Họa sĩ Thu Hiền gặp gỡ giới mộ điệu hội họa qua triển lãm Nắng nghiêng lưng trời. Đây là lần đầu tiên cô chào sân với bạn bè, đồng nghiệp và người xem nhưng ngay tại triển lãm thứ nhất trong sự nghiệp, Thu Hiền tạo được bất ngờ về khối lượng và chất lượng.
Phóng viên: Ở lần đầu giới thiệu bản thân với công chúng, vì sao họa sĩ Thu Hiền chọn chủ đề tình mẫu tử?
Họa sĩ Thu Hiền: Ngay từ những ngày đầu sáng tác, tôi luôn tâm niệm sẽ vẽ những gì xung quanh cuộc sống, vẽ những gì tôi cảm nhận được, gần gũi nhất có thể. Trước đó, một thời gian dài tôi đi tìm kiếm chủ đề để sáng tác nhưng càng cố tìm càng mông lung.
Đến năm 2015 tốt nghiệp mỹ thuật, tôi lập gia đình, bắt đầu ổn định cuộc sống, kinh tế. Sang 2018, tôi có thai nên dành nhiều thời gian nghỉ dưỡng ở nhà. Giai đoạn này tôi có nhiều cảm xúc nên bắt đầu vẽ, cứ vẽ hoài đến một ngày hình thành nên dòng tranh mang chủ đề hai mẹ con. Thật may, đây là chủ đề gần gũi với tôi.
Hai mẹ con hay tình mẫu tử là chủ đề phổ biến trong hội họa, được nhiều người chọn, tôi sợ mình cũ nhưng suy tính lại, cảm xúc vẽ là của cá nhân nên tôi nghĩ, tranh tôi vẫn có điểm mới.
|
Hoạ sĩ Thu Hiền tại triển lãm đầu tiên trong sự nghiệp |
* Tại triển lãm, ngoài 30 tác phẩm gốm, chị còn có tranh và tranh lại được vẽ bằng nhiều chất liệu, có phải vì là lần đầu nên chị muốn tạo ấn tượng về sự đa năng?
- Tôi có tác phẩm gốm, lụa và acrylic - đây là những chất liệu lành tính với trẻ con, nó không có mùi nhiều nên tôi có thể vẽ bất cứ lúc nào, không bị ảnh hưởng quá trình sáng tác. Tôi có thể linh động làm việc ngay khi có con nhỏ ở nhà. Lựa chọn chất liệu vì hoàn cảnh cá nhân nhưng vô tình lại tạo ra sự phong phú, chứ không phải tôi giỏi giang hay cố khoe mình. Mỗi chất liệu khi làm đều mất nhiều thời gian vì tôi tự học, tự thử nghiệm để nhận ra thiếu sót và sửa chữa. Nhiều đồng nghiệp của tôi làm được và còn làm giỏi là đằng khác.
* Trên tranh của chị, hình ảnh hai mẹ con hiện lên với sự gần gũi, giàu tình thương yêu nhưng tôi biết, hành trình làm mẹ chưa bao giờ là đơn giản. Vì sao trên tranh không thấy những nỗi khó nhọc, căng thẳng?
- Hành trình làm mẹ không hề đơn giản. Tôi thường gặp căng thẳng mà không tìm được hướng giải quyết. Tôi không cân đối được thời gian và không làm được mọi công việc mà mình mong muốn. Chuyện nội trợ và chăm con đã mất quá nhiều thời gian, đến khi con ngủ, tôi cũng mệt nhoài, không còn sức để làm việc. Nhưng, tôi không né tránh mà đối mặt với những khó khăn đó, chấp nhận và tìm cách giải quyết chúng.
Tôi tự giảm áp lực bằng cách cho con chơi chung với mình. Tôi may vá thì đưa vải thừa cho con chơi, con thích cắt, dán tuỳ thích. Khi vẽ tranh, tôi bày kệ tranh cho con vẽ sát bên. Nếu một số công đoạn đơn giản, tôi cho con tham gia vào tác phẩm của mình. Đến khi vào vẽ bố cục chính, tôi sẽ vạch ra giới hạn để con biết đây là tác phẩm của mẹ và không được tô vẽ thêm. Quá trình làm việc cùng nhau giúp hai mẹ con kết nối. Đến bây giờ, bé Cám 3 tuổi nhưng cháu không nghiện điện thoại, lại tự tìm niềm vui với màu sắc, vải vóc...
|
Bức Tuổi mới thu hút người xem bởi màu sắc rực rỡ, tạo không khí vui vẻ, ấm áp |
* Và chị nhất quyết giấu nhẹm những trải nghiệm tiêu cực trên tác phẩm dù đó là chủ đề có thể tạo những "cú nổ" cảm xúc cho người xem?
- Có nhiều họa sĩ tìm cảm hứng sáng tác ở những chủ đề tiêu cực để thu hút sự quan tâm của mọi người. Đó là cách sáng tạo, lựa chọn của họ, tôi không ý kiến. Với riêng tôi, đơn giản là không muốn đưa những nhọc nhằn, tăm tối của cuộc sống lên tranh bởi đời thực vốn đã đủ nặng nề, áp lực.
Bạn mua một bức tranh về để làm đẹp cho không gian sống. Bạn muốn khi nghỉ ngơi nhìn ngắm chúng để giảm căng thẳng thì nếu đó là một tác phẩm ẩn chứa nhiều tầng lớp ý nghĩa có phần tiêu cực, chẳng phải lại nhọc lòng người nhìn thêm hay sao? Tôi không muốn tranh mình phản ánh ý tứ tiêu cực dù cuộc sống của ai ít nhiều cũng trải qua nhiều trạng thái cảm xúc.
* Tôi nghe rằng phải được thuyết phục thật nhiều, chị mới tổ chức triển lãm lần này. Có lý do gì để chị ngại ngần khi lượng tác phẩm làm ra đủ sức tạo ấn tượng đó chứ?
- Là do tôi không đủ tự tin. Thực ra, khi bày biện tại triển lãm hôm nay, tôi mới thấy mình làm được kha khá. Còn lúc để tác phẩm trong không gian tại chung cư đang ở, tôi thấy mọi thứ ít lắm vì vẽ xong, tôi xếp gọn vào một góc. Tôi lo và chần chừ mãi bởi tôi sợ khi bày ra không đủ ấn tượng, không đủ sức thu hút sự quan tâm của mọi người. Lần đầu tiên ra mắt là dịp cực kỳ quan trọng nên buộc tôi phải cân nhắc kỹ.
|
Bộ tượng 12 con giáp với nhiều tạo hình ngộ nghĩnh |
* Sau màn chào sân, hành trình tiếp theo trong sự nghiệp của chị sẽ là gì?
- Tôi sẽ vẫn giữ chủ đề về hai mẹ con. Tôi cũng đang tìm hướng để khai thác sâu hơn chủ đề này. Dĩ nhiên trên đoạn đường đi sắp tới, nếu có ý tưởng nào mới xuất hiện, tôi cũng sẽ dành thời gian để khám phá thêm.
Còn trong triển lãm này, nếu người xem quan sát kỹ sẽ thấy các tranh mẹ và bé có sự khác biệt nhất định. Với những bức tôi vẽ trong giai đoạn 2020 - 2021, đó là cuộc sống hiện tại của hai mẹ con trong căn chung nhỏ ở Sài Gòn với giường, gối, bức tường, cỏ cây... Còn với các bức vẽ gần đây nhất, tôi nâng cấp tranh lên với việc đưa vào các yếu tố dân tộc, văn hóa Việt Nam. Làm nghệ thuật về lâu dài, tôi nghĩ mình nên khai thác bản sắc, đi về yếu tố nguồn cội - nơi mình sinh ra, lớn lên cũng là một lựa chọn thú vị.
* Lựa chọn đó của chị có bị tác động bởi thị hiếu của người mua tranh hay không, khi thị trường đang khá chuộng tranh vẽ chủ đề văn hóa Á Đông?
- Không phải thị trường chuộng tranh chủ đề Á Đông mà tôi đưa vào tác phẩm của mình những yếu tố dân tộc. Tôi vẽ vì cảm xúc lúc này của cá nhân đang hướng về những giá trị mang tính hoài niệm. Như bức Hoa huệ trắng hay Tết nhà ngoại, tôi vẽ vì tôi nhớ về ngày xưa, thời sống cùng ông bà ngoại trong ngôi nhà ba gian của người miền Nam, có bàn thờ chính, bàn dài rồi mới đến bàn tròn tiếp khách. Những ký ức đó nằm yên trong tuổi thơ của tôi. Đến bây giờ có cơ hội để khoe với mọi người những hoài niệm đẹp ấy nên tôi muốn vẽ. Chủ đề này cũng được ấp ủ thật lâu, không phải bất chợt.
|
Họa sĩ Thu Hiền cùng chồng - họa sĩ Đinh Văn Sơn và bé Cám, thiên thần nhí trong gia đình |
* Đi theo một chủ đề xuyên suốt là thuận lợi nhưng theo tôi, khó khăn phần nhiều vì khó tạo bất ngờ, lại dễ trùng lặp. Bài toán đó chị giải quyết thế nào?
- Tôi nghĩ mình cứ làm nhiều thì tự khắc sẽ có đường đi tiếp theo. Ban đầu, tôi không nghĩ sau khi vẽ xong bồi thêm giấy dó lên tác phẩm sẽ cho ra hiệu ứng tốt như thế nào. Tôi từng làm hư rất nhiều lần, cứ hư lại lột ra liên tục. Giai đoạn thử nghiệm rất khó khăn nhưng cứ làm đi, dần dần mọi thứ sẽ ổn hơn.
* Cảm ơn chị đã chia sẻ.
|
Bức Hoa huệ trắng, tác phẩm gần nhất được họa sĩ Thu Hiền thực hiện trước thềm triển lãm diễn ra |
"Họa sĩ Thu Hiền trưng bày tổng cộng 92 tác phẩm gồm 62 bức tranh được thể hiện bằng nhiều chất liệu và 30 tượng gốm. Đây là triển lãm đầu tay của chị nhưng số lượng tác phẩm khá đồ sộ, có phong cách riêng, chủ đề nhẹ nhàng xoay quanh cuộc sống gia đình. Giữa Thu Hiền và chồng - họa sĩ Đinh Văn Sơn, có sự ảnh hưởng qua lại về chủ đề sáng tác, chủ yếu về tình thân. Các tác phẩm của cả hai nhìn có nét Á Đông nhưng lại mang hơi thở hiện đại. Tôi ấn tượng với các tác phẩm gốm, dù chọn làm về chủ đề linh vật – 12 con giáp nhưng vẫn thể hiện được tình cảm gia đình trong đó. Đương nhiên, giữa Đinh Văn Sơn và Thu Hiền có khác biệt trong cách thể hiện, một người mạnh mẽ, còn lại người nữ tính, tình cảm", GS.TS Nguyễn Xuân Tiên, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TPHCM chia sẻ. |
Một số tác phẩm được trưng bày và không gian tại triển lãm:
Triển lãm Nắng nghiêng lưng trời đang diễn ra tại Hội Mỹ thuật TPHCM, số 218A đường Pasteur, quận 3, TPHCM, kéo dài đến hết ngày 9/5.
Bài, ảnh: Diễm Mi