Hoạ sĩ Tào Linh và những chú mèo hạnh phúc

15/01/2023 - 08:01

PNO - Tào Linh tuổi Tý nhưng thích vẽ mèo. Anh thích mèo nhất trong 12 con giáp vì tính cách vừa tình cảm, vừa độc lập của con vật này và vì chỉ Việt Nam mới dùng năm con mèo trong số các nước tính tuổi theo hệ can chi.

Năm nào cũng vậy, vào dịp tết là Tào Linh vẽ tranh. Riêng năm nay, vì thích mèo, Tào Linh tổ chức hẳn một triển lãm cá nhân từ ngày 8-11/1 tại nhà triển lãm Ngô Quyền, trưng bày loạt tranh mèo sáng tác trong suốt nhiều tháng.

“Nhất chữ, nhì tranh, tam sành, tứ mộc” là những thú chơi tao nhã của người Việt xưa trong dịp tết Nguyên đán. Khi đời sống vật chất ngày càng được nâng cao, đời sống tinh thần cũng được chăm chút hơn, việc “ăn tết” chuyển dần sang “chơi tết”, nhiều thú chơi dần được khôi phục. Nhắc đến tranh tết, người ta nghĩ ngay đến những bức tranh con giáp - linh vật của năm mới, như một biểu tượng của sự may mắn, thịnh vượng.

Tranh tết nói chung và tranh con giáp nói riêng của các họa sĩ sau này có thể được coi là sự tiếp nối truyền thống của dòng tranh tết dân gian. Thời nay, họa sĩ vẽ tranh con giáp không hiếm nhưng tranh của Tào Linh để lại ấn tượng sâu vì bản màu tươi vui (nhưng không chói, không dữ dội), sự ngộ nghĩnh, tinh nghịch và độc đáo trong những hình khối ít chi tiết, đường nét dứt khoát, uyển chuyển mà không đơn điệu. Không khó hiểu khi nhiều người chơi tranh, nhiều nhà sưu tập cứ vào dịp tết phải mua cho bằng được một bức tranh giáp của Tào Linh.

Tào Linh không chỉ có tranh con giáp. Anh còn vẽ phố phường, nhà cửa, con người hay gởi gắm những ý niệm qua các khối vuông liên tiếp xếp thành cột, những con cá cắm đầu xuống. Tất cả đều mang nhiều ẩn dụ, chiêm nghiệm và lúc nào cũng mới mẻ, cũng bất ngờ. Tranh Linh cũng phần nào thể hiện được quan điểm của anh. Tiết kiệm tối đa màu sắc, đường nét để bật lên sức gợi nhưng Linh không muốn nói quá nhiều về những gì anh vẽ. Thứ anh muốn trao đi là năng lượng và cảm xúc cho người xem, hệt như tâm thế của anh khi vẽ.

Ngày cuối năm, nghe Tào Linh nói chuyện vẽ tranh như mèo thong dong hong nắng bên hiên cũng là lời nguyện ước gởi đến bạn đọc cho năm mới đang đến rất gần.

Tranh con giáp 2023 trong loạt tranh Happy Cats
Tranh con giáp 2023 trong loạt tranh Happy Cats

Mèo vừa quấn quýt vừa độc lập

Phóng viên: Thưa họa sĩ, anh có nghĩ rằng anh đã tạo thành thói quen và cả sự chờ đợi háo hức cho những người yêu tranh Tào Linh mỗi dịp tết khi đều đặn giới thiệu các bức tranh con giáp?

Họa sĩ Tào Linh: Vẽ tranh con giáp, vẽ tranh tết là thói quen của nhiều họa sĩ chứ không chỉ riêng tôi. Thói quen này xuất phát từ một thú chơi rất văn hóa của người Việt: chơi tranh tết. Cho rằng những người yêu tranh có thói quen và sự chờ đợi tranh tết của Tào Linh có lẽ là quá ưu ái đối với tôi dù cũng có vài người bạn, vài nhà sưu tập quyết có đủ các tranh con giáp của tôi trong bộ sưu tập của họ. Họ là những người nhắc nhở, đôn đốc tôi vẽ tranh con giáp mỗi dịp cuối năm. Tôi coi đó là niềm vui cho người vẽ.

* Anh bắt đầu vẽ tranh con giáp từ khi nào? Đó là mục tiêu cần chinh phục của anh mỗi năm hay là một nhịp đánh thức sự sáng tạo cũng như gợi nhắc về thời khắc chuyển giao giữa cũ và mới?

- Tôi vẽ tranh con giáp kể từ khi còn coi trò vẽ là một sở thích cho đến nay - như một họa sĩ chuyên nghiệp. Khi thực hành nghệ thuật như một họa sĩ chuyên nghiệp từ hơn 10 năm nay, chưa bao giờ tôi coi cái gì đó là mục tiêu cần chinh phục. Vẽ là công việc hằng ngày như ăn uống, hít thở. Sáng tạo nghệ thuật như một nhu cầu tự thân (chứ không phải áp lực) bên trong mỗi nghệ sĩ, không cần bất cứ thứ gì đánh thức. Tất nhiên, mỗi dịp đông qua xuân tới, thiên nhiên, trời đất, con người đều thay đổi theo nhịp điệu của tự nhiên, sẽ không khỏi có những cảm xúc khác lạ tác động lên tâm hồn, xúc cảm mỗi người.

* Để chuẩn bị cho loạt tranh linh vật mỗi năm, anh bắt đầu vẽ từ thời điểm nào trong năm? Trước khi vẽ, anh có chuẩn bị hay đặt mục tiêu?

- Năm nay, bộ tranh tết Quý Mão của tôi mang tên Happy Cats là có nguyên cớ. Từ đầu tháng Mười một, có một anh bạn theo dõi tranh của tôi đã lâu, gọi điện nói muốn mua toàn bộ tranh mèo. Anh này là doanh nhân với chuỗi thương hiệu Happy  Bank, Happy Zen Farm, Happy Book, Happy Pet…. Cái tên Happy Cats ra đời từ sự tình cờ đó.

Loạt Happy Cats gồm 40 bức, được vẽ chủ yếu trong tháng 11 và 12/2022. Tuy nhiên, tôi đã chuẩn bị và khởi động cho loạt tranh này từ tháng Tám với việc phác thảo, tìm hình, chuẩn bị toan, khung… và nhiều công đoạn khác.

* Họa sĩ tuổi Tý vẽ…  mèo có gì đặc biệt? 

- Tôi tuổi con chuột nhưng lại thích mèo. Nhà tôi lúc nào cũng nuôi mèo, hiện tại có 2 con. Trong các loài vật nuôi, chó và mèo là 2 con gần gũi, gắn bó với con người nhất. Tuy nhiên, tôi yêu mèo nhiều hơn vì tính cách của chúng: vừa mềm mại vừa quyết liệt, vừa quấn quýt vừa độc lập.

Tôi thích vẽ mèo nhất trong số 12 con giáp vì trong tất cả các nước dùng âm lịch, theo hệ can chi, chỉ Việt Nam có năm con mèo, các nước khác là năm con thỏ.

Mỗi tác phẩm phải gợi cho người xem một cảm xúc 

* Một bức tranh con giáp có “hồn” cần hội tụ những yếu tố nào?

- Tranh con giáp cũng như bất kỳ tác phẩm nghệ thuật nào chỉ có duy nhất một công năng: trao, gợi cho người xem một cảm xúc. Yếu tố “có hồn” bạn đề cập chính là điều đó. Muốn được vậy, người vẽ cần có cảm xúc lúc vẽ, lúc tạo ra tác phẩm. Bên cạnh đó, anh ta cũng cần đủ kỹ năng, kiến thức để truyền tải, thể hiện cảm xúc đó trên tác phẩm của mình. Tuy nhiên, cần nói rõ, thẩm mỹ của người xem rất đa dạng, cái tôi thích chưa hẳn bạn đã thích và ngược lại. Chính tính đa dạng thẩm mỹ trở thành yếu tố tích cực trong một môi trường hiện đại, đa văn hóa như xã hội hiện tại.

* Vẽ một bức tranh linh vật đẹp đã khó, để có loạt tranh về một con vật mà không bức nào giống bức nào, anh nuôi dưỡng nguồn cảm hứng và sức sáng tạo của bản thân ra sao?

- Tôi không biết và quả thực cũng không băn khoăn lắm về những thứ gọi là nguồn cảm hứng hay sức sáng tạo. Nhưng tôi coi đó là kết quả của một quá trình suy nghĩ, tích lũy kiến thức và lao động.

Mình thích thì mình làm thôi 

* Không ít họa sĩ vẽ tranh để kể chuyện, phản ánh, gởi gắm tâm thức, suy nghĩ của họ hoặc đôi khi để soi lại chặng đường đã qua. Anh vẽ tranh nhằm mục đích gì? Khi vẽ tranh con giáp, hết bức này đến bức khác, đều đặn hằng năm, anh có bắt gặp hay khám phá ra điều gì mới mẻ về chính mình?

- Phải nhắc lại câu trả lời trên đây rằng tôi không biết và không băn khoăn việc mình vẽ tranh để làm gì. Tôi vẽ vì tôi thích. Với tôi, hành động vẽ quan trọng hơn bức tranh. Với việc vẽ, tôi khám phá bản thân, làm mới chính mình. Khi anh luôn sáng tạo tức là luôn làm mới bản thân. Đời sống vì thế mà đỡ nhạt,  đúng không?

* Với người lâu năm trong nghề như anh, các bức tranh cho những chủ đề đặc biệt như tranh con giáp đều vẽ theo đơn đặt hàng hay vẫn theo lệ cũ: vẽ - trưng bày và để người yêu tranh chọn?

- Không hẳn là như vậy. Tôi chưa bao giờ cho mình là người lâu năm trong nghề. Cho đến bây giờ, tôi vẫn vẽ trong tâm thế của một người luôn cho rằng mình không đủ kỹ năng để thể hiện điều mình muốn. Sau một thời gian, tôi phát hiện ra, vẽ theo đơn đặt hàng giống như vẽ minh họa truyện ngắn: nếu anh quá lệ thuộc vào cốt truyện, nhân vật, tình tiết của truyện thì minh họa sẽ rất nhạt dù đúng và đủ. Vậy nhưng nếu anh quên hết đi, chỉ còn nhớ truyện đó gợi cho anh cảm giác gì, cảm xúc thế nào và thể hiện điều đó ra thì sẽ rất hay.

* Đưa tranh lên mạng xã hội có phải là một cách quảng bá tranh hiệu quả? Tôi tò mò không rõ người thưởng lãm tranh biết đến tranh của anh qua mạng xã hội nhiều hơn hay từ các buổi triển lãm nhiều hơn?

- Tôi chơi Facebook từ khi bắt đầu vẽ hằng ngày. Kênh Facebook của tôi như nhật ký, đăng tranh hằng ngày và chỉ có tranh. Sau này, tham gia nhiều triển lãm, nhóm này nhóm khác, nơi này nơi kia, tôi vẫn coi Facebook là kênh truyền thông, triển lãm online của mình. Đến bây giờ, tôi vẫn không rõ người xem biết đến tranh của tôi qua kênh nào là nhiều hơn.

Một bức tranh “giáp” của họa sĩ Tào Linh
Một bức tranh “giáp” của họa sĩ Tào Linh
 

* Người làm kỹ thuật thường có lợi thế suy nghĩ logic, phân tích cặn kẽ một vấn đề và đều có sự sắp xếp, tính toán để đạt hiệu quả cao nhất khi làm bất kỳ việc gì. Tôi cũng thấy điều đó ở anh khi đọc một số bài viết về anh. Anh làm thế nào để có thể bay đến tận cùng “cơn say” sáng tạo?

- Câu này nên trả lời bằng câu các bạn trẻ vẫn hay nói, nửa đùa nửa thật: “Mình thích thì mình làm thôi!”.

* Sự phát triển của đời sống kinh tế đã tạo động lực cho thị trường tranh Việt Nam phát triển sôi động trong vài năm trở lại đây. Trong vai trò của người làm sáng tạo nghệ thuật, anh nhận thấy đâu là mảng sáng và mảng tối của thị trường nghệ thuật sơ khởi?

- Đúng là như vậy. Kinh tế phát triển đã mang lại đời sống đủ đầy cho đa số người dân. Khi đời sống vật chất không còn là mối bận tâm, người ta có quyền vun vén cho đời sống tinh thần. Đó là cơ hội cho nghệ sĩ. Khi sức mua tăng lên, thẩm mỹ đa dạng hơn thì cơ hội của nghệ sĩ tăng lên. Những năm gần đây, số lượng họa sĩ sống được bằng nghề đã tăng lên đáng kể. Thế nhưng, đó cũng là cơ hội cho những kẻ cơ hội, vụ lợi sao chép, làm giả các tác phẩm nghệ thuật. Đó là vấn đề vẫn tồn tại cả trong những xã hội có thị trường nghệ thuật phát triển chứ không chỉ ở nước ta, nơi thị trường mới manh nha.

* Cảm ơn anh đã chia sẻ.

Có cha là họa sĩ, Tào Linh (sinh năm 1960) vẽ từ nhỏ và rất mê cọ, mê màu. Thế nhưng, lớn lên, anh lại theo học Trường đại học Bách khoa Hà Nội và trở thành kỹ sư tự động hóa. Tốt nghiệp đại học, anh lang thang ở Hà Nội suốt 4 năm, vẽ trên các món đồ lưu niệm để kiếm sống.

Qua tranh, Tào Linh muốn trao đi năng lượng và cảm xúc
Qua tranh, Tào Linh muốn trao đi năng lượng và cảm xúc

Nghề kỹ sư mang đến cho Tào Linh cuộc sống ổn định nhưng tình yêu với hội họa luôn âm ỉ. Năm 1993, anh tổ chức triển lãm chung với Bùi Việt Dũng, bán hơn một nửa số tranh rồi lại quay về với nghề kỹ sư. Đến năm 2014, Tào Linh mới chính thức gia nhập làng hội họa chuyên nghiệp bằng triển lãm cá nhân có tên Một bầy lặng im, tổ chức tại nhà họa sĩ Lê Thiết Cương.

Bằng sự chuyên tâm và chăm chỉ, từ đó, qua mỗi năm, Tào Linh liên tục để lại dấu ấn trong hội họa và mang đến hết bất ngờ này đến bất ngờ khác cho người yêu tranh. Tào Linh nói, kỹ thuật mang đến cho anh lối tư duy mạch lạc, hỗ trợ anh trong quá trình thực hành nghệ thuật - mảnh đất mà anh luôn khiêm tốn thừa nhận bản thân chỉ là một “tay ngang”.

Tào Linh thích vẽ mực trên giấy dó vì nó hợp cái tạng kiệm màu, kiệm hình của anh. Anh có thể chinh phục, khai thác chất liệu này theo cách riêng, từ độ loang, nhòe, thấm, chảy. Giai đoạn sau này, anh sử dựng chất liệu sơn dầu vì khả năng biểu cảm đa dạng của nó và cũng vì thực tiễn “bán được hơn”. Dù vẽ sơn dầu nhưng tư duy tạo hình của anh vẫn phảng phất hơi hướng của giấy dó, từ bố cục cho đến màu sắc, hình khối. Có lẽ vì vậy nên tranh Tào Linh lúc nào cũng độc đáo, thú vị và giàu sức gợi, khó bắt chước.

Hoàng Linh Lan (thực hiện)

Ảnh: Nhân vật cung cấp

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI