Hoạ sĩ Huỳnh Lê Nhật Tấn đi tìm “nguồn gốc nỗi buồn”

27/03/2022 - 14:36

PNO - Hoạ sĩ Huỳnh Lê Nhật Tấn cho biết anh vẽ tranh giữa 2 thái cực cảm xúc, giữa hạnh phúc và khổ đau, trong hành trình đi tìm căn nguyên nỗi buồn.

Trước khi được khán giả biết đến với danh xưng hoạ sĩ, Huỳnh Lê Nhật Tấn là nhà thơ khá cừ khôi. Anh ít ra mắt thi phẩm mới nhưng mỗi lần giới thiệu, thơ anh được chú ý, tạo được tiếng vang nhất định với 2 tập thơ tự do Men da (2009) và Que than (2017).

Đến nay, anh giới thiệu tập sách mỹ thuật Vết căn nguyên (tháng 3/2022) và trích từ sách này ra 28 tranh để làm triển lãm cá nhân lần 2. Triển lãm cá nhân lần đầu với thể loại tranh thơ art graphic Dấu nối sinh tồn (2007) từng diễn ra tại Viet Art Centre (42 Yết Kiêu, Hà Nội).

Clip hoạ sĩ Huỳnh Lê Nhật Tấn chia sẻ về triển lãm:

 

Còn lại, thỉnh thoảng ông tham gia các triển lãm nhóm như sắp đặt nghệ thuật thơ Trong bé nhỏ đến rộng lớn (2010) tại Văn Miếu, Hà Nội. Trình diễn và sắp đặt thơ Những nấc thang (2010) tại Festival Huế, Thừa Thiên - Huế. Triển lãm Mỹ Sơn - cảm xúc mới (2013) tại Mỹ Sơn, Quảng Nam…

Hoạ sĩ Huỳnh Lê Nhật Tấn cho biết ông đến với hội hoạ muộn hơn, chỉ chừng 10 năm trở lại, non trẻ so với nhiều người nhưng có nhiều thời điểm, ông bị cuốn vào việc vẽ tranh, đam mê mãnh liệt.

Hoạ sĩ Nhật Tấn tại triển lãm cá nhân lần thứ 2.
Hoạ sĩ Nhật Tấn tại triển lãm cá nhân lần thứ 2

“Trong triển lãm lần này, tôi giới thiệu 28 bức tranh, mỗi bức tranh đều diễn tả thân phận của con người giữa buồn đau và hạnh phúc, cũng như đi tìm chân lý của cuộc đời. Tôi vẽ những bức này trong thời gian khá dài, từ 5 đến 6 năm và có thời điểm bị lún sâu vào.

Trong những tranh tôi vẽ, có bức màu sắc rực rỡ, loé sáng lên nhưng nhiều bức khác màu tối, mang tính u buồn, thể hiện rõ tâm trạng ngay thời điểm đó của con người. Tôi muốn đi tìm căn nguyên của nỗi buồn bằng tranh. Đôi khi, tôi muốn các tranh đều sáng, rõ nhưng tôi vẽ theo trường phái tranh biểu hiện pha với trừu tượng với một số biểu tượng như những giọt nước, những hình hài, tảng đá... hay biểu tượng do chính tác giả đặt ra như thể thách đố người xem lý giải theo cảm nhận của riêng mình”, hoạ sĩ Nhật Tấn chia sẻ.

Tập sách
Tập sách nỹ thuật cùng tên với triển lãm - Vết căn nguyên

Nam hoạ sĩ nói trong thơ và hoạ của anh có sự giao thoa với nhau. Chúng không tồn tại độc lập mà bổ trợ cho nhau. Sự bén duyên với hội hoạ dẫu có muộn hơn nhưng vẫn kịp để anh có thêm một hình thức biểu lộ những tâm tư còn chưa nói hết bằng thơ.

Tranh hay thơ của “gã say” nghệ thuật này trong thời gian gần đây, đặc biệt sáng tác sau thời điểm dịch COVID-19 xuất hiện bắt đầu có chất siêu thực. Anh bảo bản thân nhìn thấy nhiều sự đau khổ, túng quẫn, bi thương xung quanh mình. Dẫu hạnh phúc, niềm vui vẫn tồn tại, không bị mất đi nhưng phần nào đó tâm hồn con người trải qua đau thương trở nên yếu mềm, có nỗi phẫn uất.

Triển lãm Vết căn nguyên đang diễn ra tại Mây Artspace (36/70 Nguyễn Gia Trí, phường 25, quận Bình Thạnh, TPHCM) từ nay đến hết ngày 3/4.

Một số hình ảnh tại triển lãm:

Diễm Mi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI