PNO - Tốt nghiệp chuyên ngành thiết kế mỹ thuật sân khấu vào năm 2007, chỉ 2 năm sau, Trần Hồng Vân đã được vinh danh Họa sĩ xuất sắc tại Hội diễn sân khấu kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc 2009 với vở Dòng nhớ (đạo diễn: Hạnh Thúy). Đến nay, với hàng loạt giải thưởng khác, nữ họa sĩ đã là một cá tính nổi bật của làng mỹ thuật sân khấu phía Nam.
Ngẫm lại, việc ngày ấy không đậu vào Trường đại học Kiến trúc TPHCM sau đó chọn học thiết kế mỹ thuật sân khấu - điện ảnh tại Trường cao đẳng Sân khấu - Điện ảnh TPHCM (nay đã là trường đại học) là một cơ may để có được cái tên Trần Hồng Vân của làng sân khấu hôm nay. Lớp có 12 học viên nhưng khi ra trường chỉ còn 5 người: 3 theo điện ảnh, 2 làm sân khấu. Đến nay, nhìn tới nhìn lui, còn mỗi Trần Hồng Vân trụ lại được với nghề thiết kế mỹ thuật sân khấu.
Họa sĩ Trần Hồng Vân tại Học viện sáng tạo Mây Đỏ
“Nghề này đào thải rất cao. Lúc học khác, đi làm lại khác. Học thì thấy cái gì cũng hay, cũng đậm tính nghệ thuật. Nhưng vào thực tế thì điều kiện đầu tư cho sản phẩm gần như chỉ ở mức cơ bản. Thiết kế mỹ thuật điện ảnh không phải tạo một không gian sáng tạo với các dụng ý nghệ thuật làm nổi bật ý đồ đạo diễn, hỗ trợ quay phim thuận lợi mà thường dừng lại ở việc bưng bê, sắp đặt các đạo cụ trong cảnh. Còn ở sân khấu, nhiều vở diễn chủ trương tiết kiệm chi phí nên tiết chế dàn dựng sân khấu tối đa, không cần họa sĩ vẽ cảnh. Từ đó, người làm nghề rất dễ thất vọng mà từ bỏ” - họa sĩ Trần Hồng Vân chia sẻ.
Rồi liệu có bao nhiêu nhà sản xuất đủ mạo hiểm và lòng tin để trao cơ hội cho những gương mặt trẻ mới ra trường, non nớt kinh nghiệm? “Việc này, không ai có thể giúp mình, phải tự thân vận động. Từ khi bước vào trường, tôi đã xác định tập trung tối đa cho việc học và tích lũy kinh nghiệm để làm nghề. Ngoài việc tiếp thu bài vở, tôi chủ động xin theo phụ việc cho một đàn anh. Cứ như thế mình tham gia mọi công việc, không nề hà bất cứ việc gì, chỗ nào cũng có mặt, để người ta có thể nhìn thấy mình, qua đó thấy được năng lực của mình” - Trần Hồng Vân chia sẻ.
Nhờ thế, các cơ hội dần đến với Trần Hồng Vân ngay khi chị còn ngồi trên ghế nhà trường. Tốt nghiệp thủ khoa, chị được giữ lại trường làm trợ giảng cho trưởng khoa là họa sĩ Lê Văn Định. Năm 2011, Trần Hồng Vân nhận được học bổng toàn phần tu nghiệp tại Tứ Xuyên - Trung Quốc. Chị cũng là sinh viên Việt Nam hiếm hoi theo học thiết kế sân khấu. 4 năm trên đất khách, chị đau đáu việc tiếp thu thật nhiều kiến thức để về truyền đạt cho sinh viên. “Thư viện của họ bao la là sách hay. Tôi mượn về scan lại hết, chờ dịp có thể chuyển ngữ làm tài liệu cho sinh viên tham khảo” - chị kể.
Thích ứng với mọi hoàn cảnh
Năm 2015, về nước, cơ duyên đưa đẩy, Trần Hồng Vân không gắn với nghiệp sư phạm nữa mà theo đuổi con đường của một họa sĩ thiết kế mỹ thuật sân khấu chuyên nghiệp. Chị liên tiếp lấy giải Họa sĩ xuất sắc qua các vở diễn: Đào Duy Từ (Cuộc thi nghệ thuật sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc 2015), Tình yêu thời chiến (Liên hoan cải lương toàn quốc 2018), Lằn ranh (Liên hoan nghệ thuật sân khấu toàn quốc về hình tượng người chiến sĩ công an nhân dân 2020), Chiếc áo thiên nga (Liên hoan tuồng và dân ca kịch toàn quốc 2022) và Khúc nguyệt cầm (Liên hoan kịch nói toàn quốc 2021, đợt 2).
Thiết kế sân khấu vở Bên dòng Long Khốt (đạo diễn: Nghệ sĩ nhân dân Triệu Trung Kiên) của họa sĩ Trần Hồng Vân được đánh giá cao bởi đậm chất điện ảnh
Với Trần Hồng Vân, mỗi vở diễn là một kết tinh sáng tạo, không trùng lắp, cốt yếu mang đến những điều “độc, lạ” nhất cho sân khấu. Cái khó là làm sao vừa đáp ứng yêu cầu đạo diễn, vừa thỏa sức sáng tạo của bản thân, vừa “liệu cơm gắp mắm” theo nguồn lực đầu tư tác phẩm. Khi điều kiện cho phép, Hồng Vân sẵn sàng bày lên sân khấu một góc địa đạo Củ Chi nhiều tầng, nhiều lớp với cả chục người vận hành toàn sân khấu (vở Tình yêu thời chiến - nhà hát cải lương Trần Hữu Trang). Nhưng với kinh phí eo hẹp của một đơn vị xã hội hóa thì sân khấu chỉ lơ lửng 1 vầng trăng khi khuyết khi tròn (vở Khúc nguyệt cầm - Công ty Truyền thông GODI) cũng mang lại nhiều cảm xúc cho người xem.
Ở đây, theo Trần Hồng Vân, tiền không phải là yếu tố quyết định. Nhiều vở diễn có thiết kế sân khấu rất đẹp mà chi phí không hề cao. Rào cản lớn nhất vẫn là tư duy làm nghề. Nhiều người vẫn quen đầu tư phục trang, đầu tóc cho nghệ sĩ thật lộng lẫy hơn là quan tâm tổng thể vở diễn. Thiết kế mỹ thuật sân khấu vẫn là khâu dễ dàng bị cắt kinh phí trong khi nếu đầu tư sân khấu đẹp sẽ thu hút thêm nhiều khán giả, mang lại lợi ích lâu dài.
Sau nhiều năm ấp ủ, từ giữa tháng Sáu, họa sĩ Trần Hồng Vân đã ra mắt Học viện sáng tạo Mây Đỏ với mong muốn góp phần thay đổi tư duy về hoạt động sáng tạo, trong đó có lĩnh vực thiết kế mỹ thuật sân khấu. Bên cạnh đó, việc bổ sung nhân lực làm nghề cũng là yêu cầu cấp thiết.
“Từ năm 2019, tôi bắt đầu thấy quá tải công việc, đã phải từ chối nhiều lời mời. Liên hoan cải lương toàn quốc tổ chức tại Long An vào cuối năm 2022, tôi nhận thiết kế đến 11 vở. Có nhiều việc thì vui vì được tin tưởng, nhưng qua đó cũng thấy rõ lực lượng thiết kế lẫn thi công sân khấu chuyên nghiệp đang rất thiếu hụt, ảnh hưởng chất lượng cả nền sân khấu. Học viện sáng tạo Mây Đỏ sẽ phối hợp với Hội Sân khấu TPHCM chiêu sinh và tổ chức lớp đào tạo, bồi dưỡng thiết kế mỹ thuật sân khấu nhằm tìm kiếm, bổ sung lực lượng làm nghề chuyên nghiệp” - họa sĩ Trần Hồng Vân chia sẻ.