Nguyễn Ngọc Phương vừa tổ chức triển lãm cá nhân lần thứ tư tại Hà Nội. Triển lãm gồm 19 tác phẩm, có cái tên rất gợi - Cái đầu. Ở loạt tranh này, Nguyễn Ngọc Phương thực hành nghệ thuật trên vóc/gỗ. Việc sử dụng trường màu tối dày đặc như nghệ thuật đắp nổi được áp dụng trong các khâu sáng tạo giúp đường nét trở nên mạnh mẽ. Các đường viền tuyến tính hoặc phi tuyến tính được xóa nhòa, bóng dáng con người cũng được làm mờ trên nền màu xám, còn lại những cái đầu như đang trôi nổi một cách bất ngờ và đầy căng thẳng.
20 năm theo nghề nhưng Phương chỉ mới có 4 triển lãm cá nhân và theo thể loại trừu tượng - vốn kén người xem tại Việt Nam. Đó là một điều đặc biệt. Không giống các họa sĩ cùng trang lứa, dùng những biểu đạt màu sắc rực rỡ hoặc tạo hình dễ tiếp thu để giãi bày, Nguyễn Ngọc Phương như một bác sĩ khó tính, đưa từng nhát dao giải phẫu “não trạng”, tâm thế của con người trong vòng xoáy cuộc sống hiện đại.
Phương luôn khát khao làm mới chính mình, cũng như ý thức được việc làm chủ các kỹ thuật sử dụng chất liệu biểu đạt nghệ thuật. Với mỗi loạt tranh, anh đều giới thiệu những chất liệu mới ngẫu nhiên mà ở đó, anh làm chủ và thành thạo; có thể là gỉ sét, vật liệu mạ, các loại sa khoáng, các loại đá đất (cứng, mềm, tơi xốp...) cát, sỏi, rễ cây khô… Tất cả được vò ép, ném và đập xuống để thể hiện thôi thúc mãnh liệt bên trong họa sĩ. Chính điều đó tạo nên sự độc nhất cho tác phẩm.
Nhờ làm chủ được giới hạn trên chất liệu, Phương dễ dàng xác lập mối quan hệ giữa các hình, mảng chiếm hữu với khoảng không gian không xác định. Năng lượng của anh được hóa lỏng và đúc/trộn đến khi đông cứng lại thành các hình dạng thô hoặc khuôn mặt còn phôi thai. Các hình dạng này được bao phủ bởi các vết trầy xước hoặc mô sẹo. Sau đó, một sự tiếp biến diễn ra ở các hình dạng như cái đầu đang thành hình, với cảm giác chúng sẽ sớm được nấu chảy ra cùng nguồn năng lượng mãnh liệt của họa sĩ. Cuối cùng, chúng được cô đặc lại trên bề mặt của chất liệu để tạo ra loạt tác phẩm đặc biệt.
|
Khách xem tranh tại triển lãm Cái đầu |
Hội hoạ với tôi là một tôn giáo
Phóng viên: Nhiều họa sĩ cùng thời với anh chọn chân dung hoặc những gương mặt để chuyển tải ưu tư về đời sống, xã hội. Anh lại chọn một dạng thức trực diện như “giải phẫu học” là “cái đầu”. Sự lựa chọn này bắt nguồn từ đâu?
Họa sĩ Nguyễn Ngọc Phương: Theo quan điểm của tôi, tranh chân dung chỉ miêu tả được bên ngoài; nếu có khai thác nội tâm thì chỉ gói gọn trong nhân vật/đối tượng được đặc tả, thể hiện. Nhưng, “cái đầu” mang nghĩa rộng hơn nhiều. Nó có thể hàm ý về tâm thế của một thời đại, một quốc gia, một dân tộc. Nó gợi mở hơn đồng thời chuyển tải được những thông điệp sâu sắc hơn hay nói lên được nhiều điều hơn.
Nhiều người nói rằng từ “cái đầu” phổ biến từ bao năm nay nhưng nó chưa bao giờ được dùng chính thức cho một tuyên ngôn khảng khái, rõ ràng để người ta hiểu rằng cái đầu còn có não bộ, có sự nhìn nhận về nhân sinh quan. Âm thanh của cái đầu cũng rất thực tế và trực diện, dù người xem tranh ở lứa tuổi nào. Tôi rất hứng thú với tên gọi này dù nó thô kệch và không duy mỹ.
Tôi cho rằng trong hội họa nói riêng và nghệ thuật thị giác nói chung, việc trực tiếp tương tác với tác phẩm mới là điều quan trọng còn cái tên chỉ là một khía cạnh, một duyên cớ.
* Đi từ thể loại bán trừu tượng sang hẳn trừu tượng, bên trong anh hẳn có một cuộc chuyển giao để theo đuổi. Cuộc chuyển giao ấy diễn ra thế nào?
- Trong quá trình làm việc, từ khi mới cầm cọ cho đến hiện tại, tôi vỡ lẽ ra rằng việc có hình hay không có hình từ lâu đã không còn quan trọng. Những gì biểu hiện ra bên ngoài đều xuất phát từ tâm thức của bản thân, những gì mình đang băn khoăn, suy ngẫm.
Việc chuyển từ bán trừu tượng sang trừu tượng cũng là quá trình chuyển tiếp ấy. Đến một giai đoạn nào đó, những phương thức biểu đạt cũ không còn phù hợp để chuyển tải nội tại nữa, người họa sĩ bắt buộc phải đi tìm phương thức biểu đạt mới, các thực hành nghệ thuật mới để gửi gắm. Tất nhiên, hành trình đó không hề dễ dàng. Việc rơi vào bế tắc, bí bách là hiển nhiên. Và chỉ có đi đến tận cùng của đường biên một cách can đảm, người ta mới tìm được lối ra hoặc ít nhất là thứ ánh sáng le lói.
* Tranh trừu tượng tại Việt Nam, đặc biệt là thể loại trừu tượng trực diện và thiên về giải phẫu học như phong cách của anh vô cùng kén người thưởng lãm. Anh có nghĩ thể loại này khiến các tác phẩm của anh hạn chế tiếp cận với công chúng?
- Tôi vẽ để thể hiện tâm thức, để phát triển tâm thức, để tìm kiếm một không gian khác, để định hình một “không gian nghệ thuật” của riêng tôi thay vì để chiều lòng ai khác. Người làm nghệ thuật nên lắng nghe những vọng động, quan sát những dịch chuyển của đời sống nhưng đừng nên quá quan tâm người khác nghĩ gì, nghĩ như thế nào về tác phẩm của mình. Làm như thế sẽ bị chi phối và mất tập trung, đến một lúc nào đó, họ sẽ đánh mất chính bản thân hoặc sự thuần khiết của tâm hồn dành cho nghệ thuật. Có lẽ hơi cực đoan nhưng hội họa với tôi có tính chất của một tôn giáo mà tôi là “con chiên” ngoan đạo.
|
Một số tranh trong triển lãm mới nhất của họa sĩ Nguyễn Ngọc Phương |
Làm nghệ thuật cần dũng cảm bước ra khỏi vùng an toàn
* Từ Ngày thứ 49 đến Niệm và bây giờ là Cái đầu, phải chăng anh đang theo đuổi một dòng chảy tâm linh nào đó trong hội họa?
- Thực ra đó chỉ là những không gian riêng tư trong tâm thức cá nhân được thể hiện ra bên ngoài. Chẳng hạn loạt tranh Cái đầu tái hiện sự ám ảnh của tôi về nhân tính con người trong xã hội hiện đại. Chúng ta bị quá nhiều thứ chi phối, quá nhiều thứ màu mè bao phủ, quá nhiều toan tính, thậm chí chạy quá nhanh, đến mức quên đi mình là ai. Chỉ khi biến cố ập xuống, chúng ta mới hoang mang đi tìm mình, nhìn lại mình và tự hỏi đâu là giá trị cốt lõi bên trong. Nó cũng giống như cách tôi tìm gặp những dạng thể của mình trong mỗi giai đoạn sáng tác. Nó đòi hỏi phá vỡ những giới hạn cũ, bước qua những lằn ranh an toàn để bước đến chân trời mới mà không ai biết trước điều gì đang chờ đợi ta ở đó.
Một khi nghệ thuật đủ rộng và sâu để bao hàm cả thế giới cá nhân của một người và thế giới bao la bên ngoài, nó sẽ tạo ra sự thay đổi hoặc ít nhất là mang đến trạng thái tỉnh thức cho người thưởng lãm. Đó cũng chính là sứ mệnh của nghệ thuật và người làm sáng tạo.
* Tranh của anh có nhiều trường màu tối, dữ dội, đôi khi ám ảnh. Liệu cái nhìn của anh với xung quanh có bi quan?
- Các tác phẩm của tôi không bi quan mà là không tách khỏi cuộc sống đương thời có quá nhiều màu xám. Chỉ khi tác phẩm chạm được tới tận cùng của những nỗi niềm, giải mã con người và tâm thế của xã hội hiện thời thì chúng mới có thể làm cho con người phản tỉnh hay đánh thức nhân tính họ. Và nếu nhìn về tương lai, rõ ràng đó là cái nhìn lạc quan đấy chứ!
* Anh vẽ để giãi bày nhưng thực tế cho thấy tranh của anh rất được giá, không chỉ trong phạm vi Việt Nam?
- Tôi không nghĩ nhiều về việc đắt hay rẻ nhưng sự nghiên cứu, tìm tòi đã tạo ra sức nặng cho tác phẩm của tôi thông qua bề mặt và giá trị nội tại của mỗi tác phẩm. Chính điều đó giúp chúng có khả năng đứng ngang hàng với tác phẩm của các nghệ sĩ tên tuổi trong các nền nghệ thuật lớn tại khu vực và thế giới. Tôi cũng rất vui khi tặng tác phẩm của mình cho một cá nhân/tổ chức nếu họ am hiểu các giá trị nghệ thuật.
Điều hạnh phúc nhất đối với tôi là tìm được những tiếng nói đồng cảm và sẻ chia không chỉ từ giới chuyên môn mà còn từ đồng nghiệp và công chúng yêu nghệ thuật. Đó là động lực để tôi tiếp tục tìm tòi và thử thách bản thân trên con đường nghệ thuật.
Mỗi loạt tranh là một thử thách
* Sau khi tốt nghiệp mỹ thuật khá lâu, anh mới có triển lãm cá nhân đầu tiên. Trong suốt quãng thời gian đó, anh đã đi đâu?
- Tôi liên tục làm việc, cọ xát ở nhiều môi trường nghệ thuật trong nước và quốc tế. Quãng thời gian đó là một quá trình tích lũy từ năng lượng cho đến kỹ năng nghề nghiệp, trả lời những câu hỏi còn mơ hồ bên trong. Nhờ khoảng thời gian đó, tôi có rất nhiều kinh nghiệm chuyên môn quý báu chỉ có thể có được qua những thực hành nghệ thuật của bản thân. Đó là những thứ không thể học được từ bất kể trường lớp nào hay bất kỳ ai.
|
Họa sĩ Nguyễn Ngọc Phương (thứ ba từ trái qua) bên bạn bè |
* Anh nghĩ gì trước nhận định của giới chuyên môn, rằng anh đã tạo ra một chất liệu mang tên Nguyễn Ngọc Phương?
- Để thể hiện nghệ thuật, mỗi người cần những phương tiện khác nhau. Với tôi đó là quá trình tìm tòi, thể nghiệm rất nhiều năm. Chất liệu ấy phải có khả năng thể hiện được không gian trong hội họa có tính độc nhất, độc bản và đặc biệt. Nó không chỉ mang đến cho người xem sự thú vị mà còn cho cả chính người làm sáng tạo. Trên hết, nó phải thể hiện được tất cả dụng tâm họa hình và ý niệm của họa sĩ.
Để tìm ra chất liệu này, tôi đã trải qua nhiều quá trình suy ngẫm, thử, sai rồi lại thử. Lắm lúc, tôi rơi vào bế tắc, ở trạng thái không thể nắm bắt được những gì mình muốn diễn tả. Và sau khi tìm ra, ở loạt tranh mới, tôi lại tiếp tục thử thách mình để tìm kiếm những chất liệu mới. Không ai muốn tắm 2 lần trên 1 dòng sông. Tôi đặt cho mình mục tiêu, loạt tranh sau phải khác loạt tranh trước. Ở khía cạnh này, nghệ thuật là một hình thức khổ sai, đòi hỏi nhiều hy sinh, trả giá.
* Vậy một ngày của anh không có hội họa sẽ như thế nào?
- Với tôi, nghệ thuật hay hội họa không chỉ nằm trong xưởng vẽ mà đó là sự tích lũy liên tục của mọi thứ trong cuộc sống thường nhật để cuối cùng chúng được tập hợp lại trên mặt tranh và tạo nên các tầng ý nghĩa.
* Cảm ơn anh đã chia sẻ.
Họa sĩ Nguyễn Ngọc Phương sinh năm 1975, tại Hà Nội. Anh tốt nghiệp cử nhân Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội, sau đó lấy bằng thạc sĩ nghệ thuật tại trường đại học Mỹ thuật Việt Nam. Trước đây, Nguyễn Ngọc Phương tập trung vào các tác phẩm bán trừu tượng, sau đó, anh dần chuyển sang các tác phẩm trừu tượng. Trước triển lãm Cái đầu, Nguyễn Ngọc Phương từng có các triển lãm cá nhân tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam với chủ đề Ngày thứ 49 - Phần 1 và 2 (2018) và Niệm (2021). Nhiều tác phẩm của anh được chọn trưng bày tại các phòng tranh và bảo tàng ở Đông Nam Á như Yogia Gallery (Yogyakarta, Indonesia), Penang State Art Gallery (Penang, Malaysia) và các chương trình nghệ thuật nghệ sĩ châu Á ở Indonesia, Malaysia, Thái Lan. |
Thư Hiên (thực hiện) - Nguồn ảnh: Tongla Art