Vượt qua 1.549 dự án để lọt vào vòng chung khảo và đoạt giải thưởng sáng tạo trị giá 120 triệu đồng của cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp lần thứ 4 (do Hội LHPN Việt Nam tổ chức) là dự án có tên “Hoa ốc” của chị Trần Thị Ngọc Hiếu, 36 tuổi, ở Q.1, TP.HCM.
Một tuần sau khi cuộc thi kết thúc, chị Hiếu vẫn chưa hết xúc động. Chị nói: “Tôi không thể tin dự án của mình được chọn dù tôi rất tâm huyết với nó, say sưa nó. So với nhiều dự án, ý tưởng của các thí sinh khác, dự án của tôi nhỏ bé, chỉ có thể tạo việc làm, thu nhập cho một nhóm nhỏ những người khuyết tật và góp chút công sức vào việc bảo vệ môi trường”.
Ngọc Hiếu là con thứ ba trong gia đình có sáu anh chị em, ở H.Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai. Di chứng của cơn sốt bại liệt hồi bốn tuổi khiến bàn tay phải của Hiếu mất dần cảm giác, đôi chân không còn đi lại được. Nhưng cô bé vẫn cháy bỏng giấc mơ được sống bình thường và ham học hỏi. Do sức khỏe không tốt nên việc học của Hiếu đã dang dở vào năm lớp 12. Để cuộc sống được vui hơn, có thu nhập và thấy mình còn có ích, Hiếu nhận giữ trẻ tại gia. Công việc khá tốt nhưng cô vẫn cảm thấy không vui trong lòng vì nó chưa phải là nghề nghiệp cô mong đợi.
Năm 2008, Hiếu nghe nói có một công ty sản xuất tranh đá quý ở TP.Thủ Đức nhận đào tạo nghề miễn phí cho người khuyết tật, cô đã thuê xe ôm đến tận nơi tìm hiểu. Mê mẩn trước những bức tranh đá quý, Hiếu quyết tâm chuyển nghề. Nhưng từ Nhơn Trạch sang Thủ Đức là một quãng đường quá xa nên gia đình không ủng hộ. Vậy là Hiếu trốn nhà đi học làm tranh. Đây là giai đoạn thị trường tranh ghép đá quý đang nở rộ. Nhưng khi bắt tay vào nghề, cô mới biết mọi chuyện không dễ dàng. Người thợ làm tranh đá quý phải biết nhìn đá, chọn đá (từ saphia, ruby, thạch anh, tourmaline…) cho đến giã đá, rửa đá, sấy khô, rang, sàng, rải đá, đổ keo… Trong khi sức khỏe của Hiếu không được tốt, tay phải không linh hoạt.
Hiếu nhớ lại: “Lần đầu gặp tôi, anh giám đốc công ty thở dài. Anh sợ tôi mất thời gian mà không làm được việc. Thực tế thì tôi đã khóc nhiều lần, vì đôi tay không làm theo cái đầu mình mong muốn”. Nhưng chỉ vài tháng sau, cả xưởng tranh đã ngỡ ngàng và khâm phục trước những bức tranh vô cùng sống động về Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết hay chân dung nhân vật Nick Vujicic... do Hiếu chế tác. Những bức tranh của Hiếu làm ra được giới làm nghề ca tụng là “thổi hồn vào đá”. Được động viên, đam mê trong cô càng thêm mãnh liệt.
Trần Thị Ngọc Hiếu
Năm 2014, sau một lần hợp tác làm tranh từ vỏ ốc với một thương gia người Anh khá thành công, Ngọc Hiếu quyết định đi theo con đường này. Chị nói: “Tranh đá quý đòi hỏi vốn nhiều, nguyên liệu khai thác từ thiên nhiên cũng ngày càng cạn kiệt. Trên thị trường xuất hiện nhiều tranh đá quý nhưng thực chất không phải là đá. Tôi thấy việc chuyển sang làm tranh ốc là phù hợp hơn. Vỏ ốc có sẵn ngoài biển, nó được người ta xem như rác. Mà khi mang vỏ ốc về làm tranh, rác ấy được tái sinh”.
Vậy là trong bảy năm qua, từ những chiếc vỏ ốc, chị đã làm nên hơn 1.000 bức tranh và các vật dụng đời sống như bình hoa, hộp trang sức, cài tóc, vòng tay, khung ảnh… Những vỏ ốc vô tri, bị bỏ đi, qua đôi tay của chị, trở lên lung linh, đa hình dạng và hữu dụng. Tranh và vật phẩm từ vỏ ốc do chị làm ra rất bắt mắt khách tiêu dùng. Có những bức tranh chị mang đấu giá để giúp trẻ em nghèo, giúp đồng bào bị bão lũ miền Trung được khách mua đến vài chục triệu đồng. Chị quyết định mở cửa hàng, thu nhận học viên. Sau nhiều đắn đo, cuối cùng, giữa năm 2020, cửa hàng tranh của chị Hiếu đã được khai trương tại số 3/1 Đề Thám, P.Cô Giang, Q.1, TP.HCM. Xưởng sản xuất, Hiếu đặt ở 585/10 Quốc lộ 13, P.Hiệp Bình Phước, Q.Thủ Đức.
Nhớ ơn người giúp mình học nghề khi trước, chị ưu tiên nhận người khuyết tật vào phụ việc, học nghề. Chị nói: “Thật ra, người khuyết tật chỉ gặp bất tiện chút xíu chứ không quá bi thương đâu. Nhưng nhờ cái sự bất tiện ấy mà chúng tôi lại có ưu điểm là luôn tự tìm kiếm, tự tạo ra những thuận lợi để cuộc sống của mình được tốt hơn. Khi có nghề, có đam mê, thì như tất cả mọi người, chúng tôi sẽ phấn đấu hết mình vì nghề nghiệp và đam mê ấy”.
Hơn một năm qua, dù ảnh hưởng dịch bệnh, nhưng người phụ nữ nhỏ bé ấy vẫn kiên trì giữ nghề. Bởi cửa hàng và công việc giờ đây không chỉ của riêng chị mà còn là cuộc sống của những nhân viên khác. Đây là lý do thôi thúc chị tham gia cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp lần thứ 4 - năm 2021. Đến với cuộc thi, chị không đặt nhiều kỳ vọng vào giải thưởng mà chỉ mong muốn mở một con đường cho những phụ nữ khuyết tật như mình. Chị nói: “Cảm động lắm. Ngay từ khi bắt đầu lên ý tưởng dự án, tôi đã được các chị ở Hội LHPN Q.1 động viên. Biết tôi chưa từng làm Power point để thuyết trình, các chị nhờ người trợ giúp. Khi vào cuộc thi, tôi mới biết, không chỉ là cuộc thi đơn thuần mà còn là sự tiếp sức khởi nghiệp cho chị em phụ nữ của Hội LHPN Việt Nam”.
Sáng 15/10, trong buổi lễ trao giải cuộc thi, đầu cầu tại TP.HCM đã vỡ òa với những tràng pháo tay, nước mắt và nụ cười khi ban tổ chức công bố dự án “Hoa ốc” của chị Trần Thị Ngọc Hiếu đoạt giải thưởng sáng tạo với giá trị giải thưởng lên đến 120 triệu đồng.
Dự án “Hoa ốc” ngay khi chưa đoạt giải đã mang đến cuộc sống cho những người khuyết tật, phụ nữ khó khăn. Và với kết quả hôm nay, chắc chắn những bông hoa ốc ấy sẽ mở ra những trang đời mới hơn nữa.
Dự án “Hoa ốc” của chị Trần Thị Ngọc Hiếu mong muốn đồng hành, dạy nghề và tạo việc làm giúp nâng cao giá trị bản thân cho những người yếu thế. Sản phẩm của dự án gồm tranh đá quý, khung hình và bình hoa được làm thủ công với điểm nhấn là những bông hoa bằng vỏ ốc có màu sắc tự nhiên.
Đối tượng khách hàng dự kiến sẽ là những nam nữ 20 - 25 tuổi, là sinh viên các trường đại học, là những học viên của những buổi hội thảo, phụ nữ từ 35 - 40 tuổi là nhân viên văn phòng có thu nhập từ 10 - 15 triệu đồng/tháng tại những thành phố lớn và khách hàng từ 55 - 60 tuổi, đặc biệt là khách nước ngoài.
Vốn cố định và vốn lưu động cho dự án vào khoảng 100 triệu đồng. Dự kiến doanh số sẽ tăng lên năm lần trong năm năm, giải quyết việc làm cho mười lao động.
Nguồn nguyên liệu chính là vỏ ốc được thu mua từ các bờ biển, đặc biệt là những vỏ ốc vỡ, vỏ chai rượu cũ.
Dự án được xác định không có đối thủ, do công việc lẫn sản phẩm đều độc đáo và đặc biệt. Mỗi sản phẩm được thiết kế riêng, thời gian hoàn thành mỗi sản phẩm từ 2 - 3 giờ đến 2 - 3 ngày.
“Tôi là một phụ nữ khuyết tật, hơn ai hết tôi hiểu một người khuyết tật mong muốn có việc làm như thế nào, chính vì thế thông qua dự án này tôi muốn hướng đến những người yếu thế, giảm rác thải, và hy vọng có thể truyền động lực đến những chị em phụ nữ khác” - chị Hiếu nói.
Sản phẩm của chị Trần Thị Ngọc Hiếu
Nhiều hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp
Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp do Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức, là hoạt động quan trọng của đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025”, nhằm tìm kiếm, hỗ trợ để hiện thực hóa các dự án/ý tưởng khởi nghiệp của chị em phụ nữ.
Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp lần thứ 4 - năm 2021 có chủ đề “Phụ nữ khởi nghiệp nâng tầm thương hiệu sản phẩm OCOP” tổng kết đúng dịp 91 năm ngày thành lập Hội LHPN Việt Nam (20/10). Cuộc thi lần này đã thu hút 1.549 dự án/ý tưởng tham gia, 24 dự án tiêu biểu đã được trao giải với tổng giá trị giải thưởng gần 2,5 tỷ đồng. Chị Trần Thị Ngọc Hiếu đã vinh dự nhận giải thưởng sáng tạo trị giá 120 triệu đồng.
Trong bốn năm qua, cuộc thi đã nhận được gần 3.500 ý tưởng/dự án thuộc nhiều lĩnh vực, đối tượng tham gia. Đến nay, chỉ riêng cuộc thi ở cấp Trung ương, đã có 139 dự án/ý tưởng được hỗ trợ hiện thực hóa với tổng kinh phí trên 38 tỷ đồng.
Không chỉ dừng ở cuộc thi, mà Hội LHPN còn có nhiều hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp. Riêng tại TP.HCM, từ năm 2016 đến năm 2021, Hội LHPN các cấp đã tổ chức 91 lớp sơ cấp nghề, 785 khóa hướng dẫn nghề ngắn hạn cho 2.317 hội viên phụ nữ; phối hợp tổ chức các sàn giao dịch việc làm tổ chức các buổi chuyên đề định hướng nghề, giúp hội viên phụ nữ tiếp cận, kết nối trực tiếp với doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động, tăng cơ hội việc làm cho chị em. Sau các khóa học trên 65% chị em tìm được việc và tự tạo việc làm cho mình, nhiều chị em đã mạnh dạn khởi sự kinh doanh. Bên cạnh đó, để giúp chị em khởi nghiệp thành công, Hội đã giới thiệu tiếp cận và thực hiện ủy thác, cho vay tín chấp trên 1.000 tỷ đồng từ nguồn vốn vay ưu đãi.
Những năm gần đây, khoai mỡ được giá, nhiều hộ đã tăng sản lượng. Với giá bao tiêu là 9.000 đồng/kg, người trồng khoai sẽ có lời khoảng 20 triệu đồng/1.000m2.