Họa sĩ Đặng Ái Việt: Người khắc họa chân dung mẹ Việt Nam anh hùng

07/07/2015 - 08:17

PNO - PN - Người phụ nữ bé nhỏ dựng chiếc xe cà tàng ở một góc, đeo túi vẽ “dã chiến” trên vai, bước lên bậc tam cấp. Mái đầu bạc quá nửa, làn da đã đốm đồi mồi nhưng bà vẫn nhanh nhẹn. Đó là họa sĩ (HS) Đặng Ái Việt,...

edf40wrjww2tblPage:Content

Hoa si Dang Ai Viet: Nguoi khac hoa chan dung me Viet Nam anh hung

HS Đặng Ái Việt đeo huy chương cho mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Nga

Mái tóc bạc trên cung đường gió bụi

HS Đặng Ái Việt năm nay đã “thất thập cổ lai hy” với hơn 40 năm trong nghề vẽ. Buồn vui của người tham gia lực lượng nữ thanh niên xung phong từ năm 15 tuổi, trải qua những tháng ngày chiến tranh dằng dặc không ít lần được bà trải ra trên các bức vẽ. Đến năm 1994, khi Nhà nước thi hành sắc lệnh công nhận danh hiệu “Bà mẹ VNAH”, bà thực hiện dự định ấp ủ bao năm.

Bà và các đồng đội khi xưa đã hẹn thề với nhau: “Sau chiến tranh, ai còn sống thì phải đi hết đất nước mình”. Từ đó, suốt từ Bắc chí Nam, không tỉnh thành nào thiếu vắng dấu chân của người phụ nữ nhỏ bé này. Chiếc xe Chaly bà mang gia cố lại, buộc phía sau chiếc thùng sắt có vài gói mì bên trong cùng dụng cụ sửa xe, thêm cái áo mưa, chiếc mái che tự chế… bà đã rong ruổi hang cùng ngõ hẻm để tìm gặp những mẹ VNAH, những người bà cho là “đã sinh ra dáng hình đất nước hôm nay”.

“Nắng miền Trung đã thấm thía gì đâu so với những con đèo chỉ chực xô xe bật ngửa ở Tây Bắc. Có khi vượt con suối ở thượng nguồn sông Đà, dòng nước chảy xiết muốn cuốn cả người lẫn xe của tôi. Nhưng bao nhiêu khó khăn cũng tan hết khi tôi được gặp các mẹ”, HS Đặng Ái Việt hồi tưởng. Vậy mà trong cuộc đua nước rút với thời gian ấy, vẫn có những lần nữ HS thất bại. Khi đến Lào Cai, HS Đặng Ái Việt bàng hoàng hay tin người mẹ VNAH cuối cùng của tỉnh vừa qua đời. “Cả nước 63 tỉnh thành thì chỉ 62 tỉnh có chân dung các mẹ, Lào Cai không có. Điều đó làm tôi xót xa”.

Đi đến đâu, HS Đặng Ái Việt đều tranh thủ viết nhật ký. Có những hành trình phải đội mưa băng rừng, chân loang những vệt máu vắt cắn, rồi những khi ngồi xe đến ê ẩm tấm lưng tuổi tác, mệt tới nỗi chỉ còn đủ sức để uống nước cầm hơi, bà vẫn nhất quyết viết lại năm ba dòng vì “mỗi trải nghiệm đều không thể gặp lại”. Trong cuốn sổ nhỏ chi chít những dòng chữ ghi vội dọc đường gió bụi, bà viết:

“Quảng Ngãi, 21/4/2010

Cán bộ chính sách xã Bình Nguyên, H.Bình Sơn nói: “Mẹ còn khỏe lắm”. Quả thật mẹ còn khỏe nhưng ta thì nghe lòng trắc ẩn khi không gặp mẹ ở trong nhà mà đang bán khoai lang ngoài chợ nhỏ. Nhiều người đang lựa khoai, đống khoai to bị bới tung, mẹ nhặt từng củ văng ra ngoài gom lại cho khách hàng chọn. Vẽ mẹ ngay tại chợ. Mẹ có người con độc nhất đã hy sinh…”.

Cuộc chiến qua lâu rồi, thời gian vẫn trôi, nhưng nỗi đau của các bà mẹ VNAH thì như còn mãi cùng những tờ giấy báo tử và tấm chân dung trên bàn thờ. Có mẹ may mắn được con cháu phụng dưỡng, có người thầm lặng sống với cô đơn. HS Đặng Ái Việt không bỏ lỡ bất kỳ khoảnh khắc nào để được gặp, được thể hiện tình yêu thương của mình, của thế hệ mình với các mẹ.

Bắt đầu vẽ từ 19/2/2010, đến nay, “gia tài” chân dung về mẹ VNAH của nữ HS đã lên đến hơn 1.288 bức. Những bức chân dung sau khi hoàn thành được triển lãm tại bảo tàng. Sẽ không bao giờ những bức vẽ ấy được đem ra ngã giá, sấp ngửa trong một cuộc bán mua nào. Bởi động lực sáng tạo của tác giả chỉ bằng lý lẽ thật giản đơn: “Đây không chỉ là đam mê mà còn là cách tôi tri ân đồng đội”.

“Con về với mẹ rồi đây”

Mỗi mẹ VNAH trên những nẻo đường đất nước đem lại cho HS Đặng Ái Việt một cảm xúc khác nhau. Bà trầm ngâm: “Tôi nhớ rõ hoàn cảnh từng mẹ”. Có mẹ rất yếu, muốn nói mà chỉ mấp máy môi, phải đỡ dậy mới gượng ngồi được. Có mẹ đong tấm lòng của mình rồi gửi vào chén nước đặt trước hiên nhà. Người nghèo đi qua, mẹ mời miễn phí để dịu cơn khát. HS Đặng Ái Việt không thể quên phút giây mẹ Nguyễn Thị Nga (P.8, Q.3, TP.HCM) đã xoa đầu gọi bà: “Con ơi!”. Khi ngồi cho HS phác thảo chân dung mình, mẹ cất tiếng hò buồn rười rượi:

“Hò ơ…

Xa cách trở Đông Tây Nam Bắc

Dạ đợi chờ biền biệt nhớ mong

Hò ơ…”
Lời ca xa vắng cất lên trong căn phòng bé nhỏ, giữa mùa hè Sài Gòn như xuyên qua năm tháng...

HS Đặng Ái Việt kể, rất nhiều lần đang vẽ mắt bà nhòe đi vì nỗi xúc động làm rưng rưng tâm trí. Bà nói, khi gặp một mẹ, nghĩa là bà đã cùng mẹ bước ngược ký ức, về với những tháng ngày bi hùng mà đau thương, về với những mất mát, cô đơn khó có ai hiểu hết. Có những cuộc hội ngộ hai người đàn bà tóc bạc ôm nhau khóc ngay từ phút đầu vì “con về kịp với mẹ rồi đây”.

Bà Đặng Ái Việt không bao giờ vẽ chân dung các mẹ đang rơi lệ. Bà lý giải, phải giữ gìn cho đời sau hình ảnh bất khuất kiên cường của những bà mẹ đã gạt nỗi đau riêng vì Tổ quốc. Mẹ VNAH trong nét vẽ của bà luôn đượm vẻ ưu tư nhưng không bi lụy, yếu mềm.

Khi chuốt xong nét cuối cùng của chân dung mẹ Nguyễn Thị Nga, gia tài của HS Đặng Ái Việt không chỉ có thêm một bức vẽ, mà bà đã có thêm một hình tượng để trân quý, yêu thương. Lòng người HS cũng mềm yếu trong nỗi hân hoan khi được nhận từ mẹ tình yêu mẫu tử. Hiện bà phải nhanh nhanh bước tiếp trong hành trình đi tìm những bà mẹ khác, trước khi bất lực hoàn toàn với sự khắc nghiệt của thời gian...

ÁNH MAI

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI