Họa sĩ Nguyễn Thế Hùng - Giấc mơ hoa không hư ảo

29/04/2019 - 06:30

PNO - Không cạn ý tưởng, không ngại thử thách với các chất liệu cho tác phẩm, Hùng tự xây cho bản thân một bề dày kiến thức và văn hóa.

Tháng 4/2019, giới hội họa Việt Nam hân hoan khi được tin tranh của Nguyễn Thế Hùng đến New York, Hoa Kỳ, góp mặt vào một triển lãm cá nhân, độc lập do chính phòng tranh Salomon giám tuyển và trưng bày. Đây không phải là lần đầu tiên tác phẩm của Nguyễn Thế Hùng ra nước ngoài nhưng là lần đầu tranh đi xa và tạo nhiều tiếng vang đến vậy.

Bước chân vào thế giới bay bổng, độc đáo 

Những ai yêu mến và theo dõi hành trình của Nguyễn Thế Hùng (Hùng Mán) từ những ngày đầu anh chập chững bước vào hội họa sẽ không ngạc nhiên trước thành quả này. Bởi Hùng làm việc cần mẫn, chăm chỉ như người nông dân chăm bẵm mùa màng bằng tâm thế của một đứa trẻ, luôn háo hức khám phá những điều mới mẻ, đầy hấp dẫn xung quanh.

Hoa si  Nguyen The Hung - Giac mo hoa khong hu ao

Chính vì nhìn hội họa bằng đôi mắt trẻ thơ nên tranh của Hùng toát lên sự yên bình, trong trẻo, đi sâu vào thế giới bên trong mỗi người hoặc cũng có thể là tâm thế của một người trưởng thành đã học được cách cân bằng, đã tìm được nguồn vui nội tại thay vì kiếm tìm, khát khao những ảo tưởng hạnh phúc.

Hơn mười năm cầm cọ vẽ, Nguyễn Thế Hùng có khoảng 15 triển lãm độc lập trong và ngoài nước với những cái tên bay bổng, đầy sức gợi như: Những bông hoa nhỏ, Cơn mưa hoa mê ảo, Và hoa đã mưa xuống, Vùng nhiều mây, Miền lạc du… Có lẽ, để nói về Hùng, nên trích dẫn chia sẻ của Hanoi Studio - một trong những phòng tranh tại Hà Nội từng giám tuyển và nhìn thấy sự sáng tạo trong những bức tranh từ khi anh mới bắt đầu cầm cọ: “Hơn mười năm hoạt động sôi nổi với vô số cuộc triển lãm cá nhân và nhóm, cái tên Hùng Mán đã trở nên quen thuộc, mà khi nhắc đến, đã hiện lên rõ một chân dung với dấu ấn riêng biệt. Không cạn ý tưởng, không ngại thử thách với các chất liệu cho tác phẩm, Hùng tự xây cho bản thân một bề dày kiến thức và văn hóa.

Cùng với những chiêm nghiệm thực tế khi tham gia các dự án nghệ thuật đương đại, bằng lăng kính và trí tưởng tượng bay bổng hiếm có, Hùng đã tìm thấy lối đi rất riêng: một không gian ước lệ, một thiên nhiên có sự gắn kết, kế thừa các giá trị truyền thống trong đời sống đương đại. 5 năm trở lại đây, ngôn ngữ nghệ thuật và bút pháp của Hùng bước vào độ chín. Tác phẩm của Hùng xuất hiện trong rất nhiều bộ sưu tập lớn trong nước và quốc tế, được giới thiệu rộng rãi tại các hội chợ nghệ thuật thường niên của châu Á”.

Hoa si  Nguyen The Hung - Giac mo hoa khong hu ao
Tác phẩm của Nguyễn Thế Hùng góp mặt trong triển lãm Miền đất khác tại New York (Mỹ) tháng 4/2019

Nghe có vẻ dễ dàng nhưng con đường Hùng đi không đơn giản như vậy. Đó là một cuộc vật lộn và đi vòng, từ việc lắng nghe xem bản thân thật sự muốn gì, làm gì cho đến chọn chất liệu thực hành. Đã có lúc Hùng lạc lối, bị cuốn theo những thứ hấp dẫn, mới mẻ hơn như nghệ thuật sắp đặt và trình diễn. Phải mất một thời gian, Hùng mới nhận ra, hội họa trên nền các chất liệu truyền thống mới chính là tình yêu bấy lâu nay anh kiếm tìm.

Anh mày mò, tích lũy thêm kiến thức để có thể bắt nhịp trở lại. Hùng lúc này hệt cậu bé ngày ấu thơ, ngoan ngoãn và mê say trước tấm giấy vẽ trong Cung văn hóa tỉnh Tuyên Quang. Sự khác biệt nằm ở chỗ, nếu cậu bé ngày ấy mê các bài tập ngoài trời, được cùng thầy và các bạn đi đây đó thì với Hùng giờ đây, việc cầm cọ như hơi thở hằng ngày.

Dù tên tuổi đã vươn ra thế giới nhưng Nguyễn Thế Hùng luôn khiêm cung, như anh “thừa nhận” - không giỏi nói về bản thân. Muốn hiểu, muốn biết về Hùng, mời xem tranh của anh. Không có một tuyên ngôn nghệ thuật nào được rao giảng. Cũng không có quan điểm nào được đẩy mạnh theo hướng cực đoan trong suốt buổi trò chuyện. Hùng mang đến cho người đối diện cảm giác dễ chịu, như những ký ức trong trẻo nơi anh về khu vườn mùa hạ, những buổi trưa oi ả, trốn ngủ đi bắt ve, những cơn mưa chiều tầm tã dội vào núi đá, bóng nhà sàn lẩn khuất dưới rặng cây, váy hoa xòe sặc sỡ giữa trời đầy hơi sương khiến đứa trẻ ngơ ngẩn…

Hoa si  Nguyen The Hung - Giac mo hoa khong hu ao
Một tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Thế Hùng trong triển lãm Miền lạc du

Mở một cánh của mới

Phóng viên: Anh đã từng có không ít triển lãm tại các phòng tranh nước ngoài, triển lãm Another Land (Miền đất khác) lần này tại Salomon Arts Gallery, New York City có sự khác biệt nào về cảm xúc và trong chính các tác phẩm?

Họa sĩ Nguyễn Thế Hùng: Another Land là triển lãm cá nhân đầu tiên của tôi tại New York City. Với tôi, đây là một dấu ấn không nhỏ trong công việc vì không chỉ lần đầu tự khẳng định bản thân ở một trung tâm nghệ thuật lớn như New York mà còn là cơ hội để tôi trưng bày những tác phẩm được sáng tác bằng chất liệu sơn mài trên vải - chất liệu mà tôi liên tục thực hành trong hơn 5 năm qua.

* Quá trình đưa tác phẩm đến Mỹ cần những sự chuẩn bị nào?

- Khác biệt lớn nhất trong triển lãm lần này có lẽ nằm ở việc tôi đi đến một môi trường khác, một không gian khác, mở một cánh cửa mới, nơi mà tôi không biết mọi người sẽ phản ứng ra sao về tranh của mình. Thật may mắn là tôi nhận được phản hồi tích cực từ bạn bè họa sĩ quốc tế cũng như giám tuyển ở đây. Tôi đã nhận được rất nhiều câu hỏi về tranh, về quá trình làm việc và cá nhân mình trước, trong và sau triển lãm. Tạo được sự quan tâm và thích thú từ công chúng là thành công mà tôi tin rằng họa sĩ nào cũng rất vui khi có được.

Về việc chuẩn bị, có lẽ vì tôi vẫn làm việc đều đặn hằng ngày nên không thấy khác biệt. Ngoài việc chuẩn bị tác phẩm thật tốt để ra nước ngoài, bạn biết đấy, ngôn ngữ là một trở ngại không nhỏ với nhiều nghệ sĩ. Tôi dành nhiều thời gian để tham quan các bảo tàng và gallery nên việc chuẩn bị một lịch trình chi tiết là cần thiết. 

Hoa si  Nguyen The Hung - Giac mo hoa khong hu ao

Ký ức nuôi dưỡng tâm hồn, cảm hứng đến từ đời thực

* Trong tranh của anh, dễ dàng thấy những “ám ảnh” về ký ức, khu vườn tuổi thơ hiện hữu. Đó có phải là nơi để anh trốn về nương náu, thả trí tưởng tượng và là nguồn cảm hứng chính chi phối, bao quát toàn bộ sáng tác của anh, tính đến thời điểm này?

- Tôi yêu thiên nhiên, cây cối và công việc làm vườn. Có lẽ vì thế mà tự nhiên chúng hiện hữu trong tranh như một phần con người tôi. Khu vườn và rừng cây là không gian nuôi dưỡng tôi, cũng là không gian tâm tưởng tôi hiện hữu. Tuy nhiên, cảm hứng của tôi lại đến từ những con người thực, cuộc sống sinh động xung quanh.

* Bất kỳ ai theo đuổi công việc sáng tạo, đều phải trải qua một quá trình thử nghiệm để tìm câu trả lời cho bản thân, tìm ra chất liệu phù hợp. Anh cũng không là ngoại lệ. Quá trình thử nghiệm mang đến cho anh những trải nghiệm thú vị nào?

- Tính đến nay, tôi đã thực hành qua khá nhiều chất liệu và chắc chắn vẫn sẽ tiếp tục tìm kiếm, thử nghiệm thêm những chất liệu khác để đưa vào tác phẩm cho phù hợp với từng hoàn cảnh, từng ý tưởng. Tôi không giới hạn mình ở riêng một loại chất liệu cụ thể nào mà coi đó là những giai đoạn tìm hiểu và sáng tác của bản thân. 

Trước đây tôi rất thích nho mài, một chất liệu được thầy tôi, cố họa sĩ Trần Tuấn Vinh, thử nghiệm và thực hành trong nhiều năm. Sau đó, tôi làm việc trên giấy dó với nhiều chất liệu từ gouache, thuốc nước, mực tàu, acrylic... tổng hợp. Hiện tại, tôi đang tập trung vào nghiên cứu và sử dụng sơn mài trên canvas. Tôi nghĩ rằng chất liệu nào cũng có những cái hay, những ưu - nhược điểm riêng và đều mang đến cho tôi niềm thích thú.

Tôi cho rằng mỗi nghệ sĩ nên tìm cho bản thân một cách thức thể hiện, xem chất liệu nào phù hợp và nhiều ưu điểm hơn cả để thể hiện ý tưởng của mình. Tôi thực hành trên nhiều chất liệu, điểm chung của chúng - đều là những chất liệu truyền thống của Việt Nam. Thật tình cờ mà cũng có thể đó là cái duyên của tôi. 

Hoa si  Nguyen The Hung - Giac mo hoa khong hu ao

* Mười năm nhìn lại, với anh đâu là những giá trị cốt lõi mỗi khi cầm cọ vẽ? 

- Tôi làm việc như một phần tất yếu của cuộc sống. Nếu công việc của người nông dân là trên đồng ruộng thì công việc của tôi là trên tranh vẽ. Tôi làm việc như những người lao động khác, dành ra ngày nghỉ trong tuần để thư giãn. Có lẽ tôi may mắn hơn nhiều người ở chỗ tôi yêu công việc của mình và luôn cảm thấy thoải mái khi làm việc.

Cái hay của những người làm việc như tôi là có thể làm chủ quỹ thời gian và ít bị phụ thuộc, chi phối bởi người khác hoặc ngoại cảnh. Tôi không gặp áp lực trong khi làm việc vì với tôi, vẽ cũng giống như thở, tưới cây, uống nước… Nó là một lẽ tự nhiên và đơn giản. Cũng có thể nói, khi tôi vẽ là lúc tôi đang thư giãn; khi vẽ tranh, tôi rơi vào không gian thiền, trạng thái thiền của riêng tôi. 

Hoa si  Nguyen The Hung - Giac mo hoa khong hu ao

* Tác phẩm của anh hẳn nhiên có sự trưởng thành rất nhiều, sáng tạo hơn, mới mẻ hơn. Anh thấy bản thân của hiện tại và thời điểm 10 năm trước thay đổi thế nào trong tư duy và cách thể hiện?

- Tôi không giỏi trong việc nhận xét và đánh giá, nhất là với bản thân mình. Có lẽ là tôi trưởng thành hơn nhưng lại mơ mộng và yêu đời hơn chăng? Tôi nghĩ, câu trả lời thuyết phục nên đến từ phía công chúng và các nhà chuyên môn khi họ theo dõi công việc và ngắm tranh của tôi trên hành trình hội họa trong suốt những 
năm qua.

* Cảm ơn anh đã chia sẻ.

Trong các tác phẩm này, Hùng sử dụng các chất liệu truyền thống độc đáo của Việt Nam, kết hợp các chất liệu với nhau theo những cách thức mới mẻ cũng như cách làm rất hiện đại. Những hình khối Hùng gợi nên trong tranh phản ánh chỗ đứng của anh giữa truyền thống và hiện đại. Hùng kể về tuổi thơ của chính anh trên núi, sự tương quan của anh với thiên nhiên thông qua việc trồng, nuôi dưỡng cây cối và sự quan tâm đối với việc hòa nghệ thuật và cuộc sống làm một. 

Hoa si  Nguyen The Hung - Giac mo hoa khong hu ao
Họa sĩ Nguyễn Thế Hùng (thứ ba từ phải qua) tại triển lãm cá nhân của anh tại New York vào tháng 4/2019

“Những tác phẩm của Hùng có nhiều lớp lang, theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Thông qua sự kết hợp khéo léo về kỹ thuật, chất liệu và hình khối, mỗi bức tranh trở thành một miền tưởng tượng riêng. Ở trong đó, những xung đột, sự thỏa hiệp, các giá trị trường tồn, sự phù phiếm, những tư duy truyền thống, góc nhìn hiện đại, đều được khai thác một cách nhuần nhuyễn. Đứng trước những tác phẩm này, người xem nhìn vào một thế giới tưởng tượng không đứng yên như ví dụ điển hình, mà luôn sống động và thay đổi.

Miền đất khác là nơi người ta có thể vào và lạc lối với những khát khao của họ. Nhìn lâu vào một tác phẩm, người xem có thể thấy cả cô người mẫu tạp chí và các mô hình kiến trúc truyền thống Việt Nam được sắp đặt bên nhau một cách tinh tế. Một số hình thù trừu tượng len lỏi như rễ cây, hướng ánh nhìn đến gần bức tranh, một số hình thù khác chỉ đơn thuần là sự kết tủa của các cung bậc cảm xúc, một số xuất hiện dưới dạng biểu tượng cổ xưa.

Người xem liên tục bị lóa mắt, mất phương hướng và bị thách thức để phải nhìn sâu hơn. “Quan sát các điểm chuyển động trong trí tưởng tượng của tôi” - là cách mà Nguyễn Thế Hùng mô tả các tác phẩm của anh. Hùng đã mở ra những ô cửa để vào Miền đất khác bằng trí tưởng tượng, chiều sâu và sự phong phú, toàn vẹn độc đáo của anh”.

(Trích thông tin giới thiệu đến công chúng yêu hội họa tại Mỹ của phòng trưng bày Salomon, New York về Nguyễn Thế Hùng và tác phẩm của anh)

Hoàng Linh Lan (thực hiện)
Ảnh: nhân vật cung cấp



 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI