“Vạn vật không có gì đứng yên, cũng không có gì đứng độc lập. Chúng được gắn kết với nhau như cấu trúc tinh thể ở cấp độ vi mô nhất. Tôi mong muốn những “cấu trúc” gắn kết vạn vật, giữa người với người, giữa con người với tự nhiên luôn vững chắc, thẳng tắp và trong suốt như cấu trúc kim cương” - chia sẻ của họa sĩ Đinh Quân về cảm hứng cho 40 tác phẩm trong triển lãm mới nhất của anh có tên Bụi tinh vân phần nào cho thấy cách anh đón nhận những gì đang hiện hữu.
Từ lâu, Đinh Quân định danh tên anh gắn với dòng sơn mài trừu tượng, biểu ý hơn biểu hình. Ở Bụi tinh vân, không quá khi nói biểu ý đó đã đạt đến trạng thái trác tuyệt. Càng ngạc nhiên hơn khi mới năm trước, Đinh Quân “tái xuất” sau hơn 1 thập niên “ẩn mình”, với triển lãm gây tiếng vang chẳng kém: Thiên khải. Tôi thấy một Đinh Quân suy tư, tự vấn các vấn đề lớn hơn nhưng bình yên hơn, cũng đã thôi gào thét như loạt triển lãm Hát trên bãi cỏ xanh vào năm 2009.
|
Họa sĩ Đinh Quân (thứ hai, từ phải sang) chụp ảnh cùng bạn bè tại triển lãm Thiên khải |
Về kỹ thuật, theo họa sĩ, nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Quân, Thiên khải tuy tiếp nối nghệ thuật sơn mài truyền thống nhưng đã thoát ly khỏi hiệu ứng vàng son lộng lẫy để đạt tới một phổ biểu hiện rộng và riêng có. Ông nhấn mạnh: “Nó có thể gấp gáp, bung phá kiểu De Kooning, rối rắm mà buông lơi yểu điệu kiểu J.Pollock hay âm ỉ nồng nàn và sâu trầm, mê hoặc kiểu M.Rothko”.
Họa sĩ Đinh Quân (sinh năm 1964) sinh ra tại TP Hải Phòng, học chuyên ngành sơn mài và tốt nghiệp Trường đại học Mỹ thuật Việt Nam năm 1990. Anh là một trong những họa sĩ đương đại danh tiếng ở Việt Nam, với các tác phẩm nghệ thuật được triển lãm ở 15 quốc gia và góp mặt trong nhiều bộ sưu tập quan trọng ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Nghệ thuật Singapore, Bảo tàng Nghệ thuật châu Á Fukuoka - Nhật Bản, Phòng trưng bày Nghệ thuật quốc gia Malaysia và nhiều bộ sưu tập tư nhân trên thế giới. Ông là 1 trong 20 họa sĩ Việt Nam có mặt trong triển lãm Tranh sơn mài Việt Nam: một thời kỳ mới tại Trung tâm Triển lãm Oakland (California, Mỹ) năm 2000. |
Giám tuyển David Willis cho rằng Đinh Quân đã có một bước chuyển mình lớn trong phong cách sáng tạo. Thiên khải không chỉ hàm chứa những hình tượng đơn thuần vật lý như vụ nổ Big Bang, quả trứng vũ trụ “cosmic egg” hay các neuron thần kinh đang hoạt động trong não bộ con người mà còn là sự giao thoa giữa đạo học phương Đông với hình tượng cánh cửa Huyền tẫn của Lão Tử cùng minh triết phương Tây qua những ảnh chiếu về hang động của Platon.
Có thể xem Bụi tinh vân là triển lãm nối tiếp mạch cảm hứng vũ trụ của Thiên khải nhưng các ý niệm đã được bóc tách và đi sâu vào khai thác con người cá nhân, đúng hơn là quan sát và ghi lại, nắm bắt những gì mơ hồ nhất trong suy nghĩ của con người ở những khoảnh khắc khác nhau.
|
Tác phẩm Không đề 5 |
Đặt con người trong tương quan với thiên nhiên, con người luôn thấy bé nhỏ. Đặt con người vào vòng tròn vũ trụ bao la, mỗi chúng ta đều chỉ là một hạt bụi. Nhưng trong tranh Đinh Quân, ngay cả một hạt bụi cũng có ánh sáng riêng, có những kết nối riêng. Ý nghĩa đó khiến mỗi hạt bụi không tồn tại riêng lẻ mà song hành, từ đó kiến tạo nên những điều lớn lao. Nhìn tổng thể, các tác phẩm không chỉ là ngôi đền phụng thờ với linh hồn cá nhân (tiểu ngã) mà còn với linh hồn vũ trụ (đại ngã). Cả hai thứ thống nhất trong tâm thức của mỗi người. Điều này được minh chứng rõ qua sự sản sinh của một con người mới, sự cách tân của chính họa sĩ.
Các tác phẩm trong lần trở lại này của Đinh Quân cho thấy sự chín muồi của phong cách “tinh triết sơn mài” (Lacquer Abstract). Sơn ta tự nhiên và sơn Nhật công nghệ được họa sĩ sử dụng hài hòa một cách dịu dàng, điệu nghệ. Trao đổi thêm về mối tương quan giữa những chất liệu cũ và mới được thể nghiệm, ứng dụng trong loạt tranh này, họa sĩ cho biết: “Tôi sử dụng nhiều thứ vật chất và tận dụng triệt để tính ưu việt của các họa phẩm, kiến thiết sự tương tác giữa chúng tạo những xung động thị giác. Một số tác phẩm, tôi dùng bột ngọc trai và bột dạ minh châu kết hợp với nhau thành một chất liệu lung linh huyền ảo tạo nên những mảng đậm nhạt lớp lang đa chiều. Tôi đặt những hình thể trong đó, khiến hình thể đó như trôi lơ lửng trong các chiều không gian. Nếu nhìn kỹ, chợt thấy tâm mình chuyển động, chứ bức tranh không chuyển động”.
Hãy làm việc, niềm vui sẽ chọn mình
Phóng viên: Thưa anh, có thể xem Bụi tinh vân là mạch nối tiếp của Thiên khải năm 2023?
Họa sĩ Đinh Quân: Để có triển lãm lần này với Wiking Salon, cho tôi được kể một câu chuyện sâu xa, bắt nguồn từ bà Xuân Phượng - sáng lập phòng tranh Lotus - cũng là người tôi vô cùng kính trọng. Tôi tham gia phòng tranh của cụ thuở mới tốt nghiệp và có lẽ là họa sĩ trẻ nhất. Dù chỉ gắn bó một thời gian, tư duy nghệ thuật của tôi cũng thay đổi nhưng tôi luôn biết ơn cụ đã dìu dắt và trao cho mình cơ hội. Dịp sinh nhật 90 tuổi, khi bàn giao phòng tranh cho Wiking bây giờ, cụ gợi ý cho tôi làm một triển lãm với phòng tranh mới. Tôi không do dự mà nhận lời ngay vì lòng biết ơn cụ và còn vì tôi ngưỡng mộ gia đình của Wiking - một gia đình có văn hóa, yêu nghệ thuật và rất trân trọng nghệ sĩ cũng như nhân văn với thế hệ nghệ sĩ trẻ qua quỹ Lotus.
Trở lại câu hỏi của bạn, tôi cho rằng người làm nghệ thuật luôn cần làm điều gì đó mới mẻ mỗi lần xuất hiện trước công chúng. Tôi không muốn lặp lại, không muốn giới hạn mình, vì thế luôn phủ nhận mình. Tôi phủ nhận mình để sáng tạo chứ không phủ nhận quá khứ vì quá khứ chính là nền tảng của hiện tại. Nhà văn viết nhật ký đời mình bằng ngôn ngữ văn chương, họa sĩ “viết” bằng tác phẩm tạo hình. Hãy dùng ngôn ngữ tạo hình viết nhật ký cho cảm xúc, cho sự nhận biết. Mà cảm xúc hay sự nhận biết trong cuộc sống con người không ngày nào giống ngày nào. Nó luôn thay đổi, từ tấm thân vật lý cho đến tâm lý, tâm hồn, từng giây từng phút. Bụi tinh vân bắt nguồn từ Thiên khải nhưng nội hàm, hình thức khác đi.
|
Tác phẩm Không đề 26 |
* 40 tác phẩm lần này đa phần đều là tranh khổ lớn. Anh chuẩn bị bao lâu để hoàn thành?
-Đôi khi, ta hình thành những ý tưởng, ta phác thảo điều này điều kia nhưng chỉ là phác thảo, để phát triển thành tác phẩm là quá trình rất dài. Vẽ là loại hình nghệ thuật đặc biệt. Ngay cả khi thân tâm hợp nhất nhưng bàn tay không chiều theo trí tưởng tượng thì sáng tạo cũng hỏng. Lời hứa với bà Phượng, với Wiking giúp tôi quyết liệt, nhất tâm để làm việc hết mình. Trong cuộc sống, khi ta quyết tâm, chưa biết tốt hay xấu nhưng chắc chắn ta sẽ làm được điều gì đó. Rất may, cuối cùng Bụi tinh vân cũng thành hình và tôi rất mãn nguyện.
* Anh có thường rơi vào trạng thái mường tượng như thế nhưng khi vẽ, tác phẩm lại không như mong đợi?
- Tôi chắc chắn là bất kỳ nghệ sĩ nào cũng từng đôi lần rơi vào trạng thái này. Nếu chỉ vẽ theo phác thảo, bức tranh sẽ thiếu vắng tâm hồn. Tôi luôn tâm niệm phải vượt qua phác thảo, phải thực sự làm việc thì sáng tạo mới hình thành. Mình nghĩ là như thế nhưng khi cầm cọ sẽ có những bất ngờ dẫn dắt cảm xúc, rất kỳ diệu. Khi ấy, phác thảo ban đầu không còn là phác thảo, thậm chí khác xa, kể cả nội hàm - ý tưởng gốc cũng thay đổi. Đó là điều thú vị khi làm công việc sáng tạo. Chính những nguồn cơn như thế khiến ta đam mê, thôi thúc ta làm việc mỗi ngày.
Gạt bỏ bụi trần, vươn đến tự do sáng tạo
* Làm sao nuôi dưỡng nguồn cảm hứng để không cảm thấy “chán” mình?
- Cảm hứng không chỉ đến từ những tác động bên ngoài vào nhận thức mà còn đến từ quá trình làm việc, nâng mình bay bổng. Khi được chính sáng tạo dẫn dắt, ta sẽ thấy thời gian một ngày quá ngắn ngủi, thấy mình cần sức khỏe nhiều hơn để khám phá, giãi bày thế giới bên trong nhiều hơn. Đồng thời, trong quá trình làm việc, họa phẩm và chất liệu tương tác cũng dẫn dắt, tác động đến ta. Cảm giác mỗi lần vẽ như đang bước vào một cuộc chơi kỳ diệu, mình làm thứ mà mình không biết trước. Mỗi ngày, ta không chọn niềm vui mà đôi khi niềm vui chọn mình.
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, đây là một sự thách thức. Vì cảm xúc được dẫn dắt vô thức, đòi hỏi nghệ sĩ phải kiểm soát được nó. Nếu chỉ mải mê đuổi theo cảm xúc, tranh dễ rơi vào trạng thái tự nhiên chủ nghĩa. Nguyên tắc của nghệ thuật tạo hình, ngoài cảm xúc còn có lý trí thể hiện qua bố cục. Đương nhiên, đây không phải là công thức gì ghê gớm. Nó dựa trên nền tảng kiến thức, từ nhà trường, nội tại cá nhân, sự chiêm nghiệm, môi trường sống… Tất cả tạo nên một tác phẩm hoàn chỉnh.
|
Tác phẩm Không đề 40 |
* “Mỗi lần xuất hiện không lặp lại” - tâm niệm này là động lực nhưng hẳn cũng mang đến cho anh không ít áp lực?
- Đúng là như vậy. Từ trước đến nay, tôi làm không ít triển lãm cá nhân mà lần nào tôi cũng thấy ngạc nhiên, không hiểu sao mình làm được như thế! Bây giờ nghiệm lại, tôi nhận ra nền tảng cốt lõi nhất là mình yêu thích tự do, không đóng khung vào khuôn vàng thước ngọc nào cả. Nếu tự đóng khung rằng ta phải là ta, người xem phải nhận ra mình bằng phong cách nào đó thì không còn là tôi nữa. Đến tuổi này tôi nhận ra ta có là gì đâu. Mình đang muốn trốn cái ta, chỉ còn lại sự tự do, hoan lạc của tự do sáng tạo, vậy thì tại sao không gạt bỏ mà vươn đến?
* Có thể xem đây là yếu tố chính trong các tác phẩm của anh?
- Mục đích cao cả nhất của nghệ thuật là dùng tự do sáng tạo vượt qua con đê giới hạn của mình. Tôi chẳng biết mình có làm được không, chỉ biết trong lòng luôn hướng đến tự do tuyệt đối. Chẳng hạn, với vẽ sơn mài, nếu chỉ làm theo từng bước học được thì giỏi nhất, anh có thể trở thành nghệ nhân. Nhưng với nghệ sĩ, biên độ sáng tạo phải nhiều hơn. Tại sao anh không học và kế thừa những cái hay nhất đó làm nền tảng cho những sáng tạo mới hơn? Chỉ khi làm được như thế, ta mới thoát khỏi những giáo điều, những công thức đang trói buộc mình.
* Thời điểm anh mới tốt nghiệp, có khó để vượt qua những mô phạm đã được đào tạo?
- Không đâu, mọi thứ diễn ra rất tự nhiên. Ta lớn lên một cách bình dị như mọi người. Thích gì vẽ nấy. Những khao khát của tôi không có công thức, khẩu hiệu nào cả vì tôi trung thực với chính bản thân, cảm xúc, đời sống và đam mê trong mình. Không riêng hội họa, trong sáng tạo, trung thực với bản thân là yếu tố cốt lõi.
* Là một họa sĩ thành danh, bây giờ triển lãm, anh có quan tâm sẽ bán được bao nhiêu tranh?
- Thật may mắn vì hiện tại, tôi đã vượt qua được áp lực cơm áo. Cảm giác như thoát khỏi một gông cùm lớn. Với cá nhân tôi, nhu cầu tối thiểu rất ít ỏi nhưng khát khao dành cho nghệ thuật là vô cùng. Gánh nặng cơm áo là thách thức của tất cả nghệ sĩ. Ai cũng có những chặng đường gian nan. Tôi không ngoại lệ. Quan trọng là mình biết đủ, có ước mơ, có khát vọng. Ước mơ là món quà thượng đế dành tặng con người. Bất hạnh và buồn bã biết mấy cho những ai không có ước mơ! Bởi nếu không có hy vọng, không có ước mơ, con người sẽ không vươn đến được những vì sao, không thể chinh phục mặt trăng và khám phá nhiều điều hay ho.
* Cảm ơn anh đã chia sẻ.
Nhã Ca (thực hiện)
Ảnh: WIKING SALON