Dù vẽ nhiều về một chủ đề, tôi không thấy quá khó để sáng tạo
Phóng viên: Khi phụ nữ vẽ về phụ nữ, hẳn có lúc họ tự vẽ về mình trên tranh. Với chị thì sao?
Họa sĩ Đặng Thị Thu An: Tôi tìm cảm hứng vẽ ở nhiều tư liệu, tranh ảnh và từ sự quan sát đời sống, những phụ nữ xung quanh. Nguồn cảm hứng ấy là vô tận nhưng dù đa dạng chất liệu thì khi vẽ nhiều về nữ giới, thỉnh thoảng tôi cũng bí bách hình mẫu. Những lúc đó, tôi tự “chụp” mình ở những góc độ khó và vẽ lại.
Tôi cũng thuộc nhóm những người yêu bản thân thành ra khi vẽ, nhân vật đôi lúc cũng sở hữu những đường nét nào đó trên gương mặt tôi. Tất nhiên, tôi không tả thực mà có phần huyễn hoặc và mơ mộng về nhan sắc bản thân, nghĩa là dù vẽ chính mình thì đôi mắt ấy cũng to tròn hơn, đôi môi căng mọng và vóc dáng cũng thon thả hơn.
* Sẽ thế nào khi ngày tháng qua đi và chị chỉ vẽ về phụ nữ đẹp, chí ít, nhân vật phải “nói” điều gì đó trong tranh chứ?
- Vẻ đẹp bên ngoài chỉ là yếu tố phụ, điều tôi muốn nhấn mạnh là tâm trạng của nhân vật. Với một số trường hợp, vẻ đẹp bên ngoài khiến người khác choáng ngợp nhưng nhìn sâu hơn vào chi tiết, có thể thấy nhiều khổ đau, trắc trở, chưa trọn vẹn. Đôi lúc, tôi nghe được câu chuyện về một phụ nữ đẹp nhưng sống trong áp đặt, quản thúc thì chắc chắn khi cô ấy cười, nụ cười chẳng thể rạng rỡ, đôi mắt không thể ánh lên hạnh phúc thật sự.
Để cảm được tranh cũng tùy thuộc vào tâm trạng người xem. Có khi đang vui, họ lướt qua hoặc chỉ ồ à vì màu sắc, đường nét. Nhưng với một người mang tâm trạng, họ nhìn thấy nhân vật trong tranh đang buồn. Tôi không vẽ lộ rõ mọi cảm xúc mà chủ đích muốn mọi người tìm kiếm điều đó trong tác phẩm.
|
Tác phẩm Thị, chất liệu sơn dầu |
* Khi nhiều họa sĩ thử thách ở đa dạng chủ đề thì 15 năm qua, chị bình thản đi tìm vẻ đẹp của người phụ nữ trong tà áo dài. Sự lựa chọn này có lẽ không dễ cho việc sáng tạo, làm mới?
- Tôi gần như ám ảnh, không dứt khỏi những suy tưởng về hình ảnh người phụ nữ mặc áo dài. Có lẽ vì tôi sống ở Huế từ sau khi tốt nghiệp đại học cho đến nay, thường xuyên nhìn thấy nữ sinh Huế, phụ nữ Huế mặc áo dài nên tâm trí luôn nghĩ về hình ảnh này đầu tiên khi cầm cọ.
Dù vẽ nhiều về một chủ đề, tôi không thấy quá khó để sáng tạo. Nếu ngày trước, phụ nữ Việt chỉ có áo dài truyền thống, sau này xuất hiện thêm một số mẫu cách tân thì trong hội họa, tôi có thể “bung” tà áo dài đó đến tận 10 mét hoặc hơn thế nữa. Trong tranh, không phải bao giờ áo dài cũng phải đúng kích thước, khuôn mẫu. Ngay cả việc tranh cãi mặc áo dài sao cho đẹp, cách tân như thế nào cho đúng cũng giúp tôi có cảm hứng sáng tạo nên một bộ tranh.
Tôi chưa thấy sự nhàm chán khi vẽ phụ nữ mặc áo dài truyền thống nhưng có lúc, tôi thay đổi một chút ở trang phục của người mặc - vẽ thêm hoa văn để tăng sự vui mắt, cho người mẫu mặc áo dài với quần tất rực rỡ. Hoặc có lúc, người phụ nữ của tôi mặc áo yếm thay cho tà áo dài truyền thống. Mai sau, nếu có dừng lại chủ đề này thì do bản thân tôi thấy hứng thú với chủ đề khác, chắc chắn không phải từ sự trùng lặp hay “cạn” sáng tạo như mọi người nghĩ.
Không cổ vũ phụ nữ phải sống khác đời sống hiện có của họ
* Vẽ phụ nữ mặc áo dài với quần tất và nhiều sự kết hợp tưởng chừng lạ lẫm, phải chăng thông qua tranh, chị đang cổ vũ bản thân và nữ giới nói chung thoát khỏi những lề lối xã hội, quy chuẩn vốn có?
- Tôi không cổ vũ phụ nữ phải sống khác đời sống hiện có của họ mà chỉ muốn đưa ra những góc nhìn khác và sự lựa chọn nằm ở người thưởng lãm. Với người nhìn đơn thuần, sự kết hợp giữa áo dài và quần tất giúp họ thấy được sự vui mắt, mới lạ trong tranh. Tuy nhiên, lựa chọn vẽ đó cũng phần nào cho thấy tính cách người vẽ và thông điệp họ muốn gửi đến người xem. Với những hình ảnh truyền thống, tôi muốn phá cách một chút để bản thân đỡ nhàm chán, đơn điệu. Tôi thấy việc làm khác suy nghĩ thông thường của mọi người một chút giúp cuộc sống thú vị hơn.
Đương nhiên mọi sự sáng tạo phải nằm trong giới hạn cho phép vì hơn ai hết, tôi không cổ xúy cho những sự sáng tạo quá khác biệt. Chính tôi cũng đang muốn gìn giữ giá trị truyền thống, bản sắc. Nhưng nếu rập khuôn mọi sáng tạo, đi theo những tư tưởng đã được lập trình sẵn thì tôi e cuộc sống này thật tẻ nhạt. Như việc mặc định người vợ là phải chăm con, chăm chồng, hy sinh sở thích cá nhân vì hạnh phúc gia đình, quan niệm đó đâu còn phù hợp ở thời hiện đại. Phụ nữ bây giờ trước hết phải yêu lấy mình, sau mới đủ năng lượng để lo lắng cho những người xung quanh.
Nơi sống không quyết định tất cả. Nếu nói những cơn mưa dầm ở Huế khiến con người ủ ê cảm xúc, giảm năng lượng tích cực thì không đúng vì bản thân tôi không cảm thấy điều này. Bạn ở nơi nào cho bạn cảm thấy bình yên, phù hợp với mức sống của mình là được. Đâu thể vì cái nắng Phan Thiết, mưa Huế hay cái lạnh của Đà Lạt mà người làm nghệ thuật ở đó rời đi. Ai cũng có thể lựa chọn cho mình một nơi mình yêu thích để không quá bị tác động bởi ngoại cảnh và Huế đang là nơi cho gia đình tôi cảm giác bình yên, ngoài quê hương Đồng Hới, Quảng Bình”. Họa sĩ Đặng Thị Thu An |
* Về ba bức vẽ khỏa thân, chị muốn nói điều gì sau những lồ lộ da thịt vốn thường được họa sĩ nam vẽ nhiều hơn nữ?
- Với nghệ thuật, không nên có sự phân biệt nào cả. Việc tôi mang đến ba bức vẽ khỏa thân để tạo sự tương phản nhất định cho những vẻ đẹp e ấp, nền nã ở những bức vẽ khác. Nhìn ở khía cạnh nào đó, vẽ tranh khỏa thân cũng là một cách để tôi cho trí tưởng tượng của bản thân bay xa, thể hiện khao khát tự do của phụ nữ.
Cuộc sống này áp lực với mọi giới, không riêng phụ nữ nhưng tôi thấy đâu đó, người phụ nữ vẫn chịu thiệt thòi. Mỗi ngày bước ra đường, họ luôn mang theo nụ cười, cố gắng làm tròn mọi vai trò. Cho tới khi đêm về, lúc chỉ còn chính mình, không phải ai cũng có những phút giây riêng tư, tự do với cơ thể. Phụ nữ cũng có quyền được sống một cách vô tư, bay bổng, sống đúng với chính mình dù đó chỉ là trong tưởng tượng. Như bức Vườn hồng, tôi tưởng tượng, nếu bản thân có một khu vườn mộng mơ như thế, bản thân được cởi bỏ lớp vải dày - biểu trưng cho những áp lực cuộc sống khỏi cơ thể - thì lúc đó chẳng phải tôi tự do, mơ mộng nhất hay sao?
|
Du xuân có kích thước 140cm x 283cm - lớn nhất triển lãm, chất liệu sơn dầu |
* Đồng hành với chị là chồng chị - họa sĩ Nguyễn Đức Huy, dưới cùng một mái nhà. Chị làm sao để “giữ mình” khỏi những tác động, ảnh hưởng qua lại trong hội họa?
- Sự ảnh hưởng nhau trong nghệ thuật là điều khó tránh khỏi, huống hồ chúng tôi sống cùng nhau, yêu nhau. Ví như bạn đi ra ngoài, bạn thấy ai đó mặc chiếc áo hồng thật đẹp, bạn cũng muốn có nó thì khi tôi thấy anh sáng tạo được một màu đẹp, mới lạ, tôi cũng phần nào bị ảnh hưởng về màu sắc. Tuy nhiên, sự ảnh hưởng, tác động qua lại có lẽ chỉ dừng lại ở bảng màu, còn về cách tạo hình, kỹ thuật vẽ, chúng tôi khác biệt nhau.
Trong sáng tạo, mỗi người đều có lòng tự trọng nhất định. Không phải vì là vợ chồng mà khi tôi gặp khó ở một kỹ thuật nào đó, tôi nhờ anh và ngược lại. Chúng tôi tôn trọng nhau, chia sẻ cùng nhau nhưng đó là khi uống trà, tôi khen anh về bức tranh anh mới vẽ, anh động viên tôi về tác phẩm tôi mới hoàn thành. Còn những tác động về tư duy, suy nghĩ trong nghệ thuật không xuất hiện giữa chúng tôi.
* Cảm ơn chị đã chia sẻ.
Diễm Mi (thực hiện)