Chỉ muốn “về nhà”
Đứng cạnh bức vẽ bản đồ Việt Nam, họa sĩ Ly Trần nói, khi thực hiện tác phẩm, điều hiện lên trong cô là dải đất hình chữ S với đất đai trù phú, rừng bạt ngàn xanh và giàu tình người. Nữ họa sĩ nói sau hơn 20 năm bôn ba xứ người và trải qua cơn đại dịch, từ Mỹ, cô muốn về Việt Nam để tìm lại những gì còn thiếu trong tâm hồn. Những điều thiếu sót ấy không được Ly Trần kể ra cụ thể, bởi chính cô cũng thấy chúng mơ hồ. Chỉ là, cô muốn “về nhà” - về Việt Nam, để thỏa mong muốn bấy lâu của bản thân, xem quê hương giờ đây khác ra sao so với hình dung của cô nữ sinh ngày trước.
Ly Trần về nước một mình. Hành trang cô mang theo duy nhất là bức Hoa sa mạc, vẽ bụi xương rồng với những chiếc gai nhọn, mọc tua tủa đầy thân và trên ngọn là bông hoa đỏ cam rực rỡ. Tác phẩm được Ly Trần thực hiện tại Mỹ, trong thời gian cuộc sống có nhiều biến động. Về nước vào đầu năm 2023, cô gặp gỡ một số họa sĩ, bạn bè và bắt đầu hành trình vừa khám phá quê hương như một du khách, vừa sáng tác.
|
Chuỗi tác phẩm Ly Trần thể nghiệm bút pháp mới |
Ly Trần siêng vẽ, mạnh dạn thử nhiều phong cách và linh hoạt trong chủ đề. Có nhiều bức cô vẽ về tình yêu với quê hương thông qua tấm bản đồ Việt Nam hay TPHCM. Có khi cô tìm thấy cảm hứng với cánh đồng hoa atiso, khi thì vẽ nỗi niềm của người đàn bà bước vào tuổi 40 với sự kiêu hãnh nhưng cũng nhiều trăn trở, lúc lại tìm thấy niềm xúc cảm với hình ảnh 2 cô con gái song sinh của mình… Họa sĩ Ly Trần nói cô không đặt ra cho mình chỉ tiêu là phải vẽ bao nhiêu tác phẩm mà điều quan trọng là “nuôi” cho cảm xúc bên trong tròn đầy, để bức tranh có hồn, kết nối được với người xem.
“Tôi không thấy mình già khi bước vào tuổi 40 mà có cảm giác mình còn hồn nhiên, vô tư với cuộc đời. Vì còn hồn nhiên nên không ép được bản thân phải ngồi vào giá vẽ, cũng không ép phải vẽ những thứ mình không thích. Mọi thứ phải đến từ cảm xúc. Khi có đủ cảm xúc, tôi vẽ rất nhanh và cảm thấy hạnh phúc khi được làm việc. Người ta nói, dù có muốn né thì đâu đó, tranh cũng thể hiện cho phần nội tâm của người họa sĩ. Nên ở các tác phẩm của tôi, có nhiều bức cho thấy sự xung đột trong cảm xúc. Có bức mang gam màu lạnh lẽo, nói về sự cô đơn. Cũng có bức mang màu sắc tươi sáng, ấm áp” - họa sĩ Ly Trần chia sẻ.
Về Việt Nam gần tròn năm, Ly Trần tổ chức triển lãm cá nhân mang tên Đa sắc vào tháng 6/2023 tại Hà Nội. Cô tham gia liên tiếp triển lãm nhóm Những chân trời vô tận, The Nude 2 (cùng khai mạc trong tháng 10/2023) và Chào Sài Gòn (hiện đang diễn ra, kéo dài đến hết 3/12 tại Nguyen’s Art Garden, số 35 đường 103 Thạnh Mỹ Lợi, TP Thủ Đức). Với Ly Trần, lần trở về Việt Nam này quá thành công khi cô tìm được cảm xúc từ những điều thân thuộc và gặp gỡ, kết giao thân tình với đồng nghiệp, khán giả mến mộ hội họa.
Từng bỏ cuộc vì “cơm, áo, gạo, tiền”
Rời Việt Nam năm 2001, khi đang là cô nữ sinh với nhiều mơ mộng, Ly Trần đến Mát-xcơ-va (Nga), dành 7 năm theo học ngành mỹ thuật công nghiệp. Thời gian này, tình yêu hội họa trong Ly Trần càng lớn dần khi cô tìm thấy niềm vui từ màu sắc, chất liệu, nghiên cứu lịch sử ngành mỹ thuật. Nhưng rời trường học, Ly Trần bắt đầu “vỡ ra” khi xin làm việc tại một số nơi. Mọi thứ không dễ dàng cho một tân binh vừa tốt nghiệp và dù lúc này, vẽ tranh vẫn cho cô phút giây thư giãn, chúng không thể lấp đầy chiếc bụng đói, trang trải cuộc sống.
|
Hoạ sĩ Ly Trần bên cạnh bức vẽ bản đồ Việt Nam, đặt tại triển lãm Chào Sài Gòn |
Khá đau lòng nhưng Ly Trần chọn rẽ hướng sang kinh doanh. Khi đó, gia đình cô cũng chuyển sang Washington D.C. (Mỹ) định cư. Ngày qua ngày, Ly Trần làm việc và nuôi 2 bé gái song sinh. Thời gian rảnh rỗi, cô tìm lại cọ vẽ, giấy và màu cho thỏa nỗi nhớ nhung, nhưng không nghĩ được xa hơn vì còn nhiều thứ khiến bản thân bận tâm. Cho đến khi dịch COVID-19 bùng phát buộc mọi thứ phải ngưng trệ. Cuộc khủng hoảng của nhân loại cho Ly Trần nhiều thời gian để nghĩ ngợi. Cô tự trả lời những câu hỏi mà bản thân vẫn luôn đau đáu trước nay về công việc đang làm, vì sao niềm đam mê cháy bỏng với hội họa phải tạm gác lại, đâu là niềm vui sống thực sự…
“Tôi có nhiều nỗi lo, thậm chí có lúc không dám nghĩ quá nhiều. Những bức tranh được vẽ ra khi đó cũng tăm tối. Cho đến một ngày, khi đại dịch xảy ra và tôi có cơ hội nhìn lại. Tôi biết đâu là điều mình nên làm và tôi bắt đầu dừng công việc kinh doanh để vẽ trở lại. Tôi tích cực tìm cơ hội tham gia những sự kiện hội họa tại Mỹ. Ngày bán được bức tranh đầu tiên - bức trừu tượng mà tôi nghĩ khó có ai mua - trước sự chứng kiến của mẹ, tôi reo lên mừng rỡ, rằng tôi có lý do để bắt đầu trở lại với niềm đam mê hội họa” - Ly Trần chia sẻ.
Nữ họa sĩ nói Việt Nam là thị trường mới, đầy tiềm năng cho mỹ thuật phát triển. Còn Mỹ là thị trường mở, rất dễ để tiếp cận với người mua thông qua những sự kiện nghệ thuật được tổ chức chuyên nghiệp. “Cả 2 thị trường đều có những điểm riêng cần lưu ý. Nếu tôi muốn khẳng định bản thân, điều cần làm duy nhất là cần mẫn sáng tác. Tôi cũng hay nói đùa rằng cả đời danh họa Van Gogh chỉ bán được 1 bức thì có gì để tôi chùn bước, nhất là khi đã xác định tạm gác công việc, bắt đầu với đam mê” - nữ họa sĩ nói thêm.
Diễm Mi