Họa sĩ Thu Trần vừa làm công chúng Hà Nội sửng sốt bởi triển lãm sắp đặt địa hình Trở về, trong đó có tác phẩm Khung cửi sử dụng 500m sắt, có đường kính 5m, chiều dày 3,5m, 5.000m vải, 300kg acrylic, 80 lít màu nước trên đỉnh một quả đồi tại Chiềng Đi, Vân Hồ, Sơn La. Chị đã thỏa sức vẽ những mảng màu đối lập mạnh mẽ trên lụa, tung chổi màu trong một không gian rộng lớn để thoát khỏi những sự kìm hãm quanh mình.
Khai hoang miền đất mới
Phóng viên: Quay trở lại tuổi thơ của chị, một cô bé lớn lên ở Sơn La, chị có thấy núi rừng đã ảnh hưởng đến các tác phẩm hoặc cuộc sống của mình sau này không?
Họa sĩ Thu Trần: Phần lớn cuộc đời tôi sống ở Tây Bắc, ăn - ở trong rừng. Ngày bé, tôi sợ hãi vì đủ thứ mà người lớn dọa, cả những khối đen bí ẩn trong rừng do mình tưởng tượng ra từ những truyện cổ tích, những câu chuyện truyền đời của người dân bản từ đời Phìa, Tạo… Điều đẹp đẽ nhất trong rừng là hoa trái bốn mùa, những tiếng chim, thú rừng vẫn hiện hữu cùng con người.
Tôi còn nhớ bao mùa lũ phải băng qua suối để đến trường. Quãng đường ấy nguy hiểm đến nỗi chỉ một chút sơ sẩy thôi là có thể trôi theo dòng lũ quét, núi lở dọc đường số 6. Nhưng tôi chưa bao giờ từ bỏ ước mơ trở thành họa sĩ, một ước mơ tưởng như không bao giờ thực hiện được ở hoàn cảnh đó. Khi rời xa núi rừng, việc đầu tiên là nhớ về ẩm thực và những hình ảnh bao la rộng mở, vắng lặng và yên tĩnh; nhớ về tiếng hú khi đi rừng gọi nhau kẻo lạc hoặc quên giờ về... Rời rừng, rời núi tôi mới thấy tình yêu của mình đầy ắp của cải là rừng.
Mỗi sự thay đổi đều có rừng làm lá chắn để bảo vệ bản thân. Những câu hò vè, hát đối, giao duyên... trong những ngày làm nương cùng các bạn dân tộc Thái, Mông… mỗi ngày hiện ra như những bảo bối nên thơ đầy ắp đời sống con người. Công cuộc đi tìm ngôn ngữ hội họa là lúc tôi đi khai hoang vùng đất có sẵn trong chính mình.
* Có bao giờ một cô bé sinh ra và lớn lên ở vùng núi rừng như chị nghĩ rằng sau này mình sẽ là một họa sĩ?
- Lúc đi làm nương, tôi thường mơ mộng mình trở thành diễn viên điện ảnh, làm ca sĩ và là họa sĩ… Tôi chẳng thể ngờ con đường đến với nghệ thuật hội họa lại mênh mang sâu rộng đến thế, cơ man nào là bờ cõi, như thể đại dương. Tôi không tin được mình có thể đi đến ngày hôm nay. Một chỗ đứng trong làng hội họa là điều tôi không bao giờ dám nghĩ tới, chỉ mon men mong được vẽ đã là quá đủ, để rồi chủ động trong sáng tác là hạnh phúc nhất đối với tôi ở thời điểm này.
Khi cuọc đời có quá nhiều nốt trầm
* Bước ngoặt nào trong đời sống đã buộc chị phải thay đổi và làm cho chị mạnh mẽ hơn?
- Bước ngoặt ấy là khi tôi chuyển công việc từ Sơn La xuống Hòa Bình và nghĩ rằng mình sẽ được gần thủ đô hơn, gần con hơn khi con đi học, một con đường dài mênh mang trong thực tại lẫn tương lai. Rồi tôi cũng xuống đến Hà Nội để gặp gỡ, trao đổi với những người trong giới mà mình yêu mến, ngưỡng mộ. Hình như khi những điều khó khăn nhất đã trải qua thì mọi thứ thật nhẹ nhàng để lại bước tiếp những đoạn đường mới. Những người bạn luôn ở bên hoặc xuất hiện kịp thời để tôi được tiến lên trong mọi nghĩa.
|
Triển lãm sắp đặt địa hình Trở về trên đỉnh một quả đồi tại Chiềng Đi, Vân Hồ, Sơn La. |
* Chị từng nói rằng lao động nghệ thuật dành cho những người dũng cảm, chị đã trải qua những cuộc thăng trầm như thế nào?
- Thăng trầm đó là thành tích của tôi. Với tôi, không làm được gì mới là điều đáng thất vọng lớn nhất trong cuộc đời. Tôi nhận thấy sự vững chắc đến trong mình là khi tâm an. Mình tự xây dựng cho mình lý do để vui và an. Họa sĩ Lý Trực Sơn bảo tôi: “Thu vừa dễ bị tổn thương, vừa gan góc. Thu đang chạy marathon một mình”. Tôi không ngại ngần trước khó khăn của cuộc sống. Cuộc sống như những bản nhạc mà đời tôi có quá nhiều nốt trầm. Thế là sau khi ngã dúi dụi, tôi lại đứng lên đi tiếp, để hiểu thế nào là thăng hoa và quả ngọt.
* Tên các triển lãm của chị có vẻ nhẹ nhàng, là Thu, là Trở về nhưng ngắm cách chị vẽ, thú thực, tôi ít thấy sự nhẹ nhàng mà khá mạnh bạo. Hình như vậy mới thỏa được những gì chất chứa trong chị?
"Từ ngưỡng 30 tuổi, tôi cảm thấy sao mình thiếu nhiều thứ bên trong đến vậy. Từ đó là cuộc tu bổ bản thân để làm dày kiến thức. Tôi đã học tập không ngừng, đôi khi tuyệt vọng vì mình vẫn chưa biết vẽ. Đôi tay tôi trở nên vụng về. Gặp bất cứ thứ gì tôi đều có cảm giác mình không biết...
20 năm nay tôi vẫn trên tinh thần đi học. Có người thầy của tôi nghĩ sau khi học vẽ xong tôi sẽ về tỉnh đi dạy, mỗi năm vẽ vài bức tranh là đủ. Khi tôi hiểu về tinh thần chuyên nghiệp, đó là một bước lớn dịch chuyển trong tôi. Nó đánh dấu về việc mình sống và đối diện với tinh thần ấy ra sao. Những năm không vẽ được, tôi hay làm thơ, nhưng không dám cho ai xem. Bây giờ, thi thoảng máu thơ vẫn trỗi dậy, tôi vẫn dùng thơ vào công việc sáng tác hội họa. Tôi nghĩ chúng là một phần của nhau..."
Họa sĩ Thu Trần
|
- Thú thực tôi cũng muốn dịu dàng lắm nhưng động vào màu vào bút, cái gì đó cứ động đậy, cháy lửa trong tôi, nên tôi vẽ những mảng màu đối chọi mạnh mẽ trên lụa, trên vải thường ngày. Và rồi sau mỗi ngày, sự khao khát ấy lại bùng lên nhiều hơn. Tôi thèm một không gian lớn hơn để tung lên những chổi màu khoảng 30-40cm cho mỗi vệt màu. Không gian nhỏ bé kìm hãm tôi vô cùng. Khi đứng trên đỉnh núi, tôi muốn hú gọi bạn như ngày xưa. Tôi muốn kéo những cơn gió lay động trong những tấm lụa từ ngọn đồi này sang ngọn đồi khác, gọi bạn theo mùa trăng; nhớ lắm tiếng khèn, tiếng đàn môi cho biết bao câu chuyện đẹp. Chất chứa trong tôi, núi rừng mênh mang là vậy, ta làm sao có thể nguôi yêu vùng đất thiên nhiên tươi đẹp đó.
Hội họa rèn tôi bớt nóng vội
* Chị thấy mình là người thế nào? Nếu không làm họa sĩ, chị sẽ làm gì?
- Hội họa đã rèn cho tôi bớt nóng vội và hấp tấp rất nhiều. Nếu không làm họa sĩ, tôi thích làm ca sĩ, tôi thích âm nhạc, thích hát, chơi đàn. Nhưng nếu thích nhiều quá sẽ không thể làm việc gì tốt nhất nên tôi gạt bỏ mọi thứ. Thơ thì tôi nhất định vẫn làm, vì đâu phải ngày nào cũng làm thơ được. Phải xúc động, phải có câu chuyện, nói chung là minh họa cho cuộc sống bằng đôi câu thơ cho đời mềm mại hơn, như ta thay ngôn ngữ nghệ thuật cho phong phú hơn.
|
Tác phẩm Khung cửi sử dụng 500m sắt, có đường kính 5m, chiều dày 3,5m, 5.000m vải, 300kg acrylic, 80 lít màu nước trên đỉnh một quả đồi tại Chiềng Đi, Vân Hồ, Sơn La. |
* Còn về đàn ông, người thế nào là hợp với chị? Trong đời, chị đã có tri âm tri kỷ chưa?
- Tôi cần người hiểu và chia sẻ với tôi về nghề. Tôi đã có tri kỷ.
* Có khi nào chị thấy mình đang làm quá nhiều việc mà lẽ ra là dành cho đàn ông?
- Tôi làm cho tôi, vì tôi muốn thế. Kính, khóa, đèn pin, khoan hàn tôi học từ bố, nên tôi không ngại. Ừ thì công nhận đàn ông họ vững chắc hơn mình về tâm lý, giỏi nhiều thứ hơn mình. Cực chẳng đã tôi mới phải làm một mình. Nhưng, làm nghệ thuật thì cần độc lập.
* Với chị, có gì phải tiếc nuối hay không?
- Ai chả có sự tiếc nuối nhưng giờ tôi bình an trong tâm, thế là quá đủ.
* Tác phẩm hội họa gần nhất chị sáng tác có tên là gì?
- Tác phẩm mới nhất của tôi có tên Khai hoang, chất liệu tổng hợp, kích thước 60cm x 300cm và 60cm x 350cm. Tôi chợt nhận ra mình cần mở nghĩa từ khai hoang, khai hoang một miền mới.
* Còn bài thơ gần nhất của chị?
- Cũng không gần nhất, nhưng bài thơ tôi tâm đắc nhất là Hẹn ước, viết về tình yêu của đôi trai gái trong tiểu thuyết thơ của dân tộc Thái Tây Bắc (Sống chụ xôn xao - Tiễn dặn người tình). Nó gần như nằm một phần trong triển lãm sắp đặt tại địa hình Trở về vừa diễn ra ngày 9/1. Nó là một chuỗi diễn biến của người phụ nữ là tôi, là cô ấy và biết bao phụ nữ khác.
“Từng ngón tay
Thấm máu
Em dệt tình anh
Từ ngàn xa
Như lời hẹn ước!” (trích)
* Việc có ý nghĩa nhất gần đây chị làm là gì?
- Làm được một tác phẩm sắp đặt tại địa hình Trở về trên cao nguyên Vân Hồ - Sơn La (khai mạc vào ngày 9/1/2021). Tôi trở về nhà, về với rừng, với nơi tôi lớn lên và trưởng thành. Đại dịch COVID-19 đã thức tỉnh toàn nhân loại. Nó khiến chúng ta bình tĩnh suy ngẫm, sống chậm lại và suy nghĩ về việc trở về. Trở về chính là làm mới, chính là con đường hướng tới sự hòa hợp vốn có với thiên nhiên, với nguồn sinh dưỡng cho sự phát triển. Tôi chọn địa hình trên đồi nhà nghệ sĩ Phó An My (PAM Hill) tại bản Chiềng Đi, xã Chiềng Đi, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La là nơi thực hiện tác phẩm. Giải pháp cho một ý tưởng được hình thành suốt những năm đi qua đi lại miền đất đẹp này là làm sắp đặt tại một địa hình rộng lớn để thử sức mình ngoài không gian thiên nhiên, dựa vào địa hình để tôn vinh vẻ đẹp của thiên nhiên và tác phẩm
của mình.
Tôi dành 500m sắt cho một cụm sắt tết vải đường kính 5m có bề dày 3,5m làm cụm tơ chính và khoảng 5.000m vải organza, 300kg acrylic, 80 lít màu nước để tạo nên tác phẩm. Một con đường Trở về bằng hình ảnh trên hai quả đồi, dưới ánh sáng của đèn led, sương mù mùa đông, ánh nắng mùa xuân, một không gian mới với nhiều cảm giác mới. Tôi là người đi ra từ vùng núi; tôi thấy mình cần trở về nhà, cần trở về với thiên nhiên. Tôi mong bức tranh trừu tượng lớn của tôi có được sự tương tác với thiên nhiên, bảo vệ và duy trì nguồn năng lượng tinh khiết vốn có của thiên nhiên.
* Chị còn thời gian đọc sách không?
- Tôi vẫn cố gắng duy trì thói quen đọc sách có từ bé. Đó là nơi tôi nuôi hy vọng của mình.
* Bây giờ, ước mơ lớn nhất của chị là gì?
- Ước mơ lớn nhất của tôi là trở thành họa sĩ và giờ nó vẫn ngự trị trong tôi như thế.
* Kế hoạch sắp tới của chị?
- Vẽ tranh cho triển lãm cá nhân vào khoảng năm 2022.
* Cảm ơn chị đã chia sẻ.
Codet Hanoi (thực hiện)