PNO - 5 năm mới có triển lãm cá nhân lần thứ tư mang tên Ngược dòng với vỏn vẹn hơn 30 bức tranh, Nguyễn Ngọc Đan nói, chị vẽ để biểu đạt những suy ngẫm của bản thân, của những gì trăn trở với nghề và với cuộc sống chứ không hướng đến mục tiêu thương mại dẫu tranh của chị được không ít nhà sưu tập trong và ngoài nước sẵn lòng chờ đợi để mua.
Các bức tranh lần này được Nguyễn Ngọc Đan chia thành 2 nhóm sáng tác. Nhóm thứ nhất là các tĩnh vật chim - hoa - cá - lá. Trong bộ tranh tĩnh vật này, chỉ với lọ hoa, chậu cá, chú chim và những gì gần gũi xung quanh như mèo con, ngựa gỗ, mặt nạ, vỏ ốc, họa sĩ đưa người xem đi từ câu chuyện này sang câu chuyện khác. Nhóm thứ hai gồm những tác phẩm khổ lớn, được xếp vào loạt tranh có tên Ngược dòng, gồm các tác phẩm hội họa giá vẽ kết hợp với những bộ khung độc đáo tạo thành những tác phẩm sắp đặt trên tường.
Cả hai nhóm sáng tác là sự tiếp nối của tư duy nghệ thuật mang đậm phong cách cá nhân được Nguyễn Ngọc Đan xây dựng và phát triển thống nhất từ 2011 đến nay. Chọn “chim, hoa, cá, phụ nữ” làm chủ thể chính cho các sáng tác kể từ khi theo đuổi con đường hội họa chuyên nghiệp, cuộc trưng bày này của Nguyễn Ngọc Đan là sự phản biện những định kiến lâu đời trong giới mỹ thuật, vốn không đánh giá cao những hình tượng ấy. Chị nói: “Chủ thể không hoàn toàn là yếu tố quyết định. Quan trọng là cách thức mà ngôn ngữ tạo hình được sử dụng để biểu đạt tư tưởng, mang thông điệp và triết lý của người nghệ sĩ đến với công chúng”.
Tốt nghiệp xuất sắc thạc sĩ Viện Mỹ thuật Surikov thuộc Học viện Hàn lâm quốc gia Nga năm 2005, tranh của Nguyễn Ngọc Đan không mang tính hàn lâm, cũng không xa cách trong cách biểu đạt. Chúng ngập tràn tính nữ. Nhưng đó không phải là kiểu nữ lưu yểu điệu thường thấy trong thi ca mà mạnh mẽ và cương nghị, yêu thích thử thách. Điều này giải thích tại sao yêu hội họa là thế, vượt bao khó khăn để giải mã những điều còn băn khoăn trong lòng là thế nhưng sau khi tốt nghiệp, Nguyễn Ngọc Đan lại chọn những công việc không liên quan gì đến hội họa nơi xứ người, từ phiên dịch trực tiếp, dạy học, dịch báo chí cho đến công việc tại một xưởng may. Để rồi khi trở thành chủ của một xưởng may với khoảng 150 công nhân, chị lại chọn trở về. Về với quê hương, với hội họa. “Khoảng thời gian tôi buồn thảm nhất, cô độc nhất và mất niềm tin nhất, không thể tìm được sự sẻ chia, tôi đã trở lại với hội họa” - chị bộc bạch.
Không có công thức nào cho tranh
* Phóng viên: Ở triển lãm mới nhất, vào cuối năm 2023, sắc màu và không khí trong tranh chị đầy tươi sáng, lạc quan. Đã có những “biến chuyển” nào trong khuynh hướng sáng tác của chị suốt thời gian qua?
Họa sĩ Nguyễn Ngọc Đan: Bên cạnh vẽ là lao động chính, tôi còn khởi xướng trung tâm đào tạo mỹ thuật dành cho mọi lứa tuổi mang tên Dan’s Studio.
Việc tiếp xúc nhiều với các bạn nhỏ, với những sắc màu trong trẻo, vui tươi và những sáng tạo không giới hạn đã khiến tôi thay đổi cách nhìn, đổi mới sáng tác mà bản thân tôi dần nhận ra qua loạt tranh tĩnh vật Sự sống mong manh từng triển lãm vào năm 2016. Đó cũng là bước đệm quan trọng của tôi, chuyển từ thế giới nội tâm, giam mình trong 4 bức tường, có phần hơi u uất sang khuynh hướng tạo hình thiên về màu sắc. Đến Dải hẹp của bầu trời, khuynh hướng tạo hình của tôi mang tính giản lược hơn nhiều, chạm gần đến tối giản. Tôi muốn thông qua những sáng tác về màu sắc để tạo ra thứ ánh sáng riêng biệt trong tranh, do đó, tôi đặc biệt chú trọng sự tương tác mạnh mẽ giữa màu sắc và sự riêng biệt hơn nữa trong cách tạo hình.
Nguyễn Ngọc Đan bắt đầu vẽ từ năm 16 tuổi và nhanh chóng ghi dấu ấn với tranh truyền thần. Sự tò mò với hội họa đã thôi thúc chị thi vào Trường đại học Mỹ thuật TPHCM. Thoạt đầu, cha chị không ủng hộ con gái học mỹ thuật vì ông lo ngại tương lai con không ổn định. Tuy nhiên, chính ông là người đưa chị đến trường thi và biết tin con thi đậu đầu tiên. Ông hồi hộp giữ kín tin này cho đến lúc giấy báo nhập học của con về đến nhà mới cho gia đình hay.
Là một trong số những sinh viên xuất sắc của Trường đại học Mỹ thuật TPHCM và được ưu tiên chọn lớp sơn dầu, Nguyễn Ngọc Đan vẫn luôn có cảm giác chưa nắm vững được kỹ thuật.
Khi một người thầy tặng chiếc đĩa chứa những bức tranh của Bảo tàng Louvre (Pháp), thôi thúc “phải đi” lớn dần trong chị. Nguyễn Ngọc Đan quyết định sang Nga học thêm về hội họa hàn lâm. “Phải nắm vững được kỹ thuật và có nền tảng vững chắc mới có thể tự tin tìm một hướng đi riêng biệt, thay vì vẽ bản năng” - chị tự nhủ.
Năm thứ ba ở Nga, Nguyễn Ngọc Đan bảo vệ cùng lúc bằng cử nhân và thạc sĩ trong năm, tốt nghiệp loại xuất sắc tại Học viện Hàn lâm quốc gia mỹ thuật Surikov, Mát-xcơ-va.
* Sự lược giản này có được chị áp dụng trong đời sống?
- Trong đời sống hằng ngày, tôi không phải là người giỏi giao du, hướng ngoại. Cuộc sống của tôi cần cân bằng giữa giáo dục và sáng tác, nhờ đó, tôi không chịu áp lực kinh tế và có thể vẽ cho riêng mình. Ý tôi là, tôi không bằng mọi giá sáng tác thương mại hoặc chạy theo thị hiếu của người mua tranh. Chị thử nghĩ mà xem, 5 năm với vỏn vẹn khoảng 30 bức tranh thì tôi chạy theo kiểu gì cho kịp và sống như thế nào chứ? (cười)
* Nghe chia sẻ của chị, việc dạy học hẳn cũng thú vị không kém việc vẽ?
- Không có thế giới nào hồn nhiên và đầy ước mơ như trẻ thơ. Mỗi ngày không phải tôi dạy các em mà chính các em đã giúp tôi mở mang nhiều về mặt tưởng tượng, những điều mà người lớn tưởng chừng quên hết. Nói như Picasso: “Mỗi đứa trẻ là một nghệ sĩ”. Tôi tin, mỗi đứa trẻ tôi hướng dẫn, đào tạo tư duy thẩm mỹ là một nghệ sĩ đích thực. Chính các em mang đến cho tôi nhiều niềm vui, sự lạc quan, năng lượng để tiếp tục công việc của mình.
* Chị chắt lọc những “tiếng nói”, “tiếng vọng” của đời sống thế nào để mang vào tranh?
- Ý tưởng thường đến với tôi rất tình cờ và đầy ngạc nhiên. Chẳng hạn khi nhìn thấy một chiếc lồng chim treo lửng lơ giữa bầu trời, tôi sẽ hình dung bầu trời ấy vào đêm tối sẽ thế nào, nếu vẽ thì mình sẽ đặt thêm cái gì bên cạnh… Tôi luôn chuẩn bị tâm thế để đón nhận cảm hứng sáng tác ùa về và ghi chép lại những gì mình mong muốn hoặc lưu lại những bức ảnh tư liệu cùng lúc với việc hình dung ra chất liệu sẽ kết hợp để tạo ra một tác phẩm mang tính ý niệm như mình mong muốn. Đó là lý do tôi dành thời gian ở một mình rất nhiều. Tôi làm việc cần mẫn như một công chức. Toàn bộ thời gian ban ngày là cho công việc, chỉ có hiếm hoi vài giờ buổi tối là dành thư giãn, giải trí hoặc thi thoảng gặp gỡ bạn bè.
* Tôi không ngạc nhiên khi biết sự cần mẫn của chị. Tuy nhiên, điều làm tôi tò mò là khi mọi thứ được xếp vào khuôn, tính toán như thế thì có vì kỹ thuật hóa mà đánh rơi cảm xúc?
- Xét về chuyên môn, bố cục trong tranh tôi là sự phá cách như nhận định của nhiều anh em, bạn bè đồng nghiệp. Tôi quan niệm, cấu trúc của bố cục dựa trên nền tảng của rất nhiều yếu tố chứ không phải chỉ cần đặt nhân vật chính vào trọng tâm tác phẩm. Những khoảng trống trong tranh thường được tôi tính rất kỹ về tỉ lệ của mảng miếng, tỉ lệ của mảng màu và độ đậm nhạt của màu sắc. Mặc dù vậy, tôi không có công thức nào cả. Tôi cũng chưa bao giờ sắp đặt sẵn mình sẽ dùng gam màu nào. Khi đứng trước giá vẽ, tôi cứ để dòng chảy của nhịp điệu từ trí óc chảy qua những nhát cọ, hình thành dần dần cấu trúc của tác phẩm.
Với tôi, đặc tính thời đại và thực tại xã hội là bối cảnh để nhận diện con người trong hành trình của sự sống. Nghệ thuật của tôi tập trung khai phá thế giới nội tâm và sức mạnh tinh thần của con người trên hành trình tìm về cội nguồn của nền văn minh.
Tác phẩm Chim, hoa, cá, gái
Sự nhộn nhạo xuất hiện ở mọi thị trường
* Chị từng nói, trở về Việt Nam là quyết định đúng đắn sau 10 năm ở Nga. Cái đúng ở đây phải chăng không chỉ là việc chị tìm lại được mình qua hội họa mà còn đúng thời điểm khi thị trường nghệ thuật trong nước ngày càng sôi động?
- Từ Nga về lại TPHCM vào năm 2011, tôi cảm thấy chênh vênh, mất phương hướng. Tôi không biết mình nên bắt đầu từ đâu, trao đổi với ai. Mọi mối quan hệ trước kia đều không còn, bởi mình đã đi một quãng quá lâu. Bạn bè đồng trang lứa đều đã có cuộc sống riêng. Thói quen sinh hoạt, môi trường sống… cũng khác biệt, mọi thứ gần như đảo lộn hết. Lúc đó, đứng trước tấm toan trắng, tôi cảm thấy được chia sẻ, trút nỗi lòng của mình, đối mặt với nội tâm mình. Tôi dùng hội họa như một cơ hội để giãi bày.
Tôi không quen với việc chỉ đơn thuần vẽ phong cảnh như nhiều họa sĩ châu Âu. Tôi muốn tranh mình phản ánh những ưu tư của bản thân, ý nghĩa xã hội. Điều kiện xã hội, nhịp sống ở Việt Nam trở thành chất xúc tác, thúc đẩy và cho tôi nhiều cảm hứng sáng tác hơn lúc ở Nga.
Từ khi chính thức hoạt động chuyên nghiệp từ năm 2015, tôi nhận thấy thị trường mỹ thuật Việt Nam bắt đầu mở cửa. “Mở cửa” ở đây nghĩa là thị trường có những hướng tiếp cận với nhà sưu tập trong nước chứ không chỉ dành cho nhà sưu tập nước ngoài như các giai đoạn trước. Nhiều chủ nhân trẻ của các không gian kiến trúc, không gian văn hóa hoặc trong không gian riêng hằng ngày đều muốn mang tác phẩm đẹp về nhà. Tranh tạo thêm giá trị thẩm mỹ cho không gian sống, làm việc. Đó là tín hiệu tích cực. Nhờ vậy, giới họa sĩ sống được với nghề, xem vẽ như công việc tạo giá trị vật chất cho cuộc sống của bản thân và gia đình.
* Liệu việc chạy theo thị trường có làm mất đi cá tính và dài hơn là khiến họa sĩ trẻ mải mê kiếm tiền mà khó định hình được phong cách cá nhân?
- Tôi không phải là họa sĩ thương mại. Tôi tập trung tạo ra những tác phẩm có giá trị nghệ thuật nên cũng không tham gia nhiều vào các chương trình đẩy mạnh giá trị thương mại của tác phẩm. Sống được nhờ tranh là điều tốt. Tuy nhiên, quá sa đà vào tranh thương mại sẽ dễ đánh mất tố chất nghệ thuật. Tranh đương đại là tranh mà ở đó họa sĩ truyền được cảm xúc cá nhân, suy nghĩ, tư tưởng từ cuộc sống xung quanh vào từng nét vẽ. Đó không phải là những bức tranh đèm đẹp, nịnh mắt. Một khi đã định hình phong cách, không cần ký tên, người xem vẫn biết đó là tranh của họa sĩ nào.
Tác phẩm Hãy kể tôi nghe về bầu trời
* Với một thị trường còn non trẻ như Việt Nam, chị có nghĩ thị trường hiện đang quá nhộn nhạo khi mọi khâu đều yếu và thiếu, kể cả phê bình?
- Tôi nghĩ sự nhộn nhạo của thị trường nghệ thuật có ở bất kỳ đâu, không riêng Việt Nam. Nó phản ánh sự phát triển sôi động. Giá trị thực sẽ đứng được với thời gian. Dù vậy, ở một nền mỹ thuật còn non trẻ và đang tiếp thu kinh nghiệm của các nước, rõ ràng Việt Nam vẫn chưa có nhiều nhà nghiên cứu mỹ thuật chuyên nghiệp, dành toàn bộ thời gian cống hiến cho việc nghiên cứu, tạo ra những giá trị rõ ràng về mặt lý luận. Nhưng, tôi tin thiếu sót đáng tiếc này chỉ kéo dài khoảng 5-7 năm nữa. Thế hệ 9X, 10X được đào tạo, học hành bài bản không chỉ trong phạm vi Việt Nam sẽ làm tốt hơn.
* Có nền tảng kiến thức sâu rộng và kỹ năng viết khá tốt, chị có dự định dành thêm thời gian cho công việc nghiên cứu, phê bình?
- Thực tế cho thấy, thị trường hiện nay tồn tại rất nhiều khó khăn trong việc nhận định, định hướng nghệ thuật cho giới sưu tập hoặc công chúng trẻ yêu thích muốn tìm hiểu mỹ thuật như một hành trang trong cuộc sống. Trong tương lai gần, nếu sắp xếp thời gian tốt hơn, tôi sẽ tìm cách chia sẻ nhiều hơn những nghiên cứu của mình về nghệ thuật đồng thời hỗ trợ những họa sĩ trẻ cần tư vấn, góp ý trong việc hệ thống lại tư duy, ý tưởng sáng tác để có thể tạo thành bộ tác phẩm có tính liên tục, phát triển phù hợp với bản thân và năng lực của các bạn.
Phụ nữ Việt hy sinh nhiều
* Luôn dịch chuyển để quan sát nền mỹ thuật trong khu vực, triển lãm đầu tiên của chị - Desolation (tạm dịch: Cô đơn) - cũng là ở Indonesia. Vậy, chị có tính mang tranh ra nước ngoài trong thời gian tới?
- Tôi may mắn từng được tham quan, tiếp xúc với nền mỹ thuật đương đại của các quốc gia có thị trường phát triển như Hàn Quốc, Indonesia hay Malaysia. Bạn bè tôi tại các nước cũng có rất nhiều lời đề nghị thú vị. Tôi hy vọng sắp tới, chúng tôi có thể thu xếp được thời gian để thực hiện những dự án đã bàn luận trước đó. Lan tỏa nghệ thuật của mình ra khu vực và thế giới là ước mơ của tôi.
* Theo quan sát của chị, ở các quốc gia châu Á, số lượng nữ họa sĩ có nhiều không? Tinh thần làm việc của họ thế nào? Vì sao tại Việt Nam, số lượng nữ làm nghệ thuật lại ít ỏi đến thế?
- Ồ, thực sự là tôi tiếp xúc với rất nhiều nữ nghệ sĩ. Tinh thần, sức làm việc và nỗ lực cống hiến của họ với nghề khiến tôi nể trọng vô cùng. Tôi nghĩ, số lượng nữ nghệ sĩ Việt Nam ít ỏi không phải vì họ không tài năng mà đến từ những lý do hết sức khách quan. Phụ nữ Việt hy sinh nhiều hơn. Đức tính đó chi phối sự lựa chọn của họ. Giữa sự nghiệp và gia đình, phần đông phụ nữ Việt vẫn chọn gia đình. Hiếm người phụ nữ nào có thể cống hiến cả đời cho nghệ thuật. Họ vẫn đặt gia đình, con cái lên hàng đầu nếu buộc phải chọn lựa.
* Chị vẽ để phản biện định kiến trong hội họa. Vậy trong đời sống, có những định kiến nào áp đặt lên nữ họa sĩ mà chị muốn phản biện, muốn lên tiếng?
- Trong giới nghệ thuật, nam hay nữ họa sĩ đều như nhau. Tôi cho rằng không nên phân định giới tính mà chỉ nên đánh giá dựa trên tác phẩm và giá trị của chính tác phẩm đó. Không có định kiến nào dành cho nữ họa sĩ, chỉ có những định kiến về mặt tư tưởng, tạo hình cần xem xét lại trong nghệ thuật. So với những bộ môn nghệ thuật khác, nữ họa sĩ Việt thường được đồng nghiệp, các thế hệ đi trước ưu ái. Không ai nỡ chèn ép, đánh giá thấp hoặc đặt điều tiếng, bắt nạt nữ họa sĩ. Điều này thể hiện từ lúc tôi mới theo học ở trường mỹ thuật cho đến hiện tại.