Họa sĩ Lê Thiết Cương “phổ họa” cho "Truyện Kiều”

14/04/2022 - 10:29

PNO - Ở cuốn “Truyện Kiều – Nguyễn Du/Lê Thiết Cương – 24 tranh” mới ra mắt tại Hà Nội, Lê Thiết Cương “phổ họa” vào Kiều theo kiểu của riêng Lê Thiết Cương.

Trước họa sĩ Lê Thiết Cương, đã có nhiều bậc thầy từ thế hệ họa sĩ Đông Dương đến các thế hệ sau đều có nhiều tác phẩm về Kiều.

Lê Thiết Cương tìm cho mình cách đi riêng, đó là “phổ họa” vào Kiều theo phong cách tối giản với chất liệu bột màu trên vải màn bồi giấy dó.

Đây là cuốn Truyện Kiều có nhiều phụ bản mầu nhất của một họa sĩ từ trước đến nay.
Đây là cuốn Truyện Kiều có nhiều phụ bản mầu nhất của một họa sĩ từ trước đến nay.

Cuốn sách có hai phần. Phần đầu là 24 bức tranh được Lê Thiết Cương vẽ trên cảm hứng từ những câu Kiều kèm theo là những dẫn giải của họa sĩ như một cách trò chuyện gợi ý để độc giả khám phá thêm vẻ đẹp của Truyện Kiều.

Mỗi bức tranh vẽ Kiều sẽ có một câu thơ ngắn của nhà thơ Nguyễn Thụy Kha sáng tác từ câu thơ Kiều và bức tranh đó hòa thành một bản tam tấu thơ – họa – thơ vô cùng hấp dẫn.

Phần thứ hai là toàn bộ nội dung Truyện Kiều của Nguyễn Du theo bản in Nguyễn Du – Truyện Thúy Kiều của Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim hiệu khảo, ấn bản đầu do Vĩnh Hưng Long in năm 1925.

 

Lê Thiết Cương nói: “Vẽ Kiều là dịch Kiều từ thơ sang họa, là phổ họa vào Kiều như nhạc sỹ phổ nhạc một bài thơ, như Kiều ca của nhạc sỹ Phạm Duy, opera Kiều của Trần Quảng Nam”.

Theo họa sĩ, một bức tranh Kiều đẹp sẽ nói được cả những điều dưới mặt chữ. Đã có nhiều cuốn Truyện Kiều có phụ bản trong hơn một thế kỷ qua. Vẽ Kiều chỉ là một nét nữa thêm vào bức tranh thi họa đó.

 

 

 

 

 

Ngoài 24 bức tranh vẽ Kiều của họa sĩ Lê Thiết Cương, sự kiện còn trưng bày bộ sưu tập những cuốn sách Kiều quí hiếm của nhà sưu tập Nguyễn Duy Cường (Sách Vipen): Truyện Kiều bản đặc biệt số 0 – bản Nôm Hoàng gia triều Nguyễn lưu tại Thư viện Anh quốc. Đây là bản truyện Kiều Nôm được minh họa đầu tiên tại Việt Nam ngay sau khi Nguyễn Du mất.

Còn có Truyện Kiều dẫn giải của Hồ Đắc Đàm, tu nghiệp tại Quốc Tử Giám, xuất bản năm 1929 tại Huế; Truyện Kiều do Rene Crayssac dịch ra tiếng Pháp hay nhất in năm 1926; Kim Vân Kiều, Nhà xuất bản Văn học tại Paris ấn hành năm 1951 gồm 6 phụ bản tranh của các danh họa: Mai Trung Thứ, Lê Thị Lựu, Sekiguchi, Lê Phổ, Vũ Cao Đàm, Phạm Thúc Chương…

Tin & Ảnh: C.Vũ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI