Họa sĩ Lê Thiết Cương: “Tìm thấy lòng mình là có nghệ thuật”

23/03/2021 - 06:32

PNO - Họa sĩ Lê Thiết Cương vừa trở lại với triển lãm ''Về bến lạ'', diễn ra từ ngày 12/3 tới hết ngày 12/4 tại L’Espace, 24 Tràng Tiền, Hà Nội. Anh nói, triển lãm “là lời cảm ơn bằng hội họa, bằng cái đẹp của tôi tới cụ Đặng Đình Hưng - người tôi coi là thầy”.

Bản dịch không phải ăn theo đuôi của bản gốc

Phóng viên: Lâu rồi mới thấy Lê Thiết Cương làm triển lãm cá nhân. Hẳn nhà thơ Đặng Đình Hưng là một nguồn cảm hứng rất lớn đối với anh?

Họa sĩ Lê Thiết Cương: Năm 1980, con trai cụ Đặng Đình Hưng là nghệ sĩ Đặng Thái Sơn đoạt giải nhất cuộc thi piano quốc tế Frédéric Chopin. Nhà nước cấp cho gia đình anh một căn hộ gần nhà tôi. Tôi xuất ngũ năm 1984, là hàng xóm, tôi hay chạy qua chơi, nghe cụ đọc thơ, nghe cụ nói chuyện trong suốt sáu năm trời trước khi cụ mất. Cụ cũng hay tổ chức các cuộc trà dư tửu hậu với các cây đa cây đề trong giới văn chương như Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Cầm… cho tới những họa sĩ bậc thầy như Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng, Dương Bích Liên… Cụ là người phát hiện ra hạt tối giản trong tôi, tặng tôi con đường tối giản để tôi đi về bến của mình. Cụ dạy tôi rất nhiều thứ. Không chỉ văn chương, hội họa, mà còn cả triết học, âm nhạc (phương Tây lẫn cổ nhạc Việt Nam). Để rồi, giờ đây, tôi có thể nghe được, hiểu được và thích được, chính là nhờ cụ. 

* Được biết, triển lãm nằm trong chuỗi sự kiện tưởng nhớ 30 năm ngày mất (1990-2020) và 100 năm ngày sinh (1924 - 2024) của nhà thơ, họa sĩ Đặng Đình Hưng…

- Đúng vậy. Hồi tháng Một, triển lãm Đặng Đình Hưng - Một bến lạ do tôi làm giám tuyển diễn ra từ ngày 26/12/2020 tới 28/2/2021 tại L’Espace (Hà Nội) và một cuốn sách cùng tên do Nhà xuất bản Hội Nhà văn xuất bản cũng được giới thiệu tới bạn đọc. Ngày 19/3, tại hội trường L’Espace, cũng diễn ra cuộc tọa đàm Từ thi ca đến hội họa với sự tham gia của tôi, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều và nhà thơ Nguyễn Thụy Kha… 

Ngoài ra, có sáu bài thơ nữa của cụ Đặng Đình Hưng chưa bao giờ được công bố. Bản thảo gốc tôi không có nhưng tôi có bản photocopy. Tôi cũng muốn làm thêm một cuốn sách khác, một tinh tuyển hoặc một tổng tập, cùng với những minh họa của mình (có thể không phải bằng tranh, mà mực nho trên giấy dó cũng rất đẹp).

* Từ thơ của Đặng Đình Hưng tới tác phẩm hội họa và gốm của Lê Thiết Cương, anh chỉ nhận tác phẩm của anh là “bản dịch”?

- Tôi không nghĩ đây là minh họa thơ - theo nghĩa đen. Tôi coi đây là “bản dịch” từ thơ sang họa. Thử nghĩ xem, có từ nào chuẩn xác hơn? Mà dịch cũng mang dấu ấn của nó. Nó không phải ăn theo đuôi của bản gốc. Ở đây, thơ vẫn là chủ thể; còn bản dịch sang hội họa bằng bố cục, màu, hình, đậm nhạt, bột màu, gốm, sơn dầu… Đó là cuộc đối thoại giữa thi ca và hội họa. Bởi đây là những bức tranh lấy cảm hứng từ thơ của cụ Đặng Đình Hưng nên tôi không đặt tên tranh. Mỗi tác phẩm tạm gọi một là chú thích, được dẫn từ những câu thơ hoặc bài thơ mà tôi đọc và có cảm hứng. Tên là Về bến lạ, nên ngay lời giới thiệu, chú thích tranh, tôi cũng làm lạ đi, không theo lối bình thường. 

Triển lãm  Về bến lạ nằm trong chuỗi sự kiện tưởng nhớ 30 năm ngày mất  (1990 - 2020) và 100 năm ngày sinh (1924 - 2024) của nhà thơ, họa sĩ Đặng Đình Hưng...
Triển lãm Về bến lạ nằm trong chuỗi sự kiện tưởng nhớ 30 năm ngày mất (1990 - 2020) và 100 năm ngày sinh (1924 - 2024) của nhà thơ, họa sĩ Đặng Đình Hưng...

Nghệ sĩ là đi tìm mình

* Anh từng nói, mỗi lần triển lãm, anh muốn đưa ra một khía cạnh khác của nghệ thuật tối giản. Lần này, là gì, thưa anh?

- Tôi chưa thấy ai vẽ về tác phẩm của một nhà thơ và đưa tất cả vào trong cùng một triển lãm. Có rất nhiều nhà thơ vĩ đại trên thế giới được nhiều người vẽ khác nhau. Tôi cũng từng làm triển lãm về Trịnh Công Sơn nhưng là mời 15 họa sĩ tự chọn bài hát/câu hát yêu thích để minh họa cho âm nhạc của ông bằng tác phẩm hội họa. Tôi cũng từng minh họa những câu thơ thiền của nhiều tác giả qua các triển lãm trước. Triển lãm lần này đặc biệt nhất là vì vậy. Chỉ tập trung vào một nhà thơ thôi. 

* Xin hỏi anh, việc tìm ra cái vân tay của mình trong nghệ thuật có ý nghĩa ra sao?

- Lúc đầu, tôi đi đến chỗ đó, tôi tưởng đó là tôi. Tôi vẽ tối đa. Cụ Đặng Đình Hưng chỉ ra hạt tối giản trong tôi, tức là chỉ ra cái tôi đang có mà tôi không biết. Nghệ sĩ và người tu hành phật giáo có một điểm chung: đi tu là trở về mình, nghệ sĩ là đi tìm mình. Nghệ thuật là thế. Khi bạn tìm ra được vân tay của mình, bạn có nghệ thuật. Bạn tìm thấy lòng mình là có nghệ thuật. Tất cả những bậc thầy về nghệ thuật trên thế giới, đều là những người tìm được vân tay của mình.

* Trong các giai đoạn của đời người mà Khổng Tử nói, có đoạn: “… ngũ thập nhi tri thiên mệnh, lục thập nhi nhĩ thuận, thất thập nhi tòng tâm sở dục bất du củ”. Ý là: 50 tuổi biết được cái mệnh trời, 60 tuổi nghe thông phải trái, 70 tuổi theo lòng mình mà hành động và không vượt khỏi cái khuôn khổ của chân lý. Họa sĩ Lê Thiết Cương xấp xỉ 60 tuổi rồi, anh biết gì?

- Tôi biết rằng, đã đến lúc mình phải hài hòa và cân bằng. Trong Phật học, có một vị được xem là “bộ não” của Phật giáo. Ông chủ trương là trung đạo, là tìm trong lòng mình. Phật dạy: bên kia là niết bàn. Nhưng Phật cũng dạy: Ngoái đầu là bờ. Ấy là trung đạo. Trung đạo rất quan trọng. Với người làm nghệ thuật, không có tên tuổi, cũng khổ. Nhưng mải miết chạy theo điều đó, cũng chết. Như tôi, nhờ có một chút tên tuổi, nên cũng gặp nhiều thuận lợi, nhưng cũng gặp không ít nhục nhã vì tên tuổi. Nói phải trung đạo là vì thế. 

Cốc Vũ (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI