PNO - Viết văn từ khi còn bé, tốt nghiệp ngành sơn dầu rồi lại nổi danh trên văn đàn, đến khi cầm cọ trở lại thì cái tên Châu Giang gắn liền với tranh lụa. Một hành trình ngỡ nhiều đối cực nhưng hóa ra có sự tiếp biến của một bản ngã đầy mâu thuẫn, luôn tìm kiếm sự mới mẻ trong sáng tạo.
Họa sĩ Châu Giang tại triển lãm Thế giới chúng ta đang sống - Nguồn ảnh: Lotus Gallery
Triển lãm mới nhất của Châu Giang mang cái tên nhiều suy ngẫm: Thế giới chúng ta đang sống. Triển lãm gồm 28 bức tranh lụa, 1 bộ bình phong và 1 tác phẩm sắp đặt được thực hiện trong khoảng thời gian từ năm 2010 đến 2023. Các tác phẩm thuộc triển lãm lần này là tập hợp của 4 chương sáng tác: Trên những chiếc ghế, Ẩn hoa, Ẩn rồng và Cảm xúc của tôi, cảm xúc của bạn, cảm xúc của chúng ta. Sự liên kết và đồng điệu của các chương cho thấy tính liền mạch trong tư duy sáng tác của họa sĩ về bản sắc của phái nữ.
Với Châu Giang, mâu thuẫn nội tâm của phụ nữ cùng các vấn đề liên quan đến bình đẳng giới trong xã hội Việt Nam luôn song hành và tạo nên những sự tương quan phức tạp. Dựa trên những sự quan sát và chiêm nghiệm sâu sắc, chị đã bền bỉ khai thác chủ đề này từ khi bắt đầu sự nghiệp cho đến nay, thay lời muốn nói cho những phụ nữ xung quanh.
Châu Giang thích vẽ từ năm 4 tuổi và ngay từ thuở ấy, chị đã xác định giấc mơ trở thành họa sĩ. Văn chương đến một cách tình cờ, khi chị bắt đầu thử sáng tác thơ, văn. Có lẽ, chính chị cũng không ngờ. Ở tuổi lên 10, những truyện ngắn đầu tiên của Châu Giang được độc giả đón nhận rộng rãi. Từ 16-25 tuổi, sự nghiệp văn chương của chị liên tục gặt hái được thành công. Thời điểm đó, nhìn đâu, gặp gì chị cũng có thể viết thành truyện ngắn. Nhưng, giấc mơ với hội họa nơi chị chưa bao giờ đứt đoạn hay đúng hơn, vì sự nghiệp văn chương quá thành công, người ta đã quên mất một Châu Giang họa sĩ.
Sau khi tốt nghiệp đại học mỹ thuật TPHCM, Châu Giang nhận được học bổng của trường mỹ thuật Paris. Năm 2004, chị trở thành nghệ sĩ lưu trú của tổ chức CAVE ở New York. Đây cũng là giai đoạn chị bắt đầu tập trung cho tranh, cho gia đình nhiều hơn. Từ khi khẳng định dấu ấn trong tranh lụa đến nay, Châu Giang trở thành một trong những họa sĩ vẽ lụa đương đại hàng đầu Việt Nam với nhiều đóng góp và tầm ảnh hưởng đến cộng đồng nghệ thuật trong và ngoài nước. Tranh chị góp mặt trong nhiều triển lãm quốc tế, có mặt tại không ít bảo tàng nghệ thuật trên thế giới.
Châu Giang kiệm lời, không thích có những tuyên ngôn to lớn, hệt như cách chị vẽ tranh. Chị không sa đà vào chi tiết mà gắn liền mỗi bức tranh với những câu chuyện, những suy tư. Châu Giang đặc biệt yêu thích được ở một mình. Điều đó giúp chị có thể nghiền ngẫm, đi sâu vào thế giới nội tâm và khám phá những xung đột bên trong. Đó cũng là cách duy nhất để chị cởi bỏ được tấm áo khoác bên ngoài và bay nhảy tự do đến những vùng sáng tạo mới.
Chủ đề chính trong tranh Châu Giang chính là những phụ nữ của thời đại hôm nay. Họ có thể là những người thuộc thế hệ các bà, các mẹ, các chị, thế hệ của Châu Giang hay những cô gái trạc tuổi con chị. Nhưng cho dù là ai, ở thời đại nào, họ đều gặp nhau ở những xung đột nội tâm, ở vẻ đẹp bên trong - sự bền bỉ, dẻo dai và tiềm tàng nội lực - cái đẹp tạo nên giá trị của người phụ nữ Việt Nam.
Không gian triển lãm Thế giới chúng ta đang sống - Nguồn ảnh: Lotus Gallery
Lụa mềm mại nhưng cũng dẻo dai, bền bỉ
Phóng viên: Sự “một mình” ảnh hưởng thế nào đến thế giới sáng tạo của chị, trong khi theo quan sát của tôi, tranh chị, kể cả những tác phẩm sắp đặt thường theo ý tưởng, thay vì chỉ quan tâm thể hiện vẻ đẹp chi tiết?
Họa sĩ Nguyễn Thị Châu Giang: Tôi là người thích lặng lẽ quan sát, chiêm nghiệm hơn giãi bày tình cảm bằng lời nói. Việc này đôi khi không tốt trong đời sống hằng ngày nhưng lại giúp tôi rất nhiều trong việc đào sâu những ý tưởng sáng tác. Khi bạn ở một mình, những cảm xúc tích cực hay tiêu cực đều dày hơn, sâu hơn, nặng hơn. Khi đó, bạn sẽ thấy cần và yêu quý công việc sáng tạo này biết bao nhiêu vì nó đã giúp bạn rất nhiều trong việc gỡ bỏ dần gánh nặng mà những cảm xúc ấy mang lại.
* Chị đến với tranh lụa như một niềm giải tỏa và neo đậu sau nhiều vọng động của đời sống. Vậy chị đã tìm thấy những phần/góc cạnh nào của bản ngã sau những năm thực hành trên lụa?
- Lụa bản chất là một vật liệu mềm mại, có vẻ mong manh nhưng thực ra lại rất bền và dẻo dai, rất truyền thống nhưng vẫn gánh vác được hơi thở của thời đại. Khi vẽ lụa, bạn không thể sửa sai được chi tiết nào. Vì thế, bạn cần tưởng tượng, suy nghĩ, tính toán màu sắc, bố cục thật cẩn thận trước khi đặt bút vẽ. Để một mảng màu thật thắm, thật sinh động, thật trong trẻo, bạn cũng phải kiên nhẫn đi nhiều lớp màu mỏng cho đến khi ưng ý. Tôi thấy lụa thật sự rất hợp với mình - một người đầy rẫy sự mâu thuẫn, thích nghiền ngẫm suy tư, nhìn sự vật theo nhiều khía cạnh, lớp lang khác nhau, thậm chí hay suy diễn và hơi cầu toàn.
* Đâu là những thách thức khi chị bắt đầu chinh phục lụa? Liệu thành công từ những thế hệ trước với lụa có trở thành áp lực với chị vì sợ lặp lại hoặc không vượt qua được?
- Tôi tốt nghiệp Khoa Sơn dầu, Đại học Mỹ thuật TPHCM. Sau khi ra trường một thời gian dài, tôi tập trung vẽ sơn dầu. Tranh sơn dầu của tôi thường rất mạnh bạo, nhiều người nhận xét là khó xem vì nặng nề quá. Sau này, trước những biến động sâu sắc trong đời sống, tôi như thể đang bị đẩy xuống vực, nếu bám víu vào sơn dầu thì cảm giác như mình càng nhanh rơi xuống hơn. Tôi đã thử nghiệm với lụa để tìm kiếm cảm giác bình an, nhẹ nhàng, tĩnh tâm hơn. Vì là tay ngang nên trong việc vẽ lụa, tôi phải tự mày mò học hỏi kỹ thuật. Thời gian đầu, tôi vẽ cũng không đạt được kết quả như mong đợi. Đó thật sự là một giai đoạn đầy thử thách.
Tuy nhiên, có lẽ nhờ ảnh hưởng của lối tư duy vẽ tranh sơn dầu vào trong vẽ lụa mà tôi không bị áp lực vì sợ lặp lại hay không vượt qua được những thành công của các thế hệ đi trước. Thêm nữa, vẽ thật sự là cách duy nhất để tôi có thể giải tỏa cảm xúc, nên tôi không cảm thấy áp lực. Tôi chỉ cảm thấy buồn nếu bức tranh mình vẽ không thể diễn tả được những gì mình đang đau đáu nghĩ về.
* Việc giữ được sự độc đáo và tạo nên hiệu ứng của một chất liệu có tuổi đời như lụa khi kết hợp cùng tư duy và tâm thế của thời đại có tạo nên trong chị những mâu thuẫn luôn đuổi bắt như những gì chị thể hiện trên tranh?
- Tôi là người cực kỳ mâu thuẫn, đặc biệt là trong suy nghĩ. Điều này làm nên một cái tôi rất riêng trong sáng tạo nhưng cũng khiến tôi rất mệt mỏi. Tôi muốn thay đổi cái này, tôi muốn làm cái kia, tôi muốn giải phóng cái nọ nhưng rồi sau tất cả, tôi lại làm những cái tôi đang làm hoặc làm những cái tôi đã không muốn làm trong suy nghĩ. Tôi cho rằng sự mâu thuẫn là bản chất của tôi chứ không phải do việc vẽ tranh, đặc biệt là tranh lụa, tạo ra.
Mỗi bức tranh hướng tới sự sâu thẳm và khát khao của người phụ nữ
* Phụ nữ vẽ phụ nữ, tôi cho là khá hiếm thấy trong hội họa. Góc nhìn của một họa sĩ nữ với những người cùng giới có gì mới mẻ và khác biệt?
- Tôi thích những phụ nữ bụng to, thậm chí có người mập hơn bình thường nhưng tôi vẫn thấy họ đẹp. Tuy vậy, tôi không hướng đến vẻ đẹp thuần túy bên ngoài. Vẻ đẹp của phụ nữ nằm ở bên trong. Có lẽ vì thế tranh của tôi buồn và nhiều thương cảm hơn. Tôi vẽ phụ nữ là muốn diễn tả cuộc sống, thân phận người phụ nữ trong xã hội hiện đại ngày hôm nay, diễn tả sự mâu thuẫn trong nội tâm của tôi, diễn tả vẻ đẹp và nỗi buồn sâu thẳm bên trong mỗi phụ nữ và sự khao khát tự do của họ.
Tôi là người không cởi mở trong cuộc sống hằng ngày và có lẽ nhiều phụ nữ Việt Nam cũng như vậy. Nếu có những điều không vừa ý, họ sẽ giữ bên trong hoặc hiếm khi bày tỏ chính kiến. Nhiều người gọi tính cách này là nhu nhược nhưng tôi lại cho rằng họ có sức mạnh tiềm ẩn. Sức mạnh ấy giúp họ có thể chịu đựng mọi thứ và vượt qua được mọi điều không mong muốn trong cuộc sống.
* Đôi mắt người phụ nữ trong tranh chị thường phảng phất nét u buồn và trở thành những biểu tượng. Có phải chúng cũng chở nhiều nỗi niềm mà chị đã đi qua cùng giông bão của cuộc đời?
- Tôi thích nhìn ngắm, quan sát, ngẫm nghĩ hơn là trao đổi, trò chuyện. Khi tiếp xúc với người khác, tôi cũng thích được nhìn sâu vào mắt họ. Bạn có thể khám phá được vô vàn cảm xúc không thể nói thành lời trong ánh mắt người khác. Điều này đặc biệt thích hợp với hội họa của tôi, khi tôi luôn muốn được diễn tả nội tâm giằng xé, những khao khát, những ẩn ức, những nỗi buồn… bị che giấu bên trong của một con người. Vì thế, chúng vốn chở những nỗi niềm của con người khi đối diện với cuộc sống và giông bão của cuộc đời họ chứ không phải chỉ của riêng tôi.
* Phụ nữ Việt Nam thường được nhắc đến kèm các tính từ chẳng hạn như: tảo tần, hy sinh, chịu đựng, truyền thống... hoặc ở khía cạnh tiêu cực là: ghen tị, nhỏ nhặt. Ở tranh của chị, tôi thấy chị vẽ phụ nữ ẩn trong hoa, bên trong họ là những con rồng - vốn đại diện quyền lực tối thượng của nam giới. Phải chăng đó cũng là một sự phản kháng?
- Tôi muốn mượn lời đề tựa dành cho triển lãm cá nhân Ẩn hoa 2 của tôi để trả lời cho câu hỏi này. Bộ tranh được lấy cảm hứng từ những người bà, người mẹ, chị em gái, con gái, cô, dì, mợ, bạn gái và cả những phụ nữ xa lạ... sống quanh tôi và lướt qua cuộc đời tôi, vốn có một cuộc đời thật bất định và dành tặng cho họ. Chúng ta là những bông hoa. Cho dù đến từ đâu, từ thế hệ nào, sống trong hoàn cảnh nào, xấu hay đẹp, khổ đau hay hạnh phúc, tràn ngập yêu thương hay cô độc... chúng ta vẫn phải nở hoa và tỏa ngát hương thơm.
Nở hoa và tỏa hương là cách tuyệt vời nhất để chúng ta có thể tự tin đối mặt với thế giới đầy rẫy đau thương và lạc loài này. Từ chất liệu lụa, hình tượng con rồng đều thể hiện sự mong manh nhưng cũng rất mạnh mẽ. Người phụ nữ Việt tưởng chừng mềm yếu nhưng thật ra đầy nội lực.
Tôi cho rằng, tự tin đối mặt cũng là một cách mà chúng ta phản kháng những bất công và nỗi buồn của cuộc đời.
Họa sĩ Châu Giang trong phòng vẽ - Nguồn ảnh: Luxuo
* Trong khá nhiều tác phẩm, nhân vật được miêu tả là con gái của chị. Tuổi trẻ của con và của mẹ có những tương đồng và khác biệt nào? Chị có cổ vũ con theo đuổi hội họa?
- Tuổi trẻ hẳn nhiên dù ở xã hội nào, thời đại nào, thế hệ nào cũng sẽ rất rạng rỡ và lưu giữ nhiều kỷ niệm đẹp. Điểm khác biệt lớn lao nhất là con gái tôi lại theo ngành biểu diễn (đang học violin năm thứ ba tại Mỹ) và rời xa vòng tay cha mẹ từ năm 18 tuổi nên bé mạnh mẽ, độc lập hơn, cũng ít suy tư trăn trở hơn tôi khi còn trẻ.
Xuyên suốt quá trình thực hành với lụa, họa sĩ Châu Giang luôn giữ vững kỹ thuật vẽ lụa nhiều lớp truyền thống của các bậc thầy Đông Dương, đồng thời tạo nên những trải nghiệm thị giác mới mẻ với những thử nghiệm cá nhân. Tiêu biểu nhất phải kể đến cách vẽ lụa 2 mặt, khi các mảng màu được vẽ chồng chéo, đậm nhạt khác nhau trên nền lụa để tạo nên hiệu ứng ẩn hiện đặc biệt.
Hoặc như cách treo tranh gợi nhớ đến những bức bình phong thời xưa, để người xem thưởng lãm cả ở 2 mặt 1 bức tranh và tương tác giữa nội dung của bức tranh với mọi thứ xung quanh. Chỉ cần 1 bóng người đi qua, bức tranh đã có sự biến chuyển và mang đến cảm xúc khác biệt.
Lúc trước, tôi cũng muốn hướng con theo hội họa vì bé có năng khiếu nhưng càng về sau, tôi càng hiểu rõ, nghệ thuật chính là nó chọn mình chứ không phải mình chọn nó. Nếu hội họa thích con và con không thể sống thiếu hội họa thì tự nhiên mọi thứ sẽ đi vào quỹ đạo. Cuối cùng, 2 con của tôi đều lựa chọn theo ngành biểu diễn.
* Hơn 2 thập niên vẽ lụa, nếu nhìn lại hành trình từ lúc bắt đầu, chị thấy mình đã trưởng thành như thế nào trong tư duy nghệ thuật?
- Tôi chưa bao giờ tự hỏi mình đã trưởng thành như thế nào trong tư duy nghệ thuật. Tôi nghĩ nhận xét này phù hợp với một người quan sát từ bên ngoài hơn. Còn với tôi, mỗi đoạn thời gian sống trên cuộc đời này, tôi đều ghi chép lại những trải nghiệm, biến động trong đời sống và cảm xúc tình cảm của mình bằng những loạt tranh riêng biệt. Hay nói khác đi, mỗi loạt tranh là một sự phản ánh về cuộc đời hiện tại của tôi. Khi suy nghĩ của tôi về cuộc sống thay đổi, chúng cũng thay đổi theo. Sự trưởng thành duy nhất tôi nhìn thấy được là tình yêu của tôi với hội họa ngày càng sâu nặng hơn.