Anh nhớ ngày rời Quảng Bình vào Sài Gòn nhập học, mẹ khóc chạy theo níu áo bảo thôi đừng đi, tiền đâu mà học. Đến bây giờ, thành bại thế nào chẳng rõ nhưng ba mẹ ở làng vẫn thỉnh thoảng lo Phạm Thanh Toàn nơi thị thành sống bấp bênh, khó lòng trụ nổi.
Tôi nhớ ngày mình cày thay trâu
Sau mấy bận tiếp đón bạn bè, đồng nghiệp, ở một góc của triển lãm Saman Saman làm cùng họa sĩ Lê Thế Lãm, Phạm Thanh Toàn có phút trải lòng. Anh nói những bức tranh xuất hiện tại triển lãm lần này được nung nấu ý tưởng hơn 1 năm nhưng hoàn thiện chỉ gần tròn tháng. Tốc độ làm việc của Phạm Thanh Toàn vốn được giới hội họa nể phục bởi hoàn thành rất nhanh nhưng tranh luôn gây ấn tượng, mang nhiều tầng nghĩa.
Trong không gian của Saman Saman, khác hẳn với phong cách vẽ bố cục người độc lạ thường thấy, Phạm Thanh Toàn “phơi bày” những năm tháng ấu thơ nghèo khó, lớn lên với ruộng đồng, rơm rạ của mình. Nhìn tranh và những nông cụ được sắp đặt, người xem, nhất là những đứa trẻ “đi ra” từ nông thôn, chẳng cần nghe giới thiệu, tâm trí đã bất giác tua ngược về thời niên thiếu, ngày lon ton theo ba mẹ ra đồng, trầy trật lớn lên.
|
Chiếc máy bay đặt trên cánh đồng lúa - một hình ảnh ẩn dụ được Phạm Thanh Toàn sử dụng vài lần trong triển lãm - ẢNH: DIỄM MI |
Phạm Thanh Toàn nói các tác phẩm ở Saman Saman thuộc nhóm tranh ít tốn kém nhất của anh, tính đến thời điểm hiện tại. Lần trưng bày này, anh vẽ cánh đồng vụ lúa đông - xuân ở Quảng Bình. Phần màu phủ lên tranh là phù sa lấy từ cánh đồng lúa nơi quê nhà thuộc huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình, được anh trộn với dung môi để thành màu vẽ. Rơm rạ gắn lên tranh cũng từ cánh đồng của ba sau vụ mùa vừa thu. Nông cụ như cuốc, bừa cũng được gia đình và người dân Quảng Bình gói ghém chuyển vào, giúp Phạm Thanh Toàn hoàn thành tác phẩm.
“Mười mấy năm về trước, khi trâu bò trong nhà có chửa hay bị bán đi, tôi và ba thay chúng cày bừa trên ruộng. Lúc về nói với ba là tôi mang nông cụ đi, ông la làng lên bảo mang đi làm gì, sao mà bán được, ai mua những thứ này. Tôi chỉ bảo là cho con đi, con sẽ mang vào trưng bày trong bảo tàng hay có dịp đưa đi quốc tế. Người nhà tôi đơn thuần lắm, họ không hiểu về nghệ thuật đâu, chỉ lo là tranh bán được hay không, tôi có đủ sống hay không” - Phạm Thanh Toàn nói.
Cái nghèo đeo đẳng Phạm Thanh Toàn suốt 18 năm từ khi sinh ra đến ngày rời quê hương, vào TPHCM học tập, lập nghiệp. Anh nói giai đoạn ấy đầy ám ảnh bởi chúng cứ tua đi tua lại trong đầu những đứa trẻ về bữa ăn lúc no, lúc thiếu. Trẻ em trong đó có Toàn thường tự hỏi rằng mình cố gắng làm gì khi nhìn quanh nhiều người thất học, đi làm công nhân, số tha hương học tập chỉ đếm trên đầu ngón tay, người lớn thì không đủ trình độ để khuyên con trẻ nên làm gì.
Điều mà ba mẹ Phạm Thanh Toàn làm tốt nhất là giúp con sinh tồn theo đúng nghĩa đen, tức có cái ăn, cái mặc. Còn lại, anh như cỏ cây mà lớn. Nhưng “nhờ” lớn lên trong nghèo khó, Phạm Thanh Toàn nói anh biết quý trọng công sức, đồng tiền mình làm ra.
“Họa sĩ không ai nghèo như tôi. Tôi nghèo khủng khiếp. Ngày tôi rời gia đình, mẹ chạy phía sau khóc bảo: “Con ơi, con muốn học đại học thì phải tự kiếm tiền đấy, ba mẹ không có tiền, không có gì hết”.
Thế rồi tôi đi và làm đủ nghề. Trước, tôi làm đầu bếp cho nhà hàng Hương Phố, làm bảo vệ... để sinh tồn. Cách tồn tại tốt nhất là phải làm tốt công việc bất kỳ một cách triệt để, để người thuê mình, đối tác của mình không thể từ chối mà sẵn sàng mở ví tiền trả cho mình khoản lớn” - Phạm Thanh Toàn nói.
Chọn vẽ vụ lúa đông - xuân cũng là một cách để anh lồng ghép những ẩn ý về đời người. Phạm Thanh Toàn nói mùa đông được ví như mùa ấp ủ nuôi dưỡng các mầm non trong lòng đất còn mùa xuân là mùa sinh sôi nảy mầm, hy vọng một mùa bội thu.
“Phải chăng cái vòng xoay ấy cũng như cuộc đời mỗi người chúng ta, trải qua các biến cố rồi “lớn lên”, dày dạn, mạnh mẽ đầy sức sống hơn” - Phạm Thanh Toàn bày tỏ.
|
Những chồng sách, đồng phục được treo trên chiếc cuốc - nông cụ quen thuộc của người nông dân - ẢNH: DIỄM MI |
Vài ngàn họa sĩ có một người "sống được"
Tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật TPHCM vào năm 2017 nhưng từ trước đó, Phạm Thanh Toàn đã là cái tên được nhiều nhà sưu tập, giới mộ điệu hội họa để mắt.
Tranh anh mang một phong cách riêng, chúng không tường minh mà khơi gợi cho người xem nhiều suy ngẫm. Có nhiều bức đơn giản là cuộc chơi sắc màu nhưng có bức khiến người xem nổi gai ốc ngay khi nhìn vì sự tàn khốc, bạo liệt. Phạm Thanh Toàn nhận định tranh anh không khó để thưởng thức. Anh nói người xem hiện khá nhanh nhạy, thông minh nên họ đã “đọc - hiểu” được những gì anh muốn thể hiện.
Phạm Thanh Toàn không cố tỏ ra mình dị biệt trong giới hội họa nhưng ở anh có gì đó quái quái, lạ lẫm khiến người ngoài muốn tìm hiểu.
“Đừng nghĩ giới nghệ sĩ ai ai cũng giống nhau. Nếu bạn nghe về 1 ngày của tôi chắc bạn ồ lên vì thấy tôi sống lành mạnh quá. Tôi dậy lúc 5g mỗi ngày để ăn sáng, uống cà phê đến 8g trước khi vào làm việc. Tới trưa, tôi nghỉ ngơi, ăn cơm và trở lại làm vào 13g. Tôi tan làm lúc 17g và bắt đầu ăn tối, dọn dẹp. Đến 18g30 thì một là tôi xem tin tức, hai là đi chơi với bạn. Tôi không có nhiều bạn, chỉ 1, 2 người bạn thân. Tôi không tụ tập, nhậu nhẹt, đặc biệt là không gặp giới họa sĩ. Tại xưởng vẽ, tôi chỉ tiếp khách vào Chủ nhật, các ngày còn lại tôi không gặp ai” - Phạm Thanh Toàn nói.
Sự kỷ luật mà anh tự thiết lập cho mình nhằm mục đích làm việc khoa học, chuyên nghiệp. Anh nói trên thế giới, những họa sĩ chuyên nghiệp đều là những người giữ kỷ luật rất nghiêm. Họ không phạm vào những quy tắc do mình đặt ra. Nếu muốn đi đường dài, bài bản, không cách nào khác là phải nghiêm túc từ đầu.
|
Họa sĩ Phạm Thanh Toàn - Nguồn ảnh: Facebook nhân vật |
Phạm Thanh Toàn nhấn mạnh anh không làm việc dựa trên cảm xúc mà hoàn toàn khởi phát từ tư duy độc lập. Cảm xúc là thứ đến sau, trên hành trình anh thực hiện tác phẩm. Chính nhờ tuân theo nguyên tắc riêng, sức vẽ của anh được đảm bảo, có thể tổ chức 5-6 triển lãm mỗi năm.
“Tôi không có người dẫn dắt, hướng dẫn tôi phải làm gì trong nghề. Tất cả là do tôi tự nghiên cứu như một bản năng sinh tồn. Lúc trước, nếu biết ngành học khủng khiếp như thế này, chắc tôi sẽ không theo vì tỉ lệ sống còn trong ngành rất cân não. Vài ngàn họa sĩ thì chỉ một người bán được tranh, số còn lại đói lắm. Nhiều năm qua, tôi mở các cuộc trưng bày ở Việt Nam để mọi người biết đến mình nhưng mục đích của tôi là đưa tranh ra quốc tế. Muốn săn cá lớn, bạn phải ra vùng biển lớn, thay vì cứ quẩn quanh ở đây” - Phạm Thanh Toàn chia sẻ.
Nam họa sĩ nói nhìn vào tranh và cách anh đang đi trong sự nghiệp có vẻ như ngược dòng nhưng không phải. Anh đang xuôi dòng theo xu hướng chung của thế giới, không phải men theo lối đi cũ đã được vận hành suốt nhiều thế kỷ qua ở
Việt Nam.
Phạm Thanh Toàn có sự tự tin nhất định vào bản thân, đôi khi khiến người đối diện cảm tưởng anh đang phiêu quá với những mộng mơ riêng mình. Nhưng không phủ nhận đằng sau vóc dáng gầy gò ấy, một “nhà máy” của ý tưởng, kỹ năng diễn đạt hội họa đang làm việc mỗi ngày. Chúng tạo ra những tác phẩm không ngại bị va đập bởi dư luận. Chúng xem những xì xầm từ công chúng là cần thiết trong quá trình thực hành nghệ thuật của cá nhân. Đó là lối tư duy của thế hệ người làm sáng tạo mới ở Việt Nam, trong thời đại mạng xã hội chi phối, tác động mạnh mẽ.
Diễm Mi