Phía sau hào quang

Họa sĩ thiết kế Lê Trường Tiếu: Tuổi xế chiều trôi đi cùng năm tháng

10/05/2021 - 06:49

PNO - Họa sĩ thiết kế có tài không hiếm, nhưng người vừa có tài vừa có tâm như NSƯT Lê Trường Tiếu không nhiều

LTS: Phía sau ánh đèn sân khấu rực rỡ, sau những vai diễn ông hoàng bà chúa áo xiêm lộng lẫy, những nhân vật đầy quyền uy, ma lực… người nghệ sĩ cũng có những số phận, nỗi niềm riêng. Đôi khi, số phận của người nghệ sĩ trong đời thực còn phong ba, thăng trầm gấp bội những nhân vật mà họ thể hiện. Thành công của người nghệ sĩ bao giờ cũng được đánh đổi bằng mồ hôi, nước mắt, tình yêu và sự tận hiến cho nghệ thuật. Như con tằm rút ruột nhả tơ, có người may mắn thành công ngay từ những vai diễn đầu tiên, nhưng cũng có người đi gần nửa hành trình nghệ thuật mới nhận ra đâu là thế mạnh, khả năng thực sự của mình. Nhưng ở vị trí, vai trò nào, người nghệ sĩ cũng luôn có một ước mơ cháy bỏng: Được sống với sân khấu, với vai diễn đến hơi thở cuối cùng. 

Phía sau hào quang còn biết bao câu chuyện chưa kể về cuộc đời, nỗ lực của người nghệ sĩ. Từ số báo này, Báo Phụ Nữ TP.HCM sẽ “kể lại” những câu chuyện vui buồn, trăn trở, khát vọng của những người đã tận hiến đời mình, để mang lại niềm vui, nụ cười và cảm xúc đẹp cho công chúng. 

Bài 1: Nghệ sĩ Trang Thanh Xuân:“Tuổi nào ghi dấu chân chim qua trời…”

 

 

Bài 2: NSƯT Thoại Mỹ: Có vinh quang mấy cũng không quên thuở cơ hàn

Bài 3: Nghệ sĩ Nhứt Dũng: “Nhạc lễ khó mà vượt đại dương lần nữa”

Bài 4: NSƯT Ngọc Dung: Nghề rộng dài như sông như biển...

Trong căn phòng ước chừng mười mét vuông, một chiếc giường sắt chỉ vừa một người nằm được kê sát tường, cách đó vài bước, có bộ bàn ghế gỗ nho nhỏ. Đó là hai vị trí xê dịch của họa sĩ thiết kế - NSƯT Lê Trường Tiếu mười mấy năm nay, kể từ khi ông giải nghệ vì bệnh tật. Cuộc đời của một người từng ở trọ suốt hơn nửa thế kỷ, quen sống phiêu bạt từ nhỏ, giờ gói gọn trong một không gian rộng chỉ bằng vài sải chân. 

Tiếu - tài - tâm

Nhìn ông lão gầy gò, mái đầu bạc gần như trọc, đôi chân mày cũng bạc theo màu tóc, khó ai nhận ra NSƯT Lê Trường Tiếu - người từng là “trùm” bối cảnh cho nhiều phim Việt đình đám, nhà thiết kế sân khấu đắt sô cho các chương trình ca nhạc, hay các liveshow lớn của các ca sĩ hạng A cách đây mấy chục năm. 

Đôi chân người đàn ông từng lang bạt theo đoàn phim khắp miền đất nước giờ đây nhích từng bước khó nhọc sau mấy cơn tai biến. Đôi tay run run bấm điều khiển ti vi để tìm xem chương trình yêu thích. Chỉ có một thứ ở ông không thay đổi, là vẻ hào hứng khi nhắc đến chuyện nghề, dù rằng ông không còn nhớ gì nhiều.

“Tôi sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn trong gia đình có chín anh chị em. Cha làm lái xe cho các đoàn hát, mẹ theo nấu cơm cho đoàn. Chú ruột tôi là kép Ba Vân. Có lẽ vì vậy mà tôi có máu mê nghệ thuật và ưa cuộc sống rày đây mai đó. Học xong cấp III, tôi thi vào Khoa Điêu khắc Trường Mỹ thuật Gia Định (nay là Đại học Mỹ thuật) vì thấy mình có hoa tay”. Ông thả hồn về ngày xưa, về quãng thời gian ra trường nhưng không có cơ hội theo ngành đã học, mà phải làm những việc khác như bưng bê, sơn phết, trang trí nội thất để mưu sinh. 

Rồi nhờ mấy công việc lặt vặt đó đưa đẩy ông về Đài Truyền hình TP.HCM làm thiết kế bối cảnh cho các chương trình ca nhạc, sân khấu. Sau bốn năm làm ở đài truyền hình (từ 1975-1979), ông tham gia Đoàn văn công Tây Ninh, Bến Tre, về Phòng thông tin cổ động của UBND TP.HCM, rồi đến năm 1980 dừng chân ở hãng phim Nguyễn Đình Chiểu. Từ đây, tay nghề thiết kế của ông được biết đến qua các phim Ngọn lửa thành đồng, Pho tượng, Bài ca không quên, Con thú tật nguyền, Đất phương Nam…

Theo nhiều đạo diễn từng cộng tác với ông, họa sĩ thiết kế có tài không hiếm, nhưng người vừa có tài vừa có tâm như NSƯT Lê Trường Tiếu không nhiều. Đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn nể phục: “Anh Lê Trường Tiếu có con mắt mỹ thuật của một họa sĩ, bàn tay khéo léo của một người điêu khắc và đầu óc trầm tĩnh của một nhà nghiên cứu. Anh biết vận dụng giữa hiện thực tài liệu và yếu tố thị giác, hiểu rõ phong cách của đạo diễn, của thể loại phim để đưa ra những phương án thiết kế hợp lý. Đáng quý nhất là anh biết liệu cơm gắp mắm, tận dụng hiệu quả những cảnh trí có sẵn để đáp ứng yêu cầu của kịch bản với chi phí thấp nhất, mà không cần bày biện dư thừa lãng phí. 

Ngôi nhà của Võ Tòng trong phim Đất phương Nam
Ngôi nhà của Võ Tòng trong phim Đất phương Nam

Phim Đất phương Nam khó về thiết kế, với nhiều bối cảnh xa xưa, nhiều nhân vật lạ, nhiều cảnh lớn. Do chi phí có hạn, chúng tôi phải tính kỹ những gì cần dựng cảnh mới, những gì có thể cải tạo bối cảnh có sẵn. Nhiều người xem tưởng đoàn phim phải đi tận các tỉnh miền Tây xa xôi để quay, nhưng thực ra phần lớn đều ở cạnh Sài Gòn như Cát Lái, Nhà Bè, Cần Giờ. Có những bối cảnh khá đặc biệt nhờ ý đồ sáng tạo của họa sĩ Tiếu như căn chòi của Võ Tòng cheo leo ở giữa rừng đước, cây cầu khỉ dài mấy chục mét nối từ bìa rừng vào chòi, khá kỳ công, góp phần mang lại khá nhiều cảm xúc cho diễn viên. Tôi còn làm chung với anh trong một phim do Pháp sản xuất. Sau mấy tháng làm việc, anh Tiếu khiến nhóm thiết kế Pháp phải nể phục vì sự hiểu biết và tay nghề của mình”. 

Ơn người vì ta qua phong ba

Hai chữ long đong của người làm phim dường như vận hết vào cuộc đời họa sĩ Lê Trường Tiếu. Ít ai tin được người đàn ông đứng sau những bộ phim nổi tiếng, những sân khấu lung linh trong liveshow của ca sĩ Mỹ Tâm, Đàm Vĩnh Hưng… là người sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn, nhưng suốt cả thời thanh niên, trung niên lại “sống chui” ở vùng đất này. 

Từ nhỏ ông đã cùng gia đình “du mục” theo ánh đèn sân khấu, nên khi trưởng thành, ông vẫn sống đời ở trọ suốt gần 60 năm, vì phần lớn thời gian bận rong ruổi theo đoàn phim. Cũng vì vậy mà ông không có hộ khẩu hay giấy tạm trú, chứng minh nhân dân cũng mất sau nhiều lần chuyển nhà. 

Trong những năm tháng đi theo đoàn phim, cuộc hôn nhân đầu của ông cũng không suôn sẻ. Hai vợ chồng chia tay và hai con theo mẹ. Cũng may sau những tháng ngày cô độc, ông tìm thấy tấm chân tình nơi người phụ nữ nhỏ hơn ông 18 tuổi - bà Trần Thị Tuyết. Cả hai quen nhau từ năm 1990, nhưng mãi chín năm sau mới tiến đến hôn nhân sau khi bà đã dẹp hết lo ngại về khoảng cách tuổi tác. Lễ cưới chỉ là một bữa cơm ra mắt đơn giản, giấy kết hôn cũng không có, vì lúc đó chú rể vẫn chưa làm lại được giấy tờ tùy thân. Vậy mà cả hai vẫn gắn bó với nhau cho đến giờ, mặc cho kể từ khi thành đôi, cuộc sống túng thiếu vẫn không ngừng bủa vây họ.

Phim Mỹ nhân Sài Thành là tác phẩm cuối cùng NSƯT Lê Trường Tiếu tham gia làm họa sĩ thiết kế
Phim Mỹ nhân Sài Thành là tác phẩm cuối cùng NSƯT Lê Trường Tiếu tham gia làm họa sĩ thiết kế

Tuy là họa sĩ thiết kế nổi tiếng, nhưng tính ông vô lo, nên thời còn sung sức, dù đắt sô cũng chẳng tích cóp được gì. Ngôi nhà đầu tiên hai vợ chồng tậu được ở Bình Tân cũng nhờ được người thân bán thiếu, rồi làm lụng trả dần. Ngôi nhà hiện tại ở Tân Phú là nhờ bán căn nhà cũ và được mẹ vợ giúp thêm. Một phần căn nhà được ngăn ra cho thuê, cùng với tiệm may đồ nho nhỏ mở tại nhà của bà, trở thành nguồn thu nhập giúp ông vượt qua ốm đau, bệnh tật. 

Sức khỏe của NSƯT Lê Trường Tiếu yếu hẳn sau lần đột quỵ đầu tiên cách đây 15 năm. Ngoài di chứng của các cơn tai biến, ông còn mắc các bệnh nền khác như tiểu đường, huyết áp, chung quy do thời còn trẻ khỏe, ông mải làm việc, hút thuốc, uống rượu mà không quan tâm đến bản thân. Trong khi di chứng của những cơn đột quỵ vẫn còn đó, thì cách đây tám năm, ông lại phát hiện thêm bệnh tim. Nghe bác sĩ yêu cầu mổ đặt ba stent mà mỗi stent khi đó giá 60 triệu đồng - số tiền quá lớn đối với gia đình - ông bà tái mặt. 

Éo le hơn khi chạy vạy mượn được tiền để chuẩn bị mổ, thì được biết xác suất thành công rất thấp. Không chấp nhận nhìn chồng đánh cược với tử thần, bà đưa ông đến một bệnh viện lớn khác. Hai tháng đi khắp các bệnh viện, rất may tim ông cũng đã được phẫu thuật thành công. Điều an ủi sau những cơn đau bệnh là ông luôn có bà bên cạnh lo lắng, chăm sóc. Một mình bà đưa ông đi từ bệnh viện này qua bệnh viện khác chữa trị. 

Vì ông, bà phải tự học cắt may, mở tiệm may đồ tại nhà, để có thể vừa kiếm tiền vừa chăm chồng. Bà đã dành cả tuổi thanh xuân để làm vợ ông, và trọn vẹn tuổi xế chiều để làm bảo mẫu, làm nội trợ, làm nhân viên vật lý trị liệu cho ông. Tuy vẫn còn yếu, nhưng sức khỏe của NSƯT Lê Trường Tiếu hiện đã cải thiện nhiều. Niềm vui của ông bây giờ là xem ti vi, ngày qua ngày trôi đi cùng năm tháng. 

Hương Nhu

 

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI