Hoạ sĩ-cựu binh Bùi Quang Lâm: Hội ngộ và san sẻ cô đơn

17/04/2017 - 15:07

PNO - Anh hỏi: “Nói chuyện với anh có sợ không?”, vì anh còn được gọi là “Lâm mặt thẹo” do vết sẹo dài bên má trái mang về từ chiến trường.

Cuộc triển lãm tranh chủ đề Miền đất lạ (đang diễn ra tại Hội Mỹ thuật TP.HCM), một triển lãm đặc biệt của người thương binh từ chiến trường K. - họa sĩ Bùi Quang Lâm. Đây là lần trở lại của anh, kể từ sau triển lãm Mưa, mà nhờ đó người họa sĩ - cựu binh ấy có dịp gặp lại đồng đội của mình, những người may mắn sống sót trở về.

Hoa si-cuu binh Bui Quang Lam: Hoi ngo va san se co don
Hoạ sĩ Bùi Quang Lâm


Trong câu chuyện của đồng đội, Bùi Quang Lâm là anh chiến sĩ trẻ từng nhiều lần nằm cáng cứu thương với những vết thương không hề nhẹ nhưng miệng vẫn giữ được nụ cười. “Ngày ra trận, chúng tôi đã không sá gì sống chết, chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh mà. Bị thương mà không chết là mừng rồi vì còn sống, còn chiến đấu, còn được nhìn thấy đồng đội, còn ngắm hoa rừng, ngắm trời xanh” - họa sĩ Lâm cười hiền.

Anh bảo, trên người anh nhiều sẹo lắm, có những vết thương còn gây di chứng mỗi khi trở trời. “Tôi ám ảnh chiến tranh vô cùng. Cái chết cận kề gang tấc, ngày nào cũng chứng kiến đồng đội ra đi ngay trước mắt. Những làng mạc bị đốt cháy… Mọi thứ đều là một sự hủy diệt tàn khốc”. Nhưng cũng thật kỳ lạ, không gian đã trở thành nỗi ám ảnh năm xưa giờ lại là một phần dĩ vãng không phai mờ trong tâm trí người họa sĩ tự nhận mình “vẫn nợ cuộc đời”. Không gian ấy từng được anh khắc họa trong những tác phẩm sơn dầu chủ đề Ký ức chiến tranh nhiều năm trước. 

“Trung đội tôi có 22 người, ngày trở về chỉ còn tôi và hai đồng đội khác. Người lính nào trở về cũng phải vất vả bắt đầu lại cuộc sống. Tôi may mắn hơn bạn bè vì được đi học, được làm điều mình đam mê, dù cuộc sống riêng cũng còn nhiều lận đận”, anh tâm sự.

Hoàn thành nhiệm vụ ở chiến trường Campuchia, anh về học tiếp khoa Văn (Trường ĐH Tổng hợp TP.HCM, nay là ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP.HCM), rồi học vẽ từ họa sĩ Trần Thanh Vân - giảng viên Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM.

“Hồi đó tôi mê vẽ nhưng học xong thì phải kiếm tiền bằng vẽ các panô quảng cáo vì gánh nặng mưu sinh, lo cho mình và cho đứa cháu mồ côi mẹ. Lúc đó chỉ biết làm kiếm tiền, đâu có thời gian, tiền bạc để chỉ vẽ những gì mình thích” - anh kể.

Nhưng, trở về từ chiến trường đã 30 năm, mọi thứ vẫn khôn nguôi trong lòng anh. Những vùng đất đã đi qua, cùng đồng đội, những ngày chiến đấu, những thoáng dừng chân bên rừng nhìn thấy một bông hoa, những phút hiếm hoi giữa đêm được ôm cây guitar  trong đôi phút…

Hoa si-cuu binh Bui Quang Lam: Hoi ngo va san se co don
Tranh của hoạ sĩ Bùi Quang Lâm chứa đựng ký ức của anh, trong đó có những mái nhà rêu phong cổ kính...


Bước ra từ những tàn khốc của chiến tranh nhưng hoạ sĩ Bùi Quang Lâm lại vẽ phong cảnh bằng những gam màu rất bình yên. Miền đất lạ của anh có dòng sông thanh bình của miền Tây, có con đường sương giăng trắng trời phương Bắc, có những mái nhà rêu phong cổ kính của đồng quê Bắc bộ…

“Campuchia vẫn là nơi để lại dấu ấn trong lòng tôi sâu nhất. Sống đến giờ này, tôi thấy quãng thời gian đó có ý nghĩa rất lớn, là phần ký ức quý giá nhất của đời mình. Năm xưa, khi bị thương nặng không thể chiến đấu được nữa, tôi về Việt Nam mà đêm nằm nhớ đồng đội không sao ngủ được. Nửa đêm tôi bò dậy gom quần áo một mình sang thăm bạn bè. Khi tôi đến đơn vị thì đồng đội đã vào trận. Đến giờ, nhiều đêm thức giấc tôi vẫn thấy nhớ da diết những ân tình cũ, những nhiệt huyết tuổi trẻ… Sau này, tôi đã đi rất nhiều nơi, nhưng chỉ có Campuchia là nơi tôi đến hoài không chán. Ở đó, bao đồng đội của tôi đã nằm lại, đi qua những mảnh đất quen lai nhớ từng dấu chân của mình năm cũ” - họa sĩ Bùi Quang Lâm bùi ngùi. 

Anh sinh năm 1960, những lần quay đầu nhìn lại chỉ thấy mình như kẻ độc hành đi tìm dĩ vãng. “Có những lúc tôi lang thang một mình, đi tìm một quán rượu ven đường, hay đi giữa những cánh đồng trong đêm sâu; thấy thật khắc khoải, cô liêu. Chính từ những chuyến đi qua những miền đất lạ ấy, tôi đã vẽ những bức tranh bằng ký ức sâu nhất của mình” - anh nói. 

Triển lãm lần này của anh gồm 54 bức tranh, được vẽ trong gần ba mươi năm, từ sau ngày trở về với đời thường. Nhiều bức chỉ thuần phong cảnh, rất ít tranh có bóng dáng con người. Những gam màu trầm, lạnh chiếm phần lớn tác phẩm. Đẹp và buồn. Như muốn thổ lộ một thân phận cô đơn. “Vẫn còn rất nhiều nơi tôi chưa kịp vẽ. Nhưng làm sao có thể khắc họa hết những cánh rừng. Cũng như với cuộc sống này, tôi đã nợ quá nhiều ân tình, có những món “nợ đời” không sao trả hết” - anh thở dài. 

Ngày tổ chức triển lãm cá nhân, chủ đề Độc thoại hơn sáu năm trước, anh từng nói, anh đến với hội họa không mong cầu tiếng tăm hay có nhu cầu bán tranh, mà là một cách để tự chữa trị nỗi đau trong tâm hồn. Hội họa như một điểm tựa, sự an ủi, giải thoát đối với những bế tắc tưởng chừng không thể vượt qua trong anh. Sống sót trở về từ trong chiến tranh, anh còn long đong lận đận với hạnh phúc riêng, mà anh chỉ có thể nói được một câu: “Tôi từng có vợ có con. Cuộc chia tay đó đã làm tôi đau khổ rất nhiều”.
 

Hoa si-cuu binh Bui Quang Lam: Hoi ngo va san se co don
 


Những bức tranh tại triển lãm được niêm yết giá bán từ 7-10 triệu, nhưng quý mến ai là họa sĩ Bùi Quang Lâm tặng ngay. “Cứ chọn đi, chọn bức nào thấy thích” - anh nói với bè bạn yêu tranh, như thể cuộc triển lãm chỉ là cách để người họa sĩ được hội ngộ và san sẻ nỗi cô độc sau những phiêu linh sáng tạo của mình.

 Tiểu Quyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI