Chị được ví như "họa mi áo trắng" của trẻ tự kỷ, khi chị mạnh dạn nghỉ làm ở một bệnh viện công danh tiếng để lập trường chăm sóc, miễn giảm học phí cho trẻ tự kỷ có hoàn cảnh khó khăn.
Bùng cháy hết mình dù mang bệnh nan y
Chúng tôi biết đến thạc sĩ tâm lý Kiều Thanh Hà thông qua câu chuyện về những bệnh nhi, đặc biệt là những bé bị bệnh tự kỷ. Bản thân chúng tôi cũng như nhiều phụ huynh khác, bị những chia sẻ trên trang facebook cá nhân của chị cuốn hút. Đó luôn là những câu chuyện hết sức nhân văn về cách chăm sóc một đứa trẻ mắc bệnh tâm lý như thế nào, những hồi chuông cảnh báo cho xã hội khi mà vì cuộc sống hối hả, bận rộn với miếng cơm manh áo, các bậc cha mẹ đôi khi không quan tâm đầy đủ đến bệnh lý của con.
Nhìn vào chị, người ta cảm nhận rằng chị rất bận rộn, chị yêu công việc và các bệnh nhi của mình tới mức… “trưa đi ngủ phải ghé vào nằm với các bé một lúc”. Thời còn làm ở Bệnh viện Tâm thần Trung ương II và Bệnh viện Nhi Đồng 2, người ta hay thấy chị làm MC, tham gia ca hát trong các hoạt động của bệnh viện. Thậm chí mọi người gặp chị ở các chương trình ca nhạc từ thiện.
Mới đây nhất, chị Hà còn làm ca sĩ trong đêm nhạc Blouse Trắng “Đĩa cơm trên tường” do các bác sĩ tại TP.HCM khởi xướng. Trên trang facebook cá nhân của chị, thỉnh thoảng chúng tôi thấy xuất hiện các clip do chị tự biểu diễn, những bài hát nhí nhảnh tràn đầy sức sống, giọng ca trong vắt.
Chúng tôi ai cũng ngưỡng mộ chị vì vui vẻ, hoạt bát lại có giọng ca trời phú. Khi thấy một phụ huynh bệnh nhân quan tâm, dặn dò chị phải giữ gìn, đang bệnh đừng làm việc quá sức, tới lúc đó chúng tôi mới biết chị bị… ung thư vòm họng đã được hai năm.
Khi chúng tôi hỏi, bằng sức mạnh nào, đang mang trong mình căn bệnh nan y, chị vẫn có thể cháy hết mình cho công việc (khám bệnh, chăm sóc bệnh nhi tự kỷ, tham gia các hoạt động thiện nguyện 14 tiếng mỗi ngày) như thế? Bệnh ung thư vòm họng dường như không thể cản trở nổi tình yêu với ca hát của chị?
Chị mỉm cười, bảo: “Chẳng biết mình dựa vào gì để có sức khỏe như vậy. Mình chỉ biết một điều, với bản tính vô tư, ít lo lắng, ham vui nên gần như quên mất đang bị bệnh. Hơn nữa, hằng ngày, công việc tiếp xúc với bệnh nhân khá nhiều nên mình không có thời gian để nghĩ về bệnh tật của bản thân”.
Rất ít người biết, chị Kiều Thanh Hà có năng khiếu ca hát từ nhỏ. Khi còn là học sinh, các chương trình văn nghệ của trường, chị đều tham gia. Tới lúc là sinh viên, chị kiêm thêm “nghề” MC, hát cho các đơn vị, phường, xã. Chị từng đi thi , thi . Tới bây giờ, căn bệnh nan y ung thư vòm họng khiến nửa khuôn mặt của chị bị cứng cơ.
Để cất tiếng hát, chị rất khó khăn khi cử động môi, miệng và lưỡi. Không thể hát những bài hát trữ tình cần luyến láy, chị lựa chọn những bài hát tiết tấu nhanh, vui nhộn, khéo léo che lấp nhược điểm của mình. Chị chia sẻ với chúng tôi đầy hứng khởi, rằng mình đang tham gia vào một ban nhạc đường phố. Nhóm của chị sẽ biểu diễn theo phong cách sôi động tại các nơi công cộng như công viên, chợ. Mục đích của ban nhạc là quyên tiền cho bệnh nhân nghèo. Dự tính ban nhạc đường phố này sẽ chính thức hoạt động từ ngày 15/3.
Bỏ bệnh viện công để mở trường chăm sóc trẻ tự kỷ
Trò chuyện với chị, ngoài ca hát, các câu chuyện lại quay về chủ đề trẻ em mắc bệnh tự kỷ. Dường như đây là vấn đề khiến vị chị đau đáu và dành nhiều tâm huyết nhất. Chị mải miết kể về thân phận những đứa trẻ không biết chán, như thể đó chính là một phần của đời chị. Các trường hợp khiến chị ấn tượng không bao giờ quên được là hai bé bị hội chứng tự kỷ có hoàn cảnh đặc biệt.
Trường hợp thứ nhất là một cặp vợ chồng trong giới showbiz. Khi đưa con đến bệnh viện khám, bác sĩ thông báo bé đã bị mắc hội chứng tự kỷ. Từ đó, hai vợ chồng mâu thuẫn, chán nản và ly hôn. Anh chồng giành quyền nuôi con. Qua sự giới thiệu từ người quen, anh đã đưa bé đến gặp chị Hà với mong muốn con được can thiệp. Do nhà xa và tính chất công việc, người bố thường xuyên đón con trễ.
Cho tới một ngày, chị Hà biết ông bố không còn đủ sức đóng học phí cho con nữa vì công việc bấp bênh. Cảm thương cho đứa trẻ, chij mang bé về chăm sóc mỗi khi bố của bé bận đi diễn xa. “Tôi miễn giảm học phí cho bé và thường kết nối facebook với bố mẹ của bé để họ nhận thức tốt hơn về trách nhiệm của mình. Sau hai năm can thiệp, giờ bé đã ra được trường mầm non hòa nhập. Điều đáng mừng hơn hết là bố mẹ bé đã trở lại với nhau”, nói tới đây chi Hà xúc động rớm nước mắt.
Trường hợp thứ hai còn tội nghiệp hơn. Bé này cũng bị tự kỷ. Cha làm nghề vá xe dạo, mẹ làm công nhân. Ngày mẹ đưa bé gặp chị, người phụ nữ ấy đang ở bờ vực của sự tuyệt vọng. Chị Hà nhớ lại: “Cô ấy đã vác bé đi khám khắp nơi, ai nói gì nghe nấy, thậm chí uống thuốc nam, bấm huyệt… nhưng không hiệu quả. Hai vợ chồng luôn trong trạng thái căng thẳng về bệnh tật của con”.
Nhằm giúp đôi vợ chồng chấp nhận thực tế của con, kiên trì chiến đấu, chị Hà đã miễn 100% học phí để họ bằng lòng cho bé được điều trị. Từ đó tới nay đã ba năm, em bé cải thiện rất tốt những hành vi của trẻ tự kỷ. Tuy bé còn chưa nói được nhưng về mặt nhận thức, kỹ năng tự lập thì tiến bộ rất nhanh. Nhờ thế, bố mẹ bé không còn căng thẳng nữa.
Thanh Huyền