Hoạ sĩ Nguyễn Thế Hùng: Xin hãy nhẹ tay - thầm thì - tôi ở đây

23/07/2023 - 08:42

PNO - Loạt tranh mới trong triển lãm Xin hãy nhẹ tay - Thầm thì - Tôi ở đây khiến công chúng khá bất ngờ vì sự giao thoa giữa truyền thống và hiện đại được biểu hiện qua chân dung các cô gái trong tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Thế Hùng.

Tư tưởng tự do, phóng khoáng, những tự sự hoặc rào cản, định kiến đều thể hiện trong các gương mặt thấp thoáng với dáng dấp hiện đại của các nhân vật trong tranh. Hùng chia sẻ: “Các cô gái có thể thì thầm: “Xin hãy nhẹ tay” nhưng cũng mạnh mẽ, tự tin khẳng định “Tôi ở đây” để chứng minh giá trị bản thân. Câu chuyện xoay quanh nghệ thuật biểu hiện và tư tưởng tự do cho phái đẹp thời nay đã được Nguyễn Thế Hùng chia sẻ khá thú vị.

Thời dại giằng xé giữa những thế giới 

Phóng viên: Cái tên Xin hãy nhẹ tay - Thầm thì - Tôi ở đây khá lạ bởi tôi thấy dường như có một sự nhẹ nhàng, mềm mại tựa lời tâm sự thủ thỉ của một cô gái chứ không giống tên một cuộc triển lãm?

Họa sĩ Nguyễn Thế Hùng: Tôi đã suy nghĩ rất lâu về tên của bộ tranh cho triển lãm lần này. Nó đánh dấu chặng đường hơn 10 năm sáng tác về đề tài tôi yêu thích - hình ảnh những cô gái đương thời với dáng vẻ hiện đại đầy táo bạo nhưng cũng rất quyến rũ và đôi chút e lệ. Xã hội Việt Nam đang phát triển và thay đổi rất nhanh chóng; những đan xen và mâu thuẫn giữa cái cũ và cái mới, cái hiện đại và cái cổ truyền luôn hiện diện trong cuộc sống mà đôi khi chúng ta không để ý.

Những cô gái trong tranh của tôi có thể thầm thì cầu khẩn “Xin hãy nhẹ tay” nhưng cũng rất mạnh mẽ, đanh thép khẳng định “Tôi ở đây” để chứng minh giá trị của bản thân. Vào mỗi thời điểm, quan niệm về cái đẹp và lối sống của con người khác nhau, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy điều đó trong dòng chảy lịch sử. Ngay cả thế hệ tôi - thế hệ 7X, 8X - sự thay đổi trong quan điểm và cách thể hiện vẻ đẹp của phụ nữ đã rất khác. Một phần việc của tôi là nắm bắt và ghi lại những lát cắt, những hình ảnh về sự thay đổi của đời sống xã hội mà chủ thể là người phụ nữ hiện đại.

Ngày rỗi 01 (2010-2015, acrylic, mực và vàng lá trên giấy dó bồi trên toan)
Ngày rỗi 01 (2010-2015, acrylic, mực và vàng lá trên giấy dó bồi trên toan)

* Ngày xưa, các danh họa lớp trước thường vẽ những cô gái mặc áo dài nền nã, thướt tha, thùy mị còn trong tranh của anh, nhân vật chính thường là các cô gái trẻ hiện đại, có phong cách cởi mở, phóng khoáng nhưng hòa với những biểu tượng của truyền thống. Anh có thể chia sẻ thêm về cách biểu hiện này?

- Các danh họa thời trước và cả bây giờ thích khai thác vẻ đẹp thướt tha ẩn dụ qua hình ảnh tà áo dài của người phụ nữ còn tôi thì khai thác trực tiếp từ cuộc sống hiện thực nên người phụ nữ xuất hiện với dáng vẻ nào, ngoại hình nào thì cô ấy sẽ thể hiện mình như vậy trong tranh tôi. Thường thì tôi ấn tượng với vẻ đẹp gợi cảm, tự tin phô bày hình thể, vừa quyến rũ vừa mê hoặc.

Thực ra, tôi muốn nhấn mạnh những nét truyền thống vẫn luôn tồn tại và có thể thấy được không phải thông qua trang phục mà qua những ấn tượng, những biểu cảm và những hình ảnh tôi lồng ghép vào để thể hiện một phần vẻ đẹp của họ. Đó cũng chính là hình ảnh ẩn dụ cho sự ràng buộc mà mâu thuẫn giữa những giá trị văn hóa truyền thống và hiện đại trong xã hội đương thời: truyền thống chưa chắc đã tốt nhưng cũng chưa chắc đã cũ kỹ, cổ hủ, lạc hậu còn hiện đại chưa chắc đã mới, tốt hơn hay xấu xa.

* Theo anh, vẻ đẹp về ngoại hình và nội tâm mâu thuẫn hay song hành với nhau? Liệu cô gái cởi mở và tự tin phô bày hình thể có đẹp hơn cô gái đảm đang, tháo vát kiểu truyền thống hay anh còn điều gì muốn nói?

- Rất dễ để nhận biết vẻ đẹp của một người thông qua ngoại hình dù mỗi người có gu khác nhau. Thế nhưng, để nhận biết vẻ đẹp nội tâm lại rất khó, phải qua một khoảng thời gian với những sự kiện, tình huống… nhất định. Mỗi người sẽ đẹp theo các cách khác nhau, với những đối tượng và câu chuyện khác nhau. Các cụ ngày xưa có câu “tâm sinh tướng” để nói rằng người có nội tâm đẹp thì sẽ có tướng mạo tươi vui hoặc ngược lại. Thế nhưng bây giờ đã có nghệ thuật trang điểm, phẫu thuật thẩm mỹ… để khắc phục những khiếm khuyết ngoại hình. Như vậy, vẻ đẹp bên ngoài chỉ mang nghĩa hình thức, nó không thể hiện được nội tâm của một người.

Không thẩm mỹ hay quần áo nào có thể che đậy cái tinh thần. Tranh tôi thường không rõ mặt người, càng không đặc tả nét đẹp ngoại hình mà tập trung vào ấn tượng và thần thái nhân vật thể hiện: e ấp hay ngạo nghễ, tự tin hay thẹn thùng… Những biểu cảm ấy do người xem cảm nhận. Có người thì đánh giá vẻ đẹp qua ngoại hình; có người đánh giá vẻ đẹp qua hành động, cử chỉ… Một phụ nữ có vẻ đẹp ngoại hình rực rỡ hoàn toàn có thể là một phụ nữ tào khang tài giỏi và ngược lại. Vẻ ngoài không đại diện để định nghĩa một con người. 

Không nghe (2009-2015, acrylic, mực và vàng lá trên giấy dó bồi trên toan)
Không nghe (2009-2015, acrylic, mực và vàng lá trên giấy dó bồi trên toan)

* Là một trong những nghệ sĩ sáng tác có mối quan tâm khá mạnh mẽ tới vai trò của người phụ nữ trong xã hội hiện đại, theo anh, quyền tự do có liên quan gì tới những giá trị sống của phụ nữ nói chung? 

- Tôi không nhận mình là người đấu tranh cho nữ quyền dù có vài nhà phê bình và nghiên cứu đã nói với tôi về điều ấy. Có thể vì hệ thống lý luận của tôi không xuất phát từ những bất công hay cố gắng để chứng tỏ điều gì. Tôi chỉ đơn giản thể hiện suy nghĩ và thái độ của mình đối với người phụ nữ trong đời sống đương đại: tôn trọng, ngưỡng mộ, yêu thương. Mỗi con người đều có vai trò và vị trí nhất định trong cuộc đời. Họ cũng sẽ có nhận thức và ý thức của riêng họ. Tôi cho rằng mỗi người đều có quyền tự do thể hiện, quyền mưu cầu hạnh phúc. Những định kiến, áp đặt về giới, về tuổi tác, về vùng miền, về màu da, về sở thích… là những rào cản vô nghĩa không chỉ với phụ nữ, mà còn cả với cá nhân tôi. 

* Có câu chuyện cuộc đời của người phụ nữ nào khiến anh cảm thấy thực sự rung động và muốn đưa chúng vào tác phẩm?

- Thực ra thì nhiều lắm, mỗi hình bóng phụ nữ trong các tác phẩm của tôi đều có câu chuyện và tâm sự riêng. Đây là bí mật đặc biệt giữa tôi và những nguyên mẫu của mình.

* Tôi cảm thấy rất thú vị khi anh nhận định rằng “Thời đại của tôi là thời đại giằng xé giữa những thế giới”. Anh có thể chia sẻ thêm vấn đề này?

- Thế hệ chúng tôi đối mặt với những biến động dữ dội của lịch sử và những bước tiến, các cuộc cách mạng làm thay đổi cuộc sống của con người một cách đáng kinh ngạc. Những biến động lịch sử ấy tạo ra những thế hệ, những lớp người, những thế giới, những lát cắt mà bắt buộc chúng ta phải giao hòa, thích nghi, biến đổi, thỏa hiệp… mới có thể tồn tại. Nguyên lý của sáng tạo là phá bỏ cái cũ để sản sinh cái mới, bất kể chưa chắc nó tốt hơn hay xấu hơn nhưng phải có sự khác biệt, dù nhỏ. Vì thế mới tạo ra những mâu thuẫn, giằng xé, phủ định, đấu tranh không ngừng. Gần đây nhất là về trí tuệ nhân tạo (AI). AI đang gây rất nhiều tranh cãi. Tôi cũng vậy. Tôi nhìn sâu vào những gì đang diễn ra, những “giằng xé” nếu có, để giải quyết chúng.

Mây/Mưa (2011-2016, acrylic, mực và vàng lá trên giấy dó bồi trên toan)
Mây/Mưa (2011-2016, acrylic, mực và vàng lá trên giấy dó bồi trên toan)

Tôi đã không nhận ra rằng mình lãn mạn đến thế! 

* Khác với bề ngoài tưởng chừng khô khan, qua những cái tên anh đặt cho tác phẩm hoặc triển lãm (Những bông hoa nhỏ, Vùng nhiều mây, Và hoa đã mưa xuống, Miền lạc du, Vùng đất khác…) thì thấy đó là một “Hùng mán” rất đỗi lãng mạn. Anh có phản ứng gì nếu ai đó cho rằng anh “sến”?

- Một câu hỏi thật thú vị. Tôi đã không nhận ra rằng mình lãng mạn đến thế. Tôi sáng tác theo mạch và từng giai đoạn sẽ cuốn theo cảm xúc, chủ đề khác nhau. Có vẻ là nó mênh mang, mơ màng, “sến”... nhưng… sao cũng được. Tôi không quá để ý đến việc ấy. Tôi chỉ quan tâm tác phẩm của mình đã đạt chưa, chất lượng đến đâu.

* Dường như anh luôn có xu hướng giao hòa giữa thiên nhiên và sự tĩnh tại trong tâm hồn. Phải chăng chúng cũng sẽ được thể hiện trong tác phẩm?

- Vâng, đúng là như vậy. Tôi sinh ra ở vùng núi và luôn hướng đến cuộc sống gần gũi với thiên nhiên nhất có thể. Tôi cảm thấy hạnh phúc và yên bình hơn khi xung quanh mình là cỏ cây hoa lá, mấy con vật nhỏ. Tôi cố gắng tạo cho mình một môi trường sống thân thiện, hài hòa và gần gũi với thiên nhiên, ở xưởng vẽ cũng như ở nhà. Tranh tôi cũng thể hiện phần nào thế giới quan, tâm tư, tình cảm của tôi nên hình ảnh thiên nhiên luôn xuất hiện trong đó.

* Những chất liệu như sơn mài trên toan hay vàng son lộng lẫy của sơn mài Việt Nam có vẻ như được anh sử dụng trong hầu hết tác phẩm của mình. Cái hay anh nhận thấy từ các chất liệu này là gì?

- Chất liệu nào cũng có cái hay và nét đẹp riêng. Tôi thích khám phá, trải nghiệm, thực hành các chất liệu khác nhau. Những năm gần đây, tôi khai thác vẻ đẹp ánh kim quan vàng son lộng lẫy của sơn mài và đã nghiên cứu, thực hành chất liệu sơn mài trên toan. Khi làm việc trên bề mặt toan sẽ tránh được rất nhiều ảnh hưởng của yếu tố môi trường dẫn đến tình trạng rạn nứt, cong vênh, mối mọt và nhẹ hơn rất nhiều nhưng nó cũng có những hạn chế nhất định.

Chất sơn, màu khoáng tự nhiên và lá vàng, lá bạc là nguyên liệu đặc biệt của Việt Nam. Tôi cũng rất muốn khai thác và phát triển chúng để tạo dấu ấn cho nghệ thuật hội họa Việt Nam.

Sương đêm (2018, mixed media trên toan)
Sương đêm (2018, mixed media trên toan)

* Gần đây anh rất thành công nhưng chắc anh cũng đã trải qua những ngày khốn khó. Có bao giờ anh cảm thấy bế tắc trong sáng tác hoặc trong cuộc sống?

- Tôi từng trải qua những cú sốc tinh thần như sự ra đi đột ngột của thầy tôi - họa sĩ Mai Anh Châu - hoặc ảnh hưởng của đợt suy thoái kinh tế, đại dịch COVID-19… Nếu không kiếm được tiền để trang trải cuộc sống, nuôi nghề, nuôi gia đình thì công việc nào cũng vô nghĩa, thông thường là như vậy. Nhưng với nghệ thuật thì lại khác. Tôi biết có những tác giả rất tài năng nhưng lại không thể sống được bằng nghề. Họ phải vật lộn bươn chải rất vất vả. Họa sĩ cũng phải đầu tư, không chỉ thời gian mà còn cả vật chất vào tác phẩm của mình. Song, tôi luôn tin tưởng vào tương lai, kiên định với nghề, làm việc nghiêm túc, hy vọng sẽ được đền đáp. Tôi cảm thấy mình may mắn vì cho đến thời điểm này, tôi đã có hơn 20 năm theo nghề, vẫn đang được làm nghề và may mắn sống được bằng nghề.

* Sự vượt lên chính mình là khó nhất. Anh làm thế nào để mỗi lần xuất hiện, các tác phẩm không lặp lại chính mình?

- Tôi không đặt ra mục tiêu cụ thể mà làm theo cảm xúc và tư duy của mình trong từng giai đoạn. Cách làm này nhiều khi khiến tôi gặp khó khăn vì thời điểm bắt đầu và kết thúc một chuỗi tác phẩm, mạch cảm xúc bị thay đổi rất nhiều, gần như khiến tôi thay đổi toàn bộ tác phẩm. Sau mỗi đợt tập trung sáng tác, tôi sẽ nghỉ ngơi, đi du lịch, thăm các triển lãm và bảo tàng trên thế giới, leo núi… Đó là cách tôi thư giãn và “sạc lại năng lượng” cho chính mình. 

Đi du lịch cùng gia đình là cách Nguyễn Thế Hùng “sạc lại năng lượng”
Đi du lịch cùng gia đình là cách Nguyễn Thế Hùng “sạc lại năng lượng”

* Nhắc đến tác phẩm của Nguyễn Thế Hùng, nhiều nhà nghiên cứu hoặc người yêu hội họa thường nhớ tới những chấm tròn. Chúng có ý nghĩa gì đặc biệt?

- Những chấm tròn đó đại diện cho những hạt mầm. Bạn có thể thấy bên trong một chấm tròn sẽ có những chấm tròn khác, như là hạt nhân, phấn hoa, tế bào, mầm mống của sự sống; bắt đầu của sự sinh sôi, nảy nở và phát triển. Trong quá trình vẽ tranh, chấm từng chấm một cũng giống như hành thiền. Tôi tâm niệm từng điều an lành may phước bé nhỏ nhất trong từng chấm, để nó lớn lên và lan tỏa, đem đến những điều tốt lành cho mọi người.

* Vì sao anh chọn các họa tiết cổ như các con vật trong 12 con giáp, các hình ảnh nghệ thuật truyền thống… đưa vào tác phẩm của mình?

- Ngay từ thời sinh viên, tôi đã rất ấn tượng với các công trình kiến trúc cổ của Việt Nam khi vẽ thực địa. Những hoa văn chạm khắc, phù điêu… ở các đình, đền, chùa… thật sống động và rực rỡ. Tôi sử dụng chúng như một nguyên liệu yêu thích trong các tác phẩm của mình không chỉ bởi vẻ đẹp, ý nghĩa lịch sử, văn hóa... của chúng mà còn muốn dùng chúng như một ẩn dụ về thời gian, về các giá trị văn hóa truyền thống, cổ điển, đại diện cho những triều đại cũ.

Tôi không vẽ vợ mình 

* Anh có hài lòng với cuộc sống và tác phẩm trong thực tại?

- Cái tên Hùng “mán” theo tôi đã hơn 20 năm, từ khi tôi còn học tại Trường Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc đến bây giờ và tôi hài lòng với cái tên này. Bạn biết đấy, có rất nhiều họa sĩ tên Hùng nhưng thật may là chỉ có một Hùng “mán”. Triển lãm lần này có ý nghĩa rất quan trọng, tôi đã dành 2 năm thực hiện để đánh dấu một mốc trong sự nghiệp của mình. Tôi đã có ý tưởng cho thời gian tới và hy vọng sẽ tiếp tục được công chúng yêu thích.

Bên gia đình nhỏ
Bên gia đình nhỏ

* Có điều gì mà anh luôn muốn nói, muốn làm cho những người phụ nữ trong gia đình, đặc biệt là vợ anh?

- “Được là phiên bản tốt nhất của chính mình, sống thật vui và hạnh phúc” là điều tôi mong muốn không chỉ cho vợ mình và những người phụ nữ trong gia đình mà cho tất cả mọi người.

* Trong những hình mẫu được đưa vào tranh, có khi nào cảm hứng bắt nguồn từ vợ anh?

- Tôi không vẽ vợ mình. Tôi dự định tạc tượng cô ấy nhưng hiện tại thì tôi bất tài về việc này.

* Anh chia sẻ mọi chuyện trong gia đình hoặc chia sẻ tâm lý, tình cảm với vợ thế nào để cô ấy không bị quá tải, nhất là khi 2 người cùng làm ngành nghề đòi hỏi sự sáng tạo?

- Mặc dù chúng tôi luôn có thể chia sẻ và thường cùng nhau tham dự các triển lãm, đi thăm bảo tàng… nhưng trong công việc thì hoàn toàn độc lập. Chúng tôi tôn trọng và luôn cố gắng hỗ trợ nhau khi có thể, tạo không gian riêng cho mỗi người, chia sẻ việc chăm sóc con cái và việc nhà. Sống là mình, theo cách mình thích và đem lại sự thoải mái cho những người xung quanh là điều tôi luôn tâm niệm. Tôi thấy mình may mắn và hạnh phúc vì luôn được hậu thuẫn, ủng hộ trong công việc cũng như cuộc sống bởi những người thân yêu và bạn bè. 

* Theo anh, người đàn ông trong gia đình phải làm thế nào để người thân của mình được hạnh phúc?

- Đây là câu hỏi khó, vì rất khó để làm hài lòng mọi người. Tôi nghĩ đầu tiên là sự tôn trọng, yêu thương rồi ủng hộ và hỗ trợ. Cũng cần cả sự đồng cảm và chia sẻ.

* Ngoài vẽ, anh còn thú giải trí nào? 

- Tôi thích đọc sách, nghe nhạc, uống trà, làm vườn, leo núi và khám phá các vùng đất mới. Vui nhất là được đi cùng gia đình và cũng có thể là bạn bè. Tôi bắt đầu từ chính quê hương tôi, các tỉnh miền núi phía Bắc, đến các vùng đất khác trên lãnh thổ Việt Nam. Tôi chưa đi hết các tỉnh, thành của nước mình và đang tiếp tục hành trình lấp kín những địa danh ấy.

* Cảm ơn anh đã chia sẻ. 

Codet Hà Nội (thực hiện)

 Ảnh: Nhân vật cung cấp

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI