PNO - “Thuở nhỏ và đến tận bây giờ, tôi không bao giờ so sánh với bạn rồi đòi hỏi hay ganh tị. Có mơ ước chăng chỉ là ước được một lần mẹ chở mình đi chơi. Mãi không được..."
Mẹ bị tật chân do sốt bại liệt thuở nhỏ, lúc mẹ mới cấn bầu thì ba mất, nghèo khó luôn vây hãm tuổi thơ, thử hỏi có bao giờ chạnh lòng tủi phận khi so sánh với bạn bè, chị Nguyễn Thị Mai An (SN 1974, ngụ xã Trung Chánh, H.Hóc Môn, TP.HCM) chân thành đáp: “Thuở nhỏ và đến tận bây giờ, tôi không bao giờ so sánh với bạn rồi đòi hỏi hay ganh tị. Có mơ ước chăng chỉ là ước được một lần mẹ chở mình đi chơi. Mãi không được. Cho đến khi lớn lên, biết chạy xe đạp, tôi tự hiện thực ước mơ của mình bằng cách… chở mẹ đi chơi”.
Nương vịn nhờ nhau
Giữa tiếng máy may lịch kịch của chị Mai An để hoàn thành chiếc áo dài kịp giao cho khách, từng nhịp đời của mẹ góa con côi hiển hiện theo lời kể lúc trầm buồn, nghèn nghẹn, lúc rộn rã, sôi trào của mẹ chị An - bà Nguyễn Thị Kim Oanh. Trong chuỗi ngày buồn khổ, bệnh tật, thiếu thốn trăm bề, nhớ nhất là trận bệnh thận thập tử nhất sinh của bà hồi những năm 80. Mai An khi đó mới học cấp một đã vừa may vá kiếm tiền vừa chăm sóc mẹ. Nằm ở bệnh viện tỉnh An Giang sáu tháng ròng, không khỏi bệnh, mẹ xin chuyển lên tuyến trên.
Xe vừa tới cổng BV Chợ Rẫy, TP.HCM đã quay đầu trở về, khiến bà Oanh hoang mang, chẳng biết xoay xở thế nào. Ngay lúc bà thất thần, bế tắc thì có một bàn tay nắm lấy: “Mẹ yên tâm đi, còn có con!”. Bà Oanh lịm dần nhưng vẫn cảm nhận hơi ấm từ bàn tay bé xíu của con mình. Chẳng chần chờ, cô bé lùi lại đằng sau, lấy trớn đẩy xe lăn lên dốc cao. Nhìn hướng mũi tên, An đưa mẹ đến phòng xét nghiệm, thử máu, nước tiểu... Tối đó ở bệnh viện, bà Oanh liên tục nôn ói, tiêu chảy, lại là bờ vai nhỏ của con gái cho bà nương vịn.
Bà Oanh và chị Mai An dạo chơi ở đường Nguyễn Huệ, Q.1, TP.HCM
Dời sang điều trị ở BV Nguyễn Trãi, ba tháng hè Mai An theo dìu đỡ mẹ, đi chợ, nấu ăn cho mẹ theo đúng thực đơn và cách nêm nếm nghiêm ngặt của bác sĩ; đi xe buýt về nhà người quen giặt giũ quần áo. Nhìn cô bé mới tí tuổi đầu đã biết ria vòi nước cho trôi sạch cát từng bẹ cải để nấu canh cho mẹ ăn, các bệnh nhân khác và cả bác sĩ cứ xuýt xoa: “Thấy thương gì đâu! Con nhà ai mà giỏi”.
Gần hai năm ròng bà Oanh điều trị bệnh, căn nhà ở Long Xuyên phải bán đi. Ngày rời BV Nguyễn Trãi, bà Kim Oanh chực trào nước mắt khi bác sĩ dặn dò bà phải nghỉ dưỡng, không được thức khuya, làm việc quá sức vì bệnh có thể tái phát. Rồi đây, làm sao bà có thể nuôi con ăn học? Dòng nước mắt lại nối dài khi bà về quê, nhìn thấy con gái nhem nhuốc, tóc dài thượt, rối đanh vì không biết tự chăm sóc (nuôi mẹ bệnh ở TP.HCM, đến ngày tựu trường, Mai An đã phải về quê đi học). Ôm ghì con vào lòng, từ vô thức bà Oanh vọng lên câu hỏi “ba con đâu, rồi mẹ của con? Sao để con thế này?”.
Về quê, bà Oanh dắt con đùm túm tá túc căn phòng trên lầu cao của một người bạn. Cô bé Mai An như con thoi giữa những bậc thang, khi xách nước từ tầng trệt lên, lúc mua thuốc cho mẹ, khi đi học ghé giao quần áo, mua phụ liệu may, thức ăn… Có lần nhà không còn một đồng, hũ gạo trống trơn, Mai An lục trong tủ thấy có vài bộ quần áo trẻ em, lẳng lặng mang ra chợ bán. Người thấy thương đứa bé phải sớm ra chợ đời, người hù dọa: “Ăn cắp đồ của ai đem bán? Tao kêu công an bắt à!”.
Mai An mếu máo: “Dạ, đồ này là của mẹ con may. Nếu hổng tin, chú theo địa chỉ này ghé hỏi mẹ con đi. Mẹ con đang bệnh nằm ở nhà đó”. Vật lộn với buổi chợ quê, đến trưa bán được số đồ, Mai An mua, xách lủng lẳng về nhà một ký gạo, một bó rau muống, hai bó củi chẻ. Bà Oanh nhớ như in những lần đang nấu nướng mà hết củi chụm, biết nhà không còn tiền, Mai An mới bảy tuổi âm thầm đội nắng như đổ lửa đi quơ bẹ dừa, nhánh cây khô dọc mé sông hoặc lội bộ hơn cây số sang nhà ngoại xin củi, đội về một thúng đầy.
Tầm gửi? Không!
Ở trọ, ở nhờ mãi 17 năm sau, bà Oanh mới được an cư với vợ chồng con gái. Với tiền tích lũy từ nghề may và người thân tặng, dù cũng có thể mua một căn nhà tại TP.HCM nhưng bà đã dồn hết cho con học đại học, ngành du lịch. Bà không định nghĩa được từ mẹ, chỉ biết trong thời túng quẫn, khi đói quá, bà mua gói xôi 200 đồng ăn cũng thấy có lỗi với con; lo cho con ăn mặc nguyên lành, sạch sẽ, phần mình bận sao cũng được đến nỗi có người nhắc “chị là thợ may mà “mang chài mang lưới” rồi còn ai dám đến may đồ?”.
Vốn mặc cảm tật nguyền đến nỗi thời còn đi học, bà đến lớp sớm hơn và ra về muộn hơn các bạn để không phải băng qua đoạn sân có hàng trăm ánh mắt ngó nghiêng. Nhưng từ khi có con, bà vượt qua tất cả. Bà nghĩ, mặc cảm ở người mẹ chắc chắn sẽ lan sang con, mất mát nhân đôi, sức mạnh giảm nửa thì tại sao người mẹ không chọn sống tự tin, tự hào? Đơn thân nuôi con, nghề dạy học đã không còn thuận lợi, bà xoay sang nghề may thêu rồi mở lớp dạy may, thu nhập không thua kém bao người lành lặn.
Một người tốt từng có nhã ý giúp đỡ hai mẹ con chỗ ở tại TP. Long Xuyên, chu cấp gạo ăn hàng tháng, bà cảm ơn nhưng liền từ chối: “Sống trong bảo bọc thì đâu còn gọi là sống. Tôi biết nghề may, con tôi khỏe mạnh, có học thức. Mẹ con tôi cố gắng tự tạo cuộc sống cho mình”. Bà Oanh tin cách sống “nói không với… tầm gửi” tác động đến con, giúp con tự lập, không dựa nhờ, không thực dụng. Nếu là người ngại khó, sợ hãi trước cuộc mưu sinh thì con hẳn đã khác.
Vì bận chăm con nhỏ (bé gái đầu lòng cùng cặp con trai song sinh), chị Mai An buộc gác lại đam mê ngành du lịch nhưng vẫn tạo thu nhập bằng nghề may của mẹ. Bà Oanh cho rằng, khi con đứng vững được trong cuộc sống thì sẽ trách nhiệm, quan tâm, hiếu thảo với mẹ, không coi mẹ là gánh nặng. Nhất là khi con đã lập gia đình, sẽ không phân vân, khó xử hay phải chịu phép đánh đổi đau lòng giữa các mối quan hệ.
Lòng hiếu kính, áp lực con một của chị Mai An càng bị thử thách khi bà Kim Oanh ở tuổi 75 đổ nhiều chứng bệnh. Bị viêm gan siêu vi C, viêm khớp, bà nhức mỏi rã rời, cộng thêm chứng cao huyết áp, đau bao tử… Hành trình chăm bệnh mẹ già của chị Mai An giờ đã có người “chung lưng đấu cật” - chính là ông xã - nhà báo Duy Quốc, biên tập viên báo Người Lao Động. Nghe mẹ bệnh, chàng rể hộc tốc về ẵm mẹ đưa đi, khi vào Bệnh viện H.Hóc Môn, khi vào bệnh viện chuyên khoa ở trung tâm TP.HCM. Đưa đến phòng cấp cứu, anh lại quày quả trở về nhà lo giữ con, tiếp tế cơm nước, đồ đạc… để vợ vào “trực chiến” bên giường bệnh.
Nhiều bận sợ con vất vả, tốn kém, bà Oanh giấu bệnh, cố gượng cười, gượng nói. Nhưng không qua được tầm quan sát của các con vì thấy bà bỗng dưng… hay nằm, không buồn nấu ăn, buông chiếc bàn thêu, bỏ dở những bản thảo bà viết gửi đăng báo. Có lần năn nỉ mãi bà không chịu đi khám, anh Quốc tiến lại giường, siết tay bà, nói: “Mẹ để tụi con lo, cốt sao để mẹ sống vui khỏe hoài với con cháu. Bộ mẹ không coi con là con sao?”. Lặng đi vài giây, bà gật đầu rồi “ngoan ngoãn” hợp tác cho con gái soạn đồ, con rể ẵm ra xe.
Mẹ con bà Kim Oanh hôm sớm bên nhau với nghề may, thêu
Hỏi trong “sự nghiệp” làm mẹ của mình, có gì khiến bà cảm thấy chưa trọn vẹn, bà Oanh bộc bạch: “Giá như mình có của cải, sẽ dốc hết cho con để con có thời giờ chăm sóc cháu mình tốt hơn”. Sống giản đơn, gọn gàng, tiết kiệm, bà ít có nhu cầu cá nhân, những gì không cần thiết thì miễn bớt. Khi vợ chồng chị Mai An định mua chiếc xe lăn cho bà dễ dàng di chuyển trong nhà, bà gạt đi vì có thể tận dụng… chiếc xe đồ chơi bằng nhựa của cháu ngoại. Với bà, tiền là quan trọng, nhưng mục đích cốt lõi cuối cùng là vun đắp tình cảm gia đình.
Được mất vô thường, bà càng nhận rõ trong cuộc sống có những thứ bỏ lỡ không thể mua lại bằng tiền. Cũng như lần bà cắc củm dành dụm mua lãnh Mỹ A biếu má mình, má không dùng mà lại đem cho. Sau nhiều phen như thế, bà ức lòng nói: “Những gì con đem về cho má là con phải nhịn. Con thương má, mua tặng má thì má cứ xài, chứ đừng đem cho người ta…”. Má không nói năng chi, mặt thoáng sa sầm. Lớn tuổi, trải nghiệm đủ mùi vị cuộc đời, bà mới thấy mình có “gen” của má - thích sớt chia, san sẻ. Hóa ra “cho đi” mang về niềm vui. Chị Mai An đang làm người chuyên chở niềm vui khi thay bà đến giúp những người bất hạnh.
Bà Oanh trộm nghĩ, ước gì thời gian quay lại, bà sẽ không nói câu đó để má buồn. Cũng như lần chị Mai An xin đi núi Sập chơi để chia tay các bạn học chung lớp 12, bà không cho phép nhưng chị vẫn đi. Vừa giận vừa lo, mắng phạt, đánh đòn con xong, bà bùi ngùi nghĩ lại “con có quyền đi chơi, có quyền đón lấy cuộc sống của riêng mình”. Bà đã kịp xin lỗi con và nhận từ Mai An nụ cười bao dung. Đỏ hoe mắt khi lần giở ký ức, chị Mai An chia sẻ: “Mẹ cho mình hết cuộc đời của mẹ, nhưng mình lại chưa làm tròn bổn phận. Ví như có mười điều ở người con hiếu thì mình chỉ mới làm được một hai. Còn nợ mẹ nhiều lắm!”.
Tình yêu của chồng đã sưởi ấm trái tim tưởng chừng nguội lạnh của chị. Chị viết: “Tôi nhìn mọi thứ trong cuộc sống nhẹ nhàng hơn sau những chuyến đi...".