edf40wrjww2tblPage:Content
Nhưng Phan Vũ Linh không phải là tên tuổi xa lạ, tác phẩm của anh rất nổi bật như loạt tranh trong những cuốn truyện tranh kỳ ảo bán chạy Xuyên thấm, Chuỗi hạt Azoh, Những đôi mắt lạnh… của nhà văn Phan Hồn Nhiên; hàng loạt tác phẩm mang cảm hứng tranh sơn dầu ảnh hưởng hội họa Phục hưng, tông màu tối huyền bí, về nhiều đề tài, được lan truyền trên các diễn đàn nghệ thuật... Anh còn là họa sĩ của những dự án nghệ thuật ứng dụng, game online, ca sĩ chính của một ban nhạc rock “hạng nặng”, nay là giảng viên của trường Đại học Mỹ thuật TP.HCM.
Phác họa nhỏ, hiệu ứng lớn
* Thần thái của anh được bạn bè trên facebook nói vui là phù hợp với những vai phản diện. Nhưng mới đây anh hoàn thành một “vai” chính diện được nhiều người chú ý. Với năng lực đã được khẳng định, công việc này không khó đối với họa sĩ Phan Vũ Linh, nhưng anh có bất ngờ trước hiệu ứng xã hội?
- Sau khi sự việc lắng lại và có thời gian chiêm nghiệm, tôi thấy đúng là có nhiều bất ngờ, mặc dù làm trong nghề đã lâu và trải qua không ít công việc tương tự. Bất ngờ đầu tiên dĩ nhiên là hiệu ứng xã hội, cho thấy để làm một việc có ý nghĩa giúp ích cho đời không khó, ai trong chúng ta cũng có thể dành ra 20 phút (thời gian tôi vẽ bức phác họa kẻ bắt cóc trẻ sơ sinh) để tạo nên một vài điều ý nghĩa. Sau vụ việc vài hôm, tôi tình cờ gặp lại cô giáo cũ dạy trường mỹ thuật, sau khi khen động viên cô nói một câu mà tôi nhớ mãi: “Từ bây giờ, các bậc phụ huynh sẽ bớt e dè khi cho con cái đi theo ngành nghệ thuật, vì ai cũng thấy nghệ thuật hữu ích cho cuộc sống rồi…”. Điều này thực sự làm tôi suy nghĩ, vì từ trước đến giờ, tôi cứ nghĩ và cố gắng làm cho nghệ thuật của mình phải trở thành thứ gì đó cao siêu ghê gớm, nhưng không phải vậy, những việc nhỏ bé cũng có thể gây hiệu ứng lớn hơn mình nghĩ.
* Dù khoa học kỹ thuật phát triển đến cỡ nào, thì rốt cuộc những phương cách cổ điển vẫn là hữu dụng nhất, phải không anh?
- Tôi hoàn toàn đồng ý. Tuy là một trong những họa sĩ gắn bó với kỹ thuật hiện đại, nhưng tôi luôn cho rằng những tác phẩm càng mang nhiều “tính người”, càng ít có sự can thiệp của máy móc thì sẽ dễ đến gần trái tim của người xem hơn.
* Bạn đọc trẻ không lạ gì tác phẩm của anh, dù được ghi là minh họa nhưng cũng là những bức tranh độc lập in kèm trong các tập truyện của nhà văn Phan Hồn Nhiên. Ngoài sự đồng cảm với nhà văn, với dòng văn học kỳ ảo, còn có những yếu tố nào để anh thực hiện những bức vẽ tràn đầy cảm hứng, công phu và cuốn hút như thế?
- Thể hiện những ý tưởng từ con chữ thành hình ảnh sống động là đặc trưng của nghề minh họa. Là một họa sĩ minh họa, tôi cũng có những thôi thúc như vậy. Tuy nhiên, trong trường hợp này, nhà văn và họa sĩ là bạn lâu năm, nên tôi được hoàn toàn tự do sáng tạo. Chính sự thoải mái không gò bó theo “đơn đặt hàng” đã giúp tôi có những cảm hứng và thể hiện bay bổng hơn.
* Anh có những tác phẩm dựng hình ảnh những nhân vật trong truyền thuyết, văn học, lịch sử như Thánh Gióng, Sơn Tinh - Thủy Tinh, Từ Hải, Trần Quốc Toản… ấn tượng. Anh có ý định theo đuổi, góp sức trong lĩnh vực truyện tranh không?
- Tôi từng xuất bản vài truyện tranh nhỏ lẻ và đang phụ trách giảng dạy tại khoa Đồ họa - Tranh truyện trường Đại học Mỹ thuật TP.HCM. Dĩ nhiên mục tiêu lớn và dài lâu của tôi vẫn là truyện tranh; tuy nhiên, thời gian và điều kiện chưa cho phép nên tôi vẫn đang từng bước triển khai âm thầm. Về chuyện vĩ mô hơn như truyện tranh nội địa giành lại thị phần từ truyện tranh nước ngoài, tôi nghĩ đó là vấn đề của cả xã hội chứ không riêng gì họa sĩ.
* Tên tuổi Phan Vũ Linh đình đám trên các diễn đàn mỹ thuật trẻ, là họa sĩ ăn khách của những dự án nghệ thuật ứng dụng, game online, quảng cáo lớn. Bên cạnh phẩm chất cá nhân, các yếu tố khác như khả năng chủ động hoạch định đường đi, ngành nghệ thuật hiện đại hợp thời, sự may mắn… đã góp vào thành công của anh ra sao?
- Ban đầu tôi cũng hay nghĩ những thành công của mình là nhờ may mắn vì tôi hoàn toàn không có kế hoạch cho những việc đó. Nhưng nghĩ kỹ thì không phải, vì đâu ai may mắn mãi. Và đó cũng là điều tôi luôn muốn nhắn đến các bạn học trò, chỉ có sự nỗ lực và kiên trì mới dẫn đến thành công. Hoạch định, tính toán đường đi nước bước cũng có một phần tác dụng, nhưng nó không phải là sở trường của những người có tính cách nghệ sĩ. Chạy theo xu hướng mới cũng không phải là cách tốt, vì xu hướng thay đổi rất nhanh. Kiên trì theo con đường mình chọn, làm việc với tất cả đam mê và sự chân thành, sự thành công sẽ đến một cách tự nhiên.
Cá tính sẽ tạo ra khác biệt về phong cách
* Nghệ thuật số đang dự phần vào nhiều lĩnh vực đời sống hiện nay, hoạt động lâu năm trong mảng mỹ thuật ứng dụng, hẳn anh sống tốt với nghề?
- May mắn được tiếp cận với kỹ thuật và nghề nghiệp sớm, có thể về tiền tài, sự nghiệp không sánh được một số bạn bè cùng trang lứa, nhưng tôi hài lòng với cuộc sống hiện tại, vì không gì hạnh phúc bằng có thể sống ổn với chính nghề nghiệp mình yêu thích.
* Gần đây tôi gặp một nhóm sinh viên trường Đại học Mỹ thuật TP.HCM làm thêm bằng việc vẽ tranh chân dung ở khu du lịch Văn Thánh. Nhận ra một số bức mà các bạn thực hiện giống phong cách vẽ của anh nên tôi thắc mắc và được trả lời rằng “họa sĩ Phan Vũ Linh là thầy của tụi em”. Điều này cho thấy anh truyền nghề rất tốt trong vai trò giảng viên, còn sinh viên của anh cũng tiếp thu giỏi. Nhưng có chút băn khoăn rằng, chuyện bị ảnh hưởng là bình thường, hay cần làm gì để trò thoát khỏi bóng thầy?
- Nghệ thuật hội họa đã có quá trình phát triển rất dài, nên có thể nói những gì họa sĩ hiện thời đang làm là kế thừa và phát triển, chỉ một số ít cá nhân xuất sắc mới tạo ra được con đường riêng. Ngay cả bản thân tôi cũng chịu ảnh hưởng không ít các bậc tiền bối và thầy, nhưng tôi không cho điều đó là quá nghiêm trọng. Vì cho dù ảnh hưởng đến đâu, mỗi con người là một cuộc sống và cá tính không giống ai, ban đầu bạn có thể bị ảnh hưởng ai đó ở cái vỏ bên ngoài, nhưng đến khi bạn đã vững tay nghề, cá tính bên trong bạn sẽ có cơ hội thoát ra và tạo nên sự khác biệt trong phong cách.
* Từng là thành viên một nhóm nhạc nổi tiếng, chơi thể loại rock “khó nhằn”, nay anh còn tham gia lĩnh vực âm nhạc không, khi phong cách ngoại hình “tố cáo” anh vẫn đầy chất rock?
- Nhạc rock là sở thích của tôi thời trẻ và ngay cả bây giờ. Thời gian trong ban nhạc là một cuộc dạo chơi thú vị và nhiều kỷ niệm. Tuy nhiên, hội họa vẫn là đam mê lớn nhất, vì thế lúc sang Mỹ du học tiếp ngành hội họa, tôi đã rời nhóm. Hiện tại, tôi không tham gia gì liên quan đến âm nhạc ngoài việc vẫn thường xuyên “đàn đúm” với bạn bè mê rock.
Một số tác phẩm của Phan Vũ Linh
* Anh đi một con đường khác với truyền thống gia đình, điều này có tạo ra sự xung đột nào không, nhất là khi họ phải “chịu đựng” hai lĩnh vực đặc thù (hội họa, nhạc rock) thường sinh ra những nghệ sĩ... khác người?
- Ba mẹ tôi khá hiện đại và cởi mở nên không có những xung đột lớn trong lựa chọn nghề nghiệp của tôi. Thậm chí mẹ tôi luôn là người bênh vực sự “khác người” của tôi trước bạn bè đồng nghiệp của bà. Có lẽ sự thông cảm và ủng hộ từ gia đình đã giúp tôi có được những bước đi tự tin trên con đường mình đã chọn.
* Anh có những dự định, dự án nghề nghiệp lớn, đột phá cho bản thân?
- Dự định gần nhất của tôi là tổ chức triển lãm cá nhân với chất liệu sơn dầu, cũng là chuyên khoa tôi tốt nghiệp ở Đại học Mỹ thuật TP.HCM mà ít được biết đến. Những mục tiêu lớn hơn vẫn là phát triển hơn nữa trong lĩnh vực đào tạo nhân lực cho ngành hội họa ứng dụng, đào tạo những ngành chuyên môn ngay tại Việt Nam để các bạn không có điều kiện đi du học vẫn có thể tiếp cận kiến thức hiện đại.
* Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện.
Võ Tiến (thực hiện)