họ tạo được những họa tiết mà không phải họa sĩ nào cũng làm được. Tôi dùng kỹ thuật chồng xếp vải để tạo độ sâu cho tác phẩm. Nếu họa sĩ trộn hai màu để ra màu thứ ba thì tôi sử dụng hai lớp vải để ra sắc màu thứ ba. Nếu màu thứ ba chưa ưng ý, tôi chồng thêm lớp vải nữa. Phải tới 4- 5 lớp vải mới ra một bầu trời sâu thẳm. Đặc biệt, tôi không phác thảo, không sử dụng dù một chút màu nào trong tác phẩm tranh vải. Mỗi tác phẩm đều là duy nhất, không bao giờ lặp lại. Khi có ý tưởng và có kỹ thuật, có trí tưởng tượng và quan trọng nhất là yêu thôi, thì có gì là không làm được đâu. Mà, đàn bà khi yêu thì bạn biết rồi đấy, điên rồ lắm!

* Không theo lối vẽ thường thấy, chị có gặp khó khăn nào không?

- Rất nhiều, rất nhiều điều tôi muốn khắc họa, muốn chia sẻ nhưng chính những hạn chế của chất liệu vải không ít lần làm đứt mạch những đam mê ào ạt. Nào là không tìm được họa tiết vải ưng ý hoặc cần họa tiết ấy lớn hơn một chút; muốn có thêm một mảnh nữa giống mảnh này nhưng không có, không thể… Họa phẩm của tôi đã được mặc định. Tôi không thể vẽ ra, không thể mua thêm. Tôi phải nương vào những họa tiết tôi đã có, nhờ “các bạn ấy” đưa tôi đi. Lớn nhỏ, sáng tối, miền núi hay miền xuôi, tranh của tôi, nếu vẽ phác thảo, dù có đẹp đến đâu, tôi cũng không biết lấy đâu ra họa tiết mà cắt mà dán. Mái nhà ở đây nó hình này, lớn bằng này nhưng miếng họa tiết tôi có chỉ bằng 1/2 hay 1/3 thì sao đây... Chính vì thế, tôi và vải phải nương theo nhau.

Sắc vàng trên cao nguyên đá
Sắc vàng trên cao nguyên đá
 

Tôi thích vạt nắng vàng, thích hơi ấm trong ngôi nhà 

* Tác phẩm nào mang nhiều kỷ niệm và có giá trị nhất đối với chị?

- Đó là tác phẩm tôi vẽ ngôi nhà bố mẹ từng đưa anh chị em tôi đi sơ tán ở vùng quê Nam Định - một nếp nhà đơn sơ ở miền nông thôn Bắc bộ, nơi chiến tranh đi qua để lại những khó khăn nhưng đầy ắp ký ức. Tôi tặng bức tranh đó cho bố mẹ, gia đình, cho tuổi thơ của mình. 

"Gần đây, tôi thường làm việc hối hả bởi khi năng lượng ập đến, tôi phải xả ra ngay vì không phải lúc nào cũng có được những luồng cảm xúc như vậy. Với tác phẩm về tuyết Hà Giang, tuyết Sa Pa, dẫu trong đó là cái lạnh, là màu xám của núi nhưng tôi vẫn muốn tìm điểm nhấn sau sự lãnh lẽo đó - chính là hơi ấm bên trong ngôi nhà. Nó nằm đâu đó mà có thể bạn không để ý. Thế nhưng, một lúc nào đó, khi ngắm kỹ bức tranh, bạn nhận ra và có thể sẽ rất thích thú với khám phá ấy. Đây là điểm nhấn của sự hạnh phúc, ấm cúng trong từng ngôi nhà, cho dù người ta không giàu có."

TRẦN THANH THỤC

* Chị rất chú trọng tới từng chi tiết, tỉ mẩn chăm chút từng vạt nắng, dáng hoa, bóng cây… Điều ấy phải chăng cũng đòi hỏi một sự “cô độc” ghê gớm?

- Đó chính là do tôi luôn khao khát lột tả được vẻ đẹp đầy bí ẩn của thiên nhiên với tình yêu và lòng biết ơn đất mẹ. Từng tầng màu, từng tầng hình cứ thế dần hiện ra. Nơi đồng quê còn vang đâu đó những bài đồng dao, những miền cao nguyên với đỉnh núi xám trắng dang rộng vòng tay yêu thương, chở che khi tuyết bay trên mái nhà sàn đơn sơ. Rồi miền cao nguyên lại bỗng rực vàng khi mùa cải đơm bông. Đâu đó những bé thơ nhao nhác gọi nhau sau những ụ rơm, trên những nhịp rào đá… Những bước chân chưa mỏi, những ước mơ còn đang ở phía trước, những sắc vải còn đầy cuốn hút giữa những ngày chang chang đổ nắng và cả những đêm dài lạnh. Từng bức tranh cắt vải cứ lần lượt ra đời như người mẹ sau kỳ thai nghén đã tới ngày khai hoa. Tôi ngồi, giống như tĩnh thiền trong cốc nhỏ đầy vải vóc, tỉ mỉ chi tiết, kiên nhẫn như thử thách chính mình.

* Nhìn cách chị làm việc, tôi có cảm giác không gian này thu hẹp như một chiếc am nhỏ mà chị là người duy nhất ở đây?

-Cho dù nhiệt độ có lên đến 450C thì tôi vẫn không được mở quạt; dù lạnh giá đến đâu, tôi cũng không được đóng kín phòng, lại càng không được sử dụng điều hòa bởi trong không gian này khá nhiều bụi vải. Thế nên bạn nhìn thấy tôi ngồi làm việc vào mùa hè thì nhễ nhại, mùa đông thì rét lạnh. Vậy nhưng nói thật, tôi vẫn lấy làm hạnh phúc, bởi những lúc công việc hanh thông chính là lúc hạnh phúc nhất của đời người. Tôi cũng thấy mình giống như người tu tập trong cốc nhỏ. Tôi ngồi yên trong góc của mình, tìm từng chi tiết, bần thần suy nghĩ xem có nên làm như vậy; nếu lỡ tay, có thể phá hỏng cả bức tranh với bao công sức mồ hôi và đó là nỗi buồn, sự ân hận lớn. Cho nên, tôi cần bình tĩnh, nhẹ nhàng, suy nghĩ kỹ rồi mới quyết định. Bạn thấy các vị sư ngồi thiền định thế nào thì tôi nghĩ mình cũng gần giống như thế.

Tôi từng ngồi lì ở đó nhiều giờ, có lúc là đêm qua, có lúc là ngày tới… Có lúc bài toán phải giải chỉ là sự thể hiện triền đê khi mặt trời sắp lặn, là lũ trẻ cố đuổi kịp những áng mây sau một ngày đổ lửa đang trôi dần về xế chiều, là chiếc ban công đầy hoa, là cây bàng bốn mùa với nhiều sắc thái, là bóng cô gái quàng chiếc khăn len… Tôi không bao giờ làm cố để cho xong một bức tranh mà tôi xem đây như một sự kiếm tìm chính con người mình. Tôi chơi với vải.

Đêm phố Hội
Đêm phố Hội

* Sáng tác nhiều về Hà Nội, chị đã thể hiện một Hà Nội khác biệt như thế nào?

- Vào tuổi hoa niên, tôi mới được đến Hà Nội, khi đâu đó còn leng keng tiếng tàu điện. Tôi nhớ thật nhiều những ngày lạnh căm căm cầm que kem đứng bên Hồ Gươm gợn sóng, những ngày cùng chúng bạn dựng vội bảng vẽ rồi ngồi bệt trên vỉa hè phố cổ... Tôi yêu và tôi rủ các bạn cùng lưu giữ một Hà Nội xa xưa. Từng chút, từng chút một, hôm nay tôi dựng nhà, mai tôi lợp ngói, bữa kia tôi trồng cây, chú tâm chọn sắc cho từng chiếc lá bàng bay ngang phố, chọn một vạt nắng vương trên hè, một xe đạp dựng hờ hững, một người bán rong, một bác xích lô lau vội giọt mồ hôi sau một ngày vất vả... Ngoài Ô Quan Chưởng, Hồ Gươm, cầu Long Biên, tôi muốn đưa vào tranh cả mùi ngô nướng của buổi tối Hà Nội mùa đông. Hà Nội của tôi đấy! Tôi có thể cắt một bức trường cảnh với cả một dãy phố dài. Tôi muốn lui về nơi góc phố có quán cà phê quen thuộc bình yên. Tôi muốn nói hết những điều tôi yêu thương, những kỷ niệm đang cựa mình đòi đi ra.

Tuyết bên dòng sông Nho Quế
Tuyết bên dòng sông Nho Quế
 

Chẳng bao giờ thoả hiệp với bản thân

* Chị còn sáng tác cả mảng tranh Phật giáo. Có gì khác biệt khi sáng tác những bức tranh Phật giáo?

- Mỗi lần sáng tác đề tài Phật giáo, tôi luôn cẩn trọng bởi khi thực hiện tác phẩm Phật giáo cũng nên hiểu Phật pháp. Tôi còn nhớ trong một chuyến đi tới Nepal, tới Lumbini, chiêm bái những bảo tháp thiêng liêng, tôi đã vô cùng xúc động; nhất là khi thấy hình ảnh người dân Nepal - họ gùi rất nặng nhưng họ luôn hướng về phía bảo tháp. Ở phía trên họ, cờ lungta bay phấp phới. Tôi muốn thể hiện bảo tháp dưới ánh lấp lánh của cầu vồng. Cầu vồng không phải hiện lên ở một chân trời bình thường mà cầu vồng hiện lên ở dãy Himalaya, ở bảo tháp thiêng liêng. Tôi tới được cả Lumbini, nơi đức Phật đản sinh. Khi trở về, tôi đã sáng tác được hai bức tranh về Nepal, ngoài ra còn bức tranh một vị sư trên chiếc thuyền trôi trên sông, dưới những bóng cây và ánh sáng huyền diệu. Tôi nghĩ, đó là ánh sáng đốn ngộ.  

Hà Nội chiều thu
Hà Nội chiều thu

* Sống quá lâu một mình trong không gian này chị có buồn, có muốn thay đổi không?

- Có lẽ là không. Tôi có một khoảng sân, có những tiểu cảnh nho nhỏ, hồ cá, cây cối… Sáng sáng, tôi ngồi uống trà. Thi thoảng, vợ chồng con gái tôi đưa cháu sang chơi. Giờ đây, tôi chỉ mong thời gian chậm lại để tôi được thỏa sức với các tác phẩm. Thời COVID-19, tôi còn được sáng tác nhiều hơn ngày thường.

* Nếu chỉ thấy một Trần Thanh Thục tươi cười, mạnh mẽ nhưng vẫn đầy nữ tính, ít ai hiểu chị đã trải qua những sóng gió thế nào để đạt tới ngày nay…

- Thực sự tôi không bao giờ muốn đề cập tới những ngày tháng đã qua. Trong đời tôi có những cú sốc lớn, tôi đã vượt qua được rồi, còn gì nữa để gọi là trở ngại? Hiện tại, tôi thấy hài lòng. Cứ chìm trong vải vóc, ra được tác phẩm là tôi thấy hạnh phúc và may mắn vô cùng. Có lẽ hội họa và con gái là hai thứ quý giá đã dìu tôi qua được những tháng ngày không thể tỏ cùng ai. Còn trong nghệ thuật, nếu bạn nhìn thấy ở đây có ba bức, có nghĩa là đã có chín bức bỏ lại để chắt lọc được ba bức đó. Nghệ thuật là sự khắt khe, nghiêm túc. Tôi chẳng bao giờ thỏa hiệp với bản thân, nhất là trong nghệ thuật. Càng đắm mình trong sự kỹ lưỡng, chỉn chu, hết tâm hết sức, tôi nghĩ mình sẽ đạt được quả ngọt sau từng ấy nhọc nhằn, chắt chiu vẻ đẹp của vải để dâng cho đời những tác phẩm từ trái tim mình. 

* Cảm ơn chị đã chia sẻ. 

TUỆ LAM (thực hiện)

ẢNH: Lê Bích

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI