Hoạ sĩ Nguyễn Thị Thu Hiền: Yêu sự thật thà trong đôi mắt trẻ

28/05/2022 - 07:46

PNO - Chẳng phải vẽ về dải ngân hà hay tìm kiếm chủ đề nơi xa xôi, họa sĩ Nguyễn Thị Thu Hiền đưa bản thân và con gái bé bỏng lên tranh. Chị nói, các họa sĩ khác có thể vẽ mọi thứ, còn chị chỉ muốn vẽ về những điều gần gũi với trái tim thật thà.

Trên tầng năm, tầng áp mái của một chung cư xa trung tâm thành phố, họa sĩ Nguyễn Thị Thu Hiền sống cùng chồng - họa sĩ Đinh Văn Sơn - và con gái nhỏ - bé Cám (An Nhiên). Trong căn nhà ấy, ngày ngày nắng tràn vào cửa, lá in bóng trên nền gạch xinh và đầy tiếng nói cười thơ ngây của con trẻ...

Họa sĩ Thu Hiền mới ngoài 30 tuổi một chút. Chị tự nhận mình sống khá an toàn, có ước mơ nhưng mơ ước ấy be bé, vừa vặn với vai trò một người mẹ trẻ. Mới đây, sau nhiều năm ấp ủ, họa sĩ Thu Hiền đã có triển lãm đầu tiên mang tên Nắng nghiêng lưng trời, trưng bày 90 tác phẩm tranh và gốm, được chị tỉ mẩn thực hiện suốt bốn năm qua.

Chỉ nên là chính mình

Giữa bộn bề cuộc sống, triển lãm Nắng nghiêng lưng trời như một trạm dừng cảm xúc. Ở đó, Thu Hiền chỉ thể hiện duy nhất một nội dung và nhân vật chính là chị và bé Cám. Lựa chọn chủ đề hai mẹ con quen thuộc, tưởng chừng khó để tạo bất ngờ nhưng Thu Hiền đã “lội ngược dòng” thành công với triển lãm chỉn chu, tranh có câu chuyện, thông điệp. 

Năm 2017, Thu Hiền kết hôn với người bạn thân thuở còn học chung lớp, chung ngành tại Trường đại học Mỹ thuật (khóa 2010 - 2015). Thời điểm mang thai bé Cám, nhiều thời gian rảnh, tâm trạng cũng tha thiết yêu thương cuộc đời hơn nên Thu Hiền vẽ. Chị vẽ một cách bản năng và đi từ điều chân thật nhất của mình. “Ngày được chồng ủng hộ vẽ lại, tôi loay hoay chưa biết nên vẽ gì nhưng luôn tâm niệm mình chỉ nên vẽ những điều gần gũi nhất, chân thật nhất. Rồi Cám cho tôi câu trả lời” - chị chia sẻ.

Gia đình họa sĩ Nguyễn Thị Thu Hiền - Đinh Văn Sơn và bé Cám
Gia đình họa sĩ Nguyễn Thị Thu Hiền - Đinh Văn Sơn và bé Cám

Tranh của Thu Hiền đồng hành cùng con từ những ngày tháng đầu đời của đứa trẻ. Từ người mẹ tròn trịa sau khi sinh và em bé nhắm nghiền mắt ngủ say đến đứa trẻ biết chạy nhảy, ngồi chơi cùng mẹ ngoài hiên nhà, trong phòng khách. Cám càng lớn, tranh của mẹ càng sinh động, cho thấy sự ảnh hưởng của con đến đời sống tinh thần, nghệ thuật của mẹ. Đến gần đây, không gian tranh không chỉ quẩn quanh trong ngôi nhà tầng áp mái mà ngược về quá khứ, tái hiện những phần ký ức nhỏ thời thơ ấu của Thu Hiền. Chị vẽ về ngôi nhà ba gian của ông bà ngoại - mái nhà tuổi thơ mang đậm văn hóa của người miền Nam. 

Vợ chồng tôi đều biết bản thân chỉ có thể thành công từ những điều thân thuộc nhất và chỉ với vẽ chứ không phải công việc nào khác. Anh vẽ cả ba thành viên, tôi đi một ngách nhỏ hơn là vẽ về mẹ và con gái. Thế nhưng, trong tranh của tôi không bao giờ thiếu hình bóng anh. Khi hai mẹ con ngồi ở bàn trà thì trên bàn có ba cái ly, một dành cho anh hoặc sẽ có ba chiếc ghế ngụ ý anh vừa rời khỏi bàn. Anh là điểm tựa tinh thần trong cuộc sống của hai mẹ con.

Họa sĩ Thu Hiền

Vẽ hai mẹ con cùng hình ảnh đặc trưng của văn hóa Việt là hướng đi trong tương lai của họa sĩ Thu Hiền với mong muốn đi ngược về thế giới bên trong, gom nhặt lại những vụn vỡ từ quá khứ, những ký ức dần nhòe mờ theo thời gian và “phơi” chúng lại ở một độ tuổi khác. Hình ảnh đó không chỉ đại diện cho Thu Hiền và bé Cám mà còn phảng phất bóng hình của nữ họa sĩ với người mẹ tảo tần của mình. Họa sĩ Thu Hiền là con một trong một gia đình chỉ có tình yêu thương từ mẹ. Mẹ chị đơn thân nuôi nấng cô con gái nhỏ. Vì thương con, bà lo lắng đủ đường cho hành trình khôn lớn của con gái mà nói dễ hiểu hơn, bà nuôi con trong vỏ bọc tình thương, không dám “thả” con đi đâu.

“Tuổi thơ của tôi không phong phú như tuổi thơ của Cám bây giờ. Ngày bé, tôi không có nhiều bạn bè, hay lủi thủi chơi một mình, đến cấp III mới có bạn đến nhà. Tôi muốn Cám được chơi đùa tự do, sống cuộc đời của chính con với bọn trẻ quanh nhà, cứ hồn nhiên mà lớn lên” - họa sĩ Thu Hiền chia sẻ.

Trong chung cư của mình, mẹ Cám bày trò chơi cho con và các bé quanh nhà. Tiếng cười nói líu lo, ríu rít không chỉ là ký ức đẹp cho các con mà còn cho chính Thu Hiền nguồn năng lượng tích cực, trong trẻo để tạm quên những mệt nhoài của đời sống.

Một số tác phẩm của họa sĩ Thu Hiền
Một số tác phẩm của họa sĩ Thu Hiền

Họa sĩ nữ gian nan

Trong hành trình làm mẹ, Thu Hiền không cô đơn bởi bên cạnh chị luôn là chồng. Dù vậy, việc nhà của gia đình có con nhỏ ngổn ngang, chiếm không ít thời gian, chưa kể cả hai phải tìm cách ổn định kinh tế. Có lúc, Thu Hiền thấy mình như đang làm phần việc gấp đôi sức, chẳng còn thời gian hay tâm trí sáng tác. Nhiều họa sĩ nữ cũng vướng những khó khăn đó mà bỏ nghề hoặc bắt đầu rất muộn.

“Họa sĩ nữ gặp khó vì không có thời gian, mà chuyện sáng tác đâu dễ, đâu cứ đi tìm là ra. Có người theo đuổi một năm, ba năm, có người năm năm tìm hoài không được con đường nghệ thuật mà mình mong muốn. Đó là duyên với nghề, không thể nói trước. Rất nhiều người vì áp lực cơm áo nên đành chạy đi kiếm tiền lo cho chiếc bụng đói rồi mới yên tâm vẽ. Có người tạm hoãn đến mười năm sau mới tiếp tục, có người không quay lại nữa”, họa sĩ Thu Hiền nói.

Thu Hiền chọn những chất liệu lành tính nhất để vẽ vì bên cạnh chị luôn có Cám quanh quẩn bên giá vẽ. Dù không có con cạnh bên, khi chọn chất liệu, ví như làm tượng đá poly, tượng phủ sơn mài, Thu Hiền cũng cân nhắc thật kỹ vì hóa chất nhiều, chỉ hít trong một ngày là mũi nghẹt, giọng khàn đặc.

Thu Hiền cho con chơi cùng trong lúc thực hiện tác phẩm. Mẹ một bảng vẽ, con cũng có một bảng vẽ cạnh bên để bé không quấy phá, lại có thể tự do sáng tạo. Chuyện bếp núc cũng được chị tối giản, chỉ nấu hai món mỗi bữa và mất chừng 30 phút để hoàn thành mâm cơm gia đình. 

Nói ra nghe chừng đơn giản nhưng hành trình vượt khó cần nhiều thời gian. Đôi lúc, Hiền đau đớn nhận ra chị chưa phải là người mẹ, người vợ đủ tốt. Lần đó, chị đang cao hứng vẽ, Cám bên cạnh có điều muốn hỏi và mong được mẹ ôm. Khi cảm xúc vẽ vời đang dâng trào đột ngột bị con chặn đứng, chị đã lớn tiếng, la Cám. Vì từng được mẹ nhắc nhở mỗi lần la hét trước kia nên Cám nhắc ngược lại mẹ, nói mẹ không được như thế. Nhìn vào mắt con, chị đau lòng, cảm thấy có lỗi và bất giác lo lắng khi để con thấy hình ảnh không đẹp của mẹ.

“Cám cho tôi biết tôi còn nhiều điều phải tự hoàn thiện. Hành trình làm mẹ khó khăn vô cùng vì trẻ em là tấm gương phản chiếu của người lớn, mình đâu thể muốn con làm điều tốt khi chính bản thân còn không kiềm chế được cảm xúc bản năng”, chị tâm sự.

Họa sĩ Đinh Văn Sơn ra mắt công chúng trước vợ. Triển lãm đầu của anh mang tên Hạnh phúc nhỏ trên tầng áp mái, diễn ra trong năm 2019. Thời gian đó, bé Cám chỉ vừa hơn bảy tháng. Nay, khi Thu Hiền lần đầu giới thiệu tác phẩm, họa sĩ Đinh Văn Sơn là người đưa đón Cám đến trường, lo cho con ăn uống để vợ anh được trọn vẹn đón tiếp những vị khách ghé thăm triển lãm.

“Mọi người hay hỏi cảm giác của một người vợ lùi về sau, chuyên tâm chăm lo gia đình để chồng toàn tâm với sự nghiệp. Tôi không nghĩ mình đang hy sinh, bị kìm nén đam mê nghệ thuật hay nhường cho chồng. Chúng tôi có kế hoạch, sắp xếp để cả hai cùng được làm nghề. Giờ đây, khi đã dần ổn định, tôi hài lòng với mọi thứ nhưng sự hài lòng ấy không đồng nghĩa với an phận. Tôi vẫn hy vọng đi xa được trong nghề nhưng nhất định phải bằng những gì tôi có, bằng những gì chân thật nhất của mình”, họa sĩ Thu Hiền chia sẻ.

Diễm Mi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI