edf40wrjww2tblPage:Content
Người ta thêu dệt nhiều câu chuyện. Hơn hai năm sau, bà đón chồng và ba con cùng sang Pháp. Khi ấy, cuộc ra đi của Họa Mi mới được hiểu rõ: bà phải đi để chồng được sang Pháp trị bệnh. Trước khi đi, nghệ sĩ Lê Tấn Quốc đã xác định nếu mắt mình chữa được, ông sẽ ở lại, còn nếu không ông sẽ quay về Việt Nam vì không muốn mình trở thành gánh nặng cho vợ nơi xứ người.
Bác sĩ lắc đầu, ông quay về, dù biết cuộc chia ly này là vĩnh viễn. Không thể kiềm cảm xúc trước câu chuyện nhiều nước mắt đó, nhạc sĩ Lam Phương đã viết ca khúc Em đi rồi. “Khi anh Lam Phương đưa bài hát, tôi xin phép anh được đặt lại lời, vì tôi là người trong cuộc, hiểu được nỗi đau đó như thế nào”, Họa Mi kể.
Em đi rồi sau đó được Họa Mi hát trên sân khấu hải ngoại và trở thành ca khúc gắn với tên tuổi bà, làm bao người rơi nước mắt với những câu hát “Em đi rồi từ đây tiếng hát cô đơn, biết chia cùng ai nỗi buồn trên xứ người… Dù tình thật xa, tình vẫn còn đây…”. Nhiều năm sau bà lập gia đình lần hai, ngày cưới của bà có cả nghệ sĩ Lê Tấn Quốc và vợ mới đến dự.
Được nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ phát hiện và mời hát từ năm 1974, cô gái 19 tuổi Trương Thị Mỹ được ông đặt nghệ danh là Họa Mi, như một cách “tả thực” về giọng hát trong veo của cô. Họa Mi nhanh chóng nổi tiếng, rồi kết hôn với nghệ sĩ saxophone Lê Tấn Quốc. Nhưng, cuộc đời thăng trầm cùng với nỗi đau chia cắt với người chồng, đã khiến Họa Mi tắt tiếng hát nơi xứ người lạnh lẽo…
Gần 30 năm kể từ ngày xa quê hương, lần đầu tiên bà xuất hiện trên sân khấu trong nước ở chương trình Sol vàng - Trở về mái nhà xưa... tối 13/6 tại Nhà hát Hòa Bình. Nghệ sĩ Lê Tấn Quốc là người mà bà mong mỏi có mặt trong đêm diễn nhất. Con chim họa mi hót trên dòng saxophone vẫn là hình tượng đẹp của hai người, dù mọi thứ đã quá vãng. Nỗi đau xưa vẫn còn dù thời gian có làm phai đi nhiều thứ, nên ông vẫn chưa gật đầu đồng ý.
* Từ Trương Thị Mỹ, bà đã trở thành Họa Mi, cái tên không thể thiếu ở phòng trà Maxim’s như thế nào?
- Nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ tìm đến khi tôi đang là nữ sinh của trường Gia Long và cũng đã học ở Học viện âm nhạc quốc gia hai năm. Tôi thích âm nhạc nên học vậy thôi chứ không bao giờ nghĩ mình trở thành ca sĩ. Ngày đó tôi cũng hay hát cho các chương trình của trường, có lần được hát trên ti vi.
Nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ phát hiện tôi từ một chương trình trên ti vi, tìm và đào tạo tôi, mời tôi hát cho phòng trà Maxim’s và đặt cho nghệ danh Họa Mi. Đó là những ngày rất vui. Sau năm 1975, tôi đi hát cho đoàn Kim Cương cùng với Lệ Thu, Thái Châu, Sơn Ca… Năm 1988, tôi định cư tại Pháp.
* Nhiều người nói, cuộc đời Họa Mi đáng được hưởng hạnh phúc hơn là liên tiếp nhiều năm đắng cay, để đến hát cũng phải từ bỏ...
- Mọi thứ đều thuộc về số phận. Tôi lấy chồng sớm, vừa hát vừa nuôi ba đứa con. Như bao nhiêu người khác, ca hát ngày ấy không thể kiếm được nhiều tiền. Mọi chọn lựa đều mang nhiều nước mắt. Nhớ lại, giai đoạn đau buồn nhất của cuộc đời có lẽ là những ngày tôi chỉ một mình nơi xứ người. Tôi 33 tuổi, không bạn bè, không người thân, không biết bắt đầu từ đâu, tiếng Pháp cũng không biết. Tôi nhớ gia đình, nhớ Việt Nam.
Thật không thể tả sao cho hết những ngày đó. Sau khi đoàn tụ, tôi lại một mình nuôi ba đứa con nhỏ ở xứ người. Thời gian đầu, tôi còn đi hát cho một trung tâm âm nhạc, nhưng sau khi trung tâm đó dời từ Pháp sang Mỹ, tôi không còn chỗ hát nữa, cũng không thể lưu diễn xa vì còn ba đứa con. Rồi tôi lập gia đình lần hai vào năm 1995. Ông xã tôi có một cơ sở bánh kem, tôi phụ việc kinh doanh cho chồng nên cũng không có thời gian nghĩ đến việc hát.
* Chim họa mi chọn một cuộc sống không còn tiếng hát, còn gì buồn hơn thế?
- Không hát nữa, tôi nhớ sân khấu kinh khủng. Có giai đoạn tôi không dám nghe bất kỳ bài hát nào vì sợ nhớ. Buồn chứ, nhưng biết phải làm sao. Chọn gia đình là vì tôi muốn ba đứa con có được sự chăm sóc tốt nhất, bởi hoàn cảnh đã khiến các con là những đứa trẻ thiếu hụt tình cảm. Hoàn cảnh là thứ mình không thể thay đổi được, tôi chỉ có thể làm tốt nhất những gì cần làm. Nếu khi ấy đang sống ở Việt Nam, chưa chắc tôi đã làm được, nhưng tôi đang ở Pháp. Tôi không có phương tiện hay chọn lựa khác.
Pháp không có nhiều người Việt, lại sống rải rác, nên muốn sống với ca hát là không thể. Ông xã tôi thì làm việc không xuể, nên tôi phải phụ chồng. Mọi thứ đều không dễ dàng gì, nhưng tôi luôn tự nhủ mình rằng rồi cũng sẽ qua. Thời gian quả nhanh như chớp mắt, mới đó đã 27 năm, và tôi xa âm nhạc cũng đã khá lâu. Nghĩ lại, tôi không giỏi gì, có lẽ giỏi nhất là biết chấp nhận thực tế.
- Năm 2010 tôi về theo lời mời của công ty Phương Nam, họ mời tôi thu âm ba CD. Đúng là khi ấy tôi đã muốn đi hát lại, nhưng công việc kinh doanh của gia đình vẫn nhiều việc quá, tôi không thể để một mình ông xã xoay xở được. Bốn đứa con (Họa Mi và người chồng thứ hai có một con chung - PV) đã có cuộc sống riêng, ngoại trừ con út, nên không phụ giúp gì được. Chồng tôi là người Việt sống ở Pháp từ bé, ga-lăng và thấu hiểu nhưng công việc của anh nhiều quá.
Một lần nữa tôi lại chọn gia đình. Tôi lại quay về Pháp. Giờ thì mọi thứ đã ổn định nên khi Sol vàng mời, ông xã bảo: anh có thể tìm được người thay việc em rồi, em nhận lời đi. Vậy đó, tôi mất đến 5 năm, lâu thật!
* Đã lâu không đứng trên sân khấu nhưng lần này bà sẽ hát suốt hai tiếng đồng hồ. Bà có lo lắng không?
- Lo lắm chứ. Thật ra lúc nào đi hát tôi cũng lo cả, dù hát một, hai bài. Tôi lo không biết mình có hát tốt không, khán giả đón nhận mình thế nào… Lần này dĩ nhiên là lo hơn bao lần khác rất nhiều. Khách mời của tôi là Chung Tử Lưu, Xuân Phú và Quỳnh Lan. Trong liveshow lần này, tôi sẽ hát lại những bài hát cũ, có một bài nhạc Pháp… Tôi dành hẳn một chương nhạc chỉ gồm các bài hát của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ, như một sự biết ơn ông. Sau Sol vàng, tôi sẽ tập trung vào việc đi hát lại, về Việt Nam nhiều hơn.
VÕ HÀ