Vì nghèo, bán cả ấn vua ban
Họa sĩ Phạm Cung từ Quảng Ngãi vào Sài Gòn năm 1955. Lúc này ông sống bằng nghề vẽ bìa nhạc, bìa sách và làm tranh sơn mài cho hãng Thanh Lễ. Nhưng thuận tay nhất của ông là lĩnh vực điêu khắc, dù ông dùng tay trái để ăn cơm, vẽ tranh, và viết theo đúng nghĩa đen.
Theo Phạm Cung: “Làm điêu khắc quá mất thời gian để kiếm tiền nuôi thân và gia đình khó. Nhà điêu khắc nào cũng muốn tác phẩm của mình được dựng hoành tráng ở những không gian công cộng hoặc được trưng bày trong bảo tàng. Tuy nhiên, đợi đến lúc đó phải đầu tư, sáng tạo rất nhiều. Do vậy, tác phẩm điêu khắc của tôi rất ít so với tranh vẽ”.
Thêm nữa, điêu khắc với Phạm Cung khá cầu toàn về chất liệu, đồng phải đồng lá nguyên chất, đất phải đất lấy ở Châu Ổ (Quảng Ngãi), đá phải lấy đúng ở vùng Mỹ Sơn (Quảng Nam)... Vì yêu cầu chất liệu cao, giám sát thi công gần như ăn cùng mâm ngủ cùng chỗ với thợ, nên phí tổn rất nhiều mà ông thì không… có tiền. Phạm Cung càng không thể làm tượng đài kỳ vĩ vì tính cách cầu toàn của ông khó mà... trúng thầu. Do vậy, ông chọn vẽ trên tất cả chất liệu, miễn đạt nhu cầu người mê tranh và yêu thẩm mỹ.
|
Họa sĩ Phạm Cung và bức tượng nhạc sĩ Phạm Duy |
Phạm Cung xuất thân trong gia đình làm quan. Tổ tiên của ông được vua ban ấn ngà voi và kiếm báu chém sắt như chém bùn. Nhưng đến đời của ông, sau năm 1975, gia cảnh sa sút, phải đem bán từng món đồ trong nhà đổi gạo qua ngày. Có lần ông đem ấn kiếm gia bảo nhờ một người bạn tìm mối bán giúp. Người bạn này chỉ nhận ấn và trả lại kiếm vì sợ mang tội tàng trữ vũ khí. Mấy hôm sau, bạn đưa ông ít tiền nói chỉ bán được nhiêu đó.
Kỳ thực, trong cảnh đói nghèo chạy gạo từng bữa, không có ai mua ấn dù làm bằng ngà voi. Ông bạn giữ lại ấn rồi đem theo khi định cư nước ngoài. Hơn 20 năm sau, người bạn này gửi ấn kèm theo lá thư nói lý do giữ ấn và giờ trả. Phạm Cung nhận ấn ngồi khóc ngon lành: “Nghèo quá, vật gia bảo đem bán hết để nuôi vợ nuôi con, nếu cái ấn không nhờ bạn thương tình giữ giúp, chắc đã ra phố Lê Công Kiều mất tăm”.
Kỷ niệm không thể đem bán
Cả xã hội khi đó nghèo đến độ ấn quý bán không ai mua thì nặn tượng để làm gì? Phạm Cung chăm chú vẽ tranh vì ông suy ra rằng, dù thiếu thốn áo cơm, nhưng trong mỗi con người ai cũng mê cái đẹp. Mỗi căn nhà dù bé cũng có bốn vách tường, và nếu giá tranh hợp lý thì sợ gì không có người mua. Ông ít vẽ tranh khổ lớn, thậm chí vẽ rất nhiều bức bé bằng bàn tay để ai mua cũng được và dễ dàng mang đi.
Từ vẽ tranh kiếm tiền tương đối nhanh, ông dùng tiền mua chất liệu làm tượng cho thỏa sở thích. Tượng của ông đa phần làm từ đất, đá và đồng. Trong phòng khách nhà ông bày rất nhiều tượng chân dung bạn hữu và những nhân vật ông yêu quý. Mỗi ngày ông ngồi uống trà hay uống rượu, ngắm tượng, cũng là cách ông ngồi với bạn bè dù họ đang ở phương trời xa hoặc đã khuất.
Trong số này có bức tượng đồng lớn nhất tạc Phạm Duy khi nhạc sĩ chưa hồi hương lần nào. Sau đó, có một doanh nghiệp hỏi mua để tặng lại nhạc sĩ khi ông về Sài Gòn định cư, nhưng ông không bán. Phạm Cung nói: “Kỷ niệm không thể đem bán. Bạn bè càng không thể đem bán”.
Gọi là phòng khách, nhưng ngôi nhà gia đình ông ở cũng chỉ hơn 30m2. Vì nhà chật, lại nằm ngay mặt đường không có vỉa hè, nên tượng của ông bị trộm mất. Đó là bức tượng đồng tạc Bùi Giáng - ông phải nhờ đến họa sĩ Ớt (nhà báo Huỳnh Bá Thành), khi đó là tổng biên tập báo Công an TP.HCM, “tung quân” đi tìm mà không ra. Bức tượng này ông tạc trong khoảng những năm 1980, khi Bùi thi sĩ thường ở nhà ông ăn cơm, uống rượu và vẽ tranh.
Bùi Giáng vẽ chơi vui, và Phạm Cung giữ lại được hơn 20 bức họa. Năm 2016, một nhà sưu tập đã mua hết số tranh này. Lẽ ra Phạm Cung không bán, nhưng ông nghĩ: “Bán giá rẻ cho người yêu quý Bùi Giáng, biết chơi và giữ giúp tranh là chính. Mai này mình chết, sợ con cháu nó đem vứt đi thì tội”. Gần đây, một vài bức tranh này được đem ra đấu giá, có bức hơn 10 ngàn USD.
Đa tình nhưng chung thủy
Đa phần giới nghệ sĩ đều thuộc “giống đa tình”. Phạm Cung rất mê cái đẹp của nữ giới và miệt mài vẽ họ không biết chán. Người viết biết ông lần đầu khi ông triển lãm tranh vẽ Truyện Kiều. Kiều trong tranh Phạm Cung khác với Kiều của nhiều họa sĩ. Ông vẽ Kiều của Nguyễn Du với trang phục thời Minh, vì Kiều mở đầu: “Rằng năm Gia Tĩnh triều Minh/ Bốn phương phẳng lặng hai kinh vững vàng”. Ông vẽ Kiều trong tác phẩm Hậu Kiều - Đoạn trường vô thanh của Phạm Thiên Thư thì Kiều mặc áo tứ thân, bởi Kiều này mới là người Việt chứ không như Kiều của cụ Nguyễn Du được phóng tác từ truyện Trung Hoa.
Họa sĩ Phạm Cung, tên khai sinh Phạm Ngọc Cung, theo giấy tờ ghi ông sinh năm 1936 tại Quảng Ngãi, nhưng ông nói đó là “khai gian”, chứ tuổi thật sinh năm 1932. Ông qua đời lúc 11g ngày 5/12 tại nhà riêng (26 Trần Cao Vân, Q.Phú Nhuận). Lễ động quan lúc 6g ngày 9/12, sau đó hỏa táng tại Trung tâm hỏa táng Bình Hưng Hòa, TP.HCM. |
Để vẽ nàng Kiều hay bất cứ người phụ nữ nào khác, Phạm Cung đều có sự rung động về họ. Khi triển lãm Đàn bà trong mắt tôi vào năm 2012, ông nói: “Tôi là đàn ông nên tôi yêu đàn bà. Thiếu đàn bà tôi không thể sống để vẽ tranh”. Đàn bà trong tranh Phạm Cung luôn nở nang, phần bụng luôn đầy đặn da thịt, đôi môi luôn căng phồng với đôi bàn tay thon dài.
Phạm Cung làm được điều này vì ông có người vợ luôn hiểu chồng. Ông vẽ rất nhiều đàn bà, nhưng thủy chung chỉ mỗi bà là nhất. Khi Bùi Giáng ở nhà Phạm Cung, ăn cơm bà nấu, uống rượu bà mua, Bùi thi sĩ trong cơn điên hay đang tỉnh, nói rằng: “Ngày xưa có mụ Tú Xương/ Ngày nay có mụ Bích Sương thương chồng”. Rõ ràng là bà Bích Sương rất thương ông Phạm Cung nên bà mới quý bạn của chồng, nhất là với những thi sĩ như Bùi Giáng - người thường có những “cơn điên rực rỡ”.
Trần Hoàng Nhân