Gặp Tuyết Thu lần đầu khi cô còn là gương mặt trẻ triển vọng của sân khấu 5B, lần thứ hai lúc cô vừa lấy chồng, lần thứ ba khi hai con cô đã lớn, vẫn nhận được cảm giác dễ chịu toát ra từ người phụ nữ điềm tĩnh, nhẹ nhàng, chân thành, giản dị. Tổ ấm của Tuyết Thu đã hơn 13 năm gây dựng, gắn bó, bình yên mà cô bảo mình có bí quyết gì đâu, tất cả chỉ từ sự yêu thương chân thành.
Dạy con yêu thương
Nhiều người từng ngạc nhiên chuyện cô đào xinh đẹp, tài năng lấy người chồng làm trong ngành công an lớn hơn cô đến 10 tuổi. Nghề nghiệp khác biệt, tâm tính hai người cũng đối lập. Anh Dũng, chồng Tuyết Thu là người hoạt bát, xởi lởi, giản dị, rất nhiều bạn bè.
Trong khi đó, từ thời trẻ, Tuyết Thu có tiếng trong giới là người nghiêm cẩn, thậm chí hơi khó tính. Họ đến với nhau từ sự mai mối của đồng nghiệp, bạn bè ở sân khấu 5B. Tuyết Thu gật đầu làm vợ anh Dũng vì nhận ra người đàn ông ý chí, nghị lực làm nên sự nghiệp từ hai bàn tay trắng; người đàn ông hiếu thảo, trách nhiệm, sau khi thành công dang tay đùm bọc hết mấy anh chị em; người bạn chí tình đi đâu cũng được yêu quý, nể trọng.
Kể về cuộc đời nhiều sóng gió của chồng trước khi gặp mình, mắt Tuyết Thu lấp lánh tình yêu thương, tự hào.
Sinh ra trong gia đình đông anh em nhưng bị ly tán, anh Dũng một mình dạt lên thành phố kiếm sống, gầy dựng sự nghiệp. Tuổi thơ của anh là những tháng ngày lang thang bán bong bóng, bánh tiêu trên đường phố Sài Gòn. Cuộc sống vất vả, tự lập đã rèn cho anh ý chí, bản lĩnh của người đàn ông, làm nên tính cách nồng ấm, chân thành, tình nghĩa với mọi người. Sau khi thành công, anh trở về quê cũ, đưa hết bảy anh em đang lưu lạc về Sài Gòn, đùm bọc giúp đỡ trong vai trò như một người cha.
Hiểu cuộc đời của chồng và hiểu chồng, Tuyết Thu chẳng bao giờ phản đối, cằn nhằn khi thấy anh lo lắng cho người thân, đùm bọc anh em của mình. Khi có doanh nghiệp riêng, anh chia sẻ công việc, tiền bạc cho mọi người. Lúc nào trong đầu anh cũng có những tính toán chuẩn bị khi người này người kia lập gia đình, thì mình phải có phần quà nào tương xứng, cháu chắt học hành anh sẵn sàng coi chuyện đóng học phí là việc của mình.
|
Gia đình bên nhau |
Tuyết Thu bảo những lo toan của anh là cao thượng và cao quý, nên là vợ, cô chấp nhận vui vẻ, tự hào. Chỉ thỉnh thoảng cô và chồng tranh luận với nhau vì chồng thì xuê xoa, rộng lượng, cho là cho, không nghĩ xem cho thế nào thì có ích hơn. Lúc nào cũng sợ anh chị em mình khổ, buồn. Tuyết Thu thì nghĩ khi cho phải làm sao để sự giúp đỡ ấy mang cả ý nghĩa vật chất lẫn tinh thần, không làm cho người nhận ỷ lại.
Câu chuyện về cuộc đời cha, cách sống của cha Dũng luôn được mẹ Tuyết Thu nhắc nhở với con trai, con gái và làm nên nền tảng cơ bản trong việc cô dạy dỗ con cái: làm gì thì làm, điều đầu tiên cần phải có là tình yêu thương người thân, ruột thịt, sự gắn bó với gia đình, anh em, cô chú, ông bà.
Ở nhà Tuyết Thu, dù đi đâu, bận gì chăng nữa, hễ cuối tuần các con phải cùng bố mẹ về thăm bà ngoại. Cô thích những dịp sum họp cả nhà đầm ấm bên nhau. Con cái lớn lên có nhu cầu riêng, có khi bắt đầu lười, sao nhãng về thăm ông bà, nhưng Tuyết Thu và chồng luôn cố gắng để việc đó trở thành nền nếp không được bỏ qua của gia đình. Với những người thân khác, cô luôn nhắc nhở các con thỉnh thoảng phải gọi điện, thăm hỏi, chia sẻ thông tin vui buồn.
Gia đình Tuyết Thu có một tài sản khá lớn mà cả nhà hết sức trân trọng, là những băng đĩa hình do chính cô quay lại những khoảnh khắc vui vẻ, đầm ấm của cả nhà . Từ ngày có con, cô không bỏ sót những khoả nh khắc hạnh phúc của các con. Đi du lịch hay những khi con sinh hoạt ở trường, cô đều thu xếp đi theo và tự tay ghi lại, sau đó nhờ dịch vụ cắt ghép, lồng tiếng.
Đến giờ, đã là những cô cậu tuổi mới lớn, các con Tuyết Thu vẫn thích được cùng bố mẹ xem đi xem lại hình ảnh thời thơ ấu. Lượng băng đĩa ấy không chỉ là tài sản tinh thần quý giá mà còn là công cụ giúp các con hiểu được sự gắn bó yêu thương có thể làm nên hạnh phúc lớn đến như thế nào.
"Tôi muốn các con giữ được nền nếp sống của người Á Đông, gắn bó với gia đình. Tôi sợ các con nhiễm cách sống lạnh lùng, coi tự do, độc lập của bản thân mình là trên hết", Tuyết Thu tâm sự.
Dạy con sống
Quyết định chọn trường công cho con là một trong những điều khó khăn và phải cân nhắc nhiều lần, mất nhiều thời gian nhất của vợ chồng Tuyết Thu. Cô bảo: “Vợ chồng tôi có đủ điều kiện cho con học trường quốc tế, nhất là vào những thời điểm có nhiều chuyện, nhiều thông tin không mấy hay trong môi trường học đường, vợ chồng suy nghĩ dữ lắm. Nhưng rồi vẫn quyết định cho con học trường công, để các con có thể sống, lớn lên, phát triển trong đúng cuộc sống mà mình đang sống”. Học trường công là phải ăn trưa, ngủ trưa trong phòng học nóng bức, là phải học thêm, là phải đi ra ngoài để tìm thêm những giờ học kỹ năng sống, là bố mẹ phải sắp xếp thì giờ đưa đón, kèm cặp… Nhưng chính những khó khăn đó giúp bố mẹ và các con học được cách thu xếp thời gian để làm được mọi việc và ở bên nhau nhiều hơn.
Khác với các ông bố bà mẹ khác thường phân vân, lo ngại chuyện con tiếp xúc với tiền bạc hay với thực tế cuộc sống có nhiều mặt trái, nhiều khó khăn, vợ chồng Tuyết Thu luôn để con hiểu rõ mọi việc thông qua sự hướng dẫn của mình. Cô bảo chẳng phải chỉ ông xã phải bươn chải kiếm sống, từ ngày còn nhỏ, khi còn đi học, cô đã biết làm ra tiền, hiểu giá trị và cách sử dụng tiền.
Cô bảo: “Mẹ tôi hay lắm. Từ nhỏ tôi học được ở bà sự tháo vát, lanh lẹ, linh hoạt. Một mình bà nuôi bảy anh chị em chúng tôi. Hết việc này là bà xoay việc khác, không bao giờ chịu bó tay trước hoàn cảnh. Bà mua chỉ cho tôi tập thêu, mua tỏi, chiên bánh cho các anh chị tôi đi bán, bà nhận nấu đám, nấu tiệc… Ngày thi vào trường Sân khấu điện ảnh, tôi có nói với mẹ là nếu thất nghiệp, tôi cũng không sợ vì tôi biết thêu thùa, biết may, biết móc… Tôi có đủ nghề để có thể lo được cho bản thân mình. Và tất cả những điều đó cũng trở thành bài học để tôi dạy các con”.
|
Cùng nhau trong các chuyến du lịch |
May mắn có người chồng làm trụ cột nhưng Tuyết Thu vẫn đi diễn kịch, đóng phim. Cô bảo vì mình mê nghề cũng có, nhưng phần lớn vì cô không muốn trong mắt con cái, mình là người phụ nữ ở nhà chồng nuôi.
Đi làm là một cách dạy con của cô, là cách cô nói với con rằng con người ta không thể ngồi không mà có ăn. Nếu các con muốn có cuộc sống tốt đẹp thì phải học hành, phải lao động ngay từ khi còn nhỏ. Những câu chuyện về tuổi thơ tự lực kiếm sống của ba mẹ vẫn luôn được cô và ông xã nhắc nhở, kể lại để các con ghi nhớ. Cho con tiền để tiêu vặt, và chỉ dẫn việc chi tiêu, tiết kiệm tiền cho con với Tuyết Thu cũng là một kỹ năng sống mà trẻ cần biết. Trẻ không chỉ biết giá trị của đồng tiền mà còn biết cách làm ra đồng tiền để phục vụ những nhu cầu của chính mình.
Không chỉ cho các con học võ, học các môn năng khiếu mà các con thích, Tuyết Thu và ông xã còn cổ vũ các con tham gia những hoạt động của trường, các phong trào đoàn đội, các hội khỏe Phù Đổng… Cô vui khi thấy con mình trưởng thành trong các hoạt động xã hội, linh hoạt và năng nổ, học được cách sống trong tập thể, chia sẻ với bạn bè. Cô luôn nhắc các con đừng sống thụ động mà biết cách sử dụng cái đầu của mình trong mọi tình huống.
Với những bài học về tình yêu thương và kỹ năng sống, Tuyết Thu và ông xã tin rằng mình đang từng bước trang bị cho các con hành trang tốt để mai này các con bước vào cuộc sống.
Song Văn