Họa sĩ Nguyễn Thu Hương và thập kỷ đi cùng tranh lụa

19/10/2022 - 19:04

PNO - Say mê đi tìm cái đẹp trong lụa suốt mười năm qua, đến nay, khi triển lãm cá nhân lần thứ ba ra mắt, họa sĩ Nguyễn Thu Hương tự tin rằng mình không lặp lại chính mình của những ngày cũ.

Trong không gian ấm cúng của triển lãm Hương, họa sĩ Nguyễn Thu Hương từ tốn và chậm rãi, thậm chí có phần kiệm lời khi nói về những tác phẩm và hành trình sáng tác của mình. Với chị, vẽ tranh trước hết là cho mình, sau đó mới đến lượt người xem chiêm ngưỡng, bình phẩm. Vì xem trọng xúc cảm của bản thân, và chẳng ngại những đánh giá từ người ngoài, nên mười năm qua, khi quyết định chọn lụa làm chất liệu chính, họa sĩ Nguyễn Thu Hương khá thong dong trên hành trình đi tìm chính mình trong hội họa. 

Họa sĩ Nguyễn Thu Hương tại triển lãm cá nhân lần ba
Họa sĩ Nguyễn Thu Hương tại triển lãm cá nhân lần ba

Sự quay về bên trong, tìm kiếm bản ngã của nữ họa sĩ cũng phần nào thể hiện trong cách đặt tên cho từng triển lãm của chị. Nếu cuộc gặp gỡ đầu tiên có tên Lụa của Hương, triển lãm lần hai tên Hương lụa, thì sang cuộc trưng bày lần ba chỉ còn độc một chữ Hương. Những “rơi rớt” này cũng nhằm tìm về sự giản đơn trong cách thể hiện. Hương cho biết chị đã dần bỏ một số bước trong vẽ tranh lụa, cởi mở hơn khi thể hiện tác phẩm, và lần này, chị đã mạnh dạn vẽ những chủ đề mới, cho thấy sự phóng khoáng.

“Triển lãm Hương có một điểm khác là tôi vẽ táo bạo và thả lỏng hơn. Tôi gần như lược bỏ một số bước trong thói quen vẽ tranh lụa, thoát khỏi những khuôn phép cũ, cũng là thay đổi mình một chút. Người nghệ sĩ sáng tạo vẫn luôn tìm tòi cách thể hiện mới, quan trọng là họ tìm được sự hứng khởi, vui vẻ khi sáng tạo”, nữ họa sĩ chia sẻ. 

Đến nay, họa sĩ Nguyễn Thu Hương vẫn sử dụng lụa dệt tay của làng Quan Phố, Duy Tiên, tỉnh Hà Nam để vẽ, chưa có sự thay đổi về chất liệu dù đã thử qua nhiều dòng lụa khác. Chị cho biết dù đã mười năm theo đuổi dòng tranh này, vẫn có nhiều bức khá thử thách với chị về kỹ thuật. Chỉ vì muốn vẽ một màu xanh không quá tươi cũng không quá trầm lên lụa, mà chị phải nghiên cứu tìm tòi suốt nhiều ngày liền. Hành trình của hội họa và riêng tranh lụa càng đi càng khó. Khó trong việc tìm ra chủ đề mới, cách vẽ tối ưu, và người họa sĩ gần như luôn đặt cho bản thân cột mốc cao hơn. 

Toàn bộ tác phẩm đều tên Hương và được đánh số thứ tự
Toàn bộ tác phẩm đều tên Hương và được đánh số thứ tự

“Vẽ về phụ nữ nhiều, nhưng tôi không vẽ chính mình. Tôi có một lợi thế là đi dạy tại trường đại học. Khi các sinh viên vẽ mẫu, tôi cũng ký họa lại và sau đó suy nghĩ thêm. Tôi có hai cô con gái, một bạn lớp Mười, một bạn lớp Ba, cùng nhiều bạn bè, đồng nghiệp là nữ giới. Đâu đó trong tranh của tôi là dáng hình của những người phụ nữ tôi từng gặp. Suy cho cùng, tranh của tôi hướng đến những điều tích cực của phụ nữ hiện đại, và chỉ lan tỏa điều tích cực mà thôi”, nữ họa sĩ nói thêm.  

Tại Việt Nam, tranh lụa trong thập niên qua có cuộc hồi sinh ngoạn mục. So với những nghi ngại ngày trước về độ bền hay chủ đề thể hiện có phần bị bó buộc, tranh lụa những năm vừa rồi được các nhà sưu tầm ưa chuộng, vị thế trong thị trường nhìn chung được tăng lên. Họa sĩ Nguyễn Thu Hương với mười năm theo đuổi tranh lụa cũng là một trong những cá nhân góp phần cho sự chuyển mình, hồi sinh ấy.

Triển lãm Hương đang diễn ra tại Eight Gallery (8 Phùng Khắc Khoan, Q.1, TP.HCM) và sẽ kết thúc vào ngày 25/10. 

Diễm Mi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI