Họa sĩ ThanhPhan: Mong muốn nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ qua nét vẽ

22/03/2023 - 13:51

PNO - "Trường Sa! Biển ấy là của mình" của nhà văn Bùi Tiểu Quyên là bộ sách tiếp theo thuộc series "Em yêu Việt Nam mình" - dòng sách tôn vinh con người, thiên nhiên và các giá trị Việt do Lionbooks thực hiện. Tác giả phần tranh là ThanhPhan, nữ họa sĩ sinh năm 1998, chưa từng đến Trường Sa nhưng đã gửi gắm rất nhiều tâm tình qua mỗi nét vẽ.

Phóng viên: Được biết đây là lần đầu tiên vẽ về đề tài biển đảo của ThanhPhan, cảm nhận của Thanh khi đọc bản thảo của tác giả Bùi Tiểu Quyên như thế nào?

Họa sĩ ThanhPhan: Là họa sĩ của series Em yêu Việt Nam mình, tôi từng thực hiện nhiều đầu sách về văn hóa như Tây Nguyên đại ngàn, Mùa hè của nội về miền Tây, Bay giữa mùa hoa về Hà Nội… Nhưng sách về biển đảo thì đây là lần đầu thực hiện nên cũng có chút áp lực, phải tìm hiểu lại từ đầu, đó cũng là quá trình mình học hỏi thêm được nhiều điều.

Họa sĩ ThanhPhan (giữa) và nhà văn Bùi Tiểu Quyên (bên phải) trong buổi giao lưu ra mắt  bộ sách Trường Sa! Biển ấy là của mình tại Đường sách TPHCM
Họa sĩ ThanhPhan (giữa) và nhà văn Bùi Tiểu Quyên (bên phải) trong buổi giao lưu ra mắt bộ sách Trường Sa! Biển ấy là của mình tại Đường sách TPHCM

Tôi thích tìm hiểu văn hóa và các vấn đề chủ quyền nên đọc bản thảo của nhà văn Bùi Tiểu Quyên thấy cảm động và thích thú lắm. Một câu chuyện truyền tải thông điệp rất sâu sắc nhưng tác giả lại chọn điểm nhìn dễ thương và gần gũi vô cùng. Tôi thích nhất chi tiết về cuộc chiến ở bãi đá Gạc Ma. Nhiều người cho rằng, những chi tiết như thế chưa chắc cần cho các em còn quá nhỏ tìm hiểu. Nhưng ngẫm lại, tôi hồi xưa cũng từng nghe đến, muốn tìm hiểu nhưng lại không có thông tin. Cho nên, tôi thích cách tác giả đưa vào sách những chi tiết đấu tranh cho chủ quyền, rất thẳng thắn và tôn trọng các em nhỏ. Rất vui được góp phần cùng tác giả đưa những điều ý nghĩa như thế này đến các độc giả nhí.

ThanhPhan đã nắm cái hồn nhân vật và câu chuyện rất kỹ khi cảm nhận và sáng tạo nên bầy cún nhỏ rất dễ thương cùng những hình ảnh rất đặc trưng của Trường Sa. Từ cái lư hương ở đền thờ Gạc Ma, chiếc lá phong ba, những bông phong ba nhỏ nhỏ… ThanhPhan đã chăm chút rất kỹ và chi tiết. Đến thời điểm này tôi rất hài lòng, nếu không có bộ tranh thì không thể đưa đến các bạn nhỏ được.

Nhà văn Bùi Tiểu Quyên

* Từ ý tưởng đến thành phẩm cụ thể thì giữa tác giả và họa sĩ có dễ “gặp nhau”?

- Ban đầu tôi chỉ trao đổi với ban biên tập, phải đến khi vẽ xong mới liên lạc với tác giả Bùi Tiểu Quyên. Khó khăn nhất là trước đó - khi tìm hiểu tài liệu để “lấy bút” cho bộ sách, để định hình phong cách vẽ cho phù hợp điều tác giả mong muốn và cái tôi mong muốn. Tôi bám khá sát những tư liệu, hình ảnh từ chuyến đi thực tế đến Trường Sa của tác giả Bùi Tiểu Quyên nên có sự đồng cảm rất lớn, việc chỉnh sửa cũng nhanh.

* Vậy, ThanhPhan đã mong muốn thể hiện điều gì?

- Đất nước mình có rất nhiều đảo với phong cảnh tương đồng, nhưng Trường Sa lại là quần đảo rất khác với các đảo khác, nhất là đảo du lịch. Phải thể hiện được sự khác biệt ấy của Trường Sa giữa muôn vàn đảo của Việt Nam. Cho nên phải chọn lọc, đưa vào những phong cảnh sao cho nhìn là biết ngay đấy là Trường Sa. Ví dụ, đảo nào cũng có các rặng phi lao nhưng rặng phi lao ở Trường Sa thì góc nhìn phải như thế nào để nhìn vào thấy được thực ra nó bé thôi, không trải dài miên man, không thấy điểm dừng, như các nơi khác được. Rồi tôi chọn nhiều góc nhìn toàn cảnh để thấy một Trường Sa chỉ bé bé giữa trùng dương cùng nhiều chi tiết đặc tả các tòa nhà công sự, những bãi đá ngầm… Nhiều chi tiết như thế phải cài cắm vào sách.

Ngoài ra, tôi mong không chỉ mang đến cho các bé những hình ảnh đẹp và sống động mà qua đó phải truyền tải được tinh thần lạc quan của con người nơi Trường Sa.

Họa sĩ ThanhPhan hướng dẫn các em nhỏ vẽ tranh tại workshop  Lớp học của bác Phi Lao tại TPHCM
Họa sĩ ThanhPhan hướng dẫn các em nhỏ vẽ tranh tại workshop Lớp học của bác Phi Lao tại TPHCM

* Thanh chọn phong cách cho bộ sách này như thế nào?

- Thiếu nhi thì sự tưởng tượng chưa hoàn thiện, các bé chưa có thế giới quan như người lớn của mình. Vẽ cho thiếu nhi cần bắt mắt nhưng không được quá đà. Nếu hình ảnh phóng đại quá, trẻ con sẽ không giới hạn được trí tưởng tượng. Với bộ sách này, tôi đã chọn miêu tả Trường Sa bằng những nét vẽ gần nhất với cảnh thật và chọn lựa những hình ảnh sinh động gắn với nội dung của tác giả nhiều hơn.

Cùng với đó là tông màu tương phản mạnh, các màu rực rỡ, màu biển, màu trời tươi sáng. Đồng thời, tôi tiết chế chi tiết, cảnh vật để thể hiện được đặc trưng của Trường Sa giữa biển đảo Việt Nam, để vừa phù hợp với các em nhỏ vừa phù hợp tinh thần “bừng sáng” mà tác giả muốn truyền tải: dù trên đảo khó khăn thế nào thì vẫn tồn tại những ý chí kiên cường và một tinh thần lạc quan.

* Cảm ơn họa sĩ ThanhPhan đã chia sẻ. 

Họa sĩ ThanhPhan tên thật là Phan Thị Thanh (quê Hà Tĩnh), đã theo đuổi việc vẽ minh họa truyện thiếu nhi từ khi còn ngồi trên giảng đường Khoa Đồ họa - Trường đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội. Trong 2 năm qua, ThanhPhan là họa sĩ minh họa đồng hành cùng Lionbooks - chuyên làm sách văn hóa cho thiếu nhi. Đã ra gần 30 đầu sách, ThanhPhan vẫn đang tích lũy kinh nghiệm và ấp ủ dự án sáng tác sách tranh do tự mình viết và vẽ.

Ninh Lộc (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI