Cuốn sách phát hành bằng 34 ngôn ngữ, quy tụ 7 họa sĩ tài năng khắp thế giới. Phạm Quang Phúc là họa sĩ Việt Nam duy nhất góp mặt. Càng đặc biệt hơn khi tranh của Phúc được chọn làm bìa sách.
Dự định ban đầu của nhà xuất bản là mỗi họa sĩ sẽ vẽ một góc tranh để ráp lại thành bìa. Thế nhưng, tranh của Phúc đã được chọn. “Đó là một khoảnh khắc đáng nhớ, một vinh dự lớn với một họa sĩ chưa có mấy tên tuổi như tôi” - Phúc bộc bạch. Để phục vụ cho việc quảng bá, Bloomsbury còn chia sẻ trang Vượt qua giới hạn pháp thuật của Phúc rộng rãi trên toàn thế giới. Đó không chỉ là niềm tự hào của riêng Phúc mà còn trở thành động lực thúc đẩy những tài năng trẻ đang theo đuổi con đường này.
“Tôi vô cùng hạnh phúc khi sau 10 năm theo nghề, tôi đã được vẽ minh họa cùng một cuốn sách với Levi Pinfold - một trong những người truyền cảm hứng cho tôi theo đuổi công việc này” - Phúc chia sẻ.
|
Họa sĩ Phạm Quang Phúc bên tác phẩm minh họa do anh thực hiện - Hồ Nguyệt cô hóa cáo - tại triển lãm Vẽ về hát bội |
Dấu ấn với Harry Potter
Harry Potter không phải là dự án quốc tế đầu tiên Phạm Quang Phúc tham gia minh họa. Lần đầu “ra thế giới” của Phúc cách đây khoảng 6-7 năm, khi anh được mời vẽ vài tranh nho nhỏ cho 1 tác phẩm thiếu nhi đăng trên tạp chí. Cơ duyên đến với Phúc thật tình cờ, khi đơn vị làm sách xem được các minh họa của Phúc trên trang Behance (một trang cộng đồng để các họa sĩ tự giới thiệu tác phẩm). Từ đó, bên cạnh những dự án nổi bật tại Việt Nam như Thiện và ác và cổ tích, Đường về nhà (Nhà xuất bản Kim Đồng), Phúc còn tham gia minh họa cho khá nhiều tựa sách quốc tế.
Khác biệt trong lần minh họa cho Harry Potter không chỉ ở quy trình làm việc dài hơi, yêu cầu bảo mật cao hơn mà còn ở việc bộ sách sở hữu lượng người hâm mộ toàn cầu cực kỳ lớn. Để có thể làm hài lòng độc giả, minh họa những gì đúng với hình dung nhà văn mô tả, đồng thời thể hiện được tinh thần chung của bộ truyện mà không được vẽ giống người đi trước, Phúc đã dành rất nhiều thời gian đọc lại truyện, xem phim và xem các minh họa từ nhiều họa sĩ. Chính Phúc cũng được bộ truyện truyền cảm hứng mạnh mẽ. Phúc đọc truyện từ thời còn là học sinh. Chính những nét vẽ của Jim Kay đã “góp phần to lớn” đưa anh đến với phong cách vẽ hiện nay.
Đặc trưng và cũng là ưu điểm trong minh họa của Phúc là thế giới tưởng tượng, thế giới thần tiên và phép thuật bay bổng, đầy màu sắc. Phúc thừa nhận anh là người vô cùng lạc quan, nhìn đâu cũng thấy những điều tích cực dù nhỏ bé. Có lẽ nhờ vậy, thế giới minh họa của Phúc chạm được đến những điều tốt đẹp, giàu năng lượng và tạo nên rung cảm cho người xem.
Từ nhỏ, Phúc đã thích những cuốn sách có nội dung tưởng tượng, phiêu lưu; thích vẽ vời và chơi với những món đồ tự sáng tạo. Lâu dài, điều đó tạo thành thói quen và ảnh hưởng đến cách vẽ của anh. Dù vậy, từ thiên hướng đến định hình phong cách cá nhân không phải là điều dễ dàng. Phúc đã có những thời điểm lơ lửng, thậm chí bị cuốn theo vòng xoay của cuộc sống trước khi nhận ra đam mê thực sự. Dù yêu thích vẽ nhưng Phúc lại chọn học ngành đồ họa rồi đi làm ở một công ty chuyên về quảng cáo, sự kiện. Và rồi Phúc nhận ra đó không phải là “mảnh đất dành cho mình”.
Là người khá chắc chắn cho những bước chuyển và có trách nhiệm với bản thân, với gia đình, Phúc không bỏ công việc ngay để theo đuổi đam mê. “Dù minh họa của tôi khá bay bổng như nhận xét của nhiều người nhưng tôi không quá mơ mộng về khả năng của mình. Nghề nào cũng vậy, phải lọt top đầu thì thu nhập mới tốt được. Khi không có điều kiện kinh tế đủ tốt, mình phải đủ sống rồi mới sáng tác” - Phúc nói. Suốt một khoảng thời gian, Phúc ngày đi làm, tối vẽ minh họa cho đến khi được nhận vào Nhà xuất bản Kim Đồng. Phúc thừa nhận thời điểm đó, anh chỉ là một người vẽ “tầm tầm” nhưng nhờ biết tập trung chuyên môn và có tính kỷ luật cao, cánh cửa cơ hội đã mở với anh.
Để dự án lên tiếng
“Dự án đầu tiên của tôi là được nhà xuất bản giao vẽ 5-6 trang minh họa. Tôi đã rất háo hức để hoàn thành. Nhưng khi chị Khoa Lê - biên tập viên và cũng là họa sĩ có tiếng tại nhà xuất bản xem, chị bảo vẽ như thế không đạt yêu cầu. Rồi chị tỉ mỉ hướng dẫn tôi, với thể loại sách như vậy, nên cách điệu ra sao, nghiên cứu những họa sĩ nào, sử dụng chất liệu gì để phù hợp với in sách giấy dành cho trẻ em. Dù phải bỏ toàn bộ để vẽ lại từ đầu nhưng tôi rất vui vì biết mình đã tìm được con đường để đi” - Phúc kể.
Kim chỉ nam của Phúc từ những ngày đầu vào nghề đến giờ chính là chia sẻ từ một người anh theo nghề minh họa. “Tập trung vào chuyên môn, nếu làm tốt chuyên môn thì dự án tốt, danh tiếng sẽ tự tìm đến”. Không quá khi nói Phúc là minh chứng cho câu nói “Hãy theo đuổi đam mê, thành công sẽ theo đuổi bạn”. Đây cũng là những điều Phúc muốn nhắn nhủ đến các họa sĩ trẻ.
Trong bối cảnh công nghệ và mạng xã hội bùng nổ, khác với thời của Phúc, các họa sĩ trẻ ngày nay tiếp cận nhiều tư liệu hơn, biết đến nhiều sáng tạo trên khắp thế giới và có kỹ năng ngôn ngữ thành thạo hơn. Song, họ cũng dễ bị đặt vào những áp lực do chính mình tạo ra, rằng tại sao mình lại vẽ kém thế. Phúc nói chính anh, dù đã tham gia nhiều dự án nhưng sau mỗi mùa, mỗi dự án, lại có cảm giác vẽ không bằng các họa sĩ khác. Sự kém tự tin là rào cản lớn nhất cần bước qua.
“Tôi không đòi hỏi quá cao cho bản thân. Nghe hơi cũ nhưng câu này rất đúng. Chỉ cần tác phẩm sau tốt hơn tác phẩm trước thì tôi đã thấy hài lòng. Nếu cứ so sánh, rồi thấy mình không bằng ai và tự đẩy mình vào cảm giác tiêu cực thì sẽ không vẽ được nữa. Do đó, nếu bạn đã chọn vẽ minh họa thì cần bình tĩnh, cố gắng mỗi ngày thay vì so sánh với người khác. Khi miệt mài vẽ, bạn sẽ tìm được hướng đi”.
Theo Phúc, điều cốt lõi để được biết đến vẫn là chuyên môn. “Thi thoảng, tôi vẫn chia sẻ minh họa lên trang cộng đồng để giới thiệu nhưng không quá đặt nặng việc mỗi ngày phải lên nội dung, quảng bá tên tuổi. Theo tôi, cách tốt nhất, là nên để những dự án đã làm lên tiếng. Người trẻ hiện tại làm nội dung mỗi ngày trên Instagram, TikTok. Danh tiếng tất nhiên mang lại nhiều lợi ích khác nhưng bạn sẽ phân tâm về chuyên môn và rất khó để đi đường dài”.
Cuối cùng, Phúc cho rằng để ra thế giới, họa sĩ minh họa cần xem xét kỹ muốn đi sâu vào mảng nào của vẽ minh họa (vẽ quảng cáo, minh họa sách hay chuyên kể chuyện trên mạng…), từ đó tìm ra định hướng phù hợp. Phúc tâm niệm, việc hòa vào thế giới không chỉ là minh chứng cho sáng tạo Việt mà còn là lời động viên và động lực cho các họa sĩ trẻ trong nước khi ngành minh họa Việt vẫn còn quá non trẻ.
Sau Harry Potter, Phúc đang miệt mài cho một dự án artbook gồm các câu chuyện thần thoại. Là người yêu văn hóa dân gian và du lịch, Phúc hy vọng một ngày gần nhất, anh có đủ thời gian và tự tin để sáng tác các nội dung liên quan. “Chạm đến thế giới văn hóa, lịch sử, tôi hơi “rén” vì phản ứng của đám đông thường khá mạnh nếu họ không thích. Do đó, tôi cần thêm thời gian” - Phúc cười.
Lê Phan - Ảnh do nhân vật cung cấp
|
Bìa Kỳ thư phù thủy (tiếng Anh và tiếng Việt) phát hành toàn cầu, trong đó có Việt Nam |
|
Tác phẩm The Book of Mythical Beasts and Magical Creatures (D.K.) và Emperor Penguin (Neon Squid) do Phúc vẽ minh họa, phát hành toàn cầu |
|
Tác phẩm Bắt sao thuộc thể loại minh họa phối media |
|
Bữa tiệc của vua Mèo - tác phẩm đoạt giải trong Cuộc vận động sáng tác của dự án Hỗ trợ Văn học Thiếu nhi Việt Nam - Đan Mạch 2015 |