Họa sĩ Trần Khánh Chương: 'Những đề tài không ai mua nên nhà nước phải hỗ trợ'

17/09/2018 - 07:07

PNO - Trao đổi với báo Phụ Nữ về việc nhiều tác phẩm được Nhà nước đặt hàng hoặc hỗ trợ kinh phí sản xuất bị cất kho, Họa sĩ Trần Khánh Chương - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam cho biết nhiều điều bất ngờ.

Phóng viên: Thưa ông, Nhà nước đã đầu tư, hỗ trợ lĩnh vực văn học - nghệ thuật như thế nào trong những năm qua?

Họa sĩ Trần Khánh Chương: Nghị định đầu tiên của Chính phủ gọi là đầu tư sáng tạo, trước đây thường 5 năm một lần, mỗi năm mấy chục tỷ đồng, được chia đều cho các lĩnh vực. Sau này, không dùng tên gọi “đầu tư sáng tác” nữa, bởi đầu tư thì phải lớn hơn nữa, nên gọi là “hỗ trợ sáng tác”. Nghị định mới của Chính phủ năm 2016 gọi là “hỗ trợ sáng tạo văn học - nghệ thuật”. Thuật ngữ cũng khác đi qua từng thời kỳ, đủ cho thấy câu chuyện này thay đổi ra sao rồi.

Hằng năm, Chính phủ dành một khoản ngân sách cho đầu tư sáng tạo văn học - nghệ thuật. Tôi cho rằng, đó cũng là một điều cần thiết. Nó giống như một kênh đầu tư về văn hóa thông qua các tổ chức xã hội nghề nghiệp. Nguồn kinh phí này tuy không nhiều nhưng góp phần vào việc định hướng, giúp đỡ anh em sáng tạo, đặc biệt là những loại đề tài được nêu trong nghị định. 

Hoa si Tran Khanh Chuong: 'Nhung de tai khong ai mua nen nha nuoc phai ho tro'

* Ông có thể kể ra một vài đề tài trong nghị định này không?

- Chẳng hạn, những đề tài được hỗ trợ gồm: xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đề tài miền núi, dân tộc... Nói chung là, Nhà nước hỗ trợ kinh phí cho những việc Nhà nước cần.

* Chứ không phải cho những tác phẩm mà nhân dân cần ư, thưa ông?

- Thứ nhất, đó là những đề tài khó, hiện ít người sáng tác. Thứ hai, những đề tài đó không có “thị trường”, không ai mua nên Nhà nước phải hỗ trợ. Nhưng đừng gọi đó là bao cấp. Đầu tư cho văn học - nghệ thuật cũng như đầu tư cho làm đường, xây cầu mà thôi.

* Nhưng thực tế lại chỉ rõ, có những tác phẩm nhận được nguồn kinh phí này, sau khi “trả nợ” cho Nhà nước, lại không đến được với công chúng?

- Sáng tác là một chuyện, công bố, phổ biến tác phẩm lại là chuyện khác và chuyện này đang vướng. Nguồn kinh phí hạn hẹp, các hội chỉ có thể tập trung vào việc sáng tác. Người ta nói đắp chiếu là vì sao? Vì không có tiền công bố.

* Ông nói thế liệu có sòng phẳng? Không phải chất lượng tác phẩm quá dở nên không được công chúng đón nhận sao?

- Phải công bố được thì mới biết nó có chất lượng hay không chứ? Tác phẩm văn học - nghệ thuật để đi vào lòng người phải được công bố nhiều lần. So với thời trước, thời bây giờ đúng là có nhiều thuận lợi để công bố tác phẩm, nhưng với những tác phẩm dạng này, không dễ. Làm sao cạnh tranh được với game show hay hàng trăm kênh truyền hình khác? Ai còn mặn mà nữa? Hiện nay, khâu truyền thông, phổ biến tác phẩm đang còn yếu.

* Việc hỗ trợ được tiến hành ra sao?

- Quy trình này cũng thay đổi theo từng thời kỳ. Tôi còn nhớ, ban đầu, các tác giả sau khi phác thảo ý tưởng mà được duyệt, sẽ được nhận một khoản tiền ứng trước 70-80%, phần còn lại sẽ nhận nốt sau khi bàn giao tác phẩm. Nhưng, cách này cũng không thành công. Có một nửa tác giả hoàn thành tác phẩm, nửa còn lại kéo dài mấy năm cũng chưa “trả nợ” được, hội không thể quyết toán.

Kế tiếp, có người đề xuất hãy chọn những người có tiếng, có thành tựu để đầu tư. Sau 2 năm thực hiện cách này, kết quả cũng chẳng khá hơn. Hàng trăm người không có tác phẩm để nghiệm thu.

Mười mấy năm trở lại đây, tôi không biết những hội nghề nghiệp khác ra sao, nhưng với Hội Mỹ thuật, các tác giả cứ sáng tác rồi gửi tác phẩm tới các triển lãm của hội, toàn quốc hay khu vực. Có một hội đồng thẩm định đến xem, thấy chất lượng tốt, sẽ quyết định chọn để tác giả đó có một phần kinh phí tái sáng tạo tác phẩm mới.

* Ông có đề xuất gì để những hỗ trợ của Nhà nước hiệu quả hơn?

- Trước hết, hỗ trợ sáng tác là một chủ trương tốt nhưng hiện nay, hỗ trợ 40 tỷ đồng cho một năm, trên tổng số gần bốn vạn văn nghệ sĩ, làm một phép tính nhẩm chia ra, mỗi người được bao nhiêu? 40 tỷ đồng nghe có vẻ rất to, nhưng chắc gì đã làm được mấy trăm mét đường? Số tiền hỗ trợ đó chia ra cho mỗi hội viên từ trung ương đến địa phương, mỗi người chỉ được 18.000 đồng/tháng, chỉ đủ để uống một tách cà phê vỉa hè. Tất nhiên, chúng ta không cào bằng cho bốn vạn văn nghệ sĩ theo kiểu bình quân đầu người, mà chỉ tập trung vào mấy trăm người thôi.

Tuy nhiên, trên thực tế, với số người, số tiền như vậy, rõ ràng rất khó có được những tác phẩm lớn. Tôi vẫn nghĩ, những tác phẩm lớn phải là những tác phẩm được tác giả viết ra cho mình, chứ không phải trông cậy vào tiền Nhà nước. Sự hỗ trợ của Nhà nước mang tính động viên nhiều hơn thực chất. Nếu muốn có tác phẩm chất lượng, phải đặt hàng.

Nhưng chúng ta đã từng đặt hàng và không thành công. Hơn nữa, đặt hàng mấy chục tỷ đồng cho một tác phẩm, chắc gì đã có tác phẩm để mà nghiệm thu. Văn học - nghệ thuật là một lĩnh vực đặc thù, không phải cứ bỏ tiền vào là xong. Ngoài tiền, còn có tài năng, tâm huyết và nhiều thứ khác nữa.

* Cảm ơn ông.

Đậu Dung (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI