Họa sĩ Trần Đại Thắng: Mong người đọc hứng thú và thêm yêu sử Việt

09/11/2024 - 09:07

PNO - Công ty sách Đông A và Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Hà Nội vừa giới thiệu đến bạn đọc quyển Lịch sử Việt Nam bằng hình. Sách dày 660 trang khổ lớn với gần 2.000 minh họa tranh ảnh và bản đồ. Báo Phụ nữ TPHCM đã có cuộc trao đổi với ông Trần Đại Thắng - Giám đốc Công ty sách Đông A đồng thời là họa sĩ, người lên ý tưởng và thực hiện đa số phần hình ảnh của sách.

Có thể xem đây là quyển thông sử Việt Nam bằng hình đầu tiên ở nước ta, có sự góp sức của nhiều nhà nghiên cứu uy tín. Để hoàn thành quyển sách, ông Trần Đại Thắng đã dành nhiều năm để theo đuổi, đến hơn 100 bảo tàng trong và ngoài nước như Pháp, Bỉ, Anh, Đức, Thụy Sĩ, Mỹ, Nhật Bản, Thái Lan, Trung Quốc, Singapore… cũng như đến thăm hàng chục di tích trên khắp đất nước.

Họa sĩ Trần Đại Thắng ký tặng sách cho độc giả tại hội sách Hà Nội  - Nguồn ảnh: Đông A Books
Họa sĩ Trần Đại Thắng ký tặng sách cho độc giả tại hội sách Hà Nội - Nguồn ảnh: Đông A Books

Phóng viên: Ý tưởng về quyển sách lịch sử bằng hình đã nhen nhóm trong ông như thế nào?

Ông Trần Đại Thắng: Năm 2007 - 3 năm sau khi Đông A ra đời - lần đầu tôi tham gia hội sách Frankfurt (Đức). Đến nơi, tôi mê mẩn nhìn ngắm những cuốn bách khoa tri thức, bách khoa lịch sử của các nhà xuất bản (NXB) Anh, Pháp, Đức… được in ấn với nhiều hình ảnh minh họa bắt mắt, hấp dẫn. Đề tài nào họ cũng chuyển thành sách hình ảnh được. Tôi đã ước mơ sau này Đông A sẽ làm được những cuốn sách như vậy. Trở về, tôi bàn với các cộng sự để lên những kế hoạch đầu tiên.

Lịch sử Việt Nam bằng hình là quyển sách khái lược toàn cảnh quá trình dựng nước và giữ nước, xuyên suốt từ thời xuất hiện các cư dân cổ xưa đầu tiên trên lãnh thổ cho đến khi hình thành quốc gia hiện đại như ngày nay. Cuốn sách cũng trình hiện các lớp văn hóa của Việt Nam từ thời đồ đá, đồ kim khí đến lúc định hình bản sắc riêng rực rỡ vào thời Lý - Trần và không ngừng được bồi đắp, sản sinh vào những giai đoạn tiếp theo. Những trận đánh vang danh, những danh nhân nổi tiếng cũng được giới thiệu trong sách, qua đó lý giải nhiều bước ngoặt quan trọng của dòng chảy lịch sử Việt Nam.

Bên cạnh lịch sử Việt Nam, cuối mỗi phần có thêm bài khái quát vắn tắt tình hình Trung Quốc và phương Tây ứng với từng giai đoạn lịch sử trong nước. Dựa vào đó, bạn đọc có thể có cái nhìn tổng quát về khung cảnh thế giới và hiểu thấu đáo hơn lịch sử nước nhà.

* Vì sao lại mất đến 17 năm, thưa ông?

- Có 2 lý do. Thứ nhất, thời điểm đó, kỹ thuật chế bản sách và công nghệ in trong nước vẫn còn hạn chế, dẫn đến giá thành và chi phí cao. Thứ hai là về nội dung, sau khi bàn bạc, chúng tôi đến gặp một số nhà nghiên cứu, nhờ họ tổ chức và biên soạn. Mặc dù mọi người đều hào hứng và bất ngờ trước một định dạng sách lịch sử hấp dẫn như vậy nhưng họ cũng nhìn ra khối lượng công việc rất lớn và phức tạp nên đều từ chối. Chúng tôi đành tạm gác lại kế hoạch. Thế nhưng, việc ấp ủ làm một cuốn sách lịch sử bằng hình vẫn luôn thôi thúc tôi.

Đến năm 2015, lúc này Đông A đã chuyển ngữ và phát hành nhiều đầu sách của NXB DK (Anh) tại Việt Nam. Chúng tôi học hỏi và có thêm kinh nghiệm về cách sắp xếp nội dung, phương pháp trình bày từ DK. Lúc này, bản đề cương đầu tiên của Lịch sử Việt Nam bằng hình cũng chính thức được chốt lại và chúng tôi lên mục lục để đặt bài với những cột mốc, sự kiện quan trọng, từ thời dựng nước đến thời hiện đại. Mục tiêu ban đầu là các bài viết không nặng nề, khô cứng, phải đảm bảo tính chính xác mà vẫn có tính văn học, mềm mại. Vì vậy, nhiều bài chất văn át chất sử, đọc rất hấp dẫn ở thời điểm đó nhưng đến giai đoạn 2022-2023 xem lại thì không còn phù hợp nữa. Nhiều bài gần như phải viết lại hoặc bỏ đi hoàn toàn. Bản sách in ra hiện tại khác rất nhiều so với những bài viết ban đầu.

Tác phẩm Lịch sử Việt Nam bằng hình - Nguồn ảnh: Đông A Books
Tác phẩm Lịch sử Việt Nam bằng hình - Nguồn ảnh: Đông A Books

* Quá trình biên tập hẳn có rất nhiều điều thú vị?

- Đầu năm 2023, chúng tôi chuyển bản thảo cuốn sách đến NXB Đại học Sư phạm Hà Nội để hợp tác xuất bản. Ban giám đốc và Ban biên tập NXB đã mời các chuyên gia về lịch sử, các nhà nghiên cứu uy tín hiệu đính cho cuốn sách. Có thể khẳng định, nếu không có đội ngũ đầy trách nhiệm của NXB thì cuốn sách không thể ra đời với diện mạo và nội dung như hiện nay.

Khi có được bản in mẫu đầu tiên, chúng tôi tiếp tục gửi đến một số nhà nghiên cứu khác và nhờ hiệu đính. Sau đó sửa chữa rồi in mẫu và lặp lại các công đoạn ấy lần hai, lần ba. Chúng tôi luôn cố gắng tiếp cận các nguồn thông tin đáng tin cậy nhằm đảm bảo tính chính xác cao nhất. Nhờ vậy, chúng tôi luôn nhận được nhiều góp ý quý báu. Ví dụ như bài về du nhập hội họa phương Tây, ban đầu người viết dựa theo tài liệu có trên trang web của Trường đại học Mỹ thuật Việt Nam và quyển sách kỷ niệm 100 năm thành lập trường. Khi gửi nhà nghiên cứu Phạm Long hiệu đính thì phải sửa lại một số thông tin chưa chính xác, bổ sung tư liệu mới; mất 1 tháng để điều chỉnh, dù chỉ có 2 trang. Hay phần trang phục thì chúng tôi nhờ nhà nghiên cứu Trịnh Bách xem kỹ, bộ nào là đấu giá từ Paris, bộ nào phục chế… trước khi đưa vào sách.

Một số hình ảnh bên trong sách  - Nguồn ảnh:  Đông A Books
Một số hình ảnh bên trong sách - Nguồn ảnh: Đông A Books

* Là lịch sử bằng hình, vậy phần nội dung có trước hay phần hình ảnh sẽ quyết định nội dung?

-Cốt lõi của cuốn sách là muốn truyền tải và thu hút độc giả bằng hình. Cách trình bày Lịch sử Việt Nam bằng hình được lấy cảm hứng từ DK. Mặc dù vậy, cách làm phải thay đổi để linh hoạt, tạo sự hài hòa và hấp dẫn. Khó khăn của chúng tôi là trong khi phần nội dung có thể dựa vào nhiều nguồn sử liệu sẵn có nhưng hình ảnh thì không. Vậy nên, gần 80% số ảnh trong sách do tôi đến tận nơi chụp. Những chuyến chụp ảnh đầu tiên bắt đầu từ năm 2017. May mắn là thời gian này chúng tôi được phó giáo sư, tiến sĩ Hoàng Văn Khoán - chuyên gia khảo cổ học - đưa đến các di tích như chùa Phật Tích, chùa Bút Tháp, chùa Dạm ở Bắc Ninh; di tích Côn Sơn, Kiếp Bạc ở Hải Dương. Ở đâu thầy cũng đều chỉ dẫn tận tình, chi tiết về những hiện vật.

“Cái mới nhất của Lịch sử Việt Nam bằng hình chính là cố gắng tổng hợp được tất cả tri thức đã và đang có; những kết quả, những thành tựu của các học giả đi trước theo dòng chính sử; đồng thời đem đến một cái nhìn tổng quan, xuyên suốt về lịch sử Việt Nam thông qua hình ảnh. Dù không chuyên, khi nhìn vào một tựa sách sinh động, trực quan như thế, người đọc cũng có thể hiểu và cảm lịch sử”.

Phó giáo sư, tiến sĩ Trần Trọng Dương

Việc chụp ảnh tư liệu kéo dài đến trước khi cuốn sách xuất bản. Bức ảnh mới nhất là từ Bảo tàng Lịch sử Thái Lan, chụp vào tháng 5/2024. Nguồn chính của các bức ảnh trong sách được chụp từ các bảo tàng, di tích. Tiếp đến là trong các tài liệu cổ, từ thông tấn xã và một số nhiếp ảnh gia.

* Sách được sự đón nhận của đông đảo độc giả cũng như giới chuyên môn. Ông có dự định chuyển ngữ sang tiếng Anh?

- Chúng tôi đang dịch một số chương để giới thiệu đến các NXB nước ngoài. Tuy nhiên, để hoàn thiện, chúng tôi cần thêm thời gian, vì chuyển ngữ sang tiếng Anh với một quyển sách lịch sử không đơn giản. Bên cạnh các khâu đảm bảo tính thống nhất, chuẩn về ngôn ngữ, còn cần cả sự am hiểu về văn hóa của người nước ngoài để cuốn sách được đón nhận.

* Xin cảm ơn ông.

Linh Lan (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI