PNO - Với họa sĩ Nam Chi, tranh dân gian không chỉ là hồn cốt người Việt mà còn chứa đựng những tri thức lịch sử, giá trị mỹ thuật cùng đời sống văn hóa, tín ngưỡng ông cha.
Say mê + nền tảng tri thức + trách nhiệm = Nam Chi
Nếu phải nói một câu ngắn gọn về chàng trai gen Z Nguyễn Văn Bắc, hiệu Nam Chi, tôi chỉ có thể diễn đạt bằng “công thức” đó. Ở Nam Chi có niềm say mê tranh dân gian kỳ lạ. Người có chút kiến thức hay muốn tìm hiểu về tranh dân gian là có thể cùng anh hào hứng, say sưa trò chuyện cả buổi về chủ đề này. Anh vẽ không phải nhằm thỏa mãn nhu cầu sáng tạo hay thể hiện cái tôi cá nhân thường thấy. Mỗi bức tranh của anh đều là gạn chắt ưu điểm của tranh dân gian, kết hợp tính ưu việt của vật liệu truyền thống và hiện đại, cân nhắc từng đường nét, từng cách pha, phối màu để chất dân gian Việt Nam không bị lẫn chất dân gian Trung Quốc, Nhật Bản.
Họa sĩ Nam Chi chọn ẩn cái tôi, sáng tạo trong khuôn khổ để giữ đúng tinh thần của tranh dân gian
Nam Chi bén duyên với tranh dân gian từ ngày là cậu bé trường làng chưa đầy 10 tuổi. Anh nhớ ngày đó trong sách giáo khoa mỹ thuật có tranh Quan Âm. “Ngày đó nhỏ xíu, tôi chỉ thấy bức vẽ đẹp quá. Đến độ trong các bài vẽ tự chọn, tôi đều vẽ lại Quan Âm. Bẵng đi nhiều năm, cho đến khi tôi là sinh viên Trường đại học Mỹ thuật Công nghiệp. Chương trình học của chúng tôi không có tranh dân gian nhưng tôi may mắn được học môn lịch sử với cô giáo yêu văn hóa dân gian. Cô đã đưa tranh dân gian vào bài giảng. Ngay lập tức, niềm say mê bức vẽ Quan Âm của cậu bé năm nào như thức dậy. Cả năm nhất đại học, tôi dành rất nhiều thời gian tìm tài liệu, nghiên cứu tranh dân gian” - Nam Chi kể.
Khi đó, ngoài tìm đọc tài liệu, nghiên cứu tranh, anh còn xem các video trên mạng về cách sản xuất giấy dó, kỹ thuật bồi giấy… và mày mò thực hành. Anh cũng tìm đến các làng tranh dân gian nổi tiếng, gõ cửa nhà các nghệ nhân mong được học hỏi. Nhưng nghề cha truyền con nối, dễ gì những bí quyết được chia sẻ cho một chàng trai gốc Hải Dương lạ hoắc. Dĩ nhiên, các nghệ nhân cũng dạy cho anh ít nhiều kiến thức, song những “ngón nghề” chỉ đến với anh qua mày mò suốt từ tháng này qua năm khác. Ví như kỹ thuật “vờn màu” đặc trưng của tranh Hàng Trống; để tìm ra cách chuyển đổi sắc độ mềm mại, linh hoạt, Nam Chi đã mất rất nhiều thời gian thử nghiệm mới phát hiện ra một kỹ thuật hết sức đơn giản: chấm bút vào mực rồi nhanh tay chấm lại vào nước trước khi “vờn” trên giấy. Biết được rồi nhưng cũng phải sau 6 tháng thực hành nghiêm túc, cần mẫn, anh mới làm chủ được kỹ thuật này.
Họa sĩ Nam Chi và ông Lê Đình Nghiên - nghệ nhân tranh Hàng Trống
Gần đây, Nam Chi gặp một số bức tranh cổ có sử dụng bột vàng, nhìn sang, sáng và sinh động hơn hẳn so với dát vàng. Khi anh tìm đến làng mỹ nghệ Sơn Đồng nổi tiếng để hỏi thì các nghệ nhân lão luyện nhất đều thở dài: Kỹ thuật này thất truyền lâu lắm rồi. Anh lại mày mò, bỏ vàng lá vào cối đá kỳ cạch giã, vàng cũng thành bột mịn nhưng lẫn cả bột đá nên sắc tranh bị xỉn. Rồi anh tìm được tài liệu nói về kỹ thuật sử dụng bột vàng trong tranh dân gian Nepal. Anh hào hứng: “Đơn giản lắm: bỏ vàng lá và dung dịch hòa tan vào đĩa sứ rồi dùng 10 đầu ngón tay “mài” từng chút, từng chút để vàng lá dần tan thành bột. Sau đó, chưng cho bay hết hơi nước để thu bột vàng khô trữ lại, khi nào dùng thì hòa với keo…”. Anh cười: “Chỉ vậy thôi nhưng từ khi bắt đầu đến lúc thành công, tôi mất đến hơn 1 năm”.
Ẩn cái tôi để nâng tầm tranh
Nam Chi khoe, hiện tại, sau gần 10 năm chọn tranh dân gian để lập nghiệp, anh đã có thể sống khỏe bằng nghề. Song, để có được thành quả bước đầu như hôm nay, thời đại học của anh là những năm sáng đến giảng đường, chiều đi làm lấy tiền mua vật liệu, tối về chong đèn cặm cụi vẽ và mong ngóng đầu ra cho từng bức tranh.
Khi tôi hỏi liệu có phải vì tranh của Nam Chi kén khách, sao anh không vẽ theo lối “phổ thông” hơn, nét mặt chàng trai gen Z thoáng nghiêm nghị. Anh trầm ngâm: “Đúng. Khách hàng của tôi đều là những người yêu, hiểu biết về văn hóa dân gian nói chung và tranh dân gian nói riêng nên họ không chấp nhận bất cứ sự sai lệch cơ bản nào. Tôi không vẽ “phổ thông” vì yêu cầu của khách, đồng thời cũng là giới hạn tôi tự đặt ra cho bản thân”.
Nam Chi chia sẻ: “Tôi không mượn chất liệu dân gian cho sáng tạo cá nhân. Tôi muốn mọi sáng tạo của mình đều phải trên cái nền chắc chắn là kiến thức - cả lý thuyết lẫn thực hành về tranh dân gian. Như ở tranh Kim Hoàng, dấu ấn sáng tạo, phóng khoáng của nghệ nhân thể hiện khá rõ. Đó là lý do khiến nhà nghiên cứu người Pháp từ gần trăm năm trước đã xem mỗi bức tranh dân gian Kim Hoàng là một tác phẩm nghệ thuật. Vậy nhưng, các bức tranh - tác phẩm của Kim Hoàng vẫn trọn vẹn là tranh dân gian. Tôi tiếp cận với tranh Kim Hoàng muộn nhất so với các dòng tranh dân gian khác, song đó lại là dòng tranh cho tôi nhiều cảm hứng sáng tạo nhất”.
Bức tranh Cá chép vượt vũ môn
Đặt cái tôi lẩn khuất để nâng tầm tranh dân gian dường như là trách nhiệm trong từng bức vẽ của chàng họa sĩ rất trẻ này. Năm ngoái, dịp xuân Quý Mão, những bức tranh dân gian mèo của Nam Chi được cả các nghệ nhân và nhà nghiên cứu đánh giá cao. Những bức tranh ấy vẫn trên nền chất liệu dân gian nhưng không gói gọn trong chú mèo quặp đuôi nhận quà ở Đám cưới chuột trong tranh Đông Hồ, mèo đứng trên bàn học trò trong tranh Hàng Trống… Nam Chi tìm thấy hình ảnh mèo trên những nét chạm khắc trong những mái đình ở Quảng Ninh, Hải Phòng… Chính những “bắt gặp” ấy đã cho anh cảm hứng vẽ Miêu ngư đồ, Miêu điệp đồ… Không đơn thuần là hòa những màu sắc tương đồng như tranh truyền thống, anh đã làm mới bằng cách thêm vào tranh những mảng màu sáng - tối tương phản. Hay màu anh sử dụng là màu khoáng thay cho màu phẩm truyền thống, giúp tranh chẳng những không bị bạc màu theo thời gian mà ngày càng trầm sắc, càng để lâu càng có chiều sâu.
Ngay cả tranh thờ, Nam Chi cũng có những cách làm mới rất riêng. Mỗi bức Mẫu Thượng ngàn theo phong cách thời đại nào đều được anh thể hiện tỉ mỉ từ cách búi/thả tóc, vấn khăn, hoa văn trên xiêm y đến các họa tiết nền, trang trí… Dù thế, anh không gò bó, mà chọn những khối mây vờn đặc trưng của tranh Hàng Trống làm nền, giúp bức tranh có lớp lang, tầng khối. Thậm chí Mẫu Thượng ngàn, Tứ phủ trong hình dung của mỗi người không hẳn đã giống nhau, nên nhiều bức tranh thờ anh thể hiện từ ý tưởng của khách hàng đã trở thành độc bản.
Tôi hỏi Nam Chi: “Nhìn vào tranh dân gian có thể nhìn thấy những thời kỳ lịch sử với những giá trị văn hóa đặc trưng. Vậy vài trăm năm nữa, liệu con cháu có thấy được thời kỳ của chúng ta qua tranh dân gian?”. Anh thẳng thắn: “Quan niệm thẩm mỹ mỗi thời một khác. Con mắt thẩm mỹ của trẻ nhỏ hôm nay hơn hẳn thế hệ cha ông nhưng làm thế nào để lồng được thẩm mỹ nay vào tranh dân gian xưa là chặng đường dài. Tôi đã có những thử nghiệm nhưng nhìn tranh không ra dân gian Việt Nam, mà na ná tranh dân gian Trung Quốc hay Nhật Bản…
Những năm qua, tôi chứng kiến nhiều mái đình cổ bị phá đi, xây mới. Di sản mỹ thuật của ông cha không lẽ bị đẩy vào lãng quên? Tôi đang thực hiện dự án Họa long. Không chỉ là vẽ rồng, tôi còn muốn đưa những chạm khắc rồng tuyệt đẹp trong các đình làng thành một “phiên bản” khác, có thể ứng dụng được nhiều hơn trong đời sống. Chúng tôi cũng đang số hóa tranh dân gian. Hy vọng di sản của cha ông sẽ có được nhiều hướng tiếp cận hơn. Đó có lẽ là cách bảo tồn hiệu quả nhất trong xã hội hiện đại”.
NSND Trần Ngọc Giàu cho biết, Liên hoan Cải lương toàn quốc 2024 có thêm giải thưởng cho tác giả chuyển thể là bước tiến lớn, động viên lực lượng sáng tác.