Nguyễn Hải Khánh khiêm tốn, rằng, lọt vào “mắt xanh” của nhà tuyển dụng rồi chính thức gia nhập đội ngũ nhân viên Công ty Internet Google, là điều may mắn, khi mà mỗi ngày, “gã khổng lồ” này tiếp nhận hàng ngàn đơn xin việc gửi về từ khắp nơi.
Nhưng, những ai thân quen Khánh, hiểu rằng may mắn kia không đơn giản chỉ là... may mắn.
Quyết tâm mạnh mẽ
Tháng Năm, Đà Lạt những ngày trời không lạnh. Ngồi xếp giúp con vài món đồ cho chuyến đi xa mà lòng vợ chồng ông Nguyễn Văn Lai - bà Nguyễn Thị Vân không khỏi chạnh buồn. Với họ, niềm vui, hạnh phúc khi cậu con trai Nguyễn Hải Khánh (SN 1994) sắp bước vào một lộ trình tốt đẹp, thênh thang không có nghĩa mong ước đoàn viên, sống gần con - như bất cứ bậc sinh thành nào - được khỏa lấp. Ông Lai chia sẻ : “Cha con tôi chưa bao giờ sống bên nhau được quá một năm, bây giờ xa nhau tiếp”. Cùng với việc thu xếp hoàn thành luận văn tốt nghiệp cử nhân, Khánh đang có những ngày tất bật chuẩn bị sang Anh, trở thành thực tập sinh cho công ty Facebook. Đến tháng 1/2017, Khánh sang Úc, đầu quân chính thức cho “ông lớn” Google.
|
Nguyễn Hải Khánh chính thức gia nhập đội ngũ nhân viên Công ty Internet Google |
Công tác trong quân đội 20 năm đằng đẵng, số ngày ông Lai về thăm vợ con đếm trên đầu ngón tay. Mãi đến năm 2008, chuyển về giảng dạy ở Học viện Lục quân (TP.Đà Lạt), ông mới thực hiện được khao khát đoàn tụ gia đình. Dù vậy, lúc này Nguyễn Hải An - cậu con trai lớn học lớp 12 muốn thi vào trường ĐH Bách khoa Hà Nội, nên xin ở lại quê. Chỉ Khánh và mẹ vào Đà Lạt. Ba tháng “hòa nhập”, Khánh nhanh chóng thích nghi, kịp tham gia cuộc thi toán - tin dành cho học sinh khối lớp 9 toàn tỉnh Lâm Đồng, giành quán quân. Em còn đạt giải nhì quốc gia kỳ thi giải toán trên máy tính Casio khu vực phía Nam tổ chức tại Cần Thơ.
“Khánh luôn dành cho gia đình những bất ngờ, luôn đặt chúng tôi vào chuyện đã rồi trước những lựa chọn của con” - ông Lai hồi tưởng những ngày Khánh vừa xong lớp 9. Một sáng, chìa ra tờ thông báo, Khánh bẽn lẽn: “Họ bảo con đủ điều kiện thi tuyển, khi nào có lịch thi, bố mẹ đưa con về Sài Gòn dự thi nhé”. Hóa ra, cậu con âm thầm tìm hiểu công tác tuyển sinh của trường THPT Năng khiếu (thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM) và tự gửi đơn ứng tuyển.
Chưa bao giờ có ý nghĩ con sẽ rời gia đình vào thời điểm ấy, Khánh thì chưa có một hình dung nào về Sài Gòn, cha mẹ không khỏi thấy bất an. Ông bà “bị” con thuyết phục: “Đó là môi trường nhiều cạnh tranh, con muốn thử sức một lần xem sao”. Không đặt nặng chuyện thành - bại của con, thậm chí, nếu con… rớt lại càng hay, bởi sẽ không phải xa con, nhưng vài tuần sau, vợ chồng ông Lai nhận được giấy báo con đỗ vào trường với số điểm rất cao.
Đối nghịch với háo hức của con, bậc sinh thành lo lắng. “Khánh chưa từng sống xa mẹ, lại mới được đoàn tụ với cha, 15 tuổi, làm sao con có thể tự lập giữa Sài Gòn thênh thang”, bà Vân băn khoăn. Khánh nói với cha mẹ: “Bố mẹ hãy tin ở con. Vì nếu con là đứa trẻ không ngoan thì dù có sống bên bố mẹ, chưa chắc con nên người”. Giữ lời hứa, suốt ba năm phổ thông, Khánh luôn vào tốp học sinh có thành tích nổi bật, được tuyển thẳng vào khoa Công nghệ thông tin Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM.
Nhưng Khánh vẫn chưa thấy bằng lòng với mình, khi một lần nữa chia vui với người thân: “Ở trường đại học có một lớp gọi là Chương trình tiên tiến, quy tụ tầm 50 sinh viên ưu tú/khóa thông qua thi tuyển. Con đã thi đậu vào lớp này rồi”.
|
Gia đình của Khánh |
Giao ước cuối đời
Bà Vân nhớ lại, ngày còn học lớp 3, Khánh rủ anh trai xin mẹ mua cho một chiếc máy vi tính. Bất ngờ trước rào đón của các con: “Mẹ ơi, sau này xã hội hiện đại, người ta chủ yếu dùng máy vi tính, giờ tụi con muốn được làm quen để sau này không bỡ ngỡ”, bà Vân “mách” lại với chồng. Cuộc nói chuyện “giữa những người đàn ông với nhau” diễn ra sau đó qua điện thoại. An và Khánh cam kết có máy vi tính sẽ học hành tốt hơn.
Vài tháng sau, hai người “đàn ông nhỏ” lại nghiêm túc trình bày: “Nếu như nhà mình có lắp mạng internet, tụi con sẽ nắm nhiều kiến thức hơn, học giỏi hơn vì có nhiều thông tin phải tra trên mạng mới biết được”. Bày tỏ băn khoăn của mình trước tình trạng không ít trẻ bỏ học, nghiệ n internet, bà nhận được “lý lẽ” của con: “Mẹ an tâm, nếu con mê game thì đi học về, tụi con cũng có thể trốn mẹ để rẽ vào đâu đó, còn ở đây tụi con chỉ muốn tiện cho việc học của mình”. Một bản cam kết được soạn ra, bên A là cha mẹ có trách nhiệm “lắp mạng internet cho con”, bên B là anh em Khánh với nhiệm vụ “để học giỏi hơn”. Cam kết sẽ bị hủy bỏ lập tức nếu bên B có một thành viên học hành sa sút.
Bà Vân trải lòng: “Đó là lần đầu tiên tôi coi các con như “đối tác”, để chúng ý thức hơn về trách nhiệm của mình”. Niềm tin của vợ chồng bà trở thành hạnh phúc, khi mỗi ngày, An và Khánh thi nhau mổ xẻ từng câu chuyện đọc trên mạng bằng những lập luận, phân tích, cách nhìn rất “người lớn”, kết quả học tập ngày càng tốt hơn. Không có sự chăm sóc, đốc thúc của người cha bên cạnh, nhưng từ nhỏ, hai anh em Khánh đã xác tín hình ảnh muốn trở thành, hướng đến: “Sẽ giỏi giang như bố”.
Dù trong ký ức của Khánh và An, hình ảnh bố chỉ là “người đầu tiên đạt tấm bằng xuất sắc của trường sĩ quan pháo binh”. Ngoài những cuộc gọi đều đặn đầy yêu thương, nhắn nhủ của ông Lai, sự gần gũi giữa cha con họ chỉ là những lần An, Khánh ngã dúi trước bậc cửa khi thoáng thấy bóng cha về nhà, thi nhau nhào vào lòng cha. Bà Vân xúc động:
“Không có những chiều cha con nắm tay nhau đi dạo, không có những tối cha dạy học cho con như hình ảnh gần gũi, thân mật của nhiều gia đì nh khác. Tôi nói với các con rằng phải học giỏi để bố an tâm công tác, không nặng lòng lo lắng cho gia đình”.
Nghe lời mẹ, mỗi bằng khen, mỗi danh hiệu học sinh giỏi trở thành động lực để An, Khánh thêm tự tin, hãnh diện những ngày bố về nghỉ phép. Không ham chơi, anh em Khánh dành nhiều thời gian mày mò, khám phá các thiết bị máy móc. Ti vi hư, máy cassette cũ đều “bị” An, Khánh thỏa sức nghiên cứu. Máy vi tính hư, hai anh em cũng tự sửa chữa. Có lần, biết máy vi tính nhà hàng xóm hỏng, An và Khánh xin được sang… sửa giúp. Lúc về, Khánh chìa khoe mẹ cây kem: “Con sửa được nên bác Lan cho con”. “Chính đam mê với những chiếc máy tính khiến em muốn trở thành kỹ sư công nghệ thông tin” - Khánh tâm sự.
Khánh thường xuyên tìm hiểu hoạt động lẫn tuyển dụng của các công ty nhằm ước lượng sức mình. Năm thứ hai đại học, em đăng ký dự tuyển vào một công ty của Nhật có chi nhánh tại Singapore. Dù bộ phận tuyển dụng yêu cầu ứng cử viên phải tốt nghiệp đại học, Khánh vẫn liều nộp đơn tham gia. Ngay sau cuộc phỏng vấn, Khánh bất ngờ nhận đề nghị ký hợp đồng làm việc cho công ty khi hoàn thành chương trình đại học. Tuy vậy, Khánh từ chối, bởi vẫn còn hai năm phía trước với rất nhiều cơ hội. Năm ba đại học, Khánh nộp đơn cho “gã khổng lồ” Google, hy vọng được đầu quân thành nhân viên chính thức; đồng thời nộp luôn đơn xin thực tập tại công ty Facebook. Trải qua nhiều cuộc phỏng vấn ở hai công ty, cuối cùng, mong mỏi nào của Khánh cũng trở thành hiện thực.
***
Khánh tâm niệm, ước mơ không sẵn có, nhưng không phải không thể có. Ước mơ giống như con đường tiềm ẩn để khai phá và vượt qua, bằng nỗ lực của mình. Ngày 13/5, Khánh đã lên đường sang Anh, trải nghiệm những ngày tháng thực tập tại công ty Facebook, sau cuộc giao lưu với các bạn trẻ diễn ra tại trường đại học của mình.
Tự hào về con, và chạnh buồn khi ngẫm ngợi ngày tháng ngắn ngủi con được ở bên mình, nhưng vợ chồng ông Lai không quá lo lắng, vì “không biết nấu cơm, giặt giũ hay bất cứ va vấp, nản lòng nào con cũng đều chia sẻ với chúng tôi” - bà Vân tâm sự. Ông bà động viên con: “Chỉ cần con cố gắng một chút, mọi chuyện sẽ giải quyết được thôi”. Sự tin tưởng, khích lệ kịp thời của cha mẹ, là động lực để Khánh không ngừng bước tới.
Tuyết Dân