Họa sĩ Hoài Phương - Cây cội nguồn hiện diện trong từng phân tử

11/02/2024 - 06:51

PNO - Sống tại miền Bắc nước Ý, Hoài Phương có một gia đình hạnh phúc với người chồng Ý và 2 con trai nhỏ. Theo học kinh tế, Phương rẽ lối thành họa sĩ với những tác phẩm thấm đẫm chất phương Đông. Cô đã có triển lãm đầu tiên mang tên “Tụng ca vô thường” gồm 30 tác phẩm họa theo thơ Haiku của thi sĩ Pháp Hoan, đánh dấu bước ngoặt lớn trong sự nghiệp và cuộc đời.

Một cuộc đời mơ

Phóng viên: Được biết trước kia Phương không học nghệ thuật, nhưng 6 năm gần đây Phương bắt đầu cầm bút vẽ, vì sao vậy?

Họa sĩ Hoài Phương: Tôi thích vẽ từ bé, hầu như cuốn vở đi học nào cũng đầy hình vẽ ở những trang cuối, nhưng khi đối diện những nguyện vọng nghề nghiệp cuối năm cấp III thì tôi chọn quản trị kinh doanh. Tuy nhiên càng học tôi càng thấy mình chọn sai, nên khi sang Mỹ du học, tôi quyết định đổi sang ngành thiết kế đồ họa. 

Họa sĩ Hoài Phương
Họa sĩ Hoài Phương

Ở Mỹ tôi không có nhiều bạn bè, sau giờ học ở trường, tôi giải khuây bằng việc vẽ tranh, dần dà thú vui thời bé sống lại. Tôi thấy mình như miếng bọt biển, vẽ đến đâu thấm đến đó, và dù không có sự hướng dẫn bài bản, tôi nhận ra rằng mình có thể vẽ được. Ngành đồ họa ở trường học khá sơ sài, tôi không hài lòng với những đồ án mình làm ra nên đã xin giáo sư trưởng ngành cho tôi thay thế bằng những bức tranh vẽ cho triển lãm tốt nghiệp, và cô ấy đã đồng ý. Khi đứng đối diện những bức tranh được treo trong khán phòng vắng vẻ, đó là lần đầu tiên tôi nhen nhóm suy nghĩ trở thành họa sĩ. Càng dấn thân vào con đường này, tôi càng nhận ra nó không đơn giản chỉ là một lựa chọn nghề nghiệp, mà là tiếng gọi trong lòng. Thật may mắn vì dẫu đã nhiều lần lựa chọn sai trong quá khứ, nhưng cuối cùng tôi đã hồi đáp được tiếng gọi đó. Được vẽ đối với tôi là một hạnh phúc. 

* Khi gặp thơ Pháp Hoan, phải chăng đã có sự bùng nổ về cảm xúc để Phương vẽ lên những tác phẩm cũng rất thơ?

- Bài thơ haiku đầu tiên của Pháp Hoan mà tôi đọc được là “Tám vạn bốn nghìn cây”: “Dưới chân núi phía tây/ tôi đi vào chốn ấy/ tám vạn bốn nghìn cây.” Pháp Hoan viết về tâm tư một nhà sư khi dấn thân đi khu rừng của tám vạn bốn ngàn giáo lý nhà Phật, điều này cũng đúng với tôi, một họa sĩ chập chững vào nghề, và cõi nghệ thuật thì khôn cùng rộng lớn với bao nhiêu kiến thức, bao nhiêu trường phái và xu hướng, bản thân tôi như người đi lạc không có đến một chiếc la bàn dẫn lối. Vì đồng cảm mà tôi đã họa lên bức vẽ đầu tiên, với một cây bút mực, tôi vội vàng sợ hình ảnh đó tuột đi mất. 

Tôi chính là cành lá, là hoa, là quả... 

* Có thể dễ dàng nhận thấy hơi thở của phương Đông hay cái gọi là căn tính, cội nguồn trong từng nét vẽ của Phương?

- Đúng vậy, vấn đề căn tính và cội nguồn luôn thường trực trong suy nghĩ của tôi. Một hình ảnh tôi hay đưa vào tranh là những cái cây và gốc rễ - biểu tượng tôi yêu thích. Cái cây khỏe khoắn, cành lá vươn tỏa với những chiếc rễ bền chặt cắm sâu vào lòng đất như bao nhiêu thế hệ tổ tiên mình, và tôi chính là cành lá, là đóa hoa, là quả ngọt của cái cây đó. Dù tôi có là cái cây bị cắt rời, bứng đi nơi khác, thì dấu vết của cái cây nguồn cội đó luôn hiện diện trong từng phân tử của mình. 

 

Côn trùng kêu vang bên trong tượng Phật ngôi chùa bỏ hoang - Thơ Haiku của Pháp Hoan được Hoài Phương minh họa bằng tranh.
"Côn trùng kêu vang bên trong tượng Phật ngôi chùa bỏ hoang" - Thơ Haiku của Pháp Hoan được Hoài Phương minh họa bằng tranh

* Ngoài ra còn có rất nhiều suy tư về sự tồn tại, hiện sinh có thể thấy rõ ràng trên tác phẩm của Phương, phải chăng vì chúng luôn thường trực trong tâm trí của chị?

- Đúng thế. Bên ngoài những tác phẩm minh họa cho haiku Pháp Hoan, tôi luôn tò mò và hứng thú với những câu hỏi mang tính hiện sinh. Ta là ai, ta đến từ đâu, ta sẽ đi về đâu, sự tồn tại của con người là gì trong một vũ trụ rộng lớn và chắc chắn sẽ lụi tàn trong băng giá, cái gì chờ đợi ta bên kia ranh giới cửa tử...? Nhiều rất nhiều những câu hỏi mà nghĩ đến là tôi thấy lặng người trong kính sợ. Tôi yêu thích những thước phim tài liệu về sự sống, về vũ trụ, bởi chúng khơi dậy trong tôi cảm thức vô thường về sự tồn tại của mình, của tất thảy mọi thứ. Địa cầu mà ta đang sống đây, nếu đặt trong hệ quy chiếu của vũ trụ thì cũng khác gì một tế bào bé nhỏ trên lòng bàn tay? 

* Phương thường sử dụng chất liệu gì ở Ý cho các tác phẩm của mình?

- Hội họa của tôi là sự kết hợp giữa màu nước và kỹ thuật vẽ truyền thống Á Đông. Khi mới bắt đầu học phương pháp vẽ này, tôi rất trăn trở về vấn đề nguyên vật liệu. Tôi từng nghĩ, nếu vẽ kiểu Đông phương thì tất nhiên ta phải mang hết họa cụ từ châu Á sang nó mới “thuần khiết”, nhưng rồi tôi nhận ra không cần phải như vậy. Bột màu đến từ khoáng thạch, nghiền ra từ đất, và đất phương Đông hay phương Tây thì như nhau cả mà thôi. Sự mềm dẻo và linh hoạt trong việc chọn lựa nguyên liệu khá quan trọng, bởi việc vận chuyển từ đầu này sang đầu kia trái đất luôn phiền hà, đắt đỏ. Ví dụ tranh sơn dầu, vốn là một chất liệu đến từ châu Âu, nhưng hiện rất nhiều họa sĩ châu Á sử dụng mà vẫn thể hiện được trọn vẹn tinh thần Á Đông trong tác phẩm. Nếu tôi có phương Đông trong lòng, thì tự khắc nó sẽ hiển lộ trong tác phẩm. 

* Xuân hạ thu đông trong bộ tranh của Phương như sự thể hiện sinh - hoại - trụ - diệt một vòng xoay của tạo hóa nhân sinh, Phương có thể chia sẻ đôi chút về điều này?
- Khởi nguồn của bộ tranh này vào năm 2021 với niềm cảm hứng của tôi đến từ cây mơ 50 năm tuổi trong vườn nhà ba mẹ chồng. Tôi quan sát cái cây đó qua 4 mùa trong năm, rồi chợt nhận ra nó thật giống đời người đi qua sinh, lão, bệnh, tử. Tôi đã thể hiện ý tứ này qua bức Một cuộc đời mơ: 4 mùa tiếp diễn trên một cành mơ từ khi đơm hoa, bung lá, kết trái, rồi úa tàn mục rữa khi mùa thu đến, để lộ một khúc xương tay buông thõng. Sau 3 năm, tôi đã phát triển thêm 3 bức tranh khác hợp thành bộ tranh 4 mùa.

Mỗi tranh là một chiêm nghiệm về cuộc đời, về vòng sinh diệt, mỗi tranh đều được lồng ghép một chi tiết nhỏ của cơ thể người nhằm thể hiện sự tương quan mật thiết giữa con người với thiên nhiên. Tôi có lẽ đang ở trong mùa hè của cuộc đời mình, tâm trạng thì đã chớm thu, nhưng 2 đứa bé của tôi - nguồn cảm hứng to lớn cho hội họa và cuộc đời này - là những đóa hoa chỉ vừa kết thành trái nhỏ của mùa xuân, nên chắc chắn tôi sẽ còn quay lại câu chuyện của mùa xuân trong những bức tranh sắp tới. 

* Bao nhiêu tết Phương xa xứ rồi, và tết đọng trong Phương điều gì? 

- Lại một mùa xuân tôi không về được Việt Nam. Đêm giao thừa tôi sẽ bày một ít trái cây, một đòn bánh tét chỗ tượng Phật và thắp hương, mở vài bản nhạc xuân. Tôi nhớ nhất những ban thờ đêm giao thừa người ta bày trên vỉa hè. Mỗi gia đình có một cách bày mâm ngũ quả và đồ cúng riêng biệt, tất cả đều được bày biện một cách thành kính, phản chiếu đời sống tâm linh tín ngưỡng của người Việt. Những đoạn ký ức đêm giao thừa đó luôn sống động trong tôi mỗi dịp tết đến.

* Xin cảm ơn sự chia sẻ của Phương. Chúc Phương và gia đình những mùa xuân hạnh phúc. 

Codet Hanoi (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI