Họa sĩ Lê Võ Tuyển: Nét cọ yêu đời, yêu người

22/11/2023 - 07:33

PNO - Lê Võ Tuyển theo hội họa từ rất sớm. Sinh ra và lớn lên ở Quảng Bình, Tuyển là con thứ hai trong nhà. Trước Tuyển là anh Lê Võ Tuân. Sau Tuyển là em trai Lê Anh Cẩn. 3 anh em đều thừa hưởng năng khiếu hội họa từ cha - họa sĩ Lê Anh Tân - và trở thành họa sĩ khi trưởng thành.

2 vùng đất quê hương

Xứ Quảng Bình đầy nắng và nhiều gió, họa sĩ Lê Anh Tân nuôi gia đình nhờ những đồng thù lao ít ỏi từ việc vẽ minh họa cho các báo. Món quà ông tặng cho các con là tình yêu thuần khiết với hội họa và những cuốn catalogue của các danh họa khắp thế giới được đóng thành sách, nâng niu như một tài sản quý báu. Anh em Tuyển chuyền tay nhau, lần lượt xem hết tranh này đến tranh khác.

Về sau, họa sĩ Lê Anh Tân làm thêm nghề vẽ quảng cáo. Tuyển nói anh nhớ như in những lần 3 anh em được theo cha đi vẽ biển quảng cáo. Màu vẽ, họa phẩm vừa là trò chơi thú vị, vừa là máu thịt và hơi thở khó tách rời. Tuyển nói cha và anh là thần tượng, ảnh hưởng trực tiếp đến anh trong hội họa. Nếu như Tuyển học được từ cha niềm đam mê khám phá những sáng tạo mới mẻ, không lặp lại thì anh học được ở anh mình tình yêu và nguồn năng lượng không bao giờ dứt với hội họa. 


Dù cùng theo đuổi hội họa nhưng tranh của 3 anh em Lê Võ Tuyển mang màu sắc rất khác nhau. Tranh của Lê Võ Tuân nổi tiếng khắp nơi và được các nhà sưu tập lùng sục mua nhưng không vì thế mà giữa anh em có khoảng cách. Tuyển nói, trong gia đình, 3 anh em thường có những chia sẻ, động viên và dễ thông cảm cho nhau. Tuy nhiên, khi làm việc, mỗi người có không gian riêng và độc lập. “Điểm chung giữa chúng tôi là luôn khao khát tìm cái mới theo cách riêng của mỗi người với những tư duy, lý tưởng riêng. Nhờ đó, tranh chúng tôi có đường hướng riêng mà không chịu ảnh hưởng hay nhầm lẫn nhau” - Tuyển chia sẻ. 

Nếu quê hương Quảng Bình mang đến cho Tuyển cảm giác thân thuộc về gia đình, người thân, tình hàng xóm thì Huế là nơi Tuyển được bồi dưỡng, định hướng để có những trải nghiệm, tìm hiểu về nghệ thuật. Cho nên, ở loạt tranh mới nhất có tên Hoa trong thành, Tuyển mang đến một viễn cảnh mơ mộng với nhiều hoài niệm. Các họa tiết, hình tượng trong không gian kiến trúc xưa cho đến những chạm khắc tinh tế từ các công trình, vật dụng đất Kinh kỳ được Tuyển đưa vào tranh một cách dễ chịu. Sự dễ chịu ấy không đến từ những sắc màu nịnh mắt mà bắt nguồn từ chiều sâu và sự tìm tòi, nghiên cứu tỉ mỉ. Từ họa tiết, chất men, ám họa trên bình, chén, bát cổ cho đến những hình tượng mang ý nghĩa biểu trưng trong kiến trúc cung đình Huế đều được anh quan sát kỹ càng, chọn lọc.

Về cái tên Hoa trong thành, Tuyển lý giải: “Những loài hoa có thể là tự nhiên, có thể là cổ văn, như hoa lá hóa rồng trên những họa tiết trang trí xuyên qua lịch sử và luôn mang vẻ đẹp trong trẻo, bền vững, sự phát triển, sinh sôi, uy nghi, say mê đầy lãng mạn… Tôi đưa tất cả vào tranh với tâm ý hòa quyện vào thiên nhiên, tương tác với đời sống hiện tại như một cách gợi nhớ, tôn vinh di sản văn hóa và giao thoa giữa hiện tại và quá khứ”. Loạt tranh lần này mang phong cách khác biệt so với trước đây. Không còn thiên về điểm họa hay đồ họa với ảnh hưởng từ các bậc thầy, giờ đây Tuyển đã làm chủ được chất liệu và thoải mái đi dạo trong không gian sáng tạo của anh đồng thời khẳng định dấu ấn riêng với cách vẽ chi tiết.

Mạch ngầm lạc quan

Tuyển vẽ nhiều chủ đề cùng lúc và đặc biệt chú ý đến chi tiết trong tranh, do đó, bức nào khổ nhỏ thì 3, 4 tháng mới hoàn thành; khổ to hơn thì 6, 7 tháng là chuyện bình thường. Hỏi Tuyển vẽ thế liệu có đủ tiền mua họa phẩm, anh cười: “Nếu có tiền, tôi chọn chất liệu tốt; mà ít tiền quá thì chọn những chất liệu thích hợp, vừa phải hơn”.

Dường như không có gì làm khó được Tuyển. Cũng không gì khiến anh rời bỏ được hội họa dù cuộc sống của Tuyển chẳng mấy dư dả. Tranh anh, dù là vẽ chủ đề nào cũng đều toát lên nét vui tươi, niềm lạc quan và sự thanh thản bởi Tuyển muốn qua tranh lan tỏa nguồn năng lượng tích cực đến người thưởng lãm.

“Cái đời thường dưới tấm lòng đa cảm, tài hoa lại trở nên thơ mộng. Ở Tuyển, những vấn đề cực kỳ đời thường dưới con mắt của một người có tấm lòng đa cảm, tài hoa cùng sự khéo tay thì trở thành thơ mộng. Dưới nét cọ của Tuyển, cảnh tĩnh, vô hồn biến thành sống động. Ngắm tranh của Tuyển sẽ thấy được chất thơ, lòng can đảm khi dám đi một bước khác hẳn người khác. Những ai thấy cuộc đời đáng yêu, những đôi trai gái đang yêu, những đôi vợ chồng hâm lại tình cảm hoặc những ai cô đơn muốn căn phòng ấm áp, treo tranh Lê Võ Tuyển sẽ thấy rằng: “Trời ơi, đẹp làm sao!”.

Bà Xuân Phượng - chủ phòng tranh Lotus Gallery

Tinh thần lạc quan, vui tươi của Tuyển được hun đúc một cách gián tiếp từ môi trường sống và những chuyến đi. Sống ở phố thị không dưới chục năm, cái tính chân thật của Tuyển chẳng những không phai mà còn thêm đậm vị. Khoảng năm 2012, một bảo tàng tại Hàn Quốc xem tranh của Tuyển đã rất thích thú và mời anh sang lưu trú, giao lưu cùng các họa sĩ khác trên thế giới. Tuyển thành khẩn chối từ vì “không đủ tiền để đi”. Cảm mến người họa sĩ tài năng và chân chất, bảo tàng sẵn sàng hỗ trợ hết các khoản phí. Chuyến đi ấy cho Tuyển tiếp xúc với nhiều người làm nghệ thuật và mở mang, củng cố thêm niềm lạc quan, vui sống vốn đã là mạch ngầm trong tranh Tuyển.

Lại hỏi làm sao giữ được tâm thế ấy khi cơm áo vốn chẳng đùa với “khách thơ”, Tuyển cười: “May nhờ vợ tôi quán xuyến, luôn ủng hộ chồng theo đuổi việc vẽ”.  2 lần nhắc đến vợ, lần nào Tuyển cũng nói bằng sự chân thành, rằng anh “may mắn”. Cái may ấy còn hàm ý cả niềm biết ơn và sự trân trọng dành cho người bạn đời khi Tuyển chỉ biết cắm đầu vào vẽ. Vợ Tuyển người Huế - nơi anh theo học mỹ thuật và làm việc suốt 5 năm sau khi tốt nghiệp. Người ta thường gắn phụ nữ Huế với các tính từ như tảo tần, yêu chồng con nhưng tôi nghĩ, ở vợ anh, ngoài những phẩm chất ấy, chị còn dành cho anh sự cảm thông, sẻ chia vô cùng lớn. 

7 năm vào Sài Gòn, chuyển nhà mấy lượt, khó khăn nào cũng trải nhưng vợ chồng Tuyển vẫn đồng cam cộng khổ. Lần có thêm con thứ hai, nhìn cảnh nhà thiếu trước hụt sau, xót vợ, thương con, Tuyển quyết cất hội họa qua một bên. Ban ngày, anh đi vẽ biển quảng cáo, tối về lại vào xưởng, vẽ đến 2-3 giờ sáng. Suốt hơn 1 năm như vậy, Tuyển nhận ra, thời gian dành cho vợ con quá ít, số tiền kiếm được cũng chẳng nhiều nhặn gì. Vợ Tuyển cũng nhận ra điều đó nên động viên chồng toàn tâm toàn ý trở lại với hội họa. Chị và chị ruột mở hàng ăn, bán mang đi. Những món ăn xứ sở qua bàn tay tảo tần của người phụ nữ càng thêm đậm đà.

Loạt tranh trong triển lãm Hoa trong thành
Loạt tranh trong triển lãm Hoa trong thành

Hỏi Tuyển có bao giờ vẽ vợ không, anh cười ngại ngùng. Yêu thương đó, hy sinh đó, tảo tần đó đâu dễ khắc họa thành hình. Lại hỏi: “Nếu con anh thích hội họa và muốn theo đuổi thì sao?”, trầm ngâm hồi lâu, Tuyển bảo anh sẽ không cấm cản nếu con thích. Nhưng… Trong chữ “nhưng” ấy chất chứa nhiều nỗi niềm của một người cha mải miết đi trên con đường gian nan. 

Tuyển nói, còn một người nữa anh mang ơn và ảnh hưởng không nhỏ đối với anh: bà Xuân Phượng - chủ phòng tranh Lotus Gallery. Bà là người đã mang tranh anh em Tuyển đến nhiều triển lãm quốc tế. “Tình cảm bà Phượng dành cho tôi từ những ngày đầu vào Sài Gòn đã giúp tôi có những bước phát triển tốt, nhiều năng lượng hơn để theo đuổi, làm việc hết mình” - Tuyển kể.

Những câu chuyện của Tuyển hiện lên chân thành và ấm áp. Không có triết lý sâu xa về nghề, không nói những điều đao to búa lớn, Tuyển đúc rút và cũng là tự nhắc. “Giá trị nghệ thuật sẽ tự nhiên sinh ra nếu họa sĩ làm việc nghiêm túc, cất lên tiếng nói của họ, của thời đại”. Đơn giản mà thấm thía! 

Hoàng Linh Lan

Nguồn ảnh: Lotus Gallery

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI